Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 02-01-2018] Bà Vũ Dương Trân, một cư dân thành phố Quảng Châu đã bị mù mắt phải sau 19 ngày giam giữ. Bà đã khởi kiện những người có trách nhiệm nhưng tòa án sơ thẩm địa phương không thụ lý đơn kiện, và từ chối chuyển kháng cáo của bà đến tòa phúc thẩm địa phương theo quy định của pháp luật. Bà đã khởi kiện tòa án sơ thẩm địa phương và trực tiếp gửi kháng cáo của mình lên tòa án cấp cao hơn.

Bà Vũ Dương Trân, 73 tuổi, là một nhân viên đã nghỉ hưu của Viện Đo lường tỉnh Quảng Đông. Bà là đối tượng bức hại vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp.

2017-12-31-mh-guangdong-wuyangzhen.jpg

Bà Vũ Dương Trân

Bị Ủy ban Cộng đồng bắt giữ

Ngày 2 tháng 11 năm 2016, nhân viên của Ủy ban Cộng đồng khu Thiên Hà đường Lâm Hòa đã bắt giữ phi pháp bà Vũ và đưa bà đến một trung tâm tẩy não địa phương, một cơ sở ngoài vòng pháp luật được sử dụng để giam giữ các học viên Pháp Luân Công.

Ở Trung Quốc, các ủy ban cộng đồng được thành lập như những tổ chức phi chính phủ tự nguyện nhưng họ thực sự bị chính quyền địa phương kiểm soát. Những ủy ban như vậy được giao nhiệm vụ giám sát các học viên Pháp Luân Công địa phương theo chính sách bức hại. Mặc dù không có thẩm quyền bắt giữ người, nhưng họ thường phối hợp với cảnh sát để giam giữ các học viên Pháp Luân Công.

Trong khi bị giam giữ, bà Vũ đã bị ngược đãi và tra tấn. Thời điểm được thả ra vào ngày 21 tháng 11 năm 2016, mắt phải của bà đã bị mù hoàn toàn và thị lực mắt trái bị suy giảm trầm trọng.

Sau khi bà được thả, gia đình đã đưa bà đến Trung tâm Chuyên khoa Mắt của Đại học Tôn Trung Sơn. Trong vài ngày tiếp theo, họ đã đến trung tâm này thêm vài lần và các bác sỹ khuyên bà nhập viện ngay lập tức. Tuy nhiên, tình trạng của bà không được cải thiện.

2017-12-31-mh-guangdong-wuyangzhen-3.jpg

2017-12-31-mh-guangdong-wuyangzhen-6.jpg

Chẩn đoán và hồ sơ bệnh án của bà Vũ

Đơn kiện Ủy ban Cộng đồng đường Lâm Hòa bị bác bỏ

Tháng 6 năm 2017, bà Vũ đã đệ đơn kiện hình sự Ủy ban Cộng đồng đường Lâm Hòa vì vi phạm quyền tự do cá nhân của bà. Ngày 22 tháng 6, Tòa án số 1 Vận tải Đường sắt Quảng Châu đã thụ lý trường hợp của bà.

Đơn kiện đưa ra ba bằng chứng chính: các chẩn đoán và hồ sơ y tế của bà Vũ, một bản ghi âm cuộc nói chuyện điện thoại giữa gia đình bà Vũ và Hoàng Tiểu Lan (chủ nhiệm Ủy ban Cộng đồng quận Thiên Hà đường Lâm Hòa) và một bức ảnh được chụp vào ngày bà Vũ được thả ra cho thấy người đã đưa bà về nhà.

Trong khi bà Vũ vẫn bị giam giữ, gia đình bà gọi điện cho chủ nhiệm Hoàng để hỏi xem khi nào bà sẽ được thả. Ông ta nói rằng thả ngày nào là tùy thuộc vào quyết định của lãnh đạo.

Vài người, trong đó có chủ nhiệm Hoàng, đã lái xe đưa bà Vũ về nhà khi bà được thả ra từ trung tâm tẩy não.

Bà Vũ cùng luật sư của mình cho rằng cuộc nói chuyện điện thoại và bức ảnh là bằng chứng rõ ràng cho thấy Ủy ban Cộng đồng địa phương có liên quan đến việc bắt và giam giữ bà. Như vậy bà Vũ có quyền yêu cầu cơ quan giám sát đường Lâm Hòa chịu trách nhiệm đối với việc giam giữ bà và việc khiến mắt bà bị tổn thương sau đó.

Thẩm phán Hoàng Chinh và hai bồi thẩm viên la Hà Quốc Mai và Lương Mẫn Cần, đã ra phán quyết bác bỏ vụ án vào ngày 17 tháng 7, tuyên bố rằng nguyên đơn không cung cấp bằng chứng chứng minh bị can liên quan trong việc bắt giữ nguyên đơn.

Hai lần kháng cáo bị tòa sơ thẩm bác bỏ

Ở Trung Quốc, có hai cách để đệ đơn kháng cáo. Cách thứ nhất là nộp hồ sơ kháng cáo lên tòa án sơ thẩm, sau đó tòa sơ thẩm bắt buộc phải chuyển hồ sơ đó đến một tòa phúc thẩm tương ứng. Cách khác là nguyên đơn trực tiếp đệ trình hồ sơ lên tòa phúc thẩm.

Bà Vũ quyết định đệ trình hồ sơ kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Vận tải Đường sắt thành phố Quảng Châu thông qua một tòa sơ thẩm địa phương.

Ngày 26 tháng 7, bà đã sử dụng dịch vụ EMS để gửi hồ sơ lên tòa sơ thẩm. Bà sớm nhận được xác nhận rằng hồ sơ của bà đã được chuyển phát.

Kỳ lạ là vào ngày 8 tháng 8, bà nhận được một xác nhận EMS khác, mặc dù bà chỉ cố gắng gửi hồ sơ một lần.

Một vài tháng sau đó, bà Vũ không nhận được thông tin gì từ tòa sơ thẩm hay phúc thẩm. Đề phòng những gì có thể xảy ra, bà Vũ đã tra cứu trực tuyến mã vận chuyển EMS.

Bà nhận ra rằng tòa sơ thẩm đã từ chối chấp nhận đơn kháng cáo của mình khi hồ sơ được chuyển đến đó. Ngày 8 tháng 8, văn phòng bưu điện địa phương đã thử gửi lần nữa, đó là lý do bà nhận được xác nhận EMS lần thứ hai, nhưng tòa sơ thẩm vẫn từ chối chấp nhận đơn kháng cáo của bà.

Lịch sử chuyển phát chỉ ra rằng văn phòng bưu điện đã cố gắng gửi ba lần và cuối cùng tòa sơ thẩm đã nhận hồ sơ vào cuối tháng 8.

Tuy nhiên, thẩm phán Hoàng Chinh không chuyển hồ sơ kháng cáo của bà Vũ đến tòa án cấp cao hơn như quy định của pháp luật.

Đệ đơn kiện các thẩm phán tòa sơ thẩm

Bà Vũ quyết định gửi kháng cáo trực tiếp đến tòa phúc thẩm. Bà cũng gửi một đơn kiện thẩm phán Hoàng Chinh và những phụ tá của ông ta là hai bồi thẩm viên Hà Quốc Mai và Lương Mẫn Cần, vì đã không chuyển tiếp kháng cáo của bà.

Bà Vũ đã gửi kháng cáo và đơn kiện tới các cơ quan sau: Tòa Trung cấp Vận tải Đường sắt thành phố Quảng Châu, Tòa Trung cấp thành phố Quảng Châu, và Viện kiểm sát Vận tải Đường sắt thành phố Quảng Châu.

Bài viết liên quan:

Một phụ nữ 72 tuổi mất thị lực sau khi bị tra tấn tại trung tâm tẩy não


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/1/2/358893.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/1/3/167465.html

Đăng ngày 9-2-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share