Bài viết của một đệ tử Đại Pháp ở tỉnh Hắc Long Giang

[MINH HUỆ 7-11-2017] Nhà tôi ở dưới quê có hai mẫu đất. Một mẫu được chia cho cha tôi và mẫu còn lại được chia cho tôi. Năm 16 tuổi, tôi chuyển lên thành phố và đã chuyển hộ khẩu. Nhà tôi đáng ra bị mất một mẫu đất bởi mẫu đất đó được tôi đăng ký trước đây bằng hộ khẩu tỉnh.

Tuy nhiên, chúng tôi lại giữ được cả hai mẫu đất bởi vì sở công an địa phương đã sai sót trong quá trình làm việc. Sau đó chúng tôi đem một mẫu cho thuê và được một khoản thu nhập hằng năm.

Sau này tôi và mẹ bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Càng học Pháp, chúng tôi nhận ra mình cần phải chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và không nên truy cầu lợi ích vốn dĩ không thuộc về mình.

Tôi xóa tên trong hộ khẩu dưới quê tại sở công an địa phương năm 2003 và bỏ một mẫu đất do mình đứng tên.

Lúc đó, những người quen biết của chúng tôi đã nói những câu đại loại như: “Anh bỏ đi một mẫu đất sao? Hãy nghĩ về khoản trợ cấp của nhà nước và thu nhập từ mẫu đất hằng năm. Thêm nữa, theo chính sách thì mẫu đất sẽ thuộc về anh khoảng 30 năm. Nghĩ xem trong hơn 30 năm anh bị mất đi không biết bao nhiêu là tiền! Anh ngốc thật.”

“Chúng tôi là học viên Pháp Luân Công. Lúc nào chúng tôi cũng nên nghĩ cho người khác trước,” mẹ tôi nói. “Tôi đã không hiểu nguyên lý này và đã chiếm dụng miếng đất khoảng 17 năm. Tôi đã lấy thứ không thuộc về mình. Bây giờ tôi chỉ đơn giản là trả lại miếng đất cho đúng chủ của nó. Tôi không nghĩ đó là mất mát gì cả.”

Sau khi nghe những lời này thì người nhà và bạn bè đã hiểu được quan điểm của chúng tôi và họ không còn cảm giác tiếc của thay cho chúng tôi nữa.

Cha tôi tuy không tu luyện Pháp Luân Công, nhưng ông hiểu cách chúng tôi hành xử. Ông cũng áp dụng những nguyên lý của môn tu luyện trong cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi đốt những tờ tiền giả bất cứ khi nào chúng tôi thu được từ việc kinh doanh trái cây, để chúng không thể tiếp tục lưu hành trên thị trường gây tổn hại lợi ích của người khác. Trong hơn 10 năm qua, chúng tôi đã tiêu hủy hàng ngàn tờ tiền giả.

Thỉnh thoảng cha tôi nhận được nhiều hơn mức tiền thối khi ông mua trái cây sỉ. Có lần ông nhận được 600 nhân dân tệ tiền thừa (khoảng 90 đô la Mỹ) trong tổng số tiền thối lại, nhưng ông trả lại phần bị dư. Những người bán hàng rất biết ơn ông, bởi ngày nay những hành động như vậy thì khá hiếm ở Trung Quốc.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/11/7/356427.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/12/5/166636.html

Đăng ngày 14-12-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share