Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 13-12-2017] Sau Đại hội Đảng lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi hy vọng rằng các lãnh đạo mới của Đảng sẽ bắt giữ tất cả những người tham dự bức hại Pháp Luân Công. Hàng ngày, tôi đều lên mạng để tìm kiếm tin tức về việc này. Mặc dù ý nghĩ này không mạnh mẽ, nhưng nó vẫn lúc ẩn lúc hiện.

Cách đây vài ngày, một đồng tu nói: “Hiện tại, không ít đồng tu hy vọng rằng cuộc bức hại sẽ chấm dứt và thời gian tu luyện của chúng ta sẽ kết thúc, hy vọng rằng các lãnh đạo mới của Đảng sẽ khôi phục lại danh tiếng cho Pháp Luân Công, cho dù họ không khôi phục lại danh tiếng cho Đại Pháp thì ít nhất cũng nới lỏng hoàn cảnh tu luyện cho chúng ta. Một số đồng tu còn tải hình ảnh những lãnh đạo mới của ĐCSTQ về điện thoại của mình, một số thậm chí còn sáng tác thơ ca ngợi họ và đăng tải lên mạng xã hội.”

Tôi thấy các đồng tu ở những nơi khác cũng có những suy nghĩ như vậy. Việc này thật sự nghiêm trọng, nó mâu thuẫn với những nguyên lý mà một người tu luyện nên tuân theo.

Kỳ thật, tu luyện lúc nào kết thúc, từ xưa tới nay đều là Sư phụ an bài, vậy vì sao tôi lại luôn mong ngóng việc này sớm chấm dứt? Tôi hướng nội tìm và phát hiện rằng nguyên nhân gốc rễ chính là tâm vị tư. Nhiều năm qua, tôi đã phải chịu nhiều áp lực và gian khổ, và cảm thấy mệt mỏi. Nếu cuộc bức hại chấm dứt ngay hôm nay, tôi sẽ có thể được thảnh thơi, mặc cho nhiều người vẫn còn chưa biết chân tướng về Đại Pháp.

Tôi nhận ra rằng tất cả những suy nghĩ này đều là vị tư.

Sư phụ giảng:

“Việc này là đã tới cuối cùng rồi, cả tôi còn sốt ruột lắm, chư vị lại không coi ra sao cả, nhưng mà, cuối cùng dù khóc cũng đã muộn” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Hôm qua, một đồng tu nói với tôi: “Tôi biết mình vẫn chưa tu luyện tốt, tôi sợ rằng mọi thứ sẽ kết thúc ngay bây giờ, nếu vậy, tôi sẽ không còn cơ hội để tu bỏ rất nhiều chấp trước của bản thân. Rồi tôi sẽ đi về đâu?”

Một đồng tu khác nói: “Tôi hy vọng Sư phụ sẽ kết thúc muộn hơn một chút để tôi có thêm thời gian tu luyện và cứu độ được nhiều chúng sinh hơn.”

Khi so sánh bản thân với những đồng tu kể trên, tôi thấy tầng thứ tu luyện của mình còn rất thấp.

Khi trang web Minh Huệ kêu gọi viết bài cho Pháp hội trên mạng, tôi đã viết một bài chia sẻ. Tôi nghĩ bài của mình sẽ được đăng bởi tôi cảm thấy mình đã tu luyện tốt. Tôi vào trang web Minh Huệ hàng ngày nhưng không thấy bài viết của tôi được đăng. Tuy vậy, tất cả những bài chia sẻ trên Pháp hội Minh Huệ đều rất tuyệt. Khi so sánh với bài viết của bản thân, tôi thấy rằng mình vẫn còn chưa theo kịp.

Cho đến lúc này, tôi mới nhận ra rằng tôi vẫn luôn tự cho mình là trung tâm và luôn muốn chứng thực bản thân. Đây là cách mà một đệ tử Đại Pháp hành xử sao? Tôi bắt đầu phát chính niệm để thanh trừ cái tự ngã ấy. Khi Pháp hội Minh Huệ sắp kết thúc, tôi cảm thấy cái “tự ngã” trong nội tâm tôi đã gần như biến mất. Đây cũng là thu hoạch lớn nhất của tôi sau Pháp hội.

Thời gian đang trôi đi rất nhanh, chỉ cần một ngày hơi buông lơi một chút, tôi có thể sẽ bỏ lỡ việc học Pháp, luyện công, hay phát chính niệm của ngày hôm đó. Cho dù hàng ngày đều rất bận rộn, nhưng tôi thấy mình vẫn chưa làm đủ ba việc. Tôi cũng thấy rõ không ít nhân tâm của bản thân biểu hiện ra ngoài, mặc dù tôi đã cố gắng hết sức để trừ bỏ chúng, chúng vẫn tồn tại, một số thậm chí còn rất nghiêm trọng, như tâm sợ hãi, sắc dục, chấp trước vào tiền tài, v.v.. Bản thân tôi vẫn chưa tu luyện tốt, do vậy, chuyện gì sẽ xảy ra nếu mọi thứ kết thúc ngay bây giờ?

Bây giờ đã là năm 2018, thời gian trôi thật quá nhanh. Sư phụ giảng rằng thời kỳ Chính Pháp có thể sẽ mau kết thúc.

Sư phụ giảng:

“Thời khắc một nháy mắt ấy, quý giá nghìn vàng, quý giá vô cùng. Hãy bước đi thật tốt đoạn đường này, đó chính là xuất sắc nhất.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Chicago [2005])

Vì vậy, tôi tự nhủ bản thân phải tu luyện cho tốt và không được mong chờ bức hại kết thúc, mà nhất định phải theo kịp tiến trình của Chính Pháp. Trong thời khắc cuối cùng của thời kỳ Chính Pháp này, tôi cần phải trừ bỏ nhiều nhân tâm hơn và cứu độ nhiều chúng sinh hơn nữa.

Cuối cùng, tôi xin trích dẫn một đoạn Pháp của Sư phụ:

“[Khi] đệ tử Đại Pháp nào mà học Pháp không theo kịp, thì đến thời gian này mới biểu hiện ra là không tinh tấn, chìm đắm xuống, thậm chí không biết quý tiếc thời gian, không biết tranh thủ thời gian để làm những gì mà đệ tử Đại Pháp nên làm.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Atlanta năm 2003)

Trên đây là những chia sẻ ở tầng thứ tu luyện của tôi. Xin vui lòng chỉ ra những điều không phù hợp!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/12/13/357833.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/1/11/167556.html

Đăng ngày 1-3-2018; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share