Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 16-4-2017]
Cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi kéo dài không lâu. Khi chồng tôi qua đời vì bệnh thận mãn tính, tôi mới ngoài 30 tuổi và con gái tôi mới lên ba.
Tôi đã gặp người đàn ông mà tôi kết hôn cho tới nay thông qua một người bạn. Anh ấy là người cha đơn thân của một cô con gái mà anh cưng chiều hết mực. Anh không giàu có nhưng chân thành và tốt bụng. Chúng tôi kết hôn, và tôi trở thành mẹ kế.
Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1997 để cải thiện sức khỏe, nhưng tôi sớm nhận ra rằng môn tu luyện này cũng khai sáng về phương diện đạo đức. Được dẫn dắt bởi các Pháp lý, tôi đã thể hiện tình thương với con riêng của chồng mình ngay cả khi cháu căm ghét tôi, thậm chí tôi đã giúp cháu thay đổi cuộc đời. Giờ đây cháu rất ủng hộ Đại Pháp và do vậy đã được hưởng phúc lành.
Những năm tháng thử thách
Khi tôi và người chồng hiện tại mới kết hôn, cô con gái riêng của chồng thậm chí đã không thừa nhận tôi. Cháu yêu người mẹ ruột của mình và phẫn nộ với tôi. Cháu gần như phớt lờ tôi và nếu nói chuyện với tôi, cháu thường hét lên.
Một lần tôi nói với cháu: “Con à, con nói như vậy là không lịch sự đâu. Bất cứ ai nghe con nói cũng sẽ nghĩ là con thô lỗ. Sao con không gọi ta bằng “dì””. Cháu bắt đầu khóc. Bất cứ khi nào tôi nói chuyện với cháu cháu cũng khóc, cho dù tôi đã cố gắng thiện ý.
Con gái tôi và con gái riêng của chồng tôi học cùng một trường tiểu học. Buổi chiều khi chúng ở trường về, con gái riêng thường khóa cửa không cho con tôi vào nhà cho đến tận trước khi tôi tan sở về. Con gái tôi phải đứng bên ngoài hoặc ngồi xổm khi cháu mệt mỏi.
Một lần do con gái bị ốm nên tôi đã nghỉ làm sớm để cho cháu đi khám. Khi vào đến sân, tôi nhìn thấy con gái tôi đang đi ra khỏi nhà. Con riêng của chồng tôi đá cho cánh cửa mở ra ngay sau lưng con tôi và ném cặp sách của con gái tôi ra khỏi cửa. Tôi vẫn giữ bình tĩnh, nhặt chiếc cặp lên và đi vào nhà. Con gái riêng hét lên: “Mang nó đi đi!”. Khi tôi hỏi cháu là đi đâu, thì cháu không nói gì và bắt đầu khóc.
Một ngày khi tôi đi làm về và nhìn thấy con gái riêng của chồng đang giặt tất của cháu trong một chiếc chậu nhựa. Khi nhìn thấy tôi, cháu đã đổ toàn bộ chậu nước cùng với tất vào bồn vệ sinh. Tôi không nói gì. Sau đó cháu đã ném chiếc chậu rơi ngay ngay vào chân tôi.
Tôi hỏi cháu: “Sao con không đặt nó xuống, sao con phải ném nó đi như vậy, con ném thế có thể sẽ làm vỡ chậu”. Cháu nói: “Là tôi cố tình ném vào cô”. Tôi đã rất tức giận, nhưng tôi tự nhắc nhở bản thân mình là người tu luyện và mình cần phải giữ bình tĩnh.
Con gái riêng của tôi bỏ học
Sau khi lên lớp 8 thì con gái riêng của chồng tôi bỏ học. Theo như cháu nói thì cháu “không có định hướng”. Cháu dành mọi thời gian và tiền ăn vào các quán cà phê internet, đi chơi với những đứa trẻ lớn tuổi hơn. Cháu là một cô gái cao ráo, xinh đẹp và thu hút rất nhiều sự chú ý ở bất cứ nơi nào cháu tới.
Có lần cháu nói dối tôi và nói rằng cháu đi thăm mẹ đẻ trong hai ngày. Khi các bạn của cháu tới tìm vào ngày hôm sau, tôi đã nói với bọn chúng rằng cháu đang ở chỗ mẹ. Bạn cháu nói cháu không ở với mẹ mà đã quay về rồi. Tôi đã rất lo lắng, nhưng không biết tìm cháu ở đâu. Bạn cháu bảo tôi thử tìm ở các quán cà phê internet.
Tôi xin nghỉ làm và tìm cháu khắp thành phố. Tôi không biết chỗ nào có quán cà phê internet nên tôi đã lên taxi và nói người lái xe dừng lại ở từng quán mà anh ấy biết cho tới khi tôi tìm thấy cháu.
Khi cháu nhìn thấy tôi đứng trước mặt, cháu không ngạc nhiên chút nào. Cháu hỏi: “Cô làm gì ở đây?”. Tôi bình tĩnh nói: “Về nhà thôi. Con đừng chơi nữa. Cha con đang tìm con khắp nơi và lo lắng cho con”. Cháu nói: “Tôi sẽ về nhà khi tôi sẵn sàng.”
Chồng tôi hiếm khi nghiêm khắc với con gái mình, do vậy đôi khi tôi phải đóng vai hà khắc. Tôi nói với cháu: “Nếu con muốn chuyển ra ngoài, con không phải lo cho dì, nhưng hãy nghĩ cho cha con, ông ấy đã ở độ tuổi 50 và vẫn phải lao động chân tay để chu cấp cho con. Cha con yêu thương con rất nhiều. Con có chắc con muốn làm vậy với cha con không?”. Cháu nói: “Nếu tôi có chuyển ra ngoài, là vì cô đã khiến tôi phải ra đi”. Tôi tức giận đến nỗi người tôi run lên. Tôi đã không giữ được bình tĩnh, nhưng tôi đã rất cố gắng.
Phát hiện ra thiếu sót
Tôi đã không thể bỏ những lời nói tổn thương của con gái riêng ra khỏi đầu mình trong nhiều ngày. Một đồng nghiệp hỏi tôi: “Chị có chuyện gì thế? Trông chị cứ như sắp khóc”. Tôi gượng cười và nói: “Mình ổn mà”. Nhưng thực ra tôi muốn khóc. Tôi không thể nhận ra tôi đã thiếu sót ở đâu. Khi cháu bỏ đi, tôi đã rất lo lắng và tìm kiếm cháu mọi nơi. Tôi đã đối xử với cháu như đối với con gái mình. Tại sao cháu không nhận ra tất cả những gì tôi đã làm cho cháu?
Bài kinh văn mới của Sư phụ tại Pháp hội Philadelphia vừa mới được công bố. Khi tôi đọc cụm từ “khoan dung rộng lớn phi thường” (Giảng Pháp tại Pháp hội Philadelphia ở Mỹ quốc năm 2002), mọi oán hận và giận dữ của tôi đều tan biến, như thể một cánh cửa tới trái tim tôi đã được mở ra. Tôi nhận ra rằng tôi đã không đủ bao dung. Lời giảng của Sư phụ đã thức tỉnh tôi, và tôi biết mình cần làm gì.
Hôm sau tôi làm bánh bao và lên kế hoạch nói chuyện với cháu. Khi cháu định ra khỏi nhà trước bữa tối, tôi đề nghị cháu ở lại giúp tôi làm bánh bao. Cháu cười khẩy với tôi.
Tôi nói: “Dì muốn nói chuyện với con. Gần đây con với dì có nhiều mâu thuẫn và bất đồng. Dì tu luyện Đại Pháp trong nhiều năm, nhưng dì đã làm không tốt. Đó là lỗi của dì, đã không kiên nhẫn với con”. Cháu bắt đầu khóc trước khi tôi nói hết câu nói trên.
Tôi tiếp tục nói về các nguyên lý của Đại Pháp, về mối quan hệ của chúng tôi, và gia đình. Chúng tôi đã có cuộc nói chuyện rất tốt đẹp. Mặc dù hầu hết là tôi nói, cháu lặng lẽ lắng nghe và liên tục gật đầu.
Mất tích
Con gái riêng của chồng tôi gặp gỡ một người đàn ông trẻ tuổi ở Hồ Bắc và cả hai bắt đầu hẹn hò. Một lần cháu đi với người đàn ông đó tới thăm một người bà con của anh ta mà không cho chúng tôi biết. Chồng tôi và tôi không biết cháu ở đâu. Chúng tôi đã gọi điện cho tất cả các bạn của cháu, và một trong số đó nói cháu “đã đi với một gã đàn ông người Hồ Bắc”. Tôi không biết nghĩ sao. Tôi nghĩ cháu đã bị bắt cóc. Cháu mới chỉ là trẻ vị thành niên, và tôi rất lo lắng cho sự an toàn của cháu.
Tôi gọi điện cho mẹ ruột của cháu, chúng tôi đã đi tàu tới Cáp Nhĩ Tân để tìm cháu tại nhà ga trung tâm. Tôi nhận ra tôi lo lắng cho cháu nhiều đến nhường nào, tới mức tôi đã bật khóc nức nở. Ngược lại, mẹ cháu lại điềm nhiên và bình tĩnh. Chị cố gắng an ủi tôi và nói: “Chị đừng lo, con bé sẽ ổn thôi”. Cuối cùng khi chúng tôi tìm thấy cháu, cháu không hiểu tại sao chúng tôi lại lo lắng đến vậy.
Tôi không bao giờ đề cập đến sự việc này sau khi chúng tôi về nhà. Tôi cảm thấy rất buồn khi nghĩ về cuộc sống của cháu sẽ đi về đâu. Sau khi suy nghĩ rất nhiều, tôi đã có cuộc trò chuyện dài với cháu và cuối cùng đã thuyết phục được cháu trở lại trường học.
Cuối cùng con gái riêng của chồng tôi đã thay đổi hẳn thái độ
Là một người tu luyện tôi luôn cố gắng làm người tốt và luôn nghĩ cho người khác. Là một người mẹ kế, tôi quan tâm hai con gái một cách bình đẳng và dành tình yêu cho chúng như nhau. Tôi luôn luôn đặt con gái riêng của chồng lên trước bản thân mình và dần dần đã nhận được sự tôn trọng từ cháu.
Thái độ của cháu với tôi đã thay đổi, và thông qua tôi, cháu nhận thấy các học viên Đại Pháp thực sự là những người tốt. Giờ đây cháu thường nói với mọi người rằng tôi là một người mẹ kế tốt bụng. Thậm chí mẹ của cháu từng nói với tôi: “Chị thật quá tốt với con bé”.
Năm 2003, tôi bị bắt giam bởi các nhân viên Phòng 610 vì niềm tin của tôi vào Pháp Luân Đại Pháp. Sau này con gái riêng của chồng tôi kể với tôi rằng ngay sau khi tôi bị bắt giam, cháu đã cất tất cả các sách Đại Pháp vào cặp và mang đến nhà một người bạn. Đồng thời cháu cũng đi báo cho học viên địa phương khiến cô ấy có thể trốn đi kịp thời. Tôi đã rất tự hào về cháu.
Sự ủng hộ của cháu đối với Đại Pháp cũng mang tới cho cháu phúc lành. Năm 2014, cháu cùng chồng bị tai nạn khi đi trên đường cao tốc, phanh xe ô tô bị hỏng và chiếc xe lao vào dải phân cách và lăn ra đường. Con gái riêng của chồng tôi không thắt dây an toàn nên bị văng ra ngoài cửa sổ. May mắn thay chiếc xe đã không đập vào cháu khi nó lăn xuống đồi.
Cả ba hành khách được cấp cứu tới bệnh viện và đều sống sót. Khi chúng tôi tới thăm cháu tại bệnh viện, cháu có mấy vết khâu ở lông mày bên trái, vai trái và hai xương sườn của cháu bị gãy. Khi cảnh sát viên đường cao tốc tới hiện trường, lần đầu nhìn thấy toàn bộ cảnh tượng chiếc xe nằm ở dưới con dốc, ông ấy đã nghĩ: “Không ai có thể sống sót qua được”.
Tôi hỏi cháu đã nghĩ gì khi cháu tỉnh lại. Cháu nói: “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Tôi biết rằng Sư phụ đã bảo hộ cháu.
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/5/5/163095.html
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/4/16/342738.html
Đăng ngày: 28-5-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.