Bài viết của một đệ tử Đại Pháp trẻ tuổi ở Hoa Kỳ
[MINH HUỆ 2-7-2018] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cùng với cha cách đây 13 năm. Từ một đứa trẻ không hiểu chuyện, hiện tại tôi đã trở thành một tiểu đệ tử Đại Pháp học trung học. Tôi hiểu rằng giảng chân tướng cứu độ chúng sinh là trách nhiệm của từng đệ tử Đại Pháp; đề cao tâm tính, tu luyện bản thân tốt sẽ cho phép chúng ta làm tốt việc thứ ba này. Nhưng đôi khi, con đường tu luyện của chúng ta dường như dài dằng dặc và đầy gian khổ.
Thế giới này đầy cám dỗ khiến tôi phát sinh nhiều tâm chấp trước, như tâm hiển thị, tâm dựa dẫm, tâm tật đố, tâm tranh đấu, tâm oán hận, tâm sợ hãi, yêu và ghét, v.v.. Tất cả những chấp trước này đã trở thành những chướng ngại lớn trên con đường tu luyện của tôi. Dưới đây tôi xin chia sẻ quá trình tôi tu bỏ những chấp trước đó như thế nào.
Tâm hiển thị
Từ khi còn nhỏ, tôi đã nhận thức được rằng mình có tâm hiển thị mạnh mẽ. Chỉ cần có chút thành tựu nhỏ, tôi đã vội khoe khoang với người khác, và cảm thấy rất vui khi được những người xung quanh ngưỡng mộ. Dần dần, tâm chấp trước này của tôi càng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Mặc dù, bề ngoài tôi luôn tỏ ra khiêm tốn khi được người khác khen ngợi, nhưng trong lòng lại thấy vui như hoa nở.
Tôi biết chấp trước này của mình rất nghiêm trọng và thực sực muốn tu bỏ nó, nhưng việc này không hề dễ dàng bởi tôi vẫn muốn hiển thị bản thân.
Mỗi lần tâm hiển thị biểu hiện ra bề mặt, tôi lại nhận ra nó và cảm thấy hối tiếc vì đã để nó khống chế bản thân lần nữa, nhưng tôi quyết tâm sẽ làm tốt hơn vào lần sau. Tôi biết rằng tôi cần phát chính niệm để loại trừ nó.
Ở trường học, những bức họa đẹp nhất mà chúng tôi vẽ sẽ được chọn để trưng bày tại một cuộc triển lãm. Tuy nhiên, khi thầy giáo thông báo kết quả, một bạn học cùng lớp trùng tên với tôi đã được chọn. Tôi cảm thấy rất thất vọng. Tôi biết rằng mình cần phát chính niệm để tu bỏ chấp trước này.
Nhưng khi tâm tôi bình tĩnh trở lại, thầy giáo lại nói với tôi rằng đã có sự nhầm lẫn, và bức họa của tôi mới là bức được chọn.
Khi nghe được tin này, tôi rất xúc động. Tôi cảm thấy rất vui và muốn khoe với mọi người. Nhưng khi nhìn vào những suy nghĩ của bản thân, tôi nhận ra đây chính là cơ hội để tôi tu bỏ tâm hiển thị. Tôi biết rằng Sư phụ đã an bài cơ hội này cho tôi, vì vậy, tôi đã bình tĩnh lại và phát chính niệm. Sau đó, tôi cảm thấy rất bình hòa và nhẹ nhõm.
Tu khứ tâm dựa dẫm
Sư phụ giảng:
“ Con người tại thế gian mang những tâm theo đuổi truy cầu và nguyện vọng tốt đẹp như thế thì không có sai; nhưng là người tu luyện thì tất nhiên không thể được. Tuy rằng chư vị có thể từ tác dụng của những tư tưởng như thế mà nhập môn Đại Pháp, nhưng rồi trong quá trình tu luyện cần phải tự coi mình là người tu luyện; sau khi tinh tấn đọc sách và học Pháp thì nhận rõ được suy nghĩ nào của bản thân đã đưa đến tu luyện Đại Pháp vào lúc bản thân mình nhập môn Đại Pháp. Sau khi tu luyện một [giai] đoạn thời gian rồi, thì phải chăng vẫn còn là những suy nghĩ ban đầu, phải chăng là cái tâm ấy của con người vẫn lưu bản thân tại đó? Nếu như thế, thì không thể tính là đệ tử của tôi; chính vì tâm chấp trước căn bản kia chưa vứt bỏ, không thể ngay từ Pháp mà nhận thức Pháp.” (Tiến đến viên mãn, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)
Tu luyện là nghiêm túc, cho đến tận khi trưởng thành tôi mới hiểu những lời này có nghĩa là gì. Khi còn nhỏ, thái độ của tôi đối với Đại Pháp giống như những gì Sư phụ giảng trong cuốn Chuyển Pháp Luân: “Trung sỹ văn Đạo, nhược tồn nhược vong.” Khi còn nhỏ, tôi được cha dẫn dắt tu luyện, cho nên hết thảy các hoạt động của tôi đều do cha sắp xếp, kể cả việc ra ngoài phát tài liệu giảng chân tướng.
Tôi đã quen được cha dẫn dắt, vì vậy nếu cha không đốc thúc, có lẽ tôi sẽ ngừng học Pháp. Năm 2013, tôi và mẹ đến Hoa Kỳ. Vì chấp trước vào sự an nhàn và thoải mái, tôi đã không chăm chỉ học Pháp và luyện công, cho đến tận khi cha tôi đến Hoa Kỳ vào hai năm sau đó.
Trước khi rời Trung Quốc, ông đã có một giấc mơ. Trong mơ, ông thấy những tòa nhà cao tầng đổ vào nhau như hiệu ứng đôminô, rồi cuối cùng đổ sập về phía tôi. Trước đây, tôi chưa bao giờ để ý đến tâm dựa dẫm của mình trong việc học Pháp, luyện công, và trong cả những hoạt động xã hội. Vì thế chấp trước này của tôi càng ngày càng trở nên mạnh mẽ. Chẳng hạn, nếu cha mẹ không nhắc nhở, tôi thậm chí cũng không làm việc nhà. Mọi thứ của tôi đều phụ thuộc vào cha mẹ.
Thật may, nhờ có sự giúp đỡ của các đồng tu, đồng thời nhờ bản thân tự hướng nội, cuối cùng tôi đã trở nên tự lập hơn. Mặc dù tôi vẫn chưa tinh tấn học Pháp và luyện công, nhưng tôi cảm thấy tình trạng của mình đang được cải thiện.
Tu bỏ tâm tật đố
Tôi chưa bao giờ nhận ra rằng mình có tâm tật đố, thậm chí ngay cả khi nhận ra nó, tôi cũng sẽ tìm cớ để che đậy.
Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ rằng tâm tật đố là cảm giác ghen tỵ khi có người khác làm được tốt hơn mình. Sau khi học Pháp, tôi nhận ra rằng, không tôn trọng người khác cũng là một biểu hiện của tâm tật đố. Sau khi ngộ ra điều này, lý giải của tôi đối với tâm tật đố đã có sự thay đổi. Tôi biết rằng trước đây tôi không ngộ được điều này là vì tôi đã không dành nhiều thời gian để học Pháp.
Bây giờ, mỗi khi thấy tâm tật đố nổi lên bề mặt, tôi lại lập tức phát chính niệm để thanh trừ nó. Tôi rất biết ơn Sư phụ vì Ngài luôn ở bên cạnh để giúp tôi đề cao.
Trừ bỏ tâm tranh đấu
Gần đây, tôi mới nhận ra rằng mình có tâm tranh đấu. Biểu hiện là, khi một vấn đề phát sinh, tôi sẽ không chịu lắng nghe người khác; tôi không muốn nghe bất kỳ lời chỉ trích nào và chỉ muốn chứng minh là mình đúng. Tôi đã không vượt qua được nhiều khảo nghiệm về phương diện này. Mặc dù, sau đó tôi đã nhận ra vấn đề của mình, nhưng tôi vẫn không thể khống chế được bản thân và cảm thấy người khác thật bất công bằng với mình. Tôi cũng không nhớ cần phải nhìn nhận vấn đề dựa trên Pháp. Điều này tiếp diễn trong một thời gian dài.
Cuối cùng khi bình tĩnh lại và hướng nội, tôi mới nhận ra đây là một cơ hội tốt để tôi đề cao tâm tính. Tâm muốn bảo vệ quan điểm của bản thân chẳng phải cũng là tâm tranh đấu là gì? Khi ngộ ra điều này, tôi cảm thấy một vật nặng như vừa được gỡ bỏ khỏi thân thể tôi vậy.
Tôi đã tu luyện được hơn mười năm, nhưng thậm chí một người thường còn thiện lương hơn cả tôi. Tôi cảm thấy mình đã khiến Sư phụ phải thất vọng, tôi biết rằng mình cần tu luyện tinh tấn hơn.
Con xin tạ ơn Sư phụ và các đồng tu vì đã cho con cơ hội đề cao bản thân. Xin các đồng tu vui lòng chỉ ra những điều không phù hợp.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/7/2/370499.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/7/6/171021.html
Dịch ngày 02-08-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.