Bài viết của một học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 24-4-2017] Tâm tật đố là một trong những chấp trước mà các học viên nên cẩn trọng, nhưng tôi lại không để tâm đến nó trong nhiều năm qua vì nghĩ rằng mình không quá nặng về phương diện này. Gần đây khi hướng nội, tôi nhận thấy mình thường tật đố. Đôi lúc nó thậm chí còn trở nên nghiêm trọng.
Nhận ra và vượt qua tâm tật đố
Tôi bắt đầu viết bài chia sẻ gửi cho trang Minh Huệ. Tôi cảm thấy một số bài chia sẻ của tôi khá tốt, nhưng lại không được đăng. Tôi nghĩ một số bài chia sẻ trên trang Minh Huệ hiện nay không hay bằng bài của tôi, vì thế tôi nảy sinh tâm đố kỵ và thậm chí còn không thích các học viên làm biên tập. Tôi kết luận rằng khả năng đánh giá của các học viên làm biên tập khá hạn chế, không thể lọc ra được bài chia sẻ nào hay. Điều này xảy ra một vài lần cho đến khi tôi nhận ra rằng mình đang đố kỵ và tôi quyết định loại bỏ chấp trước này.
Sau khi hướng nội, tôi phát hiện mình đang viết bài chia sẻ để chứng thực bản thân. Xuất phát điểm của tôi không phải là để phơi bày cuộc bức hại, cứu độ chúng sinh hay chứng thực Pháp. Tôi chỉ muốn bài của mình được đăng để tôi có thể chứng minh rằng mình có khả năng. Đây là chấp trước mạnh mẽ vào danh. Tôi cũng có tâm hiển thị, hoan hỷ và oán hận. Rất nhiều chấp trước ẩn giấu! Tôi đã nhận ra vấn đề của mình nghiêm trọng như thế nào.
Một học viên địa phương có bài chia sẻ được đăng trong bản đặc biệt của Minh Huệ dành cho Pháp hội Trung Quốc trực tuyến. Tôi đã không vui khi biết bài chia sẻ này là của một học viên tại địa phương. Lúc đầu, tôi không thể hiểu rõ vấn đề. Tôi đọc kỹ bài chia sẻ thêm hai lần nữa và nhận ra rằng anh ấy đã tu luyện đến tầng thứ cao hơn tôi. Tôi kinh ngạc trước sự thăng hoa và tu luyện vững chắc của anh.
Tôi hướng nội xem tại sao mình lại có phản ứng lạ đó và nhận ra rằng mình có tâm tật đố. Giờ tôi nhận ra rằng các bài chia sẻ hay là do tu luyện tốt. Các bài chia sẻ của tôi không được đăng vì tôi đã tu không tốt.
Bài học kinh nghiệm
Tôi làm việc trong một nhà máy của một học viên. Giám đốc là một phụ nữ có mức thu nhập 5.000 nhân dân tệ một tháng. Cô nói chuyện rất hay, nhưng ngày nào cô cũng đến muộn và về sớm. Cô luôn gọi tôi đến xử lý các việc và tôi cảm thấy cô đã nhiều lần bạc đãi mình.
Tôi biết mình là một người tu luyện nên đã ép bản thân phải nhẫn với cô. Tuy nhiên, tôi đã không thể thật sự vượt qua được khảo nghiệm này và kết thúc bằng việc nghỉ làm. Tôi vô cùng hối tiếc sau khi nhận ra rằng mình đã bỏ lỡ cơ hội để đề cao trong mâu thuẫn. Trong tu luyện không có gì là ngẫu nhiên cả. Tuy nhiên, tôi đã mất cơ hội đề cao.
Khi xem xét lại bản thân, tôi phát hiện mình có tâm tật đố với người quản lý. Tôi đã dùng logic của người thường để phân tích mâu thuẫn, vì thế tôi nghĩ rằng cô ấy tật đố với tôi và cố gắng gây khó khăn cho tôi. Tôi đã sai rồi!
Sự việc này để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi và đã giúp tôi nhớ rằng mình là một người tu luyện. Khi có bất kỳ mâu thuẫn nào xuất hiện, tôi cần hướng nội vô điều kiện để tìm ra chỗ sai của mình. Nếu không làm như vậy, thì tôi cũng giống như người thường. Tôi thậm chí còn có thể khiến một người thường có ấn tượng xấu về Đại Pháp – điều đó rất nghiêm trọng.
Khi nghĩ kỹ lại những động cơ phía sau tất cả những suy nghĩ và hành động của mình, tôi nhận thấy tâm tật đố được ẩn giấu phía sau mọi việc mà tôi làm. Tôi cũng truy cầu danh. Nguyên nhân của mọi thứ là do tâm vị tư của tôi.
Sư phụ đã dạy chúng ta:
“Chư vị không muốn cải biến trạng thái của con người, từ lý tính mà thăng hoa nhận thức chân chính về Đại Pháp, thì chư vị sẽ mất cơ hội. Chư vị không cải biến cái Lý của con người vốn được hình thành vào tận xương cốt cả trăm nghìn năm ở người thường ấy, thì chư vị vẫn không bỏ đi được cái tầng xác bề mặt của con người, nên không cách nào viên mãn.” (Lời cảnh tỉnh, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Sư phụ cũng giảng:
“Vấn đề tâm tật đố rất nghiêm trọng, bởi vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề chúng ta có thể tu viên mãn được hay không. Nếu tâm tật đố không dứt bỏ, thì hết thảy các tâm người ta tu luyện được đều biến thành yếu nhược. Có một quy định, rằng trong tu luyện nếu người ta không vứt bỏ được tâm tật đố thì không đắc chính quả, tuyệt đối không đắc chính quả.” (Chuyển Pháp Luân)
Tâm tật đố là tâm chấp trước khó bỏ nhất của tôi! Đây là nhận thức hữu hạn của bản thân. Xin hãy chỉ ra bất kỳ điều gì chưa đúng.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/4/24/346044.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/5/8/163141.html
Đăng ngày 29-5-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.