[MINH HUỆ 25-12-2022] Kể từ đầu tháng 12 năm 2022, dịch bệnh đã bùng phát ở Bắc Kinh, Thạch Gia Trang và Vũ Hán, khiến hệ thống y tế vỡ trận. Cư dân mạng “Vương Tiểu Quái ở Bắc Kinh” đăng bài hôm thứ Sáu ngày 23 rằng cô đưa con bị sốt cao đến Bệnh viện Gia đình Hòa Mục Bắc Kinh và phải trả phí đăng ký gần 2.000 nhân dân tệ. Y tá vừa đến, câu đầu tiên là: tiền giường 15.000 tệ một đêm, các chi phí điều trị khác tính riêng. Cư dân mạng nói, cô ấy không hiểu tại sao viện phí lại cao đến vậy. Đây là cách Bắc Kinh đối xử với những sinh mạng nhỏ bé này (có hơn 300 đứa trẻ đang chờ đợi).

Một phụ nữ kể lại những gì đã xảy ra với nhà của bạn học của cô ở Bắc Kinh: “Ông của bạn học tôi ở Bắc Kinh qua đời. Họ liên hệ một vòng với các nhà tang lễ khắp Bắc Kinh, nhưng ở đâu cũng phải xếp hàng cả tuần. Bên dịch vụ đã liên hệ với một lò hỏa táng cách đó hơn 100km và giá là 38.000 nhân dân tệ. Bạn học cô thấy mức tiền hơi cao, liền có người hỏi: Cô muốn thiêu hay không? Không thiêu thì còn có bao nhiêu người đang chờ kia kìa. Không còn cách nào khác, cũng đành vậy. Rồi họ quẳng xác ông cụ vào xe như quẳng đồ vật. Người nhà nhìn mà xót xa, nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Đến nơi hỏa táng, họ bắt đầu xếp hàng. Cô ấy thấy mỗi tủ xác xếp chồng đến mấy thi thể, còn không đủ chỗ nên thi thể xếp đầy dưới đất. Lúc này, loa vang lên: Do có quá nhiều người xếp hàng lấy số, hôm nay chỉ thiêu được đến số 40 thôi. Nhà của bạn tôi là số 43. Cả nhà đến cả rồi mà xếp hàng không đến lượt thì phải làm sao? Chỉ còn cách tìm lại người vừa liên lạc lúc trước. Người đó thương lượng với mấy người có số xếp hàng, lấy được một số với giá 500 nhân dân tệ, thế là đưa cho bạn cô số 36, sau đó vì có sự cố nên lại đổi thành số 38, rốt cuộc, coi như cũng được thiêu trong ngày hôm đó. Cuối cùng, bạn học tôi bảo: ‘Lo mà bảo vệ mình thôi, chết cũng không xong nữa!’”

Được biết, trong vòng một tuần lễ, Nhà Tang lễ Số 1 Thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang mỗi ngày tiếp nhận hơn 50 thi thể để hỏa táng, tổng cộng gần 400 người chết đã được tiếp nhận trong một tuần. Nhà tang lễ này không nhận người chết đang chờ hỏa táng nữa. Người nhà người chết chỉ còn cách đến Nhà tang lễ Số 2 của Mẫu Đan Giang (ở thành phố cấp huyện Hải Lâm) và nhà tang lễ ở thành phố cấp quận Ninh An để hỏa táng. Hai nhà tang lễ này, mỗi ngày cũng có hơn 10-20 người chết được hỏa táng. Năm thị trấn và một huyện thuộc phạm vi quản hạt của Thành phố Mẫu Đơn Giang, phần lớn là các thị trấn và huyện nông nghiệp, người chết ở khu vực nông thôn thường được đưa đi chôn. Như vậy có thể hình dung số người chết nhiều đến mức nào.

Ông Ngô Tôn Hữu, chuyên gia hàng đầu về dịch tễ học của Trung Quốc, cách đây không lâu cũng đã giúp chính quyền ĐCSTQ cổ súy “Chiến dịch xóa sổ” (Zero-covid), song gần đây, ông lại tuyên bố rằng tỷ lệ lây nhiễm chủng vi-rút corona mới ở Trung Quốc trong mùa đông năm nay là từ 10% đến 30% và tỷ lệ tử vong là 0,09% đến 0,16%. Nếu dựa theo ước tính này, trong ba tháng tới, Trung Quốc sẽ có từ 140 triệu đến 420 triệu người nhiễm bệnh, và 126.000 đến 672.000 người tử vong. Ông Ngô tuyên bố rằng ngày 7 tháng 12 là “thời điểm thích hợp nhất” để công bố “10 biện pháp mới” – chính sách phòng chống dịch bệnh khẩn cấp của ĐCSTQ. Ngoài ra, ông Ngô còn cho biết giai đoạn bệnh dịch thứ nhất là từ giữa tháng 12 đến giữa tháng 1, giai đoạn thứ hai là từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2, giai đoạn thứ ba là từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3.

Từ giữa tháng 12 đến nay, nhiều cơ quan chính quyền địa phương và tòa án ở Hồ Bắc, Kinh Châu, Tiên Đào, Tiềm Giang, Vũ Hán, v.v. Về cơ bản đã ngừng hoạt động, thời gian xét xử dự kiến ​​cũng bị hoãn lại; có người gọi điện đến thẩm phán phụ trách vụ án ở Tòa án Cấp cao tỉnh Hồ Bắc, nhưng đều không có ai trả lời, ngay cả điện thoại bàn hướng dẫn cũng không ai nghe, gọi đến số (027)12368 thì được biết hầu hết người của tòa án đều bị dương tính và đang nghỉ ở nhà.

Ông Lưu, một cư dân Vũ Hán, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng bệnh viện là nơi bận rộn nhất lúc này. Ông thắc mắc: “Bác sỹ trong bệnh viện cũng dương tính, kể cũng hơi lạ. Anh xem, vừa tuyên bố không xét nghiệm axit nucleic nữa, toàn dân vừa buông lỏng kiểm soát thì vi-rút ập đến, toàn dân Vũ Hán bị nhiễm cả rồi. Cảm giác hơi lạ, không thể nào lây nhiễm nhanh đến thế được. Tỷ lệ tử vong do dịch bệnh thấp hơn chút so với năm 2020, mà sao nhân viên lò hỏa táng hiện giờ bận rộn quá tải, mà đa số trường hợp tử vong lần này đều là người già và bệnh nhân có bệnh nền.”

Ông Quách, một cư dân của Cộng đồng Hoa Quả Viên ở quận Nam Minh, thành phố Quý Dương, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng dịch bệnh ở chỗ ông cũng rất nghiêm trọng. Người dân không mua được thuốc cảm, thuốc hạ sốt, trước khi vào viện thì xét nghiệm kháng nguyên âm tính, nhưng khi xuất viện lại dương tính: “Tôi có tiếp xúc với một số người, 10 người thì 8-9 người hoặc là ở nhà hoặc là đang bị sốt, nói chung, không được yên tâm lắm.“

Ở Bắc Kinh và những nơi khác có rất nhiều người chết vì chủng vi-rút mới và rất nhiều nhân vật và chuyên gia nổi tiếng của ĐCSTQ đã qua đời như:

  • Ông Vương Đức Lộc, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh, qua đời vào ngày 14 tháng 12 ở tuổi 66.
  • Bà Trữ Lan Lan, nghệ sỹ biểu diễn Kinh kịch trứ danh của Học viện Chuyên nghiệp Nghệ thuật Kinh kịch Bắc Kinh, qua đời vào rạng sáng ngày 18 tháng 12 ở tuổi 39.
  • Ông Ngô Quan Anh, giáo sư Khoa Thiết kế Nghệ thuật Thông tin của Học viện Nghệ thuật & Thiết kế, Đại học Thanh Hoa, qua đời vào ngày 20 tháng 12 ở tuổi 67 sau khi mắc “cảm lạnh nặng”.
  • Giảng viên Chu Đào của Học viện Mỹ thuật thuộc Học viện Công nghệ Thời trang Bắc Kinh, qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 20 tháng 12 ở tuổi 59.
  • Chuyên gia sản phụ khoa toàn quốc Tào Lai Anh, qua đời tại Vũ Hán vào ngày 20 tháng 12 ở tuổi 69.
  • Ông Trương Quốc Thành, cán bộ của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 21 tháng 12 “do điều trị bệnh không hiệu quả”.
  • Bà Tào Phượng Kỳ, giáo sư danh dự của Trường Quản trị Quang Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh, qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 21 tháng 12 ở tuổi 77, “do bệnh tật và việc điều trị không thành công.”
  • Giáo sư Lưu Thống, chuyên gia về lịch sử ĐCSTQ và lịch sử quân sự tại Đại học Giao thông Thượng Hải, qua đời vào ngày 21 tháng 12 ở tuổi 71, “do bệnh tật và điều trị không thành công.”
  • Ông Uông Đồng Tam, cựu giám đốc Viện Kinh tế Định lượng và Kinh tế Kỹ thuật của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc kiêm chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Định lượng Trung Quốc, qua đời vì bệnh tật ở Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 12 ở tuổi 74.
  • Giáo sư Đổng Ngọc Minh của Trường Dược thuộc Đại học Lan Châu, qua đời tại Lan Châu vào ngày 19 tháng 12 ở tuổi 51, “do bệnh tật và điều trị không thành công”.
  • Phó giáo sư Giang Chí Cường của Đại học Y khoa Tôn Trung Sơn, qua đời vì bệnh đột phát ở Thâm Quyến vào ngày 10 tháng 12 ở tuổi 40.
  • Anh Vương Nhước Cát, cựu cầu thủ bóng đá, 37 tuổi của Giải bóng đá Super League Trung Quốc, qua đời sau khi bị nhiễm bệnh vào ngày 12 tháng 12.

Ngày 23 tháng 12, một người dân giấu tên nói với phóng viên Epoch Times rằng anh đã mất 5 người thân chỉ trong vòng 10 ngày ngắn ngủi, hiện thi thể người thân của anh vẫn đang xếp hàng chờ hỏa táng. Thứ ba tuần trước, bố vợ anh, 65 tuổi, đã qua đời. Tuần này, tình hình còn tệ hơn: thứ Hai, bố đẻ 62 tuổi qua đời; cùng ngày, chú vợ gần 70 tuổi qua đời; thứ Tư, bà của em họ qua đời; Thứ Năm, bà ngoại 85 tuổi của anh qua đời. Bố vợ đang ăn sáng thì xuất hiện triệu chứng ho khan, khó thở, không kịp cấp cứu nên đã qua đời tại nhà. Bà ngoại sau khi xét nghiệm dương tính, đã bị nhiễm trùng phổi, được đưa vào bệnh viện cấp cứu, sau khi chuyển sang phòng bệnh bình thường thì qua đời. Trong thời gian người nhà trông bà, mỗi ngày, phòng cấp cứu có rất nhiều người chết. Điều khiến anh phẫn nộ là, cả 5 người nhà của anh đều đã được tiêm vắc-xin nội địa, nhưng đều không có tác dụng, “Họ đều đã tiêm vắc-xin nội địa vào đợt Bắc Kinh phát động, nhưng thứ vắc-xin rởm của Trung Cộng này đúng là không có khả năng bảo vệ chút nào, toàn dân bị nhiễm rồi, chỉ có thể dùng sức đề kháng của mình mà thôi, người già mắc bệnh nền không đủ sức chống chọi nên mới chết… Vì quá phẫn nộ, tôi muốn nói ra vấn đề này.”

Những ngày qua, tình trạng quá tải ở các nhà tang lễ ở Bắc Kinh đã thu hút sự chú ý của thế giới bên ngoài. Người dân Bắc Kinh cho biết các lò hỏa táng trong thành phố yêu cầu lấy số xếp hàng và phải đợi mấy ngày sau mới được hỏa táng; có thi thể không còn nơi để, đành phải để trong phòng bệnh của bệnh viện, dẫn đến tình trạng người bệnh và người chết ở cùng một nơi; các lò hỏa táng trên địa bàn không nhận thi thể được nữa, chỉ có thể đưa tới nơi khác (Hà Bắc hoặc Thiên Tân, v.v.) để hỏa táng. “Báo Thanh niên Bắc Kinh”, truyền thông của đảng, cho hay, theo Cục Nội vụ quận Thông Châu, số thi thể cần hỏa táng gần đây đã tăng lên, trước đây, mỗi ngày có khoảng 40 trường hợp, nhưng hiện giờ tăng ca, mỗi ngày là 140 đến 150 trường hợp. Số trường hợp hỏa táng nhiều gấp ba lần mọi khi.

Ngày 20 tháng 12, Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc chỉ thống kê 5 trường hợp tử vong do chủng vi-rút mới, tất cả đều ở Bắc Kinh. Chính quyền Trung Quốc giải thích về các trường hợp tử vong do nhiễm vi-rút corona mới rằng, chỉ những trường hợp viêm phổi và suy hô hấp do vi-rút gây ra mới tính là tử vong đã được xác nhận; điều này gián tiếp giải thích vì sao tỷ lệ tử vong mà Trung Quốc công bố rất thấp. Tuy nhiên, cách xác định như vậy rất khác với các nước trên thế giới. Trang web chính thức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy nếu vi-rút corona mới là một nguyên nhân dẫn đến tử vong thì nó có thể được đưa vào nguyên nhân tử vong. Những trường hợp tử vong được xác nhận do Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội công bố bao gồm bất kỳ trường hợp nào có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút corona, nhưng có thể đã chết vì một căn bệnh khác.

Mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh ở Trung Quốc khiến hệ thống y tế và cung ứng thuốc bị quá tải, cơn sốt mua thuốc của người Trung Quốc cũng lan sang châu Âu. Cho đến nay, Đức, Pháp và những nơi khác đã áp đặt các hạn chế đối với việc mua thuốc hạ sốt. Tình trạng này tương tự như năm 2008, khi Trung Quốc thu mua sữa bột trên khắp thế giới vì sự cố sữa bột chứa melamine ở Trung Quốc. Vào thời điểm đó, sữa bột trẻ em trên kệ của các siêu thị ở Châu Âu và Úc bị vét sạch, người dân bản địa phàn nàn gay gắt, nhưng các doanh nhân các nước cũng chỉ còn cách áp dụng chính sách hạn chế mua hàng.

Trung Quốc đang trong tình trạng gia tăng số ca dương tính, hệ thống y tế đang trên bờ vực sụp đổ, người dân không mua được thuốc hạ sốt và dụng cụ xét nghiệm nhanh, thi thể chờ hỏa táng xếp hàng ở lò hỏa táng. Trước tình hình này, Hoa Kỳ và Đức đã ngỏ ý sẵn sàng giúp đỡ, nhưng chính quyền ĐCSTQ đã từ chối. Ông Cung Dữ Kiến, một người Trung Quốc bất đồng chính kiến đang ​​lưu trú ở Đài Loan, phát biểu với Đài Á châu Tự do trong một cuộc phỏng vấn: “Từ chối sự giúp đỡ chỉ cho thấy Đảng Cộng sản không coi sinh mạng của người dân Trung Quốc là sinh mạng con người, mà chỉ như con kiến. Kiểu chuyện trong nhà không vạch áo cho người xem lưng của Đảng Cộng sản ấy, nhìn là thấy. Bộ Ngoại giao nói dối không biết chớp mắt; ở Trung Quốc đã phát sinh tình cảnh người gia cũng như trẻ em đang trở thành đối tượng chính của một đại thảm họa nhân đạo rồi. Tôi biết được qua các kênh của mình rằng hệ thống y tế Trung Quốc đã hoàn toàn sụp đổ.” Ông Cung Dữ Kiến cũng cho hay, theo tin tức hồi giữa tháng 12, người già đã nhiễm dịch trên diện rộng, có tỷ lệ tử vong cao, hàng dài thi thể xếp hàng tại các nhà tang lễ ở Bắc Kinh, bệnh viện quá tải, người dân không mua được thuốc hạ sốt và thuốc kháng vi-rút. Ông đã tìm đến người thân và bạn bè ở quê nhà để xác minh và được biết đó không chỉ là thực trạng ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, mà cả các thành phố nhỏ cấp ba cũng vậy. Đây là thảm kịch đang diễn ra trên toàn Trung Quốc.

Ông Lâm Trị Ba, cựu giám đốc của tờ “Nhân dân Nhật báo” tại Tứ Xuyên, viết trong một nhóm bạn bè vào tối thứ Tư, “World Cup ở Qatar chật kín khán giả, không đeo khẩu trang cũng chẳng bị sao; Argentina đoạt cúp vô địch, cả nước ăn mừng, không đeo khẩu trang cũng chẳng sao; Nga bận chiến sự với Ukraine, không tiêm vắc-xin, không đeo khẩu trang, cũng chẳng sao; chỉ có ở Trung Quốc, vừa thả ra là toàn dân nhiễm bệnh, mà tất cả các chủng biến thể đều tấn tốc xâm nhập vào Trung Quốc. Tại sao lại như vậy? Chẳng phải lạ lắm sao?” Phát ngôn này vừa đăng được vài giờ đồng hồ đã bị chặn.

Tờ “Washington Post” cảnh báo, đợt bùng phát dịch bệnh mới ở Trung Quốc và hàng triệu người Trung Quốc bị nhiễm dịch sẽ làm tăng khả năng xuất hiện các chủng biến thể mới, có thể trở thành thảm họa toàn cầu, giống như tình hình khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán cách đây ba năm. Bài báo chỉ ra rằng “Việc Trung Quốc đột ngột từ bỏ chính sách Zero Covid vốn không bền vững, lại thiếu chiến lược ứng phó chặt chẽ có thể mang đến ác mộng mới cho người dân, nền kinh tế và ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Một cuộc khủng hoảng mới có thể gây chấn động thế giới. Giống như đợt bùng phát ở Vũ Hán ba năm trước, những gì bắt đầu xảy ra ở Trung Quốc không nhất định sẽ chỉ dừng lại ở Trung Quốc.”

Một số quốc gia đã thắt chặt các tiêu chí nhập cảnh đối với khách du lịch Trung Quốc. Ấn Độ đã bắt đầu xét nghiệm ngẫu nhiên đối với hành khách đến tại các sân bay. Ngày 21 tháng 12, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc đã thông báo rằng, từ ngày 16 tháng 12, họ đã liệt Trung Quốc vào diện “quốc gia trọng điểm cần kiểm dịch và xét nghiệm”, đồng thời sẽ tăng cường sàng lọc nhập cảnh đối với hành khách từ Trung Quốc và áp dụng các tiêu chí khắt khe hơn.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/25/453538.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/12/26/205373.html

Đăng ngày 28-12-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share