[MINH HUỆ 11-1-2016] Cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn trong năm 2015. Sau khi buộc phải đóng cửa hệ thống các trại lao động cưỡng bức (còn được gọi là “trại lao động cải tạo”) vào năm 2013, chính quyền này đã phản ứng lại bằng cách tăng cường kết án tù các học viên Pháp Luân Công.

Thông tin tóm lược

Theo các báo cáo của Minh Huệ Net, năm 2015 có 878 học viên Pháp Luân Công bị kết án tù ở Trung Quốc. Trong đó có 252 là nam, 536 là nữ, và 90 người còn lại hiện vẫn chưa xác định được giới tính.

Các học viên này là cư dân của 29 tỉnh và thành phố cấp tỉnh:

2c1f27d3baa3e65592b4b6f72a4fd80f.jpg

Ghi chú: trong 878 học viên Pháp Luân Công bị kết án tù trong năm 2015, 27 trường hợp không có thông tin về tỉnh thành.

Trong số các học viên bị kết án, có 356 người chưa có thông tin về độ tuổi. Độ tuổi dao động từ tuổi thanh niên đến lão niên, trong đó trẻ nhất là Biện Hiểu Huy (23 tuổi) và cao tuổi nhất là Vương Gia Quốc (81 tuổi). Dưới dây là biểu đồ phân bố theo tuổi:

7dc0fd57d68fef88d7d064225b42e340.jpg

Thời hạn án dao động từ 4 tháng đến 12 năm tù giam, với thời hạn trung bình là 3 năm 11 tháng.

02560bfc06896f2127ea568b021ef9ef.jpg

Toàn bộ quá trình [bức hại] thường chia thành nhiều giai đoạn: bắt giữ, thẩm vấn (thường bao gồm cả tra tấn), khám xét nhà cửa, xét xử, kết án, kháng án, và bỏ tù. Dưới đây, chúng tôi trình bày khái quát về việc các học viên bị giam giữ và tra tấn chỉ vì đức tin của họ, bị các cơ quan tư pháp ngược đãi, những thống khổ mà các học viên phải chịu đựng trong tù, và chúng ta có thể làm gì để chấm dứt sự tàn bạo này.

Phần I: Bị đàn áp vì tín ngưỡng

Bất chấp các học viên đã có những cống hiến như thế nào cho xã hội trong các ngành nghề khác nhau như học thuật, luật, kỹ thuật, kinh doanh, hành pháp, v.v, họ đều bị giam cầm chỉ vì đức tin của họ vào nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn” của Pháp Luân Công.

Một thí dụ là ông Hùng Huy Phong, 77 tuổi, nguyên Viện phó Viện 835 thuộc Bộ Công nghiệp Hàng không Vũ trụ. Là một thành viên trong ban quản lý của Hiệp hội Du hành Vũ trụ Trung Quốc, ông giữ vai trò then chốt trong lĩnh vực hàng không vũ trụ của Trung Quốc. Thêm vào đó, năm 1995, ông bắt đầu hỗ trợ tài chính giúp cho nhiều trẻ em được học hết tiểu học.

Mặc dù vậy, ông Hùng bị Tòa án Nam Khai ở Thiên Tân kết án bảy năm rưỡi tù giam vào tháng 12 năm 2015. Ông kháng án nhưng không nhận được phản hồi nào từ tòa án cấp cao hơn.

Ông Chu Ngọc Quân, kiểm sát viên ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm bị kết án năm năm tù vào tháng 12 năm 2015.

Bà Thôi Hội Phương, 52 tuổi, công tác tại Trại Lao động Giai Mộc Tư trước khi nghỉ hưu vào tháng 1 năm 2015. Sau khi làm cảnh sát nhiều năm, bà Thôi tìm hiểu về Pháp Luân Công qua các học viên bị giam cầm. Sự hiếu kỳ đã khiến bà đọc các sách của Pháp Luân Công, bà nói rằng cả tinh thần và sức khỏe của bà đều được đề cao.

Sau khi bị bắt, bà Thôi bị giam ở Trại giam Giai Mộc Tư, và bị kết án hai năm tù giam.

022ea6ded85c340af7d7b2561f26792e.jpg

Bà Thôi Hội Phương, cựu cảnh sát, đã học Pháp Luân Công sau khi tiếp xúc với các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại chính trại lao động nơi bà công tác trước đó.

4cecc5628362c484300d78caae744f90.jpg

Bài Thôi Hội Phương, bị giam giữ tại Trại giam Giai Mộc Tư

Nguyên nhân bị bắt và giam giữ

Nhìn chung, khi các học viên nói với người khác về cuộc bức hại Pháp Luân Công, họ có thể bị bắt hoặc tống giam.

Những vụ bắt giữ này vi phạm Hiến pháp Trung Quốc, trong đó có quy định:

“Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được hưởng quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, kết giao, diễu hành, và biểu tình.” (Điều 35)

“Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được quyền tự do tín ngưỡng.” (Điều 36)

Một lý do khác khiến nhiều học viên bị bắt giữ trong những tháng gần đây là vì họ đã nộp đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, kẻ đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999. Gần 200.000 đơn kiện hình sự đã được gửi tới Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao kể từ tháng 5 năm 2015.

Những đơn kiện đó là hợp pháp và được quy định tại Điều 41 của Hiến pháp Trung Quốc: “Công dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền phê bình và góp ý với bất kỳ cơ quan hoặc viên chức nhà nước nào. Các công dân có quyền kiện hoặc buộc tội các cơ quan nhà nước liên quan, hoặc vạch trần bất kỳ cơ quan nhà nước hay viên chức nào vi phạm pháp luật hoặc không làm tròn nhiệm vụ.”

Mặc dù vậy, cảnh sát đã bắt giữ một lượng lớn học viên nhằm trả đũa họ vì đã đệ đơn buộc tội Giang. Chỉ tính riêng ở thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh đã có hơn 30 người bị giam cầm chỉ vì lý do này. Đơn cử như học viên Tào Khải Tài, một cư dân của Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt giữ vào tháng 7 và kết án bốn năm tù trong một phiên xử bí mật.

Tra tấn trong trại giam

Cảnh sát thường xuyên tra tấn các học viên trong khi thẩm vấn họ để lấy thông tin chi tiết, hoặc bắt họ phải khai ra thông tin của các học viên khác.

Một phương thức tra tấn phổ biến là “ghế sắt”. Phương thức này được áp dụng với trường hợp của Đặng Lệ Quyên và Trần Tú Vân, hai học viên bị bắt giữ vào ngày 4 tháng 8 năm 2015 vì đã phân phát tờ rơi thông tin Pháp Luân Công và cuộc bức hại. Cảnh sát thành phố Đôn Hóa cấm họ ngủ và trói họ vào “ghế sắt.” Bất cứ khi nào họ nhắm mắt, cảnh sát liền dội nước lạnh lên người họ, tát vào mặt, và giật tóc họ.

89483f4e95dc3f8aa6656f59fe4e6c3a.jpg

“Ghế sắt” một thiết bị tra tấn được dùng phổ biến để tra tấn các học viên bị giam cầm.

Một phương thức tra tấn khác mà cảnh sát ở Truy Bác thuộc tỉnh Sơn Đông áp dụng với học viên Đái Đông Vũ là lấy một thùng kim loại nặng chụp lên đầu của nạn nhân và dùng các thanh kim loại đập liên tục vào thùng. Hậu quả là ông Đái đã bị mất thính lực. Cảnh sát cũng đánh thẳng vào mặt anh và các vùng khác trên cơ thể, không cho anh sử dụng nhà vệ sinh, và bức thực anh bằng nước bẩn.

26c4e21222c52de8b9d0324f938aae19.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Chụp một thùng kim loại lên đầu nạn nhân và dùng một thanh sắt đánh vào thùng để tạo nên tiếng ồn khủng khiếp.

Phần II: Hệ thống Tư pháp được sử dụng như một công cụ trong chiến dịch đàn áp của Đảng

Trong hầu hết các phiên tòa hình sự xét xử các học viên Pháp Luân Công, các phán quyết đều được Phòng 610 hoặc cơ quan quản lý của nó là Ủy ban Chính trị và Pháp Luật định đoạt trước. Phòng 610 là cơ quan do lãnh đạo trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lập ra vào năm 1999, nhằm tiếp cận các cấp chính quyền để thực thi nhiệm vụ nhổ tận gốc Pháp Luân Công.

Khi Vương Ái Hoa và năm học viên khác bị Tòa án Dậu Dương ở thành phố Trùng Khánh kết án vào ngày 28 tháng 4 năm 2015, các luật sư của họ phát hiện ra rằng hồ sơ vụ án không hề được gửi tới Viện Kiểm sát. Vào buổi tối hôm đó, Phòng 610 mới đưa ra một “hồ sơ án bổ sung.” Các luật sư biện hộ bất bình chất vấn: “Phòng 610 thực ra là cái thứ gì vậy? Nó là cơ quan thụ lý án à? Nó có tư cách gì để quyết định lập hồ sơ vụ án, và những thứ nó ban hành dựa vào đâu mà lại có hiệu lực pháp lý?”

Một ví dụ khác, Tòa án Nguyên Thành ở tỉnh Quảng Đông kết án học viên Ngô Hồng Vệ vào ngày 27 tháng 11 năm 2015. Ông Trương Tán Ninh, một luật sư nổi tiếng và là giảng viên của Đại học Đông Nam, ông biện hộ và lập luận: “’Phòng 610’ do cựu độc tài Trung Quốc lập ra nhằm tiến hành cuộc đàn áp Pháp Luân Công, là một tổ chức ngoài vòng pháp luật, vượt qua cả hệ thống tư pháp của Trung Quốc. ‘Phòng 610’ này không hề có cơ sở pháp lý và lẽ ra phải bị giải thể từ lâu rồi.”

Xét xử bí mật

Vì luật pháp thường bị bỏ qua hay làm ngơ trong các vụ xử học viên Pháp Luân Công nên các phiên xét xử thường được tổ chức bí mật trong các trại giam thay vì tại các phòng xử án của tòa án, và không thông báo tới các luật sư cũng như thân nhân của bị cáo. Bản án cũng không được gửi tới các thành viên trong gia đình bị cáo.

Khi Lý Khải, người ở thành phố Tần Hoàng Đảo của tỉnh Hà Bắc bị đưa ra xét xử vào ngày 7 tháng 11 năm 2015, và một phiên xét xử vào ngày 21 tháng 9 năm 2015, thẩm phán đã không hề thông báo cho gia đình anh. Sau khi gia đình biết anh phải lĩnh án tù ba năm rưỡi họ đã hỏi thẩm phán Lưu về phiên xét xử, Lưu nói với họ: “Tôi không có nghĩa vụ phải thông báo với các vị.”

Cô Xa Bình Bình, giảng viên của Viện Giáo dục Thể chất Cát Lâm, bị bắt vào tháng 10 năm 2013. Gia đình cùng hai luật sư của cô đã nhiều lần liên hệ hẹn gặp thẩm phán Lý Trung Thành, nhưng ông Lý đều từ chối gặp họ. Cuối cùng, ông Lý đã đồng ý gặp họ vào ngày 9 tháng 11 năm 2015 và nói: “Phiên xét xử đã tiến hành rồi. Bản án là bốn năm [tù giam].”

2013-10-25-minghui-pohai-jilin-chepingping--ss.jpg

Phiên tòa xét xử cô Xa Bình Bình mà luật sư và thân nhân của cô không được thông báo.

Bạo lực tại tòa án

Trong trường hợp có sự hiện diện của luật sư và người nhà bị cáo, cảnh sát thường hăm dọa hoặc thậm chị là bắt giữ họ.

Ba học viên Pháp Luân Công là Lý Đông Húc, Cao Kính Quần, và Vu Minh, bị Tòa án Thẩm Hà ở tỉnh Liêu Ninh xét xử vào ngày 22 tháng 4 năm 2015. Sau khi thấy một học viên có tình trạng sức khỏe yếu, các quan chức đã đuổi hai vị luật sư ra khỏi phiên xét xử và bóp cổ một người trong số họ đến bất tỉnh.

Sau khi vị luật sư này tỉnh lại, một chấp hành viên quát lớn: “Những gì chúng tôi đã làm với ông gọi là thực thi pháp luật!”

Khi Mạc Vỹ Thu bị đưa ra xét xử tại Tòa án Ninh Hà ở Thiên Tân vào ngày 2 tháng 12 năm 2015, chồng của bà là ông Lý Quảng Viện đã biện hộ cho bà. Phiên tòa kết thúc sau 30 phút xét xử nhưng ông Lý đã bị bắt ngay lúc đó.

Một trường hợp tương tự khác, khi Tòa án Tấn An của tỉnh Phúc Kiến xét xử học viên Lý Á Bình vào ngày 8 tháng 9 năm 2015, các quan chức đã sắp đặt sẵn một số nhân chứng cho phiên xét xử, nhưng người thân của Lý thì bị chặn không cho tham dự phiên xét xử, và họ bắt giữ một số học viên khác, trong đó có ông Đổng Sỹ Lâm 88 tuổi. Ông Lý bị kết án bốn năm rưỡi tù giam.

Đe dọa luật sư, phớt lờ kháng cáo

Bên ngoài phòng xử án, cảnh sát cũng ngăn cản và sách nhiễu luật sư biện hộ của các học viên bằng nhiều cách thức khác nhau. Ví dụ, các luật sư đến từ các thành phố khác thường biện hộ vô tội nên các nhà chức trách thường cản trở và ép các học viên phải thuê luật sư địa phương thay vì thuê luật sư từ nơi khác đến.

Sau khi học viên Từ Vĩnh Phàm, người huyện Thanh Long, tỉnh Hà Bắc bị bắt giữ vào tháng 11 năm 2014, người nhà của ông đã thuê một luật sư nhân quyền, người này đã đồng ý sẽ biện hộ vô tội cho học viên Từ. Phòng 610 Thanh Long và các quan chức khác đã yêu cầu họ phải thuê một luật sư được chỉ định tại địa phương,và hứa hẹn nếu đồng ý thì họ sẽ tuyên bản án thời hạn ngắn hoặc chỉ bị quản chế.

Sau khi gia đình học viên Từ đồng ý yêu cầu đó, các nhà chức trách và luật sư được chỉ định kia không hề làm theo những gì đã được hứa hẹn. Học viên Từ bị kết án bảy năm tù giam.

Thậm chí khi các học viên kháng án hồ sơ của họ cũng bị phớt lờ, hoặc một phiên xét xử thứ hai sẽ được tổ chức một cách vội vàng. Sau khi học viên Ngôn Hồng cùng tám học viên khác bị đưa ra xét xử vào ngày 8 tháng 12 năm 2015, các thẩm phán chủ tọa liên tục cắt ngang lời bị cáo và không để cho họ đọc lời khai đã chuẩn bị trước. Phiên xét xử kháng cáo tám học viên này chỉ kéo dài trong vỏn vẹn một giờ đồng hồ, và các bản án ban đầu đều được giữ nguyên.

Phần III: Cơn ác mộng dai dẳng

Sau khi các học viên bị tống vào tù, ban đầu họ thường bị tạm giam cùng với một nhóm tù nhân mới, ở đó cai trại cố gắng ép họ phải từ bỏ đức tin của mình. Sau đó, họ chia các học viên ra giam giữ ở các khu khác nhau để cưỡng bức lao động. Đối với những học viên kiên định, cai trại sẽ chỉ định cho tù nhân giám sát họ mọi lúc mọi nơi.

Các viên chức của nhà tù thường che giấu những hành động lạm dụng đó. Sau khi được trả tự do, nhiều học viên mới tiết lộ với Minh Huệ Net về những hình thức ngược đãi mà họ phải chịu đựng. Ví dụ, học viên Mạnh Hiến Quang, Trần Tú, và các học viên khác đã bị sốc điện bằng dùi cui điện trong ba ngày kể từ ngày 20 tháng 11. Trên người họ đầy vết thương và bầm tím, họ không thể đi lại hay tự chăm sóc bản thân được.

2010-7-15-minghui-persecution-electric-batons--ss.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Sốc điện bằng dùi cui điện

Bị giam cầm và tra tấn triền miên

Vào tháng 1 năm 2015, học viên Vương Kiến Phúc cùng hai học viên khác ở huyện Bình Cốc, Bắc Kinh đã bị bắt giữ vì đã phát tặng lịch có in thông tin Pháp Luân Công và cuộc bức hại. Học viên Vương bị kết án bảy năm rưỡi tù giam, trong khi hai học viên còn lại mỗi người bị kết án hai năm tù giam.

Chỉ vì nói cho người khác về Pháp Luân Công, anh Vương bị kết án tám năm tù vào năm 2002 và đến năm 2009 mới được trả tự do. Hai học viên còn lại trước kia cũng từng bị giam giữ trong các trại lao động và nhà tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

Anh Trương Hoành Nho, một nhà phát triển phần mềm, bị bắt vào năm 2002 và được trả tự do vào năm 2011. Tuy nhiên, anh lại bị bắt một lần nữa vào tháng 7 năm 2015 và bị xét xử vào tháng 11.

2015-8-1-minghui-mainland-zhanghongru-02--ss.jpg

Nhà phát triển phần mềm Trương Hoành Nho

Nỗi đau của thân nhân

Gia đình của các học viên bị giam giữ hoặc bị cầm tù cũng chịu nhiều thống khổ.

Khi học viên Lô Vân Phi cùng năm học viên khác bị xét xử ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc vào tháng 10, người nhà của họ đã khóc ròng khi nhìn thấy họ. Nhiều người trong số đó đã hơn một năm không được gặp các học viên bởi đề nghị thăm thân của họ liên tục bị từ chối.

Cô Lý Anh, một giáo viên tiểu học ở khu Tân Hải, thành phố Thiên Tân, bị kết án hơn sáu tháng tù giam trong một phiên xét xử vào ngày 5 tháng 11 năm 2015. Trong thời gian đó, người cha già 80 tuổi của cô đã qua đời bởi quá căng thẳng và khiếp sợ. Con gái cô không có người chăm sóc.

Phần IV: Chấm dứt tội ác

Cầm tù chỉ là một trong số rất nhiều những hình thức ngược đãi mà các học viên phải chịu đựng ở Trung Quốc. Ngoài ra còn có lao động cưỡng bức, tẩy não, cưỡng bức tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc, và nhiều hình thức khác nữa.

Mặc dù các trại lao động đã bị đóng cửa nhưng cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài 16 năm qua vẫn đang tiếp diễn. Tuy vậy, ngày càng có người dân hiểu chân tướng cuộc bức hại và lên tiếng ủng hộ các học viên.

Khi học viên Thôi, nhân viên của trại lao động đã nghỉ hưu, bị kết án tù bởi tu luyện Pháp Luân Công, nhiều cư dân địa phương đã ký tên thỉnh nguyện yêu cầu trả tự do cho bà.

2015-10-26-mh-signature-cui-1--ss.jpg

Chữ ký thu thập để ủng hộ bà Thôi Hội Phương

Ở thành phố Thiên Tân và Thương Châu, tỉnh Hồ Bắc, khoảng 5.000 người đã ký tên ủng hộ chín học viên đang bị giam giữ từ hồi tháng 4 năm 2014.

Làn sóng kiện Giang Trạch Dân cùng 200.000 đơn kiện hình sự ông ta ở Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ của người dân ở khắp nơi trên toàn thế giới. Chỉ tính riêng ở Hàn Quốc, đã có 380.000 người dân ký tên kiến nghị yêu cầu đưa Giang ra xét xử bởi đã phát động và chỉ đạo cuộc đàn áp tàn bạo này.


Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2016/1/11/322076.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/1/17/154841.html

Đăng ngày 27-01-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share