Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-04-2020] Từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2020, tám học viên Pháp Luân Công ở Liêu Ninh, trong đó có ba phụ nữ, đã bị bức hại đến chết vì kiên định đức tin của họ. Tất cả họ đều từng bị kết án tù ít nhất một lần vì tu luyện Pháp Luân Công.

Năm học viên đã chết do bị tra tấn và ngược đãi trong khi bị giam, ba học viên qua đời sau khi được thả khỏi tù. Trẻ tuổi nhất là ông Hồ Lâm, 47 tuổi, một kỹ sư máy bay, và lớn tuổi nhất là bà Lý Quế Vinh, 78 tuổi, một hiệu trưởng trường học đã nghỉ hưu. Sáu người còn lại, bao gồm một cựu bác sỹ quân y, tuổi đời của họ từ 56 đến 66.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cổ xưa dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Pháp Luân Công đã bị chế độ cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Tính đến ngày 8 tháng 4 năm 2020 đã có 4.408 học viên được xác nhận là đã bị chính quyền cộng sản bức hại đến chết. Vì sự khó khăn trong việc đưa thông tin ra khỏi Trung Quốc, con số thực tế có khả năng còn cao hơn rất nhiều.

Qua đời trong khi bị giam giữ

Hiệu trưởng đã nghỉ hưu của một trường tiểu học bị bức hại đến chết trong tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Bà Lý Quế Vinh, một hiệu trưởng đã về hưu của một trường tiểu học ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã bị chết trong Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh vào giữa tháng 1 năm 2020, chỉ vài tuần trước khi bà mãn hạn 5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà hưởng thọ 78 tuổi.

Ngày 7 tháng 2 năm 2015, bà Lý bị bắt sau khi bị tố giác vì phân phát tài liệu chân tướng về Pháp Luân Công. Ngày 24 tháng 6 năm 2015, bà bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Hỗn Nam và bị kết án 5 năm tù.

Lần bắt giữ này chỉ cách 15 tháng sau khi bà kết thúc một án tù 7 năm cũng chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công.

Ngày 17 tháng 10 năm 2006, bà Lý đã bị cảnh sát bắt vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công, khi đó bà 64 tuổi. Ngày 14 tháng 5 năm 2007, bà bị Tòa án Quận Hòa Bình tuyên án 7 năm tù.

Trong khi bà Lý bị giam tại Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh, các lính canh đã ra lệnh cho tù nhân đánh, đá bà, và dẫm lên tay bà, khiến cho khuôn mặt bà đẫm máu, hai tay sưng phồng, và toàn thân tím bầm. Rất nhiều tóc của bà cũng bị lôi cho rụng hết.

Đôi khi, lính canh còn ép bà ngồi xổm trên sàn bê tông nhiều ngày liên tục, không cho phép bà ăn, sử dụng phòng vệ sinh, hay ngủ. Tệ hơn, họ còn ép bà cởi giầy rồi dội nước lạnh vào chân bà trong khi bà đang ngồi xổm, khiến hai chân bà đau đớn không chịu nổi. Kết quả là, bà không thể đứng, cũng không thể ngồi, chỉ có thể bò dưới đất mà đi.

Trước khi được thả vào ngày 17 tháng 10 năm 2013, thân thể bà chỉ còn da bọc xương, tóc ngả bạc, và bị rụng hết răng. Tuy nhiên, người của Phòng 610 địa phương, một cơ quan ngoài pháp luật được thành lập đặc biệt để bức hại Pháp Luân Công, vẫn không ngừng sách nhiễu bà.

Người đàn ông Liêu Ninh qua đời trong khi bị cầm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Ông Trương Chấn Tài và vợ là bà Trương Liên Vinh ở huyện Hắc Sơn, tỉnh Liêu Ninh, đã bị bắt vào ngày 14 tháng 7 năm 2019 vì phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công. Ngày hôm sau, cảnh sát lục soát nhà họ và lấy đi các tài liệu Pháp Luân Công và đồ đạc cá nhân khác.

Viện kiểm sát địa phương đã phê chuẩn bắt giữ vợ chồng ông Trương vào ngày 29 tháng 7 năm 2019. Sau đó Tòa án huyện Hắc Sơn đã kết án họ, bà Trương bị kết án 23 tháng, còn ông Trương 26 tháng tù.

Ông Trương bị đưa tới một nhà tù ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Ngày 23 tháng 1 năm 2020, một lính canh tù đã gọi điện cho gia đình ông nói rằng ông bị chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy. Hai tuần sau, nhà tù thông báo tới gia đình ông Trương rằng ông đã qua đời vào ngày 7 tháng 2. Tên của nhà tù và thông tin chi tiết xung quanh cái chết của ông hiện vẫn đang được điều tra.

Bà Trương hiện đang bị giam trong Khu Mã Tam Gia của Nhà tù Nữ Liêu Ninh.

Kỹ sư máy bay ở trong tình trạng nguy kịch bị từ chối điều trị y tế, qua đời ở trong tù

Ông Hồ Lâm, một cư dân thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã tử vong vào ngày 16 tháng 2 năm 2020 trong khi thụ án hai năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

Kỹ sư máy bay này đã ở trong tình trạng nguy kịch sau nhiều tháng tuyệt thực và bị tra tấn, nhưng bị từ chối tạm tha y tế vì không từ bỏ đức tin của mình.

db2815d267a3298426f137545cc60ebd.jpg

Ông Hồ Lâm

Ông Hồ bị bắt vào ngày 23 tháng 5 năm 2019 vì phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công.

Ông bắt đầu tuyệt thực để phản bức hại sau khi bị đưa tới trại tạm giam Huyện Pháp Khố. Ông bị trói vào giường trong tư thế ‘đại bàng sải cánh’ và bị bức thực. Lính canh đã để ống dẫn thức ăn trong dạ dày của ông để khiến ông thêm đau đớn.

Ngày 20 tháng 6 năm 2019, ông Hồ đã bị Tòa án Huyện Pháp Khố kết án hai năm tù và bị đưa tới Nhà tù Khang Gia Sơn vào ngày 30 tháng 10 năm 2019.

Ngày 7 tháng 11 năm 2019, khi gia đình tới nhà tù thăm ông Hồ thì ông đã rất gầy yếu. Ông cũng mất cảm giác ở chân và bị suy đa tạng.

Gia đình ông đã yêu cầu chăm sóc y tế cho ông, nhưng chức trách nhà tù đã từ chối với lý do ông Hồ đã hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo” sau khi bị đưa đến đó. Lính canh tù nói rằng họ sẽ không thả ông “ngay cả khi ông chết.”

Vài tháng sau, chức trách nhà tù liên tục bảo gia đình ông Hồ rằng họ sẽ không chịu trách nhiệm cho việc sống chết của ông bởi ông vẫn đang tuyệt thực và hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo.”

Gia đình ông Hồ đã tới nhiều cơ quan chính quyền liên quan để tìm kiếm công lý cho ông, nhưng công tố viên địa phương nói rằng ông ta sẽ không bàn việc ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của ông Hồ khi mà ông vẫn đang còn sống; một nhân viên khác là Lưu Hưng, là người giám sát nhà tù, cũng từ chối gặp họ.

Bởi sự bùng phát của dịch virus corona trong dịp Tết Nguyên đán, nhà tù đã cấm gia đình tới thăm, thậm chí là cấm gọi điện thoại cho ông.

Vào buổi tối ngày 14 tháng 2 năm 2020, nhà tù đã gọi điện cho anh trai ông Hồ là ông Hồ Song để thông báo rằng ông Hồ Lâm đã được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện.

Gia đình ông đã đi suốt đêm để tới bệnh viện và thấy ông đang được điều trị trong khoa hồi sức tích cực.

Ông Hồ đã qua đời vào lúc 1 giờ chiều ngày 16 tháng 2.

Liêu Ninh: Một người đàn ông qua đời trong tù sau ba tháng bị bắt vì kiên định đức tin của mình

Ông Vu Vĩnh Mãn, một cư dân 65 tuổi ở thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời tại trại tạm giam Liêu Dương vào ngày 23 tháng 2 năm 2020. Viên chức trại giam tuyên bố rằng nguyên nhân cái chết của ông là do “đột ngột phát bệnh”, nhưng khám nghiệm tử thi cho thấy một xương sườn của ông bị gãy và ông cũng bị rách phổi.

Ông Vu, một nhân viên của Công ty Hóa dầu Liêu Dương, đã bị bắt vào ngày 15 tháng 11 năm 2019 khi đang đọc sách Pháp Luân Công với các học viên địa phương khác. Chính quyền đã cáo buộc ông cài đặt chảo vệ tinh để thu sóng của Đài Truyền hình Tân Đường Nhân (New Tang Dynasty – NTD), một kênh truyền hình ở hải ngoại chuyên đăng tải thông tin không bị kiểm duyệt về Trung Quốc.

Vì tu luyện Pháp Luân Công nên ông Vu đã bị bắt giữ nhiều lần trong hai thập niên qua. Ông đã thụ án hai năm ở một trại lao động và bốn năm trong tù. Ông bị ép phải lao động không công, bị tẩy não cường độ cao và tra tấn.

1ac91b57b24a8dfee86aa884e5b06791.jpg

Ông Vu Vĩnh Mãn

Một người đàn ông tỉnh Liêu Ninh qua đời sau sáu tháng bị cầm tù vì đức tin của mình

Ông Trâu Lập Minh, một cư dân thành phố Bàn Cẩm, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời sau 6 tháng bị cầm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

Ông Trâu bị kết án 2,5 năm tù vào năm 2015 vì nói với mọi người về đức tin của mình. Ông được tại ngoại do tình trạng sức khỏe kém.

Tháng 9 năm 2019, các nhà chức trách đã đưa ông quay trở lại giam giữ tại Nhà tù Nam Sơn, thành phố Cẩm Châu, và sau đó chuyển ông tới Nhà tù Đại Liên vào tháng 11. Gia đình đã không được phép vào thăm ông.

Ngày 7 tháng 2 năm 2020, gia đình ông nhận được một cuộc gọi từ Nhà tù Đại Liên cho biết ông đã rơi vào tình trạng hôn mê và đã được đưa tới bệnh viện. Nhà tù không hề cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào liên quan đến nguyên nhân dẫn đến việc ông bị hôn mê.

Một tháng sau, vào ngày 8 tháng 3, ông Trâu đã qua đời ở tuổi 66.

Qua đời sau khi được thả

Một phụ nữ được trả tự do trong tình trạng sống thực vật và đã qua đời sau đó một năm rưỡi

Ngày 8 tháng 2 năm 2020, bà Ngô Tú Phương ở thành phố Phụ Tân, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời ở tuổi 64, chưa đầy hai năm sau khi bà được trả tự do trong tình trạng sống thực vật.

Ngày 18 tháng 8 năm 2015, bà Ngô bị bắt trong khi đang dán những tài liệu thông Pháp Luân Công. Bà bị kết án ba năm tù giam và bị đưa tới Nhà tù Nữ Liêu Ninh vào tháng 6 năm 2016.

Bà Ngô bị đột quỵ xuất huyết não vì bị lính canh ngược đãi trong tù. Bà mất hoàn toàn khả năng vận động và sống dựa vào một ống dẫn thực.

Bất chấp tình trạng nguy kịch của bà, nhà tù vẫn buộc bà phải hoàn thành thời gian thụ án ba năm tù. Tại thời điểm bà được trả tự do vào ngày 19 tháng 8 năm 2018, bà đã trở thành một người sống thực vật.

Con gái của bà đưa bà tới bệnh viện, nhưng chỉ nhận được câu trả lời rằng họ không làm được gì nhiều hơn để có thể giúp cho bà.

Bởi lương hưu của bà Ngô bị đình chỉ vì cuộc bức hại, nên con gái và con rể của bà đã phải vật lộn để chi trả cho tiền điều trị y tế của bà trong khi cả hai vợ chồng đều làm việc toàn thời gian.

Cựu bác sỹ quân y qua đời sau 14 năm bị cầm tù vì kiên định với đức tin của mình

Ông Triệu Thành Lâm, một bác sỹ quân y về hưu ở thành phố Bản Khê, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời vào ngày 15 tháng 2 năm 2020 sau hai năm vật lộn với sức khoẻ kém sau 14 năm bị cầm tù và tra tấn. Ông hưởng dương 58 tuổi.

Ông Triệu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 8 năm 1994. Vì không từ bỏ đức tin của mình khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ông Triệu đã bị mất vị trí trong quân đội và bị điều chuyển đến bệnh viện địa phương làm một bác sỹ bình thường

Trong hai thập niên tiếp theo, ông đã liên tục bị bắt và giam cầm. Ông từng ở một năm trong một trại lao động và bị hai án tù là chín và bốn năm.

Lính canh ở trại lao động và nhà tù đã đánh đập ông khiến ông bị thương ở đầu và nội tạng. Ông bị gãy nhiều răng trong khi bị bức thực. Đầu ông bị biến dạng. Mông ông bị mưng mủ do bị ngược đãi.

Lính canh từng treo ông lên bằng cổ tay trong một căn phòng tối nhiều ngày với hai chân bị xích và giang rộng. Ông đã ngất đi nhiều lần vì đau đớn.

Sau hơn một tháng bị tra tấn, chân ông bị nhiều vết mưng mủ và ông cũng bị nội thương. Lính canh đã từ chối chữa trị cho ông và vẫn biệt giam ông.

Trong một lần, lính canh trói tứ chi của ông lại và treo cơ thể lơ lửng trong không trung, khiến hai cổ tay và mắt cá chân bị tổn thương nặng.

a38f688595696be03c81910b8d4df530.jpgTái hiện phương thức tra tấn: Giá đỡ

Mất năng lực chăm sóc bản thân sau khi thụ án tù 7 năm vì kiên định đức tin, người phụ nữ tỉnh Liêu Ninh đã qua đời

Bà Lâm Quế Chi ở thành phố Triêu Dương, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời vào ngày 20 tháng 2 năm 2020 sau nhiều năm bị bức hại vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công. Một năm rưỡi trước khi bà Lâm Quế Chi ra đi, chồng bà đã qua đời vì chịu áp lực tinh thần vô cùng to lớn vì khổ nạn của bà.

18d514853e0dbf7005ee18b0229f8c04.jpg

Bà Lâm Quế Chi

Bà Lâm bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 3 năm 1998. Bà tin rằng môn tu luyện đã chữa khỏi bệnh tim nghiêm trọng của bà, căn bệnh thường khiến bà bất tỉnh.

Vì kiên định đức tin, bà Lâm thường xuyên bị bắt và sách nhiễu. Bà không thể sống một cuộc sống bình thường và buộc phải đi trốn, và bị bắt lại vào ngày 18 tháng 11 năm 2003.

Tháng 1 năm 2004, Tòa án Quận Song Tháp đã kết án bà Lâm bảy năm tù giam và thụ án trong Nhà tù Nữ Liêu Ninh. Tuy nhiên, sau một tháng bị giam giữ tại trại tạm giam địa phương, bệnh tim của bà đã tái phát.

Ngày 5 tháng 3 năm 2004, ban đầu nhà tù từ chối tiếp nhận bà vì lý do sức khỏe, nhưng hai tháng sau, họ đã nhận bà vì sức ép từ phía cảnh sát.

Lính canh tù đã đánh đập bà Lâm đến vỡ mắt cá chân sau khi thấy bà luyện các bài công pháp Pháp Luân Công.

Dù sức khoẻ của bà xấu đi nhanh chóng do bị ngược đãi, chính quyền nhà tù vẫn từ chối cho bà được bảo lãnh điều trị, với lý do là bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.

Tháng 11 năm 2008, bà Lâm ở trong tình trạng nguy kịch và bị sốc tim. Sau khi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện, bà đã được tạm tha y tế vào ngày 19 tháng 11.

Tuy nhiên, khi gia đình bà Lâm đến Đội An ninh Nội địa địa phương để làm giấy tờ bảo lãnh điều trị y tế cho bà, cảnh sát trưởng Lý Quảng Văn đã từ chối giải quyết và nói rằng bà Lâm không đủ điều kiện để được thả.

Sau đó, cảnh sát đã nhượng bộ trước sự kiên trì của gia đình bà Lâm. Tuy nhiên, ngày 14 tháng 1 năm 2009, khi họ đến nhà tù để đón bà về nhà, nhà tù đã cố gắng ép bà Lâm viết một bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Khi bà từ chối hợp tác, nhà tù cũng từ chối thả bà.

Ngay sau đó, quản lý nhà tù bắt đầu bỏ thuốc độc vào thức ăn của bà Lâm. Một số tù nhân cũng nhìn thấy các lính canh đổ thuốc trực tiếp vào miệng bà sau khi bà bất tỉnh và bị sốc tim do bị ngược đãi liên tục. Bà thường rơi vào trạng thái mê sảng do tác dụng của thuốc.

Khi chồng của bà Lâm đến thăm bà vào ngày 9 tháng 9 năm 2009, bà đột nhiên bất tỉnh trong năm phút. Một lính canh nói với ông rằng đây không phải là điều xấu nhất, bởi vì đôi khi bà bất tỉnh trong nửa giờ hoặc ngất đi sáu hoặc bảy lần trong ngày.

Bà Lâm đã mãn hạn tù và không hề được cung cấp bất kỳ điều trị y tế nào.

Tình hình của bà không được cải thiện và sau khi được thả ra, bà vẫn bị rối loạn tâm thần và mất khả năng chăm sóc bản thân. Bà qua đời khi chỉ mới 58 tuổi.

Trong khi bà Lâm đang thụ án tù, chồng bà, ông Trương Trung Quyền, cảm thấy bất lực sau khi chứng kiến ​​sự tàn bạo mà vợ ông phải chịu đựng, nhưng ông lại không thể tìm kiếm công lý cho bà. Thống khổ tinh thần to lớn đã tàn phá sức khỏe của ông. Ông qua đời vào tháng 9 năm 2018, ở tuổi 56.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/8/403539.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/11/183996.html

Đăng ngày 18-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share