Bài viết của Lý Tĩnh Phi
[MINH HUỆ 26-7-2018] Tại Hội nghị các Bộ trưởng về Thúc đẩy Tự do Tôn giáo do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức từ ngày 24 đến 26 tháng 7 năm 2018, ba học viên Pháp Luân Công đã được mời trình bày về cuộc bức hại của chính quyền cộng sản Trung Quốc nhắm vào môn tu luyện tại quốc gia này.
Cuộc họp Bàn tròn về Tự do Tôn giáo Quốc tế vào ngày 23 tháng 7 là phiên khởi động cho hội nghị kéo dài ba ngày này
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của hơn 40 quốc gia và các đại diện của tổ chức dân sự đến từ trên 80 nước đã tham dự hội nghị tại Washington D.C.
Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ: Chúng tôi tin rằng Tự do Tín ngưỡng nằm ở chính tâm hồn chúng ta
Ông Sam Brownback, Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế
Ông Sam Brownback, Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, phát biểu tại lễ khai mạc vào hôm 24 tháng 7 rằng tự do tín ngưỡng là một đặc ân mà Chúa ban cho, và rằng, nơi nào không có tự do tín ngưỡng thì nơi đó có thể đe dọa đến hòa bình, thịnh vượng, và sự ổn định của toàn thế giới. Ông kêu gọi sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ và các tổ chức kiềm chế những vi phạm như vậy.
Ông Brownback cũng bày tỏ ý kiến này tại Bảo tàng Tưởng niệm cuộc Diệt chủng của Đức Quốc Xã vào hôm 23 tháng 7: “Điều này như đã nằm trong gen di truyền (DNA) của Hoa Kỳ. Chúng tôi tin rằng tự do tín ngưỡng nằm ở chính tâm hồn chúng ta. Chúng tôi tin rằng đó là quyền mà Chúa ban cho”, ông Brownback bình luận: “Tôi rất mừng vì chính quyền Trump đã đưa vấn đề này lên thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Và chúng ta sẽ thúc đẩy nó, và thúc đẩy nó một cách mạnh mẽ.”
Sau khi thấy cuộc mít tinh của các học viên Pháp Luân Công tại Đài Tưởng niệm Washington vào hôm 19 tháng 7, ông đã khích lệ các học viên tiếp tục nỗ lực của mình. Ông cũng hy vọng rằng các học viên ở Trung Quốc sẽ được tự do thực hành đức tin của họ.
Chấm dứt cuộc bức hại kéo dài suốt 19 năm
Cựu nghị sỹ Frank Wolf nhấn mạnh cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc, kể cả nạn thu hoạch nội tạng từ các học viên còn sống. Ông hối thúc cần phải có nhiều hành động hơn nữa để ngăn chặn những vi phạm nhân quyền này.
Ông Trương Nhi Bình, người phát ngôn của Pháp Luân Công và là một trong ba học viên đã tham gia hội nghị, phát biểu về thực trạng mà các học viên đang phải đối mặt ở Trung Quốc. “Cuộc đàn áp này đã kéo dài 19 năm. Chúng tôi mong rằng cộng đồng quốc tế và các tổ chức tự do tín ngưỡng sẽ quan tâm đến vấn đề này. Bằng cách phối hợp cùng nhau, chúng ta có thể chấm dứt sự tàn bạo này.”
Kể từ khi Pháp Luân Công bị cấm ở Trung Quốc vào năm 1999, các báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo luôn nêu vấn đề này là một vi phạm nhân quyền. Trong báo cáo thường niên năm 2017, Trung Quốc lại nằm trong danh sách Cấp 1 về “Các quốc gia đặc biệt đáng quan ngại”. Báo cáo này nhấn mạnh về cuộc bức hại Pháp Luân Công, người Cơ đốc giáo và các nhóm tôn giáo khác ở Trung Quốc.”
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị này. “Đây là một vấn đề lớn, và đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức một cuộc họp như vậy”, ông Pompeo cho biết. “Chúng tôi muốn chính quyền Trump coi tự do tôn giáo thực sự là vấn đề ưu tiên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong mọi hoạt động ngoại giao với các đối tác nước ngoài.”
Lời kể của các nạn nhân
Tiến sỹ Lưu Ninh Bình thuộc Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp miêu tả khái quát về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc trong 19 năm qua
Tiến sỹ Lưu Ninh Bình, người đại diện cho Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, cho biết theo ước tính của chính phủ Trung Quốc, vào đầu năm 1999, có ít nhất 70 triệu người tu luyện Pháp Luân Công. Tuy nhiên, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đã cấm pháp môn này vào tháng 7 năm 1999 và phát động một cuộc đàn áp trên diện rộng nhắm vào các học viên chỉ vì đức tin của họ vào các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
Cô Trì Lệ Hoa và con gái Từ Hâm Dương miêu tả việc chồng cô là anh Từ Đại Vy đã qua đời như thế nào vì bị bức hại
Cô Trì Lệ Hoa ở tỉnh Liêu Ninh đến cuộc họp cùng với con gái Từ Hâm Dương. Chồng của cô Trì, anh Từ Đại Vy, bị cầm tù trong 8 năm, suốt thời gian đó anh bị tra tấn và bị tiêm những loại thuốc không rõ tên. Anh đã qua đời sau 13 ngày về nhà.
Sự tàn bạo trong các trại lao động
Trình chiếu phim Thư từ Mã Tam Gia
Thư từ Mã Tam Gia, một bộ phim tài liệu về cuộc bức hại ở Trung Quốc, đã được trình chiếu ngay cạnh Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tối ngày 24 tháng 7. Nhiều nhân viên làm việc về quan hệ đối ngoại và nhân quyền đã theo dõi bộ phim và tham dự phần hỏi đáp với đạo diễn của bộ phim, ông Lý Vân Tường (Leon Lee).
Bộ phim minh họa những trải nghiệm cá nhân của ông Tôn Nghị, người đã bị giam trong Trại Lao động Mã Tam Gia vào năm 2008 chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã bị tra tấn và bị bắt lao động khổ sai 20 giờ mỗi ngày để làm các sản phẩm trang trí Halloween. Để phơi bày sự tàn bạo, ông đã liều mạng và bí mật bỏ khoảng 20 bức thư vào bên trong các sản phẩm để kêu gọi giúp đỡ. Một trong những bức thư đã đến tay cô Julie Keith, cư dân tại tiểu bang Oregon; cô đã liên lạc với giới truyền thông và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế về sự việc này.
Ông Lý Vân Tường, người nhận Giải thưởng Peabody, đã liên lạc với ông Tôn và sản xuất bộ phim tài liệu này. “Ông Tôn đã dốc toàn tâm toàn lực để làm bộ phim. Qua bức thư giải cứu, chúng tôi có thể phần nào hình dung được sự khốc liệt của cuộc bức hại Pháp Luân Công trong các trại lao động ở Trung Quốc”, ông Lý nói.
Ông Ernest Latham, nhà cựu ngoại giao Hoa Kỳ ở Romania, phát biểu rằng qua bộ phim ông thấy được Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kiểm soát người dân như thế nào, và rằng nó tương tự như thảm kịch trước đây của Romania do chủ nghĩa cộng sản gây ra.
Cô Anna Misleh, biên tập viên của một trang web, cho biết cô rất ấn tượng với khổ nạn của ông Tôn, từ giam giữ, tra tấn, trốn thoát, đến bức thư kêu cứu kỳ diệu. “Tôi cho rằng bộ phim xứng đáng được công chúng quan tâm. Việc có nhiều người hơn nữa ở Trung Quốc và cộng đồng quốc tế biết đến điều này sẽ giúp chấm dứt cuộc bức hại.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/7/26/371653.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/7/27/171282.html
Dịch ngày 01-08-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.