Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Tứ Xuyên , Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-6-2018] Một cựu chiến binh ở huyện An Nhạc đã đệ đơn kiến nghị yêu cầu tòa án hủy bỏ phán quyết và phải thả ông vô điều kiện.

Ông Cảnh Trương Hứa bị bắt vào 13 tháng 10 năm 2012 vì sản xuất và phân phát tài liệu phơi bày cuộc đàn áp của chính quyền cộng sản Trung Quốc với Pháp Luân Công, một môn tu luyện tâm và thân dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.

Ông Cảnh bị luân chuyển qua các trại giam sau khi bị bắt. Khi ông bị giam ở trung tâm tẩy não địa phương, giám đốc trung tâm Liễu Đức Bính đã đấm vào ngực và mặt ông. Ông Cảnh yêu cầu ông ta dừng lại, nhưng Liễu trả lời: “Đây là trung tâm tẩy não!” Ý là ông ta có thể làm bất cứ điều gì mình muốn mà không phải chịu hậu quả gì.

Tòa án địa phương chỉ cho con trai ông Cảnh được tham dự vào phiên tòa diễn ra vào tháng 5 năm 2013. Trước khi vào phiên tòa, con trai ông nói với ông: “Cha đừng tự bào chữa cho mình trong phiên tòa hoặc sau này đừng đệ đơn kháng cáo.” Cậu ta không nói thêm gì nữa và rời đi. Sau này, ông Cảnh biết rằng tòa án đã cảnh báo gia đình ông rằng họ sẽ kết tội ông 9 năm nếu ông tự bào chữa hoặc kháng cáo, và 7 năm nếu ông im lặng.

Ngày 9 tháng 6 năm 2013, ông Cảnh bị kết án 7 năm tù với tội danh “sử dụng tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật,” một cụm từ tiêu chuẩn thường được chính quyền sử dụng trong nỗ lực bôi nhọ và bỏ tù học viên Pháp Luân Công. Chưa đầy 2 tháng sau vào ngày 17 tháng 7, ông bị chuyển tới nhà tù Gia Châu nơi ông bị giam ở đó cho tới tận bây giờ.

Đây không phải là lần đầu ông Cảnh là mục tiêu bị bức hại vì đức tin của mình. Ông đã bị kết án 1.5 năm ở trại lao động cững bức sau khi bị bắt năm 2007. Ông cũng bị mất công việc giảng dạy ở trường tiểu học làng Minh Dương, nơi ông đã làm việc hơn 3 thập kỷ sau khi xuất ngũ.

Ngày 1 tháng 1 năm 2018, ông Cảnh đã nộp đơn kháng cáo lên tòa án nhân dân tối cao. Trong đơn, ông yêu cầu tòa án tối cao phải tuân thủ Hiến Pháp, Luật hình sự, và bộ Luật tố tụng hình sự, cụ thể:

1) Giải quyết trường hợp của ông công bằng và nhanh chóng.

2) Thả ông và tất cả các học viên Pháp Luân Công bị bắt.

3) Trả lại thanh danh cho Pháp Luân Công và nhà sáng lập – Sư phụ Lý Hồng Chí.

4) Cho phép mọi người tập Pháp Luân Công mà không bị bắt giữ như trước khi cuộc bức hại bắt đầu năm 1999.

5) Trả lại tất cả tài sản của ông đã bị tịch thu trong những năm qua.

Trong đơn, ông Cảnh cũng bác bỏ bản cáo trạng vô căn cứ chống lại ông. Ông bị buộc tội vi phạm điều 300 của luật hình sự, rằng bất cứ ai sử dụng tà giáo để làm suy yếu việc thực thi pháp luật đều phải bị buộc tội cao nhất có thể.

Ông Cảnh lập luận rằng Quốc Hội, cơ quan lập pháp Trung Quốc chưa bao giờ ban hành luật nào buộc tội hay gán nhãn cho Pháp Luân Công là tà giáo. Vì vậy Viện kiểm sát địa phương và tòa án đã trích dẫn một luật không tồn tại để chống lại ông. Phán quyết đó là thiếu cơ sở pháp lý và ông phải được tha bổng.

Ông Cảnh cũng chỉ ra trong đơn của mình tại sao cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân đã phát động cuộc bức hại vào tháng 7 năm 1999, khi chính phủ Trung Quốc đã có nhiều khen tặng Pháp Luân Công từ năm 1992 (khi môn tu luyện lần đầu được giới thiệu ra công chúng) cho tới đầu năm 1999, vì khả năng kỳ diệu làm cho mọi người khỏe mạnh.

Ông Cảnh cho rằng, Giang đã đố kỵ với Pháp Luân Công và sự nổi tiếng của nhà sáng lập Pháp Luân Công và ông ta sợ Pháp Luân Công lật đổ chính quyền. Ông Cảnh nhấn mạnh rằng những học viên Pháp Luân Công như ông chỉ muốn trở thành người tốt và không có truy cầu chính trị.

Ông Cảnh giải thích thêm vì sao ông và các học viên Pháp Luân Công không ngại mạo hiểm cả tính mạng để cho công chúng biết về cuộc bức hại đang diễn ra. Khi mà tất cả các kênh kháng cáo hợp pháp đều đóng lại với học viên, họ phải sử dụng cách phân phát tờ rơi và tài liệu để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại.

Ông Cảnh yêu cầu tòa án tối cao buộc tội Giang vì đã bức hại Pháp Luân Công và các học viên.

Đơn kiện cũng bao gồm thông tin cá nhân của ông, miêu tả ông và gia đình đã được lợi ích như thế nào từ Pháp Luân Công.

Sức khỏe được cải thiện

Tôi sinh ngày 22 tháng 8 năm 1952 ở làng Minh Dương, xã Vĩnh Khánh, huyện An Nhạc. Hiện tôi đang sinh sống ở 101 Tú Lâm, đường Thiết Phong, huyện An Nhạc.

Tôi tu luyện Pháp Luân Công từ tháng 3 năm 1996, sau đó những bệnh kinh niên của tôi như suy nhược thần kinh, loét dạ dầy, viêm họng, và đau dạ dầy đều đã biến mất không dấu tích. Vợ tôi cũng tu luyện sau khi đã chứng kiến sự cải biến sức khỏe của tôi. Không lâu sau, anh trai tôi cũng tu luyện và mọi bệnh tật của anh cũng biến mất. Gia đình anh vui mừng khi thấy anh lại có thể làm được các công việc đồng áng.

Thay đổi tâm tính

Dạy học sinh tiểu học là công việc không dễ dàng gì, nhưng tôi luôn ghi nhớ lời dạy của Sư phụ trong tâm:

“Tôi không chỉ dạy chư vị Đại Pháp, tác phong của tôi cũng là để lưu lại cho chư vị, ngữ khí, thiện tâm trong công tác, thêm vào đó là đạo lý có thể cải biến nhân tâm, chứ mệnh lệnh vĩnh viễn không thể! Trong tâm người ta không phục mà chỉ là phục tùng ở bề ngoài, như vậy khi nhìn không thấy thì vẫn hành sự theo ý nguyện của chính mình.” (“Thanh tỉnh”, Tinh tấn yếu chỉ)

Tôi không còn la mắng học sinh vì những hành vi nghịch ngợm hay không nghe lời tôi mà thay vào đó, tôi khuyên bảo các em phải dùng nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn để chỉ đạo hành vi của mình.

Tôi thấy bọn trẻ thay đổi hàng ngày. Khi nào có mâu thuẫn, chúng đều nói với tôi: “Thưa thầy, đó là lỗi của con. Con đã không đủ khoan dung và con sẽ không lặp lại lỗi lầm này nữa.”

Học sinh của tôi tự giác làm bài tập về nhà ngay cả khi tôi không tiến hành kiểm tra. Điều này không thể tin được trong quá khứ, khi mà bọn trẻ cần được giám sát liên tục.

Nếu đứa trẻ nào quên mang theo bữa trưa, thì những đứa trẻ khác sẽ chia sẻ phần ăn với chúng mà không một chút do dự.

Một đứa trẻ bị giáo viên đuổi khỏi lớp học vì đánh các bạn khác. Nhà trường sẽ đình chỉ việc học em trừ khi có một giáo viên khác đứng ra nhận em về . Cha mẹ cậu bé đã mang cậu tới tôi, và tôi đồng ý cho cậu một cơ hội nữa.

Không lâu sau, một em học sinh khác có vấn đề tương tự cũng được mang tới tôi.

Tôi dùng nguyên lý của Pháp Luân Công để dạy dỗ hai học sinh mới. Dần dần, chúng bỏ thói xấu đánh nhau và cải thiện điểm số học tập.

Học sinh trong lớp tôi đạt điểm cao nhất và lễ phép nhất trong các học sinh trong trường. Các em mang theo những điều học từ tôi vào cấp hai và trung học. Tôi nghe nhiều lời khen về những học sinh tốt nghiệp lớp tôi tiếp tục nổi trội khi chúng chuyển lên hệ thống trường học khác. Và sự thật là những đứa trẻ cũng trở thành công dân tốt khi chúng tốt nghiệp đại học và đi làm. Tôi có nhiều cựu học sinh có công việc tốt và có cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Tất cả những gì tôi có thể nói là Pháp Luân Công có thể tác động sâu sắc đến nhân cách của một con người.

Không có kẻ thù

Trong hơn một thập kỷ, gia đình tôi và người hàng xóm là kẻ thù và không nói chuyện với nhau. Điều này bắt đầu khi cha tôi bị người hàng xóm đánh vào những năm 1980. Tôi đánh lại anh ta khi tôi biết chuyện.

Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi nhận ra rằng mình đã sai và đã chủ động chào hỏi gia đình người hàng xóm. Vợ tôi và tôi cũng giúp đỡ họ bất cứ khi nào họ cần. Họ có con ở tuổi đi học và tôi làm gia sư cho cháu.

Chúng tôi đã trở thành bạn bè tốt của nhau. Nếu không có Pháp Luân Công, có lẽ tôi sẽ không bao giờ nói một lời nào với người hàng xóm.


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2018/6/28/370327.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2018/7/12/171091.html

Dịch ngày 10-08-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share