Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 7-6-2018] Vợ tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1996 và nhanh chóng trở thành một người ân cần và tử tế. Tôi rất kinh ngạc trước uy lực của Đại Pháp khi chứng kiến vợ mình thay đổi thành một người hoàn toàn khác trong một thời gian tương đối ngắn. Đại Pháp cũng mang đến sự hòa thuận trong gia đình chúng tôi. Tôi nghĩ rằng mình cũng sẽ tu luyện Đại Pháp sau khi làm việc kiếm tiền thêm vài năm nữa.

Hiên ngang đối mặt với cuộc đàn áp

Tuy nhiên, mọi thứ đã đột ngột thay đổi vào năm 1999 khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Đại Pháp. Cảnh sát và những người từ các tổ chức không rõ tên thay phiên nhau đến nhà chúng tôi. Họ đe dọa chúng tôi, cố buộc vợ tôi từ bỏ đức tin của cô ấy. Cô nhất quyết không phản bội Sư phụ hay Đại Pháp, nên đã bị bắt hai lần. Lần đầu tiên cô bị đưa đến một trại tạm giam và lần thứ hai là đến một trung tâm tẩy não.

Khi tôi đến thăm vợ mình tại trại tạm giam, một lính canh hỏi tôi có quyển sách Pháp Luân Đại Pháp nào tại nhà không. Tôi nói có một cuốn. Lính canh nói anh ta sẽ cho phép tôi gặp vợ nếu tôi mang cuốn sách đó cho anh ta nhưng tôi đã từ chối.

Tôi nghĩ: “Mình cần phải nhanh chóng trở thành một học viên Đại Pháp. Sẽ quá trễ nếu mình trì hoãn lâu hơn nữa.”

Vợ tôi đã nói với tôi rằng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp nghĩa là chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, nhưng tôi hoàn toàn không hiểu ý nghĩa của Chân-Thiện-Nhẫn là gì. Khi trở về nhà, tôi đã giấu cuốn sách Tinh tấn yếu chỉ đi.

Vợ tôi bị đưa đến một trại lao động cưỡng bức ở cách xa nhà, và mỗi tối tôi lại thấy trống trải trong lòng. Tôi lấy cuốn sách khỏi nơi cất giấu và bắt đầu đọc. Tôi đã không kìm được nước mắt khi đọc Pháp của Sư phụ Lý Hồng Chí:

Pháp Luân Đại Pháp là lần đầu tiên từ vạn cổ đưa đặc tính của vũ trụ (Phật Pháp) lưu cấp cho con người, tương đương với lưu cấp cho con người một chiếc thang lên trời…” (Luận thuật của Phật giáo là bộ phận nhỏ yếu nhất của Phật PhápTinh tấn yếu chỉ)

Tôi khóc không phải vì đau buồn, mà vì tôi cảm thấy xúc động, giống như một đứa trẻ đã thất lạc và cuối cùng đã tìm được đường về nhà. Tôi không còn cảm thấy mơ hồ về sinh mệnh. Tôi biết mình sẽ không bao giờ tranh đấu với người khác nữa bởi vì sinh mệnh của tôi đến từ một nơi cao quý hơn. Tôi muốn tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn mà Sư phụ đã dạy. Tôi muốn tiếp tục nâng cao tư tưởng và đạo đức của mình để có thể đề cao lên những cảnh giới cao hơn.

Năm 2002, tôi bị kết án tù vì kiên định tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi không hề biết mình sẽ phải đối mặt những gì khi đến đó. Tôi đã niệm một bài thơ của Sư phụ:

Đại giác bất uý khổ

Ý chí kim cương chú

Sinh tử vô chấp trước

Thản đãng Chính Pháp lộ

(Chính Niệm Chính HànhHồng Ngâm II)

Diễn nghĩa:

Niệm Chân Chính Hành Sự Chân Chính

Bậc Đại Giác không e ngại khổ

Ý chí vốn hun đúc bằng kim cương

Không có chấp trước vào sống và chết

Đi trên con đường Chính Pháp một cách ung dung thanh thản

Tra tấn

Các lính canh nhà tù buộc tôi phải từ bỏ đức tin của mình và ra lệnh cho các tù nhân hình sự tra tấn tôi. Họ đặt những chiếc đũa vuông giữa các ngón tay tôi và vặn chúng, các thanh đũa chà xát khiến các ngón tay tôi bị tróc da và vô cùng đau đớn.

Họ còn dùng một miếng gỗ cào lên xương sườn của tôi. Không chỉ da tôi bị trầy xước, mà thịt tôi còn liên tục rỉ máu, khiến những vết thương dính vào quần áo. Những đau đớn này thật không lời nào diễn tả được.

Họ cũng bức thực tôi bằng dung dịch nước muối đậm đặc và đã đổ hết một xô nước muối nhỏ vào dạ dày tôi. Tôi còn bị treo ở tầng trên của một chiếc giường tầng, và bị quất bằng một cái ống cao su khiến toàn thân tôi đều bị sưng và bầm tím.

Một lần khác, tôi bị còng vào ống sưởi và bị dùng gậy đánh vào các khớp tay chân. Để khiến tôi đau đớn hơn, một tù nhân đã kéo thẳng tay chân tôi để các khớp cố định hơn khi bị đánh trúng.

Vào một ngày lạnh giá cuối mùa thu, tôi bị bắt đứng chân trần trên một sàn bê tông. Các tù nhân tiếp tục đội nước lạnh vào người tôi trong khi mở toang cửa sổ ra.

Bất cứ khi nào tôi chớp mắt, họ dùng kéo đâm vào cổ tôi vì cho rằng tôi đang nghỉ ngơi.

Tôi đã chịu đựng các thử thách suốt sáu ngày đêm mà không khuất phục trước tà ác.

Một lần tôi bị biệt giam. Các xà lim chỉ rộng chưa đầy bốn mét vuông. Trong phòng chỉ có một chiếc đèn nhỏ chiếu sáng nhưng không có cửa sổ, nên tôi không thể biết đang là ngày hay đêm. Không có nhà vệ sinh, không có giấy vệ sinh, không có thức ăn và nước uống. Chế độ của Giang Trạch Dân (người khởi xướng cuộc bức hại) thực hiện chính sách “Giết chết một học viên Pháp Luân Công sẽ được tính là tự sát”, vì vậy họ không quan tâm tôi có bị chết đói hay không.

Trong xà lim, hai tay tôi bị còng và chân thì bị cùm. Cùm chân được gắn vào một chiếc đai ở giữa sàn.

Tôi không biết thời gian đã trôi qua bao lâu, nhưng nó dài tựa như hàng năm trời. Một ngày nọ, trong cơn mê, tôi nhìn thấy Sư phụ. Ngài ban cho tôi một ly sữa có hương vị rất ngọt ngào, thơm ngon. Tôi chưa bao giờ nếm một ly sữa nào ngon hơn thế. Tôi cảm thấy toàn bộ thân thể mình đã được xoa dịu và thoải mái sau khi uống ly sữa.

Các lính canh rất bất ngờ khi thấy tôi vẫn ổn khi họ đưa tôi ra khỏi xà lim. Sau đó, tôi biết được mình đã bị biệt giam bảy ngày.

Một lần, ba hay bốn tù nhân dùng thanh giát giường đánh tôi. Một trong số họ đã đập mạnh vào đầu tôi làm gãy giát giường, khiến tôi bị sưng một khối u lớn. Nó to đến mức tôi có thể nhìn thấy nó khi ngước mắt lên, nhưng rồi nó cũng nhanh chóng biến mất.

Những tù nhân tra tấn tôi đều bị sốc. Một trong số họ nói: “Tôi sẽ tự giết mình nếu đánh anh lần nữa.”

Tôi không biết liệu mình có sống sót mỗi khi bị tra tấn hay không. Nếu không phải nhờ sự bảo hộ của Sư phụ, tôi biết mình đã bị giết chết.

Nhưng tôi luôn hành xử chính đáng khi các tù nhân tra tấn mình. Vì tôi là một người tu luyện biết chân lý của vũ trụ, còn họ là những nạn nhân đáng thương bởi những lời dối trá của chế độ Trung Cộng. Tôi không oán hận họ, thay vào đó, tôi cảm thấy đáng tiếc cho họ và cảm thông với họ.

Tôi nghĩ: “Trong tương lai họ sẽ phải gánh chịu những hình phạt nào vì tội bức hại một người tu luyện chỉ vì sự thiếu hiểu biết của bản thân đây?”

Thể hiện sự tốt đẹp của Đại Pháp

Một tù nhân bị giam giữ vì tội ăn cắp. Anh không có người thân nào quan tâm. Tôi đã cho anh ta một ít mì ăn liền khi anh ấy được chuyển đến một khu [giam giữ] khác. Anh ngạc nhiên và cảm động bởi hành động đó và không biết phải nói gì. Tôi đã nói với anh đạo lý “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, và nói với anh chân tướng về Đại Pháp.

Một thời gian sau, anh ấy được chuyển về khu chúng tôi. Khi các lính canh muốn anh tra tấn các học viên, anh đã từ chối. Sau đó anh được giảm án tù. Có lẽ đó là phần thưởng cho anh vì đã từ chối bức hại các học viên.

Một hôm, một chỉ đạo viên gọi tôi vào phòng của anh ấy. Khi tôi bước vào, anh ấy mời tôi một ly nước, vốn là điều chưa từng có tiền lệ. Anh ấy hỏi tại sao tôi có thể kiên định tu luyện như vậy.

Tôi nói: “Khoảng 2.000 năm trước, Khổng Tử và Mạnh tử đã nói rằng “sát thân thành nhân” (tức là một người có thể sẵn sàng xả thân vì nghĩa, chứ không chỉ vì bản thân). Nếu tôi phải lựa chọn giữa việc giữ mạng sống hay bảo vệ chính nghĩa đạo đức của bản thân, thì tôi thà từ bỏ sinh mạng. Nguyên tắc đạo đức đó là một phần của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Đó là tinh thần của người Trung Hoa. Nhưng chế độ Trung Cộng đã phá hủy tinh thần đó và những tiêu chuẩn đó thông qua các chiến dịch vận động của nó, vì vậy con người ngày nay khó có thể hiểu quyết tâm kiên định vào đức tin của chúng tôi. Tôi không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, vì Chân-Thiện-Nhẫn là những giá trị phổ quát của thế giới. Và mỗi người đều cần có Chân-Thiện-Nhẫn.”

Anh ấy rất tử tế với tôi khi tôi rời khỏi phòng, và thể hiện sự kính trọng của anh đối với một học viên Đại Pháp.

Vào thời kỳ đầu khi tà đảng bắt đầu cuộc đàn áp, Pháp Luân Đại Pháp đã hồng truyền tới hơn 50 quốc gia. Sau 18 năm bức hại tàn bạo, Pháp Luân Đại Pháp nay đã truyền rộng đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Chúng ta đã không sợ hãi và từng bước vượt qua bức hại đẫm máu của tà đảng.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/6/368515.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/6/27/170913.html

Đăng ngày 16-7-2018. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share