Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 18-07-2018] Thời tiết trở rét kỷ lục ở nhà tù Bản Khê vào tháng 11 năm 2015. Phòng cai ngục ở đây được sửa thành phòng tra tấn. Tại đó, một tù nhân lương tâm bị trói vào một chiếc ghế và ông chỉ được đắp một chiếc áo khoác ở nửa người phía trên.
Người tù nhân lương tâm này là ông Trần Tú, 56 tuổi, là kỹ sư tại Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, chi nhánh tỉnh Liêu Ninh. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995 và đã thu được nhiều lợi ích cả về thể chất lẫn tinh thần. Sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, ông bị cầm tù vì đức tin của mình trong thời hạn 11 năm 6 tháng, trong đó có 3 năm ông bị bắt vào trại lao động cưỡng bức.
Lần gần đây nhất ông bị bắt là vào tháng 2 năm 2015 tại Nhà tù Bản Khê. Đây cũng là nơi ông bị giam giữ. Ông Trần đã bị tra tấn dã man vì từ chối từ bỏ đức tin của mình.
Bị bức hại trong tù
Vào ngày đầu tiên bị bắt, ông Trần bị đưa đến Phòng giam số 8. Ông đã từ chối học thuộc các quy tắc của phòng giam và kiên quyết luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công. Làm theo yêu cầu của lính canh, các tù nhân đã lấy giày nện vào mặt và đá vào đầu ông. Tiếng đánh đập kéo dài đến tận đêm khuya. Ngày hôm sau, ông bị chuyển đến Phòng giam số 6.
Vào tháng 3 năm 2015, ông bị Trần Cảnh, đội trưởng đội lính canh thuộc Phòng giam số 6 sốc điện trong vòng nửa tiếng nhằm cố ép ông phỉ báng Pháp Luân Công. Cùng lúc đó, một lính canh và một tù nhân khác đã đánh đập ông. Vào hôm sau, ông bị còng vào một chiếc ghế sắt trong hơn hai giờ đồng hồ.
Vào tháng 5, chỉ vì chào một học viên Pháp Luân Công khác cũng đang bị cầm tù, mà ông Trần bị đội trưởng đội lính canh và một số tù nhân hình sự đánh đập dã man trước mặt các tù nhân khác.
Bị tra tấn tàn bạo
Vào tháng 11 năm 2015, nhà tù bắt đầu thực hiện những cái gọi là “Phong trào chuyển hoá cuối năm” nhắm vào các học viên Pháp Luân Công.
Vào ngày 23 tháng 11, ông Trần bị đưa đến phòng tra tấn. Ông bị trói vào một chiếc ghế bành bằng băng keo. Sau đó, đội trưởng đội lính canh sốc điện ông từ cổ xuống cho đến khi dùi cui điện bị hỏng. Vào ban đêm, các tù nhân hình sự thay phiên nhau đánh đập ông. Trong khi thời tiết đang giá rét, họ mở tất cả các cửa sổ và dội nước lạnh vào người ông.
Vào sáng ngày 24 tháng 11, đội trưởng đội lính canh ra lệnh cho các tù nhân nhét khăn vào miệng ông Trần và trùm đầu ông lại. Sau đó, anh ta sốc điện ông trong khi các tù nhân đánh ông. Các tù nhân hình sự cũng lấy kim tiêm chích toàn bộ cơ thể ông.
Vào buổi chiều, ba tù nhân hình sự lăn đế giày lên ngực và xương sườn của ông Trần trong hơn hai giờ đồng hồ. Da của ông bị rách toạc và rỉ máu. Cơn đau trở nên không thể chịu nổi khiến ông không thể thở được. Đội trưởng đội lính canh đã sốc điện ông một lần nữa cho đến khi ông bị hôn mê.
Vào buổi tối, một tù nhân cắt và xé áo khoác của ông Trần, chiếc áo đã bị dính vào da ngực đang đẫm máu của ông. Làn da trên xương sườn đã bị rách toạc.
Khoảng một tiếng sau, các tù nhân đưa một học viên Pháp Luân Công khác vào phòng và bắt đầu đánh đập cả hai.
Để buộc ông Trần ký tuyên bố chuyển hoá, vào ngày thứ ba, một tù nhân đặt hai cuốn sách lên đùi ông và nện mạnh những cuốn sách bằng một cây gậy gỗ. Ông Trần đã không thể bước đi sau đó.
Để che đậy hành vi phạm pháp của mình, các tù nhân không cho phép ông Trần nói chuyện với bất cứ ai trong nhà tù.
Thời gian lao động cưỡng bức kéo dài
Vào tháng 3 năm 2016, khi đội trưởng Trần Cảnh chuyển đến Phòng giam số 8, thì Phòng số 6 đã không chỉ thị các tù nhân đánh đập các học viên trong bảy tháng. Các tù nhân được giao thêm công việc và phải làm việc 13 giờ mỗi ngày để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Họ sẽ bị sốc điện nếu công việc không được hoàn thành.
Do bị tra tấn dã man nên ông Trần quá yếu để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Để phục hồi sức khỏe và chịu đựng sự tra tấn, ông bắt đầu tập luyện Pháp Luân Công trở lại vào tháng 3 năm 2016. Từ đó, ông phải chịu đựng những cuộc đánh đập vô cùng nghiêm trọng.
Sau đó, Trần Cảnh đưa một học viên khác đến phòng tra tấn. Anh ta sốc điện và đe dọa người học viên này. “Mày sẽ bị sốc điện bất cứ khi nào Trần Tú luyện những bài tập đó.”
Từ chối yêu cầu thăm thân của gia đình
Em gái của ông Trần đến nhà tù để thăm anh trai vào tháng 5 năm 2016, nhưng yêu cầu thăm viếng của cô đã bị từ chối. Khi em gái ông yêu cầu một lần nữa vào tháng 6, ông Trần thậm chí còn không được thông báo về yêu cầu này.
Ông chưa bao giờ được gặp gia đình mình và chỉ được phép nói chuyện với họ qua điện thoại trong thời gian ngắn.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/7/18/371101.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/7/25/171255.html
Dịch ngày 01-08-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.