Bài viết của Hạ Diên Sơ, phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 20-7-2018] “Ngày 20 tháng 7, đối với tự do tín ngưỡng mà nói, được coi là một ngày đen tối. Vào ngày này cách đây 19 năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một cuộc tấn công chưa từng có nhắm vào các học viên Pháp Luân Công, không phải vì những cá nhân này có bất kỳ mối đe dọa nào đối với quốc gia hay đối với công dân Trung Quốc, mà bởi các nguyên lý tu luyện của họ, là Chân – Thiện – Nhẫn, bị cho là hoàn toàn đối lập với bản chất Giả – Ác – Đấu (dối trá, tà ác, và tranh đấu) của chính quyền cộng sản Trung Quốc.”
Ông Alan Adler, Giám đốc của hội “Những người bạn của Pháp Luân Công” đã phát biểu như vậy tại buổi mít tinh trước Đài Tưởng niệm Washington hôm thứ Hai vừa qua nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại kéo dài 19 năm đối với Pháp Luân Công.
Các học viên Pháp Luân Công ở Washington DC và những người ủng hộ đã tham dự buổi mít tinh lên án cuộc bức hại, đặc biệt là nạn thu hoạch nội tạng do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn.
Mít tinh tại Đài Tưởng niệm Washington
Ông Alan Adler phát biểu tại buổi mít tinh
Ông McDonnell, thuộc Viện Tôn giáo và Dân chủ, đã ca ngợi các học viên Pháp Luân Công vì nỗ lực phơi bày cuộc bức hại và nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự khủng hoảng nhân quyền này.
Ông McDonnell kêu gọi các nhà hoạt động nhân quyền đấu tranh cho các học viên đang bị bức hại tại Trung Quốc
Ông William Murray, Chủ tịch Liên minh Tự do Tôn giáo, trong bài phát biểu cho biết những người có tín ngưỡng đang phải đối mặt với cuộc bức hại ở Trung Quốc mà những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các học viên Pháp Luân Công.
Ông William Murray khuyến khích những người Trung Quốc theo đạo Cơ đốc giúp đỡ các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
“Đối với các học viên Pháp Luân Công, người Cơ đốc giáo ở Trung Quốc, bất kể là thuộc giáo hội đã được đăng ký hay chưa được đăng ký, hãy ghi nhớ những lời của Martin Niemöller, một cha cố Tin lành, cũng là một mục sư xuất chúng, và là nhà phê bình Adolf Hitler thẳng thắn; ông đã phải trải qua bảy năm trong các trại tập trung dưới sự cai trị của Đức Quốc Xã.
“Ông đã nói thế này: ‘Đầu tiên họ đến lùng bắt những người theo xã hội chủ nghĩa, và tôi đã không lên tiếng bởi vì tôi không phải là người theo xã hội chủ nghĩa. Sau đó, họ đến bắt đoàn viên Công Đoàn, tôi cũng không lên tiếng, bởi vì tôi không thuộc Công Đoàn. Rồi họ đến bắt người Do Thái, tôi cũng không lên tiếng, bởi vì tôi không phải là người Do Thái. Rồi họ đến bắt tôi – lúc đó chẳng còn ai mà lên tiếng cho tôi nữa.”
Tiến sỹ Linda Lagemann, giám đốc điều hành của Ủy ban Nhân quyền Công dân, lên án hình thức tra tấn tinh thần áp dụng cho các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Bà phát biểu: “Chúng tôi thấy một cơ sở khoa học dối trá tương tự trong chẩn đoán bệnh tâm thần từng được sử dụng ở Đức Quốc xã, nay lại được sử dụng để hợp lý hóa các chiến thuật khủng bố, tra tấn và hủy hoại các học viên Pháp Luân Công tại các bệnh viện tâm thần của Trung Quốc.“
“Nghiên cứu độc lập đã phát hiện rằng các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ trong các trại tâm thần dựa trên các chẩn đoán bệnh tâm thần này nhằm biện minh cho việc giam giữ họ vô thời hạn mà không qua xét xử. Họ bị tiêm các loại thuốc tâm thần, bị sốc điện cường độ cao bằng kim châm cứu, bị cấm ngủ và bị trói và treo lên trong thời gian dài.”
“Họ dùng cưỡng chế tâm lý và các loại thuốc tâm thần để làm suy yếu ý chí của họ và buộc họ phải từ bỏ Pháp Luân Công. Một đại diện của Liên Hợp Quốc đã phát hiện ra rằng các học viên Pháp Luân Công đã qua đời do bị ngược đãi; điều này cho thấy sự tàn bạo và tà ác của những hành vi tra tấn này là không thể diễn tả.”
Tiến sỹ Linda Lagemann cho biết: “Đã phát hiện được hơn 150 bệnh viện Trung Quốc có sử dụng hình thức tra tấn đối với các học viên Pháp Luân Công. Đây là tội ác vô nhân đạo và cần phải có hành động ngay.”
Bà kết luận: “Những người phải chịu trách nhiệm phải bao gồm các bác sỹ tâm thần học phụ trách việc giám sát loại điều trị tàn bạo này, có thể là cả các cán bộ trong Hiệp hội Tâm thần học Trung Quốc.”
Ông David Cleveland, luật sư của Hội Từ thiện Công giáo Washington, so sánh việc cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông chỉ ra rằng các bệnh viện của Trung Quốc có thể tìm thấy nội tạng phù hợp cho bệnh nhân chỉ trong vài ngày hay vài tuần, trong khi thời gian chờ đợi ở Mỹ có thể là vài tháng hoặc vài năm.
Ông David Cleveland cho biết, vì không có một hệ thống hiến tạng tự nguyện nên hầu hết nguồn tạng là lấy từ các tù nhân lương tâm, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công.
Ông Cleveland nói rằng các bang Missouri và Arizona đã thông qua nghị quyết lên án nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc và yêu cầu chính phủ liên bang tiến hành điều tra.
Tiến sỹ Trương Ngọc Hoa kêu gọi các nhà lập pháp và chính phủ Hoa Kỳ giúp giải cứu chồng bà là ông Mã Trấn Vũ, một kỹ sư ở Nam Kinh.
Ông Mã Trấn Vũ mới bị kết án ba năm tù. Trước đây, ông từng bị bắt giữ và kết án, và đã bị cầm tù trong tổng thời gian 7 năm. Ông đã bị tra tấn thân thể trong thời gian ở tù.
Tiến sỹ Trương Ngọc Hoa cho biết cảnh sát tuyên bố rằng lần này chồng bà sẽ qua đời trong nhà tù.
Bản thân Tiến sỹ Trương cũng đã bị bức hại tại Trung Quốc trước khi bà trốn thoát sang Mỹ. Bà đã bị bắt ở Trung Quốc vào năm 2001. Trong thời gian bị giam giữ ở một bệnh viện, cảnh sát đã tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc khiến cơ và lưỡi của bà cứng đờ và nhịp tim tăng lên. Bà đã bị đau đến mức không còn biết gì nữa.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/7/20/371311.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/7/21/171203.html
Đăng ngày 25-7-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.