Ban Biên tập Minh Huệ chỉnh lý

[MINH HUỆ 24-12-2000]

Từ trước tới nay vùng núi Himalaya vẫn luôn là vùng đất có nhiều người tu luyện, người dân ở đó có một cuộc sống chất phác, ai ai cũng giỏi múa hát, ngoài ra còn sùng bái Phật Pháp. Lúc bấy giờ có một người tu luyện tên là Milarepa. Chúng Phật Bồ Tát phải tu nhiều đời nhiều kiếp mới thành, nhưng Milarepa lại chỉ cần một đời là thành tựu được công đức tương đương với những Phật và Bồ Tát ấy, sau này trở thành thủy tổ của Bạch giáo Tạng Mật.

Tiếp theo Phần 3

“Thượng sư đến hỏi ta: ‘Con hiện nay đã có thể làm được mưa đá rồi, nhưng không biết lúa mạch ở quê con đã chín chưa, đã mọc cao thế nào rồi?’ Ta nghĩ một chút rồi nói: ‘Thưa thầy, đại khái chỉ cao đủ che được con chim gáy thôi ạ!’

Thế là mười mấy ngày lại trôi qua, thượng sư lại hỏi, ta nói: ‘Đại khái cao bằng cây lau rồi ạ!’ Thượng sư nói: ‘Ài, vậy thì vẫn còn hơi sớm một chút.’

Qua một thời gian, thượng sư lại hỏi, ta đáp: ‘Hiện nay là lúc trổ bông rồi ạ!’. Thượng sư nói: ‘Vậy thì, con nên làm mưa đá đi!’, rồi phái một đệ tử mà trước đây đã đến nhà ta điều tra, để đi cùng với ta. Chúng ta ăn vận bộ dạng của tăng nhân vân du rồi xuất phát.

Năm đó, lúa mạch quê nhà mọc tươi tốt lạ thường, rất nhiều cụ già đều nói, từ trước đến nay chưa từng thấy vụ mùa bội thu nhiều như thế này. Người trong thôn thống nhất, không được tùy tiện thu hoạch, phải sau khi mọi người làm lễ chúc mừng thì mới đồng thời thu hoạch. Ta đợi thêm một, hai hôm nữa khi người trong thôn chuẩn bị gặt lúa, họ lập một cái pháp đàn ở thượng lưu con suối trước thôn, chuẩn bị các loại vật liệu cho lễ tế, và bắt đầu làm phép, tụng các lời chú. Lúc đó trên trời vạn dặm không bóng mây. Ta hô lớn một tiếng tên Thần hộ Pháp, kể ra sự thực dân làng ngược đãi gia đình ta, đấm ngực vỗ áo, khóc lóc thét to lên.

Thật không thể tưởng tượng nổi! Trên trời bỗng nhiên đùn lên một đám mây đen, cứ mỗi tầng mây lại cuộn thêm một tầng mây, trong chốc lát đã biến thánh một khối mây lớn đậm đặc, ánh chớp sáng lòe, tiếng sấm vang rền. Một lát sau mưa đá, các hòn đá lớn tới tấp rơi xuống. Mưa đá một trận dứt rồi lại nối tiếp một trận, khiến cho lúa mạch của dân làng chuẩn bị thu hoạch bị mưa đã đập tan không còn một hạt nào. Trên núi lại tràn xuống một cơn lũ, cuốn sạch những hạt mạch bị mưa đá đập rơi xuống. Dân làng thấy lúa mạch bị lũ cuốn trôi, đều khóc rống lên. Cuối cùng, trên trời lại nổi lên một cơn bão. Hai chúng ta thấy người lạnh buốt, bèn chạy vào một cái hang ở phía bắc quả núi, đốt lửa lên sưởi ấm. Lúc đó, người trong thôn để chuẩn bị thịt cho bữa tiệc chúc mừng được mùa đã sai một nhóm người đi săn. Nhóm thợ săn này vừa vặn đi qua trước của hang, có người nói: ‘Hừm, không có ai hại thôn ta thảm hại hơn Văn Hỷ cả. Trước đây giết bao nhiêu người như thế mà vẫn chưa cam lòng, bậy giờ lúa mạch như thế này lại làm cho không còn dư một hạt nào. Nếu mà bắt được nó, ta sẽ vắt khô máu nó ra, moi sống mật nó ra, cũng không giải hết nỗi hận của mình.’

Trong đó có tiếng một ông lão nói: ‘Suỵt! Suỵt! Không được to tiếng, nói nhỏ chút! Các anh xem, trong hang đá kia bốc ra làn khói, có người đang ở trong đó!’ Một thanh niên nói: ‘Đó chắc chắc là Văn Hỷ! Thằng khốn đó không thấy chúng ta, chúng ta mau chóng gọi người đến giết nó đi, nếu không nó sẽ hại hết cả thôn này!’ Vừa nói mọi người vừa vội vã chạy quay trở lại.

Người bạn đồng hành nhìn thấy phía dưới đang có người tới, biết đại thể đã có người phát hiện ra chúng ta ở đây rồi, liền nói với ta: ‘Huynh về trước đi, ta đóng giả huynh, đùa với họ một chút!’ Chúng ta hẹn nhau, bốn ngày sau, vào buổi tối sẽ gặp nhau tại khách xá ở Điền Mục. Đương nhiên, ta biết huynh ấy sức lực dũng mãnh, do đó cũng rất yên tâm để anh ấy ở lại đó một mình.

Lúc đó ta rất muốn gặp mẹ một chút, nhưng lại sợ dân làng sẽ hại ta, do đó đành phải rời đi, đi đường vòng đến Ninh Nga. Không may trên đường bị một con chó hoang cắn mấy cái, chân bị thương khắp nơi, dọc đường vừa đi vừa tập tễnh, kết quả là không đến được khách xá đúng hẹn.

Bạn đồng môn của ta rốt cuộc đã làm việc gì? Hôm đó sau khi ta đi, trong thôn lại tập hợp nhóm đông người ngựa để đi giết ta, anh bạn phấn chấn, can đảm xông vào đám người ngựa, xông lên khiến người ngựa ngã tới tấp hai bên. Sau khi anh bạn xông qua rồi, dân làng lại nhất tề tập hợp đuổi theo. Dân làng đuổi theo rất gấp, anh bạn chạy cũng rất nhanh. Khi dân làng đuổi chậm, anh bạn lại thong dong chạy chậm lại. Dân làng ném đá, anh bạn cũng ném lại hòn đá lớn hơn, anh bạn thét to rằng: ‘Ai dám đánh ta, ta sẽ không khách khí dùng chú thuật giết người đó! Ta đã giết nhiều người như thế này, các ngươi vẫn không sợ à? Năm nay vụ mùa bội thu như thế này, đã làm cho không còn một hạt lúa mạch, các ngươi vẫn thấy chưa đủ sao? Từ nay về sau, nếu các người không đối xử tốt với mẹ và em gái ta, ta sẽ thả một cái hồ quỷ ở lối vào thôn, ở lối ra sẽ thả ma chú, khiến các người còn sống chưa chết này, cả chín họ đều cùng bị chết hết! Không biến cái thôn này thành tro bụi, thì quyết không cam lòng! Các người không sợ à?’

Dân làng nghe hết lời nói của huynh ấy đều sợ đến nỗi toàn thân run rẩy, mọi người nhìn nhau, người này đùn đẩy người kia, lý nhí: “Ngươi nói đi, ngươi nói đi”, nhưng ai nấy đều im thin thít, lẳng lặng bỏ về.

Bạn đồng hành của ta đến Điền Mục trước. Sau khi đến khách sạn, liền hỏi ông chủ, có tăng nhân vân du như thế này, thế này đến khách sạn của ông không? Ông chủ nghĩ một lát rồi nói: ‘Đến thì không có đến, nhưng vị tăng nhân vân du mà quý khách nói đó, hiện nay hình như có đến thôn đang tổ chức yến tiệc, hình như bị thương thì phải. Quý khách không đem theo bát à? Ta có thể cho quý khách mượn một cái bát’. Nói rồi liền cho bạn đồng hành của ta mượn cái bát đáy có màu xám, hình dáng giống như gương mặt của Diêm Vương. Huynh ấy cầm bát đi đến thôn đang tổ chức yến tiệc khất thực, tìm được ta ở nơi yến tiệc, đến gần và ngồi bên cạnh ta nói: ‘Sao tối hôm qua huynh không đến?’ Ta nói: ‘Mấy hôm trước, trên đường đi khất thực, ta bị chó cắn mấy chỗ, nên đi không nổi, bây giờ mới đỡ một chút, đại thể không nghiêm trọng.’ Thế là hai chúng ta cùng nhau trở về Ba Thông. Sau khi bái kiến thượng sư, thượng sư nói với ta: ‘Hai con đã làm một việc xuất sắc.’ Chúng ta cảm thấy kỳ lạ, bè hỏi thượng sư: ‘Trước khi chúng con trở về, đã có ai kể với Ngài rồi ạ?’ Thượng sư nói: ‘Các tướng sỹ và Thần hộ Pháp, ngày 15 lúc trăng tròn đã quay lại kể cho ta, lần này la ta sai bọn họ đi.’ Nói xong, mọi người đều thấy rất vui mừng.

Lúc đó, Tôn giả Milarepa kể xong câu chuyện trên cho các đệ tử nghe thuyết Pháp xong, bèn nói với các đệ tử: “Ta chính là báo thù như vậy mà tạo hắc nghiệp.”

Nhạ Quỳnh Ba hỏi: “Thưa thượng sư, Ngài nói trước đây tạo hắc nghiệp, sau này làm bạch nghiệp, bạch nghiệp chỉ có chính Pháp, thưa Tôn giả! Ngài gặp được chính Pháp bằng nhân duyên gì ạ?”

Tôn giả Milarepa nói: “Ta dần dần khởi tâm hối hận với việc niệm chú và giáng mưa đá. Cái tâm niệm muốn tu chính Pháp, mỗi ngày một mạnh mẽ lên. Thường thường ban ngày không muốn ăn, ban đêm không muốn ngủ. Lúc đi thì muốn ngồi, lúc ngồi lại muốn đi. Đối với tội lỗi đã mắc phải vô cùng hối hận, do đó cái tâm chán đời thường thường dội lên trong lòng, nhưng lại không dám nói muốn tu chính Pháp, cứ nghĩ ‘Chỗ thượng sư đây không biết có cơ hội tu chính Pháp không? Làm thế nào bây giờ?’

Chính lúc đang không ngừng suy nghĩ khổ sở thế này, thì gặp một chuyện như sau: Thì ra thượng sư có một đàn việt (tức thí chủ) rất tốt. Gia sản ông ta giàu có, cũng rất tín tâm đối với thượng sư, cung kính phụng sự thượng sư hết lòng. Không biết tại sao bỗng nhiên mắc trọng bệnh, mong muốn thượng sư gia trì cầu nguyện cho ông ấy, mời thượng sư đến nhà ông ấy.

Qua ba ngày, gương mặt trắng xanh của thượng sư với nụ cười khổ sở quay về. Ta liền hỏi thượng sư: ‘Thưa sư phụ, sắc mặt của thầy sao lại khó coi như vậy? Tại sao cứ cười khổ sở như thế này?’

Thượng sư nói: ‘Mọi việc trên đời đều là vô thường, tối hôm qua, vị thí chủ tốt nhất, tín tâm nhất của ta đã qua đời. Vì vậy, ài! Ta đã khởi lòng bi ai đối với thế giới này! Ta, lão già này, từ thanh niên đến khi đầu bạc, cứ luôn làm chú thuật, phép giết người, làm mưa đá đã tạo ba loại nghiệp. Con tuy còn trẻ, mà lại giống như ta, cũng phạm vào các tội ác lớn chú thuật và làm mưa đá, món nợ này e rằng sẽ tính lên đầu ta.’

Trong lòng ta khởi niềm nghi vấn, bèn hỏi thượng sư: ‘Chúng ta giết người là có tình, thượng sư lẽ nào không thể khiến họ sinh vào thiên quốc Đâu Suất (tức Tịnh thổ mà Bồ tát Di Lặc cư trú, người Tây Tạng tu Tịnh thổ của Phật Di Lặc rất nhiều), hoặc giải thoát sao?’ Thượng sư nói: ‘Sự thực là người chân chính có thể khiến cho họ được đắc cứu giải thoát, chẳng có một ai. Từ bây giờ trở đi, ta muốn tu chính Pháp, như vậy đối với bản thân và người khác đều có lợi, con dạy các đệ tử của ta là được rồi, sau này ta sẽ dẫn dắt con đến thiên quốc Đâu Suất và Đạo giải thoát. Hoặc con đi tu chính Pháp, làm người dẫn dắt để ta sinh vào thiên quốc Đâu Suất và Đạo giải thoát, những thứ con cần để cầu chính Pháp, ta sẽ cung cấp cho con.’

A! Lúc đó ta nghe, trong lòng vui sướng làm sao! Việc ta ngày đêm khát vọng cuối cùng đã thành hiện thực, vội vàng nói với thượng sư: ‘Con muốn tu chính Pháp!’ Thượng sư nói: ‘Con còn trẻ, lòng tinh tấn và tín niệm cũng mạnh, vậy thì con hãy một lòng một dạ tu chính Pháp đi!’

Thượng sư liền tất bật chuẩn bị hành trang cho ta, đem vải lông và Tạng phiến đặc sản của Ninh Nga chất lên một con ngựa, cùng với ngựa tặng cho ta. Thượng sư bảo ta: Ở vùng Sát Nhung Na (Tsangrong Nar) có Tôn giả Lạt ma Ung Đăng (Rongton Lhaga), là bậc thượng nhân có thành tựu. Con đến chỗ Ngài tu tập chính Pháp là tốt rồi. Ta bái biệt thượng sư và sư mẫu, đến Sát Nhung Na, thấy và mấy đồ đệ vợ của thượng nhân Ung Đăng, họ nói với ta: ‘Đây là chùa của Lạt ma Ung Đăng, nhưng hiện nay thượng nhân lại ở trong chùa nhỏ ở Ninh Thác Nhạ Lộng, không có ở đây.’ Ta nói với họ: ‘Ta là được Lạt ma Ung Đồng Đa Giáp (Yungton Trogyel) phái đến, xin các người phái một người dẫn tôi đi gặp thượng nhân.’ Rồi đem lai lịch kể tường tận cho họ. Vợ của thượng nhân phái một lạt ma dẫn ta đi. Đến Ninh Thác Nhạ Lộng, bái kiến thượng nhân, ta đem vải lông và Tạng phiến dâng lên nói: ‘Con từ trên kia đến, là kẻ tội ác tày trời, xin Ngài từ bi, truyền cho đồ đệ một Pháp môn đời này giải thoát luân hồi.’

Thượng nhân nói: ‘Đại Pháp thành tựu của ta; Căn, là bàn tính thù thắng; Đạo, là đạt được thù thắng; Quả, là sử dụng thù thắng, ban ngày tư duy, ban ngày thành tựu; ban đêm tư duy, ban đêm thành tựu; Người căn cơ tốt, có túc nhân thiện căn, không cần phải tư duy, nghe Pháp liền giải thoát. Ta sẽ truyền Pháp này cho con.’ Thế là thượng sư quán đỉnh cho ta, lại truyền thụ cho ta khẩu quyết. Lúc đó ta thầm nghĩ: Trước kia khi mình tu chú thuật, chỉ tu 14 ngày là có kết quả, phép làm mưa đá chỉ tu 7 ngày là có thành tựu. Hiện nay thượng sự truyền cho mình chú thuật này còn dễ hơn thuật làm mưa đá, ban ngày tư duy, ban ngày thành tựu, ban đêm tư duy, ban đêm thành tựu, người có túc thiện nghe Pháp liền thành Phật, không cần phải tư duy, mình có thể gặp được đại Pháp này, tự nhiên cũng là người có thiện căn, do đó lòng sinh ngạo mạn, hoàn toàn không tư duy học tập, người cách ly Pháp.

Cứ như thế qua mấy ngày, một hôm thượng nhân đến gặp, nói với ta: ‘Con nói con là người tội lớn ở trên kia, lời này thật không sai, Pháp của ta, cũng hơi khuếch đại một chút, ta không thể dẫn dắt con được, bây giờ con lập tức đến Trát Nhung (Drowo Lung) ở La Bạch Lai Khắc (Lhobrak), theo đệ tử thân truyền của Đại hành giả Ấn Độ Na Nặc Ba, chí tôn dịch kinh đại sư – Mã Nhĩ Ba (Marpa) tôn giả. Ông ấy là hành giả phái Mật tông mới, là người đắc được ba loại đại thành tựu không phân biệt. Ông ấy có duyên đời trước với con, con đi đi.’

Ta nghe tên của Dịch kinh vương Mã Nhĩ Ba dịch kinh sư, trong lòng vui sướng không nói lên lời, toàn thân nổi gai ốc, nước mắt tuôn trào như nước thủy triều, sinh lòng thành kính hoan hỷ và tín tâm vô tỷ.

Ta đem lương thực, hành lý và thư giới thiệu của thượng sư, liền cất bước lên đường. Suốt dọc đường cứ nghĩ, hận không được gặp ngay thượng sư.

Buổi tối hôm trước ta đến Trát Nhung, thượng sư Mã Nhĩ Ba mộng thấy Đại thiện xảo giả Na Nặc Ba thượng sư giáng lâm quán đỉnh. Na Nặc Ba tôn giả cho thượng sư Mã Nhĩ Ba một chiếc chày kim cương lưu ly 5 cạnh, trên phần nhọn cái chày có dính chút bụi trần. Ngoài ra còn cho một chiếc bình vàng chứa đầy cam lộ, nói rằng: ‘Ngươi lấy nước trong bình này rửa vết bẩn trên cái chày kim cương, treo chày kim cương lên cao trên một cái cờ, trên khiến chư Phật hoan hỷ, dưới khiến chúng sinh được lợi ích, như thế này sẽ thành tựu hai sự nghiệp từ nó.’ Nói xong biến mất. Thượng sư Mã Nhĩ Ba theo lời tôn giả, dùng nước cam lộ trong bình rửa sạch vết bẩn trên chày kim cương, rồi treo chiếc chày lên trên cái cờ cao, chiếc chày kim cương bỗng phát ánh sáng rực rỡ, chiếu rọi tam thiên đại thiên thế giới. Ánh sáng chiếu lên thân chúng sinh trong lục đạo, tiêu trừ hết thống khổ và bi ai. Chúng sinh vui sướng nhảy nhót, hướng về chiếc cờ của thượng sư Mã Nhĩ Ba đảnh lễ. Hằng hà sa số vô lượng chư Phật đều phát sáng về phía chiếc cờ này.

Buổi sáng sau khi thượng sư tỉnh dậy, trong lòng vô cùng vui mừng, đang suy nghĩ về giấc mộng đêm qua, thì thấy sư mẫu vội vội vàng vàng chạy đến nói: ‘Thượng sư! Tối hôm qua ta có giấc mộng, mơ thấy có hai mỹ nữ trẻ từ Ô Kim Sát Thổ phương Bắc đến, trong tay đỡ một chiếc bảo tháp lưu ly, phía trên có một chút cáu bẩn. Họ nói với ta: Đây là ý chỉ của thượng sư Na Nặc Ba, muốn bà đem chiếc tháp này, sau khi khai quang để lên đỉnh núi. Ta nói, đã là ý chỉ của thượng sư Na Nặc Ba muốn ta khai quang, đương nhiên ta sẽ làm. Thế là ta lấy nước rửa bảo tháp, rồi khai quang, sau đó đem tháo đặt lên đỉnh núi, bảo tháp bỗng nhiên phóng ra vô lượng ánh sáng như mặt trăng mặt trời. Trong ánh hào quang lại hiện ra vô số bảo tháp. Ta đã mơ như thế này, thượng sư xem giấc mơ này có ý nghĩa gì?’ Sau khi thượng sư nghe sư mẫu kể về giấc mơ đó, biết là giấc mơ của sư mẫu hoàn toàn khớp với giấc mơ của thượng sư, trong lòng tuy vô cùng vui mừng, nhưng bề ngoài lại nói nghiêm trang: ‘Mơ đều là ảo tưởng không có thật, ta cũng không biết giấc mơ này có ý nghĩa gì.’ Rồi Ngài nói tiếp: ‘Hôm nay ta muốn ra đồng trồng trọt, hãy chuẩn bị cho ta.’ Sư mẫu nói: ‘Một người đại thượng sư như Ngài đi làm những việc này, người ta sẽ cười chúng ta! Xin Ngài đừng đi nữa.’ Thượng sư không nghe, lại căn dặn rằng: ‘Đem cho ta một vò rượu, ta còn phải chiêu đãi vị khách nhỏ hôm nay đến.’ Thượng sư cầm rượu, công cụ rồi đi ra đồng.

Sau khi thượng sư Mã Nhĩ Ba ra ngoài ruộng, đầu tiên chôn vò rượu xuống đất, dùng mũ che lên, cuốc đất một lúc, rồi ngồi xuống, vừa nghỉ ngơi, vừa uống rượu.

Khi đó, ta đã sắp đến vùng giáp ranh của La Trát Ô Cốc (là tên gọi tắt của La Bạch Lai Khắc Trát Nhung), dọc đường hỏi thăm nơi ở của đại dịch sư chí tôn Mã Nhĩ Ba, nào ngờ, ngay cả người nghe đến tên đại dịch sư chí tôn Mã Nhĩ Ba cũng không có. Đến khi ta tới một ngã tư có thể nhìn thấy La Trát Ô Cốc thì gặp một người, ta lại hỏi anh ta một lượt, anh ta nói: ‘Mã Nhĩ Ba, cũng có người tên như thế, nhưng đại dịch sư chí tôn Mã Nhĩ Ba thì chưa nghe thấy.’ ‘Vậy La Trát Ô Cốc ở đâu?’ Anh ta chỉ thung lũng đối diện nói: ‘La Trát Ô Cốc thì không xa, chính là chỗ đối diện kia.’ ‘Ai sống ở đó?’ ‘Mã Nhĩ Ma sống ở đó.’ ‘Ông ấy còn có tên khác không?’ ‘Có người gọi ông ta là Mã Nhĩ Ba, có người gọi là thượng sư Mã Nhĩ Ba.’ Thế là ta biết đây nhất định là thượng sư Mã Nhĩ Ba mà ta đang sốt ruột tìm kiếm.

Ta lại hỏi anh ta: ‘Cái dốc núi này gọi là gì?’ ‘Nơi này gọi là dốc Tố Pháp Quảng Pha.’ Trong lòng ta muốn từ dốc Tố Pháp Quảng Pha nhìn nơi ở của thượng sư, cái duyên thật tốt. Trong lòng rất vui mừng, vừa bước lên vừa hỏi thăm người. Đi một lát thì gặp một nhóm người chăn dê, ta lại hỏi họ dịch sư Mã Nhĩ Ba ở đâu? Một cụ già nói không biết. Trong đó có một em bé rất xinh đẹp lại đáng yêu, mặc bộ y phục rất cầu kỳ, mồm miệng cũng rất lanh lợi, nói với ta: ‘Ôi, huynh nói đó là cha ta! Cha ta đã bán hết gia sản rồi, đổi ra thành vàng, đem đến Ấn Độ rồi. Khi trở về đem theo rất nhiều kinh thư trang sách rất dài. Ông xưa nay không cày cuốc, hôm nay không biết duyên cớ gì đang cuốc ruộng ở kia kìa.’ Trong lòng ta nghĩ, có lẽ không nhầm rồi, nhưng lại có nghi hoặc, tại sao đại dịch sư lại tự mình cày cuốc? Vừa suy nghĩa vừa đi, bỗng nhiên thấy thửa ruộng ven đường có một lạt ma to lớn tráng kiện, ông có đôi mắt to, ánh mắt sáng rực đang cuốc đất. Vừa nhìn thấy ông, trong lòng ta có niềm vui sướng không nói ra lời, trong tình cảm vui sướng không thể nào tưởng tượng nổi, ta đã quên hết thảy mọi thứ đời này. Một lúc sau ta mới hồi tỉnh trở lại, ta chạy đến trước mặt vị lạt ma và hỏi: ‘Ở đây có thượng sư Mã Nhĩ Ba, đồ đệ của đại sư Ấn Độ Na Nặc Ba không ạ?’

Vị lạt ma này nhìn ta chăm chú từ đầu đến chân rất kỹ lưỡng một lúc lâu rồi nói: ‘Ngươi là ai? Ngươi tìm ông ta làm gì?’

Ta nói: ‘Con là người có tội lớn ở trên Hậu Tạng, danh tiếng thượng sư Mã Nhĩ Ba rất lớn, con đến chỗ Ngài để học Pháp.’

Lạt ma nói: ‘Lát nữa ta đưa cậu đến gặp ông ấy, cậu giúp ta cuốc ruộng đi.’

Nói rồi ông liền nhấc chiếc mũ lên, lấy ra vò rượu, nếm chút, dáng vẻ có vẻ rất ngon. Nếm rượu xong, ông để vò rượu xuống rồi bỏ đi.

Sau khi ông đi, ta lấy vò rượu lên, dốc lên ừng ực uống hết sạch. Sau đó ta cuốc ruộng, một lát sau, cô bé lanh lợi ăn mặc xinh đẹp trong đám người chăn dê vừa rồi đến nói với ta: ‘Này, thượng sư gọi huynh vào.’ Ta nói: ‘Ta phải cuốc xong chỗ ruộng này đã rồi đến, người vừa rồi giúp ta chuyển lời đến thượng sư, ta nhất định phải thay ông ấy cuốc hết chỗ ruộng này mới được, muội về thông báo rằng ta sẽ tới ngay.’ Ta cuốc liền một mạch xong thửa ruộng. Sau này thửa ruộng này được gọi là ruộng Thuận duyên.

Cuốc xong ruộng, có bé đưa ta đi gặp thượng sư. Vị lạt ma béo khỏe ta gặp lúc trước đang ngồi trên ghế cao có phủ ba lớp đệm dày, trên ghế có khắc hoa văn sao Kim ngưu và chim Đại bằng, ông có vẻ như là vừa rửa mặt xong, nhưng ta dường như vẫn thấy trên mi mắt ông có chút bụi. Ông thân thể to béo, ngồi đó thành một khối, cái bụng béo nhô ra. Ta thăm dò, đây chính là người vừa rồi cuốc ruộng mà, thượng sư Mã Nhĩ Ba ở đâu? Thế là ta ngó dọc ngó ngang tìm khắp nơi, thượng sư liền cười nói: ‘Tiểu tử này đúng là không nhận ra ta. Này, ta chính là Mã Nhĩ Ba, con mau dập đầu đi!’

Ta liền cung kính đảnh lễ, rồi nói: ‘Con là kẻ phạm tội nghiệp lớn từ đất Tạng đến, con đem cả thân, khẩu, ý hiến dâng cho thượng sư. Xin thượng sư cho con ăn mặc và truyền cho con chính Pháp, và xin thượng sư từ bi ban cho con pháp môn ‘đời này thành Phật’.’

Thượng sư nói: ‘Con là kẻ phạm tội lớn có liên quan gì đến ta? Tội nghiệp sẽ không lên đến đầu ta. Hơn nữa cũng không phải ta bảo con đi tạo nghiệp. Ài, con rốt cuộc đã tạo những nghiệp gì?’

Ta liền đem các chuyện đã qua kể tỉ mỉ một lượt.

Thượng sư nói: ‘Ồ, thì ra là thế. Đem thân khẩu ý cúng dường lên thượng sư thì nên làm, nhưng ta không thể vừa cho con ăn mặc lại vừa truyền cho con Pháp được. Nếu cho con ăn mặc, con đi nơi khác học Pháp. Nếu truyền Pháp cho con, thì con phải đi nơi khác tìm ăn mặc, hai việc này chỉ có thể cho con một thôi, con lựa chọn đi. Hơn nữa, cho dù ta truyền Pháp cho con, cũng không nhất định đời này liền thành Phật, nó hoàn toàn dựa vào sự tinh tấn của con.’

Ta nói: ‘Con đến bái nơi thượng sư đây là để học Pháp, về cái ăn cái mặc con sẽ tìm cách khác ạ.’ Nói rồi, ta cầm một quyển kinh thư đến Phật đường. Thượng sư nhìn thấy bèn nói: ‘Sách của con mau đem ra ngoài, Thần hộ Pháp của ta ngửi thấy khí tà thư của con, nói không chừng sẽ hắt hơi.’ Ta ngạc nhiên nghĩ: ‘Thượng sư có lẽ biết trong sách của mình có chú thuật và phép giết người.’

Thượng sư nhường cho ta một căn phòng để ta ở. Ta ở trong đó bốn, năm ngày, làm xong một cái túi da đựng đồ. Sư mẫu lại cho ta rất nhiều đồ ăn ngon, đối với ta rất tốt.

Để cúng dường sư phụ, ta bèn đi khắp nơi La Trát Ô Cốc xin cơm, xin được 21 thưng lúa mạch. Ta lấy 14 thưng lúa mạch mua một chiếc đèn lớn bằng đồng bốn mặt vuông không một chút sứt mẻ hoen gỉ nào. Ta lấy một thưng lúa mạch mua rượu và thịt, chỗ mạch còn lại ta để vào cái túi da mà mình làm. Sau đó buộc cái đèn đồng vào miệng túi da khoác sau lưng trở về. Đến trước nhà thượng sư, ta đã mệt mỏi lắm rồi, thở phì một tiếng, hạ những đồ khoác sau lưng xuống. Một túi đầy lúa mạch rất nặng, làm cho căn phòng rung lên. Thượng sư đang ăn cơm, vội ra ngoài xem, nhìn thấy ta liền nói: ‘Tiểu tử này quả là có sức vóc. Này, con có phải muốn làm sập căn phòng của ta đè chết ta à. Thật vô lễ. Hãy đem cái túi đi mau!’ Nói rồi Ngài liền giơ chân đá ta. Ta đành đem lúa mạch ra ngoài, trong lòng thầm nghĩ: ‘Vị thượng sư này không thể đùa được. Sau này cần cẩn thận hầu hạ mới được.’ Nhưng trong lòng ta không này sinh chút tâm lý bất mãn nay tà kiến nào.

Ta đảnh lễ với thượng sư, đem chiếc đèn đồng lớn cúng dường cho thượng sư. Thượng sư cầm chiếc đèn đồng, nhắm mắt trầm tư một lát, bất giác rơi lệ. Ngài rất thích, rất cảm động nói: ‘Duyên khởi tốt quá. Đây là cúng dường học giả đại Phạn thượng sư Na Nặc Ba.’ Thượng sư kết ấn làm cúng dường, sau đó lấy gậy gõ gõ chiếc đèn đồng, chiếc đèn phát ra tiếng leng keng. Thượng sư đem chiếc đèn đồng đến Phật đường, đổ đầy dầu, lắp bấc đèn rồi thắp đèn lên.

Trong lòng ta rất sốt ruột, nóng lòng cầu Pháp, liền chạy đến trước mặt thượng sư thỉnh cầu: ‘Xin thượng sư truyền cho con Đại Pháp và khẩu quyết.’

Thượng sư nói: ‘Do đồ đệ và tín đồ ở Vệ Tạng muốn đến chỗ ta học Pháp rất nhiều, nhưng người ở Thục Đại và Lệnh Ba phá rối, thường cướp của bọn họ, không cho bọn họ tặng thực phẩm và cúng dường cho ta. Hiện nay ta muốn con làm mưa đá xuống hai nơi đó, nếu thành công, ta sẽ truyền Pháp cho con.’

Để cầu Pháp, ta lại lần nữa sử dụng thuật làm mưa đá, quả nhiên thành công. Ta lại trở về đến trước thượng sư cầu Pháp. Thượng sư nói: ‘Con chẳng qua là làm mưa đá có vài ba viên, mà đã muốn đắc được chính Pháp mà ta đã khổ hạnh đến Ấn Độ đắc được là sao? Nếu con thực sự muốn cầu Pháp, vậy để ta nói cho con biết: Những người ở Ka Oa đã đánh các đồ đệ của ta, trước nay luôn đối địch với ta, con nếu thực sự có phép giết người lợi hại, con niệm chú bọn họ. Sau khi thành công, ta sẽ đem Pháp đời này thành Phật của thượng sư Na Nặc Ba truyền cho ta truyền cho con.’ Chẳng còn cách nào, ta lại bắt đầu niệm chú. Chẳng bao lâu, vùng Ka Oa quả nhiên xảy ra nội loạn, giết chết rất nhiều người, những người đối địch với chùng ta đều chết cả. Thượng sư thấy chú thuật của ta thực sự đã linh nghiệm, bèn nói: ‘Người ta nói phép giết người của con ghê gớm, lực chú rất lớn mạnh, quả là không sai.’ Từ đó thượng sư gọi ta là ‘Đại Lực’.

Ta lại cầu xin thượng sư truyền chính Pháp cho ta, nào ngờ thượng sư cười và nói: ‘Ha, ha, ha! Con đã tạo ra nghiệp lớn như thế này mà vẫn muốn ta lấy khẩu quyết, tâm yếu của Không Hành Mẫu, mà ta đã không tiếc sinh mạng sang Ấn Độ, dùng vàng cúng dường thượng sư, nhẹ nhàng dễ dàng cấp cho con ư? Đúng là trò cười, mà trò cười cũng quá đáng rồi. Hơn nữa, con là người giỏi phép thuật giết người, hôm nay nếu không phải là ta mà là một người khác, sợ rằng đã bị con giết lâu rồi. Được! Hiện nay nếu con có thể làm cho vụ mùa ở Thục Đại, Lệnh Ba khôi phục lại, và người bị giết ở Ka Oa sống lại, ta sẽ truyền Pháp cho, nếu không thì con không được ở chỗ ta nữa.’ Thượng sư nói khiến ta khóc rống lên. Ta thất vọng đến cùng cực, khóc to lên. Sư mẫu thấy ta đáng thương, bèn đến an ủi.

Sáng hôm sau, thượng sư tìm ta và nói: ‘Hôm qua ta nói với con cũng hơi tàn nhẫn, đừng có tức giận. Thân thể con rất khỏe mạnh, ta muốn con làm cho ta một thạch thất để cất trữ kinh thư. Thạch thất làm xong, ta sẽ truyền Pháp cho con. Y phục ăn ở của con sẽ do ta cung cấp.’

Ta liền nói: ‘Nếu con đang làm thạch thất, Pháp chưa được truyền con đã chết, thế thì làm thế nào?’

Ta đảm bảo con trong thời gian này sẽ không chết. Một người không có dũng khí thì không thể tu Pháp được. Con giống người có nghị lực, có thể tin tấn. Đời này thành Phật hoặc không thành Phật, hoàn toàn xem bản thân con tinh tấn thế nào. Giáo phái của ta khác với người khác, có lực gia trì khác nhau.’ Thượng sư vui vẻ nói với ta rất thân thiết.

Cứ như vậy, ta liền con nên vô cùng hoan hỷ, lập tức thỉnh thượng sư cho ta bản vẽ thạch thất. Thượng sư nói: ‘Căn phòng này của ta, cần xây ở trên núi nơi hiểm yếu. Nhưng nơi này trước đây người trong dòng tộc đã họp quyết định không được xây nhà ở trên. May mà trên văn bản thời đó ta không ký tên, do đó không chịu sự ước thúc của họ. Ta muốn xây căn nhà hình tròn trên mỏm núi phía đông, con cũng có thể nhờ việc này mà tiêu trừ các nghiệp chướng.’

Ta liền phụng mệnh thượng sư như thế, bắt đầu xây dựng căn nhà. Đại thể khi căn nhà xây được khoảng một nửa, thượng sư đến, nói với ta: ‘Thời gian trước ta nghĩ chưa thỏa đáng, nơi này không tốt, bây giờ con đem đá và vật liệu về chỗ cũ đi. Ta đành đem đá, đồ gỗ, cứ từng cái từng cái từ trên núi cõng xuống núi. Thượng sư lại dẫn ta đến mỏm núi phía tây, lấy chiếc áo hình bán nguyệt, gấp lại nhiều lần, để trên mặt đất rồi nói: ‘Con hãy theo hình này làm cho ta một căn nhà.’ Lần này vô cùng tốn công sức, một người một mình làm nhà, mỗi một kiện vật liệu đều phải tự mình cõng từ chân núi cách mấy dặm lên đỉnh núi, thật sự khổ không sao nói hết. Đến khi làm được một nửa, thượng sư lại lên, nói: ‘Cái nhà này xem ra vẫn chưa đúng, con hãy tháo dỡ nó ra. Gỗ, đá và các vật liệu vẫn chuyển lại về chỗ cũ.’ Ta đành phải làm theo lời thượng sư, từng viên từng chiếc tháo dỡ ra.

Thượng sự lại dẫn ta đến mỏm núi phía bắc, nói với ta: ‘Đại Lực, mấy hôm đó ta uống rượu say, đã không nói rõ ràng. Bậy giờ ở chỗ này, hãy cẩn thận làm cho ta một căn nhà.’

Ta nói: ‘Làm xong rồi, lại tháo dỡ đi. Con chịu khổ vô ích, sư phụ mất tiền vô ích. Lần này xin sư phụ hãy suy nghĩ kỹ đi mới được.’

‘Hôm nay ta đã không uống rượu, hơn nữa cũng đã xem xét đầy đủ kỹ lưỡng rồi. Nhà của hành giả, chân ngôn nói phải là hình tam giác, con hãy làm một căn nhà hình tam giác. Lần này đương nhiên ta sẽ không bảo con tháo dỡ ra nữa.’ Ta lại bắt đầu làm căn nhà hình tam giác này. Đến khi ta làm được 1/3, thượng sư lại đến, ông nói: ‘Đại Lực, căn nhà con đang làm đó, là ai bảo con làm vậy?’

Ta cuống lên, vội trả lời: ‘Đó là thượng sư đích thân căn dặn mà.’

Thượng sư gãi đầu nói: ‘Hừm, sao ta không nhớ nhỉ. Lời còn nói nếu là chân thực, chẳng phải ta đã phát điên rồi sao?’

‘Lúc đó con cũng sợ chuyện như này xảy ra, nên con có xin sư phụ suy xét cho kỹ. Sư phụ nói đã suy xét đầy đủ kỹ lưỡng rồi, nói rằng nhất định sẽ không tháo dỡ ra nữa, sư phụ phải nhớ được rõ ràng chứ,’ ta nói gấp gáp.

‘Hừm, lúc đó có người nào làm chứng ở đó không? Ở nơi phong thủy xấu thế này mà lại làm nhà hình tam giác, giống như làm cái đàn tu phép giết người. Có phải người muốn hại ta à? Ta không cướp đồ gì của ngươi, cũng không cướp tài sản của cha ngươi. Nếu ngươi không có dự tính hại ta, thực sự muốn cầu Pháp, vậy hãy nghe lời ta mau chóng tháo dỡ căn nhà này đi, đem gỗ, đá, vật liệu chuyển về dưới núi.’

Vì cõng đá, làm việc khổ cực, làm trong thời gian quá lâu dài, vì mỗi lần đều là vội vã làm cho xong nhà để cầu Pháp, do đó làm việc thục mạng, rất ghê. Lúc đó trên lưng ta bị đá chà sát thành mấy vết thương, đã thành sẹo, rồi sẹo lại bị chà sát vỡ, cứ sẹo vỡ thành vết thương rồi lại thành sẹo, thống khổ khó chịu nổi. Ta vốn muốn để thượng sư thấy các vết thương, nhưng ta biết ngoài bị đánh mắng ra, quyết không có kết quả nào khác. Nếu cho sư mẫu xem, thì cũng giống như cố ý kể khổ, do đó ngay cả sư mẫu ta cũng không nói cho biết, chỉ xin sư mẫu nói giúp với thượng sư xin cầu Pháp. Sư mẫu lập tức đến trước mặt thượng sư nói: ‘Làm cái nhà vô nghĩa như thế này, không biết là để làm gì? Ông xem Đại Lực thật đáng thương, khổ chết đi được! Ông mau truyền Pháp cho nó đi!’

Thượng sư Mã Nhĩ Ba nói: ‘Bà đi làm món ăn ngon cho ta trước đi, rồi gọi Đại Lực lại cho ta.’ Sư mẫu chuẩn bị đồ ăn xong, cùng ta đến trước mặt thượng sư. Thượng sư nói với ta: ‘Ta hôm nay không phải là ta hôm qua, đừng có bực tức như vậy nữa. Con muốn cầu Pháp, ta sẽ truyền cho con.’ Nói xong liền đem Tam quy, Ngũ giới của Hiển giáo phổ thông truyền cho ta. Thượng sư nói: ‘Bây giờ truyền chẳng qua là pháp yếu phổ thông mà thôi, nếu muốn cầu khẩu quyết bất cộng (tức đặc biệt, siêu thường, người khác không có), thì phải làm thế này, thế này.’ Nói rồi Ngài liền đem truyện ký khổ hạnh của thượng sư Na Nặc Ba kể cho ta nghe.

Thượng sư lại nói với ta: ‘Những khổ hạnh như thế này, e rằng con không làm được.’ Lúc đó sau khi nghe xong truyện ký khổ hạnh của thượng sư Na Nặc Ba, ta cảm động rơi nước mắt, lòng nảy ra một tín tâm kiên định. Trong lòng thề rằng: ‘Tất cả những lời thượng sư nói, ta phải nghe theo. Tất cả những khổ hạnh, ta đều phải vượt qua.’

Sau đó mấy ngày, ta cùng thượng sư đi tản bộ, lại đi đến một nơi hiểm yếu mà người trong dòng tộc cấm làm nhà. Thượng sư nói với ta: ‘Làm cho ta một căn nhà hình vuông ở đây, phải làm 9 tầng, ở trên lại làm cái kho, tổng cộng 10 tầng. Lần này quyết sẽ không phá dỡ, nhà xây xong rồi, ta truyền cho con khẩu quyết, lương thực đồ dùng tu Pháp ta sẽ cung cấp cho con.’

Ta nghĩ một lát rồi nói: ‘Vậy con mời sư mẫu đến làm người làm chứng có được không?’

Thượng sư đồng ý yêu cầu của ta: ‘Được!’

Thượng sư vẽ xong bản vẽ xây dựng, ta liền mời sư mẫu đến, trước mặt thượng sư và sư mẫu, ta đảnh lễ ba lần rồi nói: ‘Thượng sư bảo con làm nhà, con đã làm ba lần, rồi lại tháo dỡ ba lần. Lần thứ nhất là do sư phụ chưa nghĩ kỹ, lần thứ hai là do sư phụ nói uống rượu say, không có kế hoạch tốt, lần thứ ba sư phụ nói bị phát điên, làm sao sư phụ có thể làm nhà tam giác được? Sau khi con giải thích, sư phụ lại nói có ai làm chứng? Rồi mắng con một trận. Hôm nay con muốn mời sư mẫu làm chứng cho con làm căn nhà lần thứ tư này. Sư mẫu, xin sư mẫu làm người làm chứng cho con lần này có được không ạ?’

Sư mẫu nói: ‘Ta nhất định sẽ làm người làm chứng cho con. Thượng sư, ta sẽ làm người làm chứng thực sự. Nhưng kế hoạch làm nhà này rất khó khăn. Núi cao thế này, từng hòn đá, từng khúc gỗ, đều một mình con chuyển từ dưới núi lên, đoán chừng cái nhà này phải làm một năm mới xong. Thực ra, căn bản không cần làm nhà ở đây, làm rồi cũng chẳng cần tháo dỡ. Nơi này không phải là của chúng ta, mọi người trong dòng họ đã thề rồi, không được làm nhà ở đây, sau này e rằng sẽ có tranh cãi.’

Ta nói: ‘Sư mẫu, e rằng thượng sư không nghe theo sư mẫu đâu.’

Thượng sư nói: ‘Bà muốn làm người làm chứng thì làm người làm chứng là được rồi, không phải nhiều chuyện.’

Thế là ta bắt đầu xây dựng cái lô cốt hình vuông này. Khi ta đặt móng cho căn nhà, ba đại đệ tử của thượng sư là Nga Đông Khứ Đa đất Vệ, Thổ Tông Cương Thái đất Đa Nhật, Mạch Thông Tổng Ba đất Sát Nhung, họ đến giúp đỡ, giúp ta chuyển rất nhiều tảng đá lớn. Ta lấy một phần số đá họ vận chuyển đến để làm móng. Đến khi làm xong hai tầng lầu, thượng sư Mã Nhĩ Ba đến, ông đi khắp nơi xem xét tỉ mỉ, chỉ những tảng đá lớn mà ba đại đệ tử chuyển đến nói: ‘Những tảng đá này ở đâu đến?’

‘Cái này… cái này… là Nga Đông, Cương Thái giúp con chuyển đến.’

Mã Nhĩ Ba nói: ‘Con không được lấy đá của họ làm nhà, mau tháo dỡ nhà ra, chuyển những tảng đá này đi.’

‘Nhưng, sư phụ, sư phụ đã thề rồi, quyết không tháo dỡ căn nhà này.’

‘Đúng, ta đã nói rồi, nhưng các đệ tử của ta, đều là những hành giả Yoga tu vô thượng tầng thứ hai, không thể bảo chúng làm việc như đầy tớ của con. Hơn nữa, ta cũng không bảo con tháo dỡ hết, chỉ là muốn con chuyển những tảng đá của họ về chỗ cũ thôi.’

Ta bất lực, đành tháo dỡ từ trên đỉnh, tháo dỡ xuống đến móng, đem những tảng đá đó từ trên núi cõng về chỗ cũ dưới núi. Thượng sư lại đến, nói với ta: ‘Bây giờ con có thể lại chuyển những tảng đá này lên làm móng.’

Ta hỏi: ‘Sư phụ chẳng phải không muốn những tảng đá này đó sao?’

Thượng sư nói: ‘Không phải ta không muốn những tảng đá này, là ta muốn con tự mình chuyển đá, không được lợi dụng người ta.’

Những tảng đá mà ba người khiêng, ta một mình vận chuyển, đương nhiên là mất rất nhiều thời gian và sức lực rồi. Sau này những tảng đá mà ta vận chuyển này được mọi người gọi là ‘Đá Đại Lực’.

Khi ta trên đỉnh núi đem đá lót làm móng xong, mọi người trong dòng tộc thương lượng rằng: ‘Mã Nhĩ Ba làm nhà ở đất cấm, chúng ta đi quấy rối đi’. Có người nói rằng: ‘Mã Nhĩ Ba phát điên rồi, không biết từ đâu đến một thanh niên rất khỏe. Cứ mỏm núi nào cao là Mã Nhĩ Ba bảo hắn đi làm nhà. Mã Nhĩ Ba bảo hắn làm nhà ở đó, đã làm được một nửa rồi, lại bảo hắn tháo dỡ đi, lại đem đá, gỗ, vật liệu chuyển xuống chỗ cũ. Lần này e rằng cũng sẽ phá dỡ. Đợi khi hắn tháo dỡ chúng ta đi quấy rối cũng chưa muộn, chúng ta hãy tạm đợi một chút, xem hắn có phá hay không.’

Nhưng lần này thượng sư lại không bảo ta tháo dỡ. Ta tiếp tục xây nhà. Khi làm đến tầng bảy, eo của ta bị chà sát dập một miếng lớn.

Lúc đó người trong dòng tốc tu tập lại bàn bạc rằng: ‘Hừm, lần này xem ra sẽ không phá dỡ rồi, trước đây phá mấy lần, thì ra là muốn xây nhà ở đây. Lần này chúng ta nhất định phải phá tan nó đi.’ Thế là tập hợp người ngựa xông đến ngôi nhà có lô cốt. Nào biết thượng sư đã biến rất nhiều hóa thân, trong ngoài ngôi nhà đó, đã bố trí đầy binh tướng từ lâu rồi. Người trong dòng họ khinh ngạc lắm, không biết Mã Nhĩ Ba mời từ đâu đến nhiều binh tướng như thế này. Kỳ tích này làm những người đến tấn công khiếp sợ, mọi người không ai dám làm càn, trái lại lại còn dập đầu bái lạy nữa, xin thượng sư tha thứ. Sau này bọn họ đều thành thí chủ của thượng sư.

Lúc đó, Mạch Thông Tổng Ba đất Sát Nhung (Meton of Tsangrong) đang thỉnh cầu Thắng Lạc Kim Cương (Yidam Chakrasamvara – một trong bản tôn chủ yếu của Mật tông vô thượng) quán đỉnh. Sư mẫu nói: ‘Lần này, dù thế nào đi nữa con cũng phải nhận quán đỉnh một lần.’ Ta thầm nghĩ: ‘Ta làm nhiều nhà thế này, cho dù là một hòn đá, một sọt đất, một thùng nước, hay một viên bùn, đều không có người giúp, lần này thượng sư nhất định sẽ quán đỉnh cho ta.’

Khi quán đỉnh, ta bái lễ thượng sư, ngồi ở chỗ người thụ Pháp. Thượng sư nói: ‘Đại Lực, cúng dường quán đỉnh của con ở đâu?’

‘Thượng sư đã nói với con, sau khi làm xong nhà thì ban cho con quán đỉnh và khẩu quyết, do đó bây giờ con mới dám xin thượng sư cầu Pháp.’

Thượng sư Mã Nhĩ Ba nói: ‘Con chẳng qua làm qua loa một căn nhà nhỏ mấy ngày mà thôi, cái đó quyết không thể có được quán đỉnh và khẩu quyết mà ta đã khổ hạnh từ Ấn Độ cầu được về. Có cúng dường thì đem lên, nếu không có thì không được ngồi ở vị trí quán đỉnh thọ Pháp nữa.’ Nói rồi Ngài liền ‘Bốp! Chát!’ tát ta hai cái, một tay túm lấy tóc ta, kéo một mạch ra khỏi cửa, miệng vẫn giận đùng đùng nói ‘Cút ra ngoài mau!’

Sư mẫu thấy tình hình này, áy náy chạy đến an ủi ta: ‘Thượng sư thường nói: Pháp yếu mà thượng sư từ Ấn Độ cầu về, là cầu để cho tất cả chúng sinh. Bình thường, cho dù một con chó chạy qua mặt thượng sư, thượng sư cũng thuyết Pháp và hồi hướng cho nó. Nhưng thượng sư đối với con lại luôn không vừa ý, ta cũng không biết nguyên do, không biết là cớ gì. Nhưng con nhất định không được có tà kiến đó nhé.’

Ấm ức đầy bụng chẳng thể nói ra, tuyệt vọng và bi ai đan xen, trong tim ta nỗi thống khổ cùng cực, đêm đó, ta trằn trọc suy nghĩ: Hay là tự sát đi thôi!

Sáng hôm sau, thượng sư đến gặp ta và nói: ‘Đại Lực, bây giờ con tạm thời không cần làm lô cốt nữa, trước tiên hãy làm cho ta cái khách điếm lớn có hình dạng như thành lầu, phải có 20 cái cột, bên cạnh còn có một khách đường. Làm xong ta sẽ truyền quán đỉnh và khẩu quyết cho con.’ Thế là ta là bắt đầu làm móng nhà, bắt đầu làm khách điếm. Sư mẫu thường đem những đồ ăn ngon và rượu cho ta, đồng thời cũng thường thường an ủi ta rất thân thiết.

Khi khách điếm lớn làm sắp xong, Thác Thông Cương Ngạn (Tshurton Ouangnye of Dol) đất Nhật Đa đến cầu đại quán đỉnh Mật tập kim cương (Guhyasamaja, một trong những bàn tôn chủ yếu của Mật tông vô thượng).

Sư mẫu nói: ‘Lần này bất luận thế nào con cũng nhất định được thọ quán đỉnh’, bèn cho ta một cái túi mỡ, một súc vải lông và một cái mâm đồng nhỏ để làm đồ cúng dường. Ta lòng đầy hy vọng, vui vẻ đem đồ cúng dường vào chỗ ngồi cầu Pháp ở Phật đường.

Thượng sư nhìn ta nói: ‘Con sao lại đến? Con có cúng dường quán đỉnh gì không?’ Trong lòng rất yên tâm, ta nói một cách chắc chắn: ‘Đây là mỡ, vải lông, và mâm đồng, là đồ cúng dường con dâng lên thượng sư.’

‘Ha, ha, ha! Con nói thật tuyệt diệu! Chỗ mỡ này là thí chủ A cúng dường ta. Vải lông là thí chủ B cúng dường. Mâm đồng là thí chủ C cúng dường ta. Tuyệt thật! Lấy đồ của ta cúng dường ta, thiên hạ có đạo lý này không? Con có đồ cúng dường của mình thì đem đến, không có thì không được ngồi ở đó.’ Nói rồi, lập tức đứng dậy, mắng ta một trận, dùng chân đá ta ra khỏi Phật đường. Lúc đó ta chỉ hận không chui được xuống đất cho rồi. Khổ sở nghĩ một chập: Đây có phải là báo ứng mình niệm chú giết rất nhiều người, làm mưa đá hủy rất nhiều hoa màu không? Có lẽ thượng sư biết duyên cớ mình căn bản không phải là pháp khí, không thể thọ Pháp chăng? Hay là thượng sư không đủ từ bi, không muốn truyền thụ Pháp cho mình? Bất kể thế nào, giữ cái thân người không được thọ Pháp, vô tích sự, đầy ta ác này, thì chẳng thà chết đi cho rồi, hay là tự sát đi thôi! Đúng lúc nghĩ nát óc không có câu trả lời, sư mẫu đem thức ăn đến cho ta, dốc sức an ủi ta một hồi.

Thất vọng và thống khổ khiến ta chẳng muốn động đến thức ăn mà sư mẫu đem đến, khóc cả một đêm. Ngày hôm sau, thượng sư lại đến, nói: ‘Bây giờ hãy làm khách điếm và lô cốt cho xong mau lên, khi khánh thành, ta sẽ truyền chính Pháp và khẩu quyết cho con.’

Trăm đắng ngàn cay, khó khăn lắm ta mới làm xong khách điếm. Lúc đó, lưng lại chà sát vỡ một miếng lớn, mọc mụn nhọt trên lưng. Cái nhọt này có ba ngòi mủ, thịt thối kèm máu tươi, nát như một đống bùn.

Ta đi thỉnh cầu sư mẫu rằng: ‘Bây giờ khách điếm đã làm xong rồi, sợ rằng thượng sư lại quên chuyện truyền Pháp mà thượng sư đã nhận lời, do đó xin sư mẫu giúp con cầu Pháp đi!’ Khi đang nói, do mụn nhọt trên lưng đau quá, trên mặt ta không nén nổi lộ ra dáng vẻ đau khổ.

‘Đại Lực, con làm sao đó! Bị bệnh à?’ Sư mẫu sợ hãi hỏi. Ta đành cởi áo ra, cho sư mẫu xem cái nhọt lưng. Sư mẫu vừa nhìn, không nén nổi nước mắt tuôn rơi, vội nói: ‘Ta phải đi bảo với thượng sư.’ Người lập tức vội vàng chạy đến trước mặt thượng sư nói: ‘Thượng sư à! Đại Lực làm nhà thế này, tay chân đều bị thương hết cả rồi, da thịt cũng nứt hết ra. Trên lưng còn mọc ba cái nhọt lớn, lại bị chà sát vỡ ba chỗ, có một cái nhọt còn có ba ngòi, máu mủ be bét. Trước đây chỉ nghe nói la và ngựa thồ hàng nặng quá mới mọc nhọt lưng. Nhọt mọc trên lưng người chưa từng nghe thấy. Càng chưa từng nhìn thấy. Chuyện như thế này, người ta nhìn thấy hoặc nghe thấy, chẳng phải chê cười chúng ta sao? Thượng sư! Vì thượng sư là một vị Đại lạt ma, do đó nó mới hầu hạ thượng sư, ban đầu chẳng phải thượng sư nói làm xong lô cốt thì truyền Pháp cho nó sao? Nó thực sự đáng thương quá, bây giờ xin thượng sư truyền cho nó đi!’ Thượng sư nói: ‘Nói đúng là nói như thế, nhưng ta nói là làm 10 tầng lầu, bây giờ 10 tầng lâu ở đâu?’

‘Cái khách điếm lớn đó chẳng phải lớn hơn cả 10 tầng lầu đó sao?’

‘Bà không được nói năng lôi thôi lắm lời! Làm xong 10 tầng lầu rồi truyền Pháp cho nó.’ Thượng sư phản bác sư mẫu, bỗng nhiên nhớ đến cái nhọt trên lưng ta liền hỏi: ‘Này! Bà vừa nói gì? Trên lưng Đại Lực mọc cái nhọt lưng à?’

‘Khắp lưng đều là nhọt! Xin thượng sư đến xem đi! Máu mủ một cục, nát trông đáng sợ, ai thấy cũng không nỡ lòng! Ôi! Thật đáng thương quá!’ Sư mẫu nói.

Thượng sư mau chóng chạy đến đầu cầu thang gọi: ‘Đại Lực, lên đây!’

Ta nghĩ: ‘Chà, lần này đúng rồi! Nhất định được truyền Pháp rồi! Ta liền vội vàng chạy bước dài lên lầu. Thượng sư nói: ‘Đại Lực, đưa ta xem cái nhọt lưng.’ Ta cho thượng sư xem. Thượng sư xem xét tỉ mỉ rồi nói: ‘Chí tôn Na Nặc Ba, 12 đại khổ hạnh, 12 tiểu khổ hạnh, so với con thì ghê gớm hơn nhiều! Lớn nhỏ 24 loại khổ hạnh, ngài đều nhẫn chịu. Bản thân ta cũng bất chấp sinh mệnh, chẳng tiếc tài sản đến hầu thượng sư Na Nặc Ba. Con nếu thực sự muốn cầu Pháp, hãy mau bỏ cái kiểu cố ý làm ra vẻ này đi, giả cái vẻ ghê gớm lắm, hãy mau đi làm xong lô cốt đi.’

Ta cúi đầu ngẫm nghĩ, thượng sư dạy quả không sai.

Thượng sư làm mấy cái túi đựng đồ trên y phục của ta, rồi nói: ‘Ngựa và lừa mọc nhọt lưng đều dùng các túi quàng qua thồ, ta giờ đây làm cho con mấy cái túi này dùng để chuyển đất, chuyển đá.’

Ta không nén nổi hỏi: ‘Trên lưng có mụn nhọt thì những thứ này có tác dụng gì?’

Thượng sư nói: ‘Có tác dụng, có tác dụng! Cho đất vào trong túi có thể tránh đất cát dính vào nhọt lưng!’ Ta nghĩ, đây là lời căn dặn của thượng sư, thì cứ nhẫn chịu đau đớn mà vận chuyển bảy túi cát lên đỉnh núi thôi.

Thượng sư thấy ta đối với tất cả những lời thượng sư nói đều cẩn thận thực hiện. Thượng sư biết ta là đại trượng phu không gì lay chuyển nổi, nan hành năng hành (khó làm vẫn cứ làm bằng được), thực sự khiến cho thượng sư cảm động và khen ngợi. Ở chỗ không có người, thượng sư cũng rơi lệ rất nhiều.

Cái nhọt trên lưng cứ to lên từng ngày, dần dần đau không thể chịu nổi. Ta nói với sư mẫu rằng: ‘Sư mẫu có thể nói với thượng sư giúp con, tốt nhất là truyền Pháp trước cho con, hoặc chí ít cũng để con nghỉ ngơi một chút, dưỡng vết thương.’

Sư mẫu đem lời của ta bẩm lên thượng sư. Thượng sư vẫn giữ ý như trước, nhà không làm xong, quyết không thể truyền Pháp. Nếu cái nhọt cần điều dưỡng, vậy thì nghỉ ngơi mấy ngày cũng được. Sư mẫu cũng khuyên ta điều dưỡng một thời gian, đợi cái nhọt khỏi rồi lại tiếp tục làm.

Trong thời gian ta dưỡng thương, sư mẫu cho ta rất nhiều đồ ăn ngon và bổ dưỡng, cũng thường đến an ủi ta. Ta tạm thời cũng nguôi ngoai quên đi chút nỗi ưu sầu không đắc được Pháp.

Nghỉ dưỡng thư thế này một chập, vào ngày cái nhọt lưng sắp khỏi, thượng sư đến gọi ta, nhưng việc truyền Pháp thì không nhắc đến một chữ. Thượng sư nói: ‘Đại Lực, bây giờ mau đi làm nhà đi!’

Lúc đó ta vốn đã chuẩn bị đi làm rồi, nhưng sư mẫu thông cảm ta, sắp xếp muốn dùng kế để thượng sư sớm truyền Pháp cho ta. Do đó ngầm thương lượng với ta, muốn làm giả một lần. Ta từ chỗ thượng sư trở về liền khóc thút thít, giả bộ thu xếp hành lý, đem ít ta-ba (thức ăn chính hàng ngày của người Tây Tạng, bằng bột đại mạch chiên) chuẩn bị bỏ đi. Đến chỗ thượng sư có thể nhìn thấy, giả bộ bỏ về, sư mẫu liền giả bộ giữ ta lại, kéo lấy ta nói: ‘Lần này ta nhất định cầu xin thượng sư truyền Pháp cho con, đừng bỏ đi, đừng bỏ đi.’ Mãi, hai người cứ lôi kéo đã gây chú ý cho thượng sư. Thượng sư bảo sư mẫu: ‘Đạt Mi Ma, hai người làm cái gì vậy?’

Sư mẫu nghe thấy cho rằng cơ hội đã đến, liền nói: ‘Đồ nhi Đại Lực này từ nơi xa xôi đến với thượng sư cầu Pháp, không những không học được chính Pháp, trái lại bị đánh mắng, làm việc khổ nhọc của trâu ngựa. Nó bây giờ sợ cầu Pháp không được sẽ chết, do đó muốn đến nơi khác tìm sư phụ. Tuy ta đảm bảo với nó nhất định có thể cầu được Pháp, nhưng nó có vẻ vẫn muốn bỏ đi.’ Thượng sư nghe vậy, nổi giận đùng đùng, chạy vào trong phòng lấy ra một cái roi da, chạy ra nhè khắp người ta mà đánh tơi bời, và nói: ‘Ngươi là kẻ khốn nạn, ban đầu lúc ngươi đến, đem thân khẩu ý đều dâng cho ta rồi, bay giờ còn muốn đi đâu hả? Ta mà nổi hứng lên thì đã đem cái thân, khẩu, ý của ngươi cắt thành vạn miếng, đây là ngươi cho ta, do đó ta có cái quyền này. Bây giờ bất kể thế nào, ngươi muốn cút, thì cút đi, tại sao lại lấy ta ba của ta đem đi? Đó là đạo lý gì? Ngươi nói đi?’ Roi da vô tình quất ta tới tấp, đánh đến khi ta ngã xuống đất. Thượng sư lại đến lấy ta-ba đem hết đi.

Lúc đó, trong lòng ta thực sự cực kỳ buồn rầu, nhưng lại không thể nói với thượng sư đây là kế của ta và sư mẫu thương lượng giả bộ. Dù thế nào đi nữa cũng không chống lại được uy lực của thượng sư, chỉ đành chạy vào trong nhà khóc rống lên một trận. Sư mẫu cũng than thở nói: ‘Ôi, bây giờ có lột da rút gân thượng sư, thượng sư cũng không truyền Pháp cho. Bất kể là thế nào, ta cũng phải nghĩ cách truyền Pháp cho con! Ta có một pháp tu ‘Kim Cương hợi mẫu’ (Một trong các bản tôn của Mật tông, là Phật Mẫu giải thích tự tính Bát Nhã Ba La Mật Đa), ta truyền cho con.’ Ta tu theo Pháp tu này, tuy chưa sinh giác thụ, nhưng trong lòng cảm thấy được an ủi và rất bình hòa. Ta cảm thấy sư mẫu đối với ta quá tốt. Ta luôn nghĩ báo ơn sư mẫu, lúc thì giúp sư mẫu vắt sữa bò, xào thanh khoa, có lúc ta thực sự nghĩ đi tìm thượng sư khác, nhưng suy đi ngẫm lại, khẩu quyết đời này thành Phật, chỉ có thượng sư này mới có, đời này nếu không thành Phật, ta đã làm bao nhiêu tội nghiệp, làm thế nào giải thoát đây? Vì để cầu Pháp, ta phải tu khổ hạnh giống như tôn giả Na Nặc Ba, bất kể như thế nào, phải nghĩ ra cách để thượng sư này vui thích, đắc được khẩu quyết, đời này thành chính quả. Thế là ta một lòng một dạ cõng đá, chuyển gỗ, vật liệu, làm phòng tu định bên cạnh khách điếm lớn.

Xem tiếp Phần 5


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2000/12/24/5800.html

Đăng ngày 30-08-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share