Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 21-06-2018] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp năm 14 tuổi. Ba năm sau đó, trong khi vẫn đang học trung học, tôi đã bị buộc phải rời khỏi nhà và thường xuyên phải di chuyển trong vòng 6 năm để tránh bị bức hại. Năm 2009, tôi đã bị bắt và kết án tù ở tuổi 23. Cuối cùng tôi trở về nhà vào năm 2017, sau 8 năm tù đày. Giờ đây tôi 32 tuổi.
Trải nghiệm huyền năng của Pháp Luân Đại Pháp khi còn nhỏ
Từ khi còn nhỏ tôi đã hay ốm đau và đến năm 1998 thì tôi bị ốm nặng. Hàng ngày tôi phải tiêm và uống thuốc ở một phòng khám địa phương, nhưng các triệu chứng của tôi ngày càng tồi tệ. Bác sỹ ở đó không thể tìm ra bệnh của tôi và cuối cùng đã bảo bố mẹ đưa tôi đến bệnh viện lớn hơn. Tôi nửa mê nửa tỉnh khi bố mẹ đưa tôi trở về nhà.
Ngày hôm sau, bố mẹ đưa tôi đến bệnh viện tuyến trên gần nhà bà ngoại tôi bằng xích lô. Bố mẹ quyết định nghỉ ở nhà bà ngoại trước và nhờ bác tôi trợ giúp. Khi đến nhà bà, bố mẹ đặt tôi vào giường để đợi bác về. Tôi nghe thấy bà nói với mẹ về Pháp Luân Đại Pháp. Khi mọi người nói chuyện, tôi cảm thấy đầu óc mình trở nên thanh tỉnh và cơ thể khỏe hơn. Tôi ra khỏi giường và bắt đầu đi ra ngoài. Mẹ tôi sốc khi thấy tôi ngồi dậy được và đi loanh quanh. Tôi nói với mẹ là tôi ổn, rằng chúng tôi không phải đến bệnh viện nữa. Nhưng mẹ tôi vẫn lo lắng. Sau đó bác tôi đưa tôi đến bệnh viện vào ngày hôm đó, và bác sỹ không tìm thấy ở tôi có bất kỳ điều gì bất thường cả.
Tôi ở với bà ngoại vài ngày để học các bài công pháp Pháp Luân Đại Pháp. Tôi về nhà cầm theo một cuốn Chuyển Pháp Luân và bắt đầu tu luyện Đại Pháp.
Đột phá can nhiễu và học Pháp
Tôi bắt đầu tu luyện khi học lớp 7. Hồi đó những ngày học ở trường rất dài. Tôi thường đến trường lúc 5 giờ sáng và phải đến tận 8, 9 giờ tối mới về đến nhà. Trong ngày tôi không có thời gian học Pháp, nhưng khi về nhà thì tôi luôn đọc vài trang trong cuốn Chuyển Pháp Luân, thậm chí không ai từng phải nhắc tôi đọc sách.
Có một lần, một đồng tu nào đó đã tổ chức nhóm học Pháp cho các tiểu đệ tử trong suốt kỳ nghỉ đông. Có khoảng 12 tiểu đệ tử, bé nhất khoảng 7,8 tuổi và lớn nhất khoảng 20 tuổi. Hàng ngày chúng tôi cùng nhau học Pháp và luyện công. Đó là khoảng thời gian đẹp nhất.
Tôi thậm chí học Pháp hàng ngày cho đến tận kỳ thi vào cấp ba. Bố tôi muốn tôi nỗ lực hơn nữa trong việc học hành, vì thế tôi đã đóng cửa sổ và học Pháp vào ban đêm để bố không thể nhìn thấy ánh sáng trong phòng tôi. Thỉnh thoảng tôi bị buồn ngủ trong khi học Pháp, vì thế tôi đã đứng dậy để đọc. Tôi tự nhủ rằng mình cần phải phá trừ can nhiễu này và gia cường ý chí tu luyện.
Tôi cũng gặp phải các loại can nhiễu khác. Ví dụ, khi tôi muốn học Pháp trong kỳ nghỉ hè hoặc đông thì bọn trẻ con hàng xóm rủ tôi chơi với chúng. Chúng chơi bài ở phía ngoài nhà tôi và cười đùa ầm ĩ. Thỉnh thoảng tôi chạy ra chơi với chúng, nhưng hầu như tôi chống lại được cám dỗ đó và ở trong nhà học Pháp. Nhìn lại, tôi nghĩ rằng nền tảng học Pháp trong suốt thời gian đó đã giúp tôi trong những năm sau này.
Kiên định tu luyện khi là một tiểu đệ tử
Tôi đã từng có một giấc mơ là tôi ngã từ cầu thang của một tòa nhà 5 tầng. Tôi tiếp đất an toàn và không hề sợ hãi trong giấc mơ. Tôi nhận ra rằng Sư phụ đã bảo hộ tôi và tôi cảm thấy an toàn trong tâm.
Tôi cũng học cách áp dụng các tiêu chuẩn của Pháp trong mọi việc mà tôi gặp phải. Sư phụ luôn giúp tôi khi tôi ngộ đúng. Ví dụ, tôi đã từng bắt vài con cá và muốn mang chúng về nhà. Tuy nhiên, xe ô tô dừng đột ngột đã làm toàn bộ nước và cá bay ra khỏi xô. Cá chết hết. Ngay sau đó, bụng tôi bắt đầu đau. Tôi nghĩ chắc là do chỗ cá tôi giết. Khi tôi xuất niệm này thì bụng tôi hết đau.
Một lần, thầy giáo gọi tôi đứng lên trả lời câu hỏi, nhưng tôi không trả lời được. Thầy làm đủ mọi cách để khiến tôi xấu hổ trước lớp. Ban đầu tôi cảm thấy căm tức, nhưng rồi tôi nhớ mình là đệ tử Đại Pháp và cần phải nhẫn chịu. Ngay lập tức tôi bình tĩnh trở lại.
Khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999 thì tôi học lớp 8. Hàng ngày tôi tiếp tục học Pháp ở nhà. Khi lên trung học, tôi ở trong trường. Lúc đầu tôi không thể học được Pháp. Sau đó tôi đã chép tay cuốn Hồng Ngâm và mang theo đến trường để đọc và học thuộc. Ngay khi về nhà trong kỳ nghỉ hè trung học đầu tiên, tôi đã đọc tất cả các bài kinh văn của Sư phụ được đăng hồi đó. Tôi ngộ ra rằng tôi cần chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh. Khi quay lại trường, tôi dậy sớm vào buổi sáng và đặt tài liệu Đại Pháp trong các lớp học. Tôi nói với các bạn trong lớp về Pháp Luân Đại Pháp. Do việc học rất nặng nên tôi phải tìm thời gian để học Pháp luyện công. Một lần khi tôi đang đọc một cuốn sách Đại Pháp ở trong phòng học, thầy giáo tôi đi qua và nhìn thấy tài liệu tôi đang đọc. Thầy đã tịch thu sách của tôi. Tôi rất lo sợ vì tôi đã chứng kiến các học sinh khác bị đuổi học do tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Trong vài ngay, tôi học Pháp và phát chính niệm cường đại. Sau đó tôi xin được nói chuyện với thầy giáo. Tôi kể cho thầy rằng mẹ tôi đã phải chịu đựng bệnh hen suyễn vô phương cứu chữa như thế nào, nhưng bà đã không còn triệu chứng nào sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi kể cho thầy tôi đã thay đổi như thế nào và những chân tướng khác về Pháp Luân Đại Pháp. Cuối cùng thầy cũng đồng ý rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt và nói với tôi rằng thầy sẽ không báo cáo về trường hợp của tôi.
Cứu độ chúng sinh khi không thể trở về nhà
Năm 2001, tôi bị bắt khi đến nhà một đồng tu. Hồi đó tôi mới học trung học. Tôi đi qua nhà đồng tu đó và ghé vào. Tôi không biết nhà của bà bị cảnh sát theo dõi.
Tôi bị đưa đến đồn cảnh sát. Tôi đã tìm lối trốn thoát nhưng không thấy lối nào. Sau đó bụng tôi bắt đầu đau. Tôi nói với người cảnh sát đang giám sát tôi rằng tôi cần dùng nhà vệ sinh. Ông ấy đưa tôi đến nhà vệ sinh và đợi ở bên ngoài. Khi vào nhà vệ sinh, tôi phát hiện cửa sổ có thể mở được. Bụng tôi hết đau luôn và tôi nhận ra điều này xảy ra để tôi có cách trốn thoát.
Tôi cố gắng cậy cửa sổ. Người cảnh sát nghe thấy tiếng động nên đã đi vào. Khi ông ấy thấy tôi vẫn ở đó thì ông ấy lại rời đi. Tôi mở cửa sổ cẩn thận và nhảy ra ngoài. Ngay khi ra ngoài, tôi phát hiện một bức tường cao khoảng hai mét. Không tốn quá nhiều sức, tôi có thể trèo qua tường trong bóng tối. Mặc dù bị những mảnh thủy tinh trên tường cứa vài chỗ nhưng tôi không cảm thấy đau chút nào. Tôi tin Sư phụ đã bảo hộ tôi.
Sau khi trốn khỏi đồn cảnh sát, tôi biết rằng mình không thể trở về nhà nữa. Tự sinh sống một mình ở tuổi 18 là một thách thức lớn đối với một người quen với việc sống ở nhà hoặc sống cùng với các bạn học khác. Rất khó có thể diễn tả sự biệt lập và cô đơn bằng lời. Tôi dành rất nhiều thời gian học Pháp và mất nhiều thời gian điều chỉnh để quen với cuộc sống như vậy.
Sau khi rời khỏi nhà và trường học, tôi dành hầu hết thời gian của mình để hỗ trợ kỹ thuật và duy trì các điểm sản xuất tài liệu. Mặc dù hầu hết các học viên lớn tuổi cảm thấy công việc kỹ thuật thật khó, nhưng đối với tôi lại không khó. Tôi thạo việc rất nhanh và chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật cho một vùng lớn. Tôi thường đến các thị trấn khác để giúp các học viên ở đó. Trong sáu năm liền tôi thường di chuyển và gặp rất nhiều khổ nạn. Nhưng tôi cảm thấy vinh hạnh vì có thể trợ Sư trong thời kỳ Chính Pháp này.
Tu luyện ở trong tù
Ngay trước thềm Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008, chính quyền Cộng sản Trung Quốc tăng cường đàn áp. Nhiều học viên đã bị bắt, bao gồm cả tôi. Tôi đã bị tra tấn dã man trong trại giam. Nhiều lần tôi nghĩ mình sẽ chết, nhưng tín tâm kiên định của tôi đối với Sư phụ và Đại Pháp đã giúp tôi nhẫn chịu được. Tôi bị kết án 12 năm tù vì hỗ trợ kỹ thuật.
Trong tù tôi đã không được đọc sách Đại Pháp. Tôi muốn đọc Pháp hơn bất cứ điều gì, và tôi hối hận vì mình đã không thể học thuộc Pháp. Vô tình tôi có được một bản kinh văn mới nhất của Sư phụ. Tôi không bao giờ quên khoảnh khắc mà tôi cầm bản kinh văn đó, tâm tình xúc động không lời nào tả xiết! Tôi học thuộc toàn bộ bài kinh văn đó trong một lần ngồi đọc. Thậm chí bây giờ, sau 8, 9 năm, tôi vẫn có thể nhớ bài kinh văn đó.
Tôi biết các học viên khác trong tù cũng muốn đọc các bài kinh văn của Sư phụ, và tôi muốn biến điều đó thành hiện thực. Không lâu sau tôi được đưa đến một vị trí mà có cơ hội tiếp xúc với nhiều học viên khác trong tù. Tôi tin Sư phụ đã an bài như vậy để tôi có thể giúp các học viên khác. Phối hợp với các học viên khác, chúng tôi có thể truyền các bài kinh văn mới nhất của Sư phụ tới hầu hết tất cả các học viên ở trong tù. Mặc dù tôi có tâm sợ hãi và quan niệm người thường khi làm việc đó, nhưng tôi luôn cảm nhận được sự bảo hộ của Sư phụ. Sau khi được tại ngoại, tôi vẫn nỗ lực hết sức truyền các bài kinh văn mới nhất đến các học viên trong tù vì tôi hiểu rõ rằng các đồng tu trong hoàn cảnh ở trong tù, bị mất đi tự do, mong mỏi được đọc Pháp của Sư phụ nhường nào.
Tôi nhẩm Pháp và thường xuyên phát chính niệm hàng ngày khi ở trong tù. Khi có cơ hội, tôi nói với các bạn tù khác về Pháp Luân Đại Pháp và thuyết phục họ thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và các tổ chức liên đới của nó. Thậm chí ở trong tù, cuộc sống của tôi cũng rất ý nghĩa. Chỉ khi có chấp trước thì tôi mới cảm thấy khổ sở.
Tham gia học Pháp nhóm
Sau khi được tại ngoại, tôi cảm thấy mãn nguyện trong vài ngày đầu. Thậm chí tôi còn không muốn dậy luyện công vào buổi sáng. Nhưng tôi luôn dậy sớm. Nếu không thức dậy ra khỏi giường, tôi cảm thấy rất không thoải mái. Chỉ khi tôi thức dậy và luyện công thì tôi mới cảm thấy tốt hơn. Giờ đây tôi dậy luyện công hàng sáng.
Sự đột phá lớn nhất trong tu luyện của tôi đến từ việc tham gia một nhóm học Pháp. Lúc đầu, nhiều ý niệm bất hảo đã nổi lên khi tôi quyết định tham gia. Trong khi học Pháp với những học viên khác, tôi đã rất khó khăn mới đọc Pháp mà không mắc lỗi. Cũng có những hình thức can nhiễu khác như cảm giác buồn ngủ. Nhưng mỗi lần sau khi học Pháp xong, tôi cảm thấy đầu óc thanh tỉnh và thân thể nhẹ nhàng. Việc chia sẻ và thảo luận giữa các đồng tu cũng giúp tôi tiến bộ. Sau một giai đoạn thời gian, tôi không còn bị loại can nhiễu này nữa.
Khi nhìn lại con đường tu luyện của mình, tôi nhận ra rằng có những lúc tôi đã không nghiêm túc trong việc tu luyện. Tôi đã buông lơi bản thân. Sư phụ giảng:
“Nhưng mà từng phút từng giây của sinh mệnh chư vị đều nằm trong tu luyện, chư vị là đang lãng phí chính mình, trên con đường tu luyện của chư vị thì chư vị đang lãng phí thời gian hữu hạn, chứ không đi cho tốt con đường của mình.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2005)
“… hễ bản thân buông lỏng thì bị tâm người thường dẫn động, sẽ đi đường cong, phối hợp với nhau trong chứng thực Pháp giảng chân tướng sẽ kém.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York năm 2009)
Giờ đây tôi ngộ ra rằng từng ý từng niệm là rất quan trọng. Tôi sẽ trân quý con đường đã đi qua và bước đi cho tốt trong khoảng thời gian còn lại.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/6/21/370070.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/8/8/171439.html
Đăng ngày 21-08-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.