Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc Đại Lục

[MINH HUỆ 24-05-2023] Tôi là một đệ tử lâu năm bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ năm 1997. Nhân dịp kỷ niệm ngày 13 tháng 5, Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, tôi xin chia sẻ câu chuyện của bản thân sau khi đắc Pháp trong tù và bắt đầu tu luyện đã có được thân thể khỏe mạnh và đạo đức thăng hoa.

Bốn cuốn bảo thư đã thay đổi cuộc đời tôi

Trước khi đắc Pháp, tôi là một thanh niên lầm đường lạc lối, dành phần lớn thời gian ở những chốn sa đọa, trụy lạc và trác táng. Tôi đã sống cuộc sống như thể không có ngày mai, cho đến khi nhận án tù chung thân và bị giam trong tù.

Thời hạn tù dài đã ảnh hưởng nặng nề đến tôi. Tôi bắt đầu suy ngẫm về cuộc đời thất bại của mình và tự hỏi: “Con người ta sống vì điều gì? Tôi sẽ sống như thế nào đây?” Tôi bắt đầu đọc sách và cố gắng tìm câu trả lời ở trong những cuốn sách. Trong tù có đủ loại người: Một số người tin vào Phật giáo, một số người tin vào các tôn giáo khác, một số người nghiên cứu “Hồng Lâu Mộng” (một trong Tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc). Tôi đã mượn sách của họ và cũng nhờ gia đình gửi cho tôi cuốn “Đạo Đức Kinh” (còn gọi là Lão Tử ngũ thiên văn). Tôi đã đọc tất cả số sách đó nhưng vẫn không tìm thấy câu trả lời mà mình đang kiếm tìm.

Vào tháng 7 năm 1997, một người tù nhân theo Phật giáo đã đưa cho tôi hai cuốn sách, “Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney” và “Chuyển Pháp Luân quyển II.” Tôi lật trang đầu tiên của cuốn “Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney” và nhìn thấy bức ảnh của Sư phụ Lý (nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp). Nhìn Ngài rất hòa ái, thân thiết, trong tâm tôi rất có hảo cảm và đã đọc một mạch hết cả hai cuốn. Những lời giảng của Sư phụ về thân thể người, sinh mệnh, vũ trụ và mối quan hệ giữa khí công và tu luyện đã khiến tôi minh bạch về những vấn đề mà mình đã thắc mắc bấy lâu. Tâm trí tôi trở nên rộng mở, cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Tôi rất yêu thích hai cuốn sách không muốn rời tay và đã hỏi vị tù nhân kia rằng anh ấy lấy sách ở đâu. Anh ấy hỏi tôi rằng sách viết có hay không, tôi nói rằng: “Cuốn sách này viết vô cùng hay!” Anh ấy nói sách này do người nhà của một tù nhân sắp được phóng thích gửi vào, người tù nhân đó không muốn mang sách về nhà, nếu ai muốn có thể tới chỗ anh ấy để lấy, còn có hai cuốn khác nữa.

Tôi vừa nghe thấy vậy liền nói: “Tôi muốn giữ hai cuốn sách này và cả hai cuốn kia nữa.” Chúng tôi đã tìm được vị tù nhân kia và tôi đã mua cả bốn cuốn sách với giá 25 nhân dân tệ. Hai cuốn còn lại là “Chuyển Pháp Luân” và “Pháp Luân Đại Pháp Nghĩa Giải.” Cầm những cuốn sách quý giá trên tay, tôi nói với vị ấy rằng: “Bây giờ tôi sẽ học Pháp Luân Đại Pháp, tôi sẽ không đọc Đạo Đức Kinh hay bất kỳ cuốn sách nào khác nữa. Chúng ta hãy cùng nhau đọc, anh cũng nên cất các cuốn kinh sách Phật giáo của mình đi. Anh ấy trả lời: “Anh cứ đọc những gì anh muốn, còn tôi sẽ đọc những gì tôi muốn.” Ngày hôm đó tôi đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Sau khi đọc các cuốn sách Đại Pháp, tôi đã hiểu được Pháp lý nhân quả báo ứng, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Tôi hiểu rằng mình đang phải trả giá cho những việc làm xấu xa của mình trong kiếp này.

Sư phụ giảng:

“Kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận, mà tự thấy bất công. Người Thiện thường trong tâm từ bi, không oán, không hận, lấy khổ làm vui. Bậc Giác Giả không có tâm chấp trước, tĩnh nhìn thế nhân đang lấy điều huyễn hoặc làm cõi mê.” (Cảnh giới, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tôi đang là một kẻ ác, phải sống chung thân ở trong tù, và tôi mong muốn tu luyện Đại Pháp để trở thành một người tốt. Tôi không còn muốn làm điều xấu nữa, tôi hy vọng sẽ đạt được tiêu chuẩn mà Pháp Luân Đại Pháp đặt ra.

Môi trường ở trong tù được cải thiện

Lúc đầu, tôi là học viên Pháp Luân Đại Pháp duy nhất trong số 200 tù nhân của nhà tù. Khi Pháp Luân Đại Pháp trở nên phổ biến hơn ở Trung Quốc, các tù nhân khác đã mượn sách Đại Pháp của tôi hoặc nhờ tôi dạy các bài công pháp cho họ. Hàng chục tù nhân đã tập luyện trong khu nhà tù của tôi trước ngày 25 tháng 4 năm 1999 (ngày mà 10.000 học viên Pháp Luân Đại Pháp tập trung tại Bắc Kinh để thỉnh nguyện ôn hòa). Chúng tôi tổ chức các nhóm học Pháp và nghe các video Sư phụ giảng Pháp. Chúng tôi cũng luyện công ngoài trời. Đó là một khung cảnh ngoạn mục và các lính canh cũng đã ra ngoài để xem.

Đại Pháp đã nhanh chóng cải biến hành vi của mọi người. Nhiều tù nhân thường hút thuốc, uống rượu và đánh bạc quanh năm. Sau khi bước vào tu luyện, tâm tính của họ cải thiện và họ đã bỏ hút thuốc, uống rượu và đánh bạc.

Một số người đã dừng chửi bới, không còn giả vờ ốm để trốn việc hay làm việc chểnh mảng mà thay vào đó là chủ động lao động. Những người bị bệnh mãn tính đã trở nên khỏe mạnh ngay sau khi bắt đầu tu luyện Đại Pháp. Mọi người đều được trải nghiệm điều kỳ diệu từ Đại Pháp và tinh tấn hơn trong tu luyện. Không tù nhân nào thích dọn dẹp nhà xưởng và khu vệ sinh, nhưng những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã tình nguyện dọn dẹp và tên của họ thường xuất hiện trên bảng “những người gương mẫu.”

Một buổi chiều nọ, một tù nhân nói với tôi: “Giáo đạo viên của trại giam hỏi tôi ai đang tổ chức các hoạt động Pháp Luân Đại Pháp. Tôi trả lời là anh, nên ông ấy muốn nói chuyện với anh.”

Tôi đã gặp vị giáo đạo viên, anh ấy hỏi: “Có bao nhiêu người đang học Pháp Luân Đại Pháp trong trại giam này của chúng ta?” Tôi báo cho anh ấy con số, anh ấy nói: “Tất cả các anh đã làm rất tốt. Anh có thể gọi thêm người cùng tập không?” Tôi vui mừng trả lời: “Chúng tôi không ép ai tập cả, vì điều đó phụ thuộc vào nguyện ý của từng người.”

Anh ấy hiểu ra và nói vài lời động viên. Tôi đã chia sẻ chuyện này với các học viên khác và họ rất vui khi nghe thấy điều đó. Hành vi tích cực của chúng tôi cùng ảnh hưởng tích cực của Đại Pháp đã được những người khác ghi nhận.

Trải qua bức hại và phản bức hại

Sau cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên vào ngày 25 tháng 4 năm 1999, nhà tù đã cấm chúng tôi tập luyện và yêu cầu chúng tôi giao nộp tất cả các sách Đại Pháp. Lúc đó, có hơn 200 học viên và hầu hết họ đã ngừng tập luyện khi biết tin này. Tôi nói với mọi người: “Nếu các bạn không muốn tu luyện, xin đừng nộp lại sách. Tôi sẽ trả cho bạn 10 nhân dân tệ mỗi cuốn.” Tôi gom lại hai túi sách và cất vào khu sản xuất.

Vào khoảng thời gian đó, điều phối viên Pháp Luân Đại Pháp địa phương đã gửi cho tôi hai bài kinh văn của Sư phụ, đó là bài “Vị trí” và “An định” (Tinh Tấn Yếu Chỉ II). Tôi làm theo gợi ý của Sư phụ, viết thư ngỏ gửi phụ trách nhà tù và phụ trách khu trại giam. Tôi đã giải thích về vẻ đẹp của Đại Pháp, về việc 40 tù nhân và bản thân tôi đã được hưởng lợi về mặt thể chất và tinh thần như thế nào từ môn tu luyện này, và những điều tốt đẹp mà chúng tôi đã làm để cải thiện môi trường trong tù. Tôi hy vọng lãnh đạo sẽ đối xử công bằng với chúng tôi và cho phép chúng tôi tiếp tục tu luyện.

Vị giáo đạo viên là người tiếp nhận lá thư của tôi, đây cũng là người đã khuyến khích tôi kêu gọi thêm nhiều tù nhân tu luyện Đại Pháp. Nhưng thái độ của anh ấy đã thay đổi 180 độ, không còn thân thiện và động viên như trước nữa, anh ấy đã đưa ra lời cảnh cáo và đe dọa.

Sau ngày 20 tháng 7 năm 1999, ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Đại Pháp, toàn bộ nhà tù dường như bị bao phủ bởi một tấm màn đen tối. Đó là thời khắc tăm tối nhất, không chút tia sáng le lói nào. Chúng tôi không được bật nhạc luyện công, các học viên cũ bắt đầu cư xử như những người thường. Những người bỏ rượu hoặc hút thuốc lại tái nghiện. Những người đã ngừng chửi thề giờ đây thậm chí còn chửi rủa nhiều hơn. ĐCSTQ đã biến con người ta biến thành ma quỷ! Vị giáo đạo viên đã ra lệnh cho tất cả các học viên đứng lên và tuyên bố ngừng tu luyện. Mọi người đều tuyên bố từ bỏ, tôi cũng ngược với ý muốn của bản thân mà từ bỏ. Nhưng tôi biết rằng Đại Pháp là tốt, và rằng cuộc bức hại chỉ là một trong các chiến dịch của ĐCSTQ.

Tôi tiếp tục bí mật đọc sách Đại Pháp, nhưng vài tháng sau có người báo cáo tôi với lính canh. Lính canh tìm thấy những cuốn sách tôi đã giấu và tống tôi vào phòng biệt giam. Họ tước quyền được giảm án của tôi và buộc tôi phải tự kiểm điểm bản thân trong trại giam. Tôi lại từ bỏ tu luyện. Nhưng các nguyên lý của Đại Pháp đã bén rễ trong tâm tôi không thể bị xóa bỏ bởi sự đe dọa và bức hại của ĐCSTQ. Tôi nên làm gì đây?

Năm 2002, các học viên lần lượt bị kết án phi pháp và bỏ tù. Một học viên đã bị đưa đến khu nhà tù của tôi, tôi đã nói với anh ấy về hoàn cảnh của mình. Anh ấy nói với tôi những gì đang xảy ra với môn tu luyện ở trong và ngoài Trung Quốc, đồng thời giải thích mối quan hệ giữa tu luyện cá nhân và tu luyện trong Chính Pháp. Anh ấy đã chia sẻ những bài giảng mới với tôi, tôi đã rơi nước mắt khi đọc bài “Tham khảo lời tiên tri.”

Sư phụ giảng rằng:

“Từ góc độ của các chư Thần mà xét thì quá trình Sư phụ ở nơi cõi người đang Chính Pháp chính là quá trình phục sinh từ cõi chết.” (Tham khảo lời tiên triTinh Tấn Yếu Chỉ II)

Sư phụ đã chịu đựng quá nhiều cho chúng ta, còn những gì tôi đã làm thật đáng thất vọng. Tôi đã thanh tỉnh hơn và hiểu ra mình cần làm gì. Tôi phải phủ nhận an bài của cựu thế lực và bù đắp cho những tổn thất mà tôi đã gây ra. Tôi biết mình cần quay lại con đường tu luyện Đại Pháp và trở thành một đệ tử chân chính.

Tôi đã gửi một lá thư công khai tới nhà tù và những người quản lý của khu trại giam, vô hiệu hóa các tuyên bố từ bỏ tu luyện trước đây của mình. Tôi giải thích rằng chúng trái với nguyện ý của tôi và rằng tôi làm dưới sự đe dọa và áp lực của lính canh. Tôi một lần nữa giải thích về những điều kỳ diệu của Đại Pháp, tôi đã được hưởng lợi như thế nào từ môn tu luyện và tại sao Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, lại bức hại chúng tôi. Tôi nói thêm rằng tôi hy vọng lãnh đạo nhà tù sẽ đối xử công bằng với các học viên và cho phép tôi tu luyện.

Đáp lại thư của tôi, lãnh đạo khu trại giam đã cử các tù nhân giám sát tôi 24 giờ mỗi ngày, cấm tôi tiếp xúc thân nhân hay bạn tù, và từ chối giảm án cho tôi.

Chấp trước vào sợ hãi của tôi đã tăng trưởng trước sự đàn áp này. Mỗi ngày tôi đều cảm thấy khủng hoảng bất an và thậm chí cảm thấy lạnh thấu xương. Tôi sợ lính canh sẽ biệt giam tôi, đánh đập, chửi bới tôi và sốc điện tôi bằng dùi cui điện. Vì thế, tôi bắt đầu phát chính niệm mọi lúc―ngay khi tôi mở mắt thức dậy, hay khi nằm, khi ngồi, khi đi và khi lao động, cho đến khi tôi nhắm mắt lại để ngủ. Tôi cũng học thuộc lòng bài “Chính niệm” và có nhiều lĩnh ngộ hơn về bài giảng này. Tôi cảm thấy chính niệm của mình ngày càng mạnh mẽ hơn.

Tôi cũng học thuộc và nhẩm những gì tôi nhớ về các bài giảng của Sư phụ. Chấp trước sợ hãi của tôi đã hoàn toàn bị loại bỏ trong ba tháng. Và tôi thực sự hiểu những gì Sư phụ giảng:

“…liễu ám hoa minh hựu nhất thôn.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Tôi không quan tâm liệu bản án của mình có được giảm nhẹ hay không hay liệu người thân có thể đến thăm tôi hay không, nhưng tôi hiểu rằng đây là những hình thức bức hại do nhà tù áp đặt lên tôi, nên tôi đã phủ nhận chúng. Tôi đã nói chuyện với quản giáo của khu nhà tù và người đứng đầu nhà tù về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại, và đề nghị họ cho tôi tu luyện.

Vị phụ trách nhà tù đập bàn và hét lên: “Các người không được phép tu luyện!” Tôi nhìn anh ấy và trả lời một cách bình tĩnh: “Nếu anh không cho tôi tập trong phòng giam của tôi, tôi sẽ tập trong phòng của anh.” Anh ta nói và cười nhạo: “Để xem anh có dám không!” Tôi liền ngồi trên sàn, vắt chéo chân trong tư thế song bàn, thực hiện các thủ ấn (động tác tay), và bắt đầu thiền định. Tôi bước vào trạng thái định ngay lập tức, và tôi nghe thấy một giọng nói từ xa: “Đứng lên!”

“Rầm!” Tôi bị đá vào mặt, máu mũi chảy ra. Tiếp theo là một vài cú đá nữa vào nửa thân trên của tôi, rồi đến những cí đấm. Điều kỳ lạ là tôi không hề bị thương, như thể tôi không phải là người bị đánh.

Tôi ngồi đó lặng lẽ, không nghĩ gì. Cửa mở và hai tù nhân đưa tôi ra ngoài. Khi tôi trở lại phòng giam, các tù nhân nhìn tôi nhưng không ai nói chuyện với tôi. Tôi soi gương thấy mặt tôi sưng vù vì bị đá, môi bị rách nhưng máu đã khô. Máu dính khắp ngực tôi nhưng tôi không cảm thấy đau. Tôi biết Sư phụ luôn ở bên cạnh và chịu đau thay cho tôi, tôi vô cùng cảm tạ hồng ân hạo đãng và lòng từ bi của Ngài!

Tôi biết mình không nên thụ động chấp nhận sự ngược đãi và rằng tôi phải chứng thực Đại Pháp trong khi phản bức hại, bởi vì đó là con đường tu luyện do Sư phụ an bài. Tôi muốn tiếp tục viết những bức thư ngỏ để phơi bày và chấm dứt cuộc bức hại các học viên.

Biết rằng chẳng ai đọc được những bức thư của tôi, nên tôi nghĩ đến việc dán chúng lên cột đèn giữa sân nhà tù. Bằng cách này, các nhà lãnh đạo nhà tù chắc chắn sẽ chú ý đến nó.

Tôi xé trang trước và trang sau của một cuốn sổ và viết mười hai chữ tiếng Trung cỡ lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Hãy ngừng bức hại Pháp Luân Đại Pháp!” Tôi đã chia sẻ ý tưởng của mình với các học viên khác và họ cũng được khích lệ. Tôi nói rằng tất cả chúng ta nên đứng trước cột đèn và luyện công vào buổi sáng khi chúng ta đi làm, và điều đó sẽ có tác dụng răn đe lớn hơn đối với những hành động bức hại. Họ nghe những gì tôi nói nhưng không trả lời.

Sư phụ giảng:

“Trong ma nạn hiện nay thì làm điều gì, cũng đều cần tự bản thân ngộ.” (LộTinh Tấn Yếu Chỉ II)

Sáng hôm sau, tôi giấu bức thư và tờ giấy vào trong người. Tôi theo đám đông ra khỏi khu vực nghỉ ngơi và dừng lại trước cột đèn. Sau khi dán lá thư và tờ giấy lên cột, tôi bắt đầu luyện bài công pháp đầu tiên.

Có hơn một nghìn tù nhân và lính canh từ các khu trại giam khác nhau tập trung tại sân. Một số tù nhân nhìn thấy tờ giấy và đọc to: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Hãy ngừng bức hại Pháp Luân Đại Pháp!” Có những giọng nói rõ ràng đến nỗi những người xung quanh họ có thể nghe thấy. Một số lính canh chạy đến và hét lên: “Anh ta thuộc nhóm nào?” Sau đó, hai lính canh đưa tôi đến phòng biệt giam.

Tôi bị giam ở đó trong vòng hai tuần và sau đó được chuyển đến một khu nhà tù khác. Các học viên trong khu đó đã tạo ra một môi trường nơi họ có thể đọc sách Đại Pháp và tự do luyện công. Tôi hỏi họ: “Tôi không thể luyện ở khu nhà tù trước nhưng ở đây thì lại có thể. Tôi đang được hưởng lợi từ các bạn à? Các học viên cười và nói: “Trong tu luyện không có gì là ngẫu nhiên,” anh được luyện nghĩa là anh xứng đáng được luyện.

Sư phụ giảng rằng:

“Những khảo nghiệm mà một người tu luyện trải qua là điều mà người thường không cách nào chịu đựng nổi, do đó những ai tu thành viên mãn trong lịch sử là hết sức thưa thớt ít ỏi. Con người vẫn là con người, vào thời điểm then chốt họ rất khó vứt bỏ quan niệm của con người, mà lại cứ tìm cho ra những cái cớ để thuyết phục bản thân. Nhưng một người tu luyện vĩ đại có thể trong khảo nghiệm trọng đại, mà vứt bỏ tự ngã, cho đến hết thảy tư tưởng của người thường. Tại đây tôi chúc mừng những ai tu luyện Đại Pháp đã vượt qua khảo nghiệm có thể viên mãn hay không này. Sự vĩnh viễn của sinh mệnh bất diệt cho đến tầng sở tại trong tương lai của chư vị, chúng là do bản thân chư vị khai sáng; uy đức là bản thân chư vị tu xuất lai. Hãy tinh tấn, điều này là vĩ đại nhất, thù thắng2 nhất. (ĐịnhTinh Tấn Yếu Chỉ II)

Mỗi khi đọc đoạn Pháp này, chính niệm của tôi lại trở nên mạnh mẽ hơn thúc đẩy tôi tiến lên trên con đường tu luyện của mình. Tôi hy vọng những chia sẻ của tôi sẽ khích lệ các học viên. Chúng ta hãy tận dụng tối đa thời gian của mình và không làm Sư phụ thất vọng. Hãy bước ra khỏi thời khắc đen tối nhất và chào đón sự xuất hiện của vũ trụ mới.

Trên đây là sự hiểu biết ở tầng thứ hiện tại của tôi, xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp.

Con xin cảm tạ sự cứu độ từ bi của Sư phụ!

(Bài viết được chọn đăng nhân dịp kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới lần thứ 24 trên Minh Huệ Net)

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/5/24/461096.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/5/28/209588.html

Đăng ngày 26-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share