Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 12-12-2016] Một phiên tòa xét xử một học viên Pháp Luân Công gần đây ở Tòa án Khu Cao Tân đã một lần nữa cho thấy Trung Quốc rõ ràng thiếu công lý và pháp quyền, quyền tự do tín ngưỡng được bảo vệ bởi hiến pháp thường xuyên bị chà đạp.
Ngày 10 tháng 11 năm 2016, ông Vương Vĩnh Thanh phải ra hầu tòa mà không có luật sư bào chữa, dù phiên xử đã được ấn định lịch từ trước. Tòa án không báo trước cho luật sư của ông Vương, trong khi đó, luật sư không lưu trú ở địa phương. Ngay sau khi bắt đầu, phiên toà đã bị dừng đột ngột.
Ngày 10 tháng 12, ông Vương bị Tòa án khu Cao Tân kết án năm năm tù giam và bị phạt 40.000 nhân dân tệ (tương đương 5.575 đô la Mỹ) vì sở hữu những tờ tiền giấy có in thông tin về Pháp Luân Công. Luật sư của ông Vương đã kháng cáo tới Tòa án Trung Cấp thành phố Trường Xuân.
Thông báo gấp của tòa án
Ngày 9 tháng 11 năm 2016, gia đình ông Vương nhận được một cuộc điện thoại từ Tòa án khu Cao Tân. Họ thông báo sẽ mở phiên tòa xét xử ông Vương vào ngày 10 tháng 11. Gia đình ông Vương lập tức thắc mắc tại sao họ không thông báo sớm hơn, và nêu rằng theo quy định của luật hình sự thì luật sư bào chữa phải được thông báo trước phiên xét xử ba ngày. Gia đình ông Vương được thông báo rằng những luật sư từ khu vực khác (không phải người địa phương) sẽ không đủ điều kiện để đại diện cho ông Vương tại phiên tòa.
Theo nguồn tin nội bộ thì Sở Cảnh sát ,Viện kiểm sát, Tòa án tỉnh Cát Lâm và các cơ quan khác đã ban hành một biên bản chung nhằm ngăn cấm những luật sư không phải cư dân địa phương biện hộ cho học viên Pháp Luân Công tại tòa án.
Ngày 9 tháng 11, gia đình ông Vương đã nhiều lần cố gắng liên lạc với Thẩm phán Đổng Cường, người phụ trách về vụ việc của ông Vương tại Tòa án khu Cao Tân. Gia đình ông Vương yêu cầu hoãn phiên tòa để luật sư bào chữa có thể tham dự. Thẩm phán Đổng Cường thẳng thừng từ chối yêu cầu của gia đình.
Thủ tục của tòa án bị bỏ qua
Ngày 10 tháng 11, gia đình ông Vương tham dự phiên xét xử. Ngay từ lúc bắt đầu phiên xét xử đã không tiến hành đúng thủ tục. Không công bố thành viên hội đồng xét xử, không chất vấn về sự vắng mặt của luật sư biện hộ.
Hai người nhà của ông Vương phản đối tại phiên tòa: “Luật sư của chúng tôi không có mặt tại tòa. Tiến hành xét xử như thế là bất hợp pháp. Đây là phá hoại pháp luật.” Chánh án ra lệnh cho chấp hành viên lập tức áp giải người nhà ông Vương ra khỏi phòng xét xử.
Sau đó ông Vương Vĩnh Thành cương quyết yêu cầu phải có luật sư của ông tham dự. Thẩm phán trả lời rằng luật sư không phải là người địa phương, không đủ điều kiện tham dự phiên xét xử.
Ông Vương đáp lại: “Theo luật pháp Trung Quốc, luật sư hành pháp ở đâu cũng không bị giới hạn về lãnh thổ.” Khi ông Vương hỏi rằng phiên xét xử có được ghi âm hoặc quay video không thì chấp hành viên đã bịt miệng ông và ngăn cản ông nói.
Ông Vương nói tiếp, công tố viên có mặt nên giám sát những hành động phi pháp của tòa án và ngăn cản những hành vi vi phạm của thẩm phán.
Bốn chấp hành viên bao vây ông Vương và nhấc bổng ông lên. Phòng xét xử trở nên hỗn loạn. Chủ tịch phiên tòa ra lệnh cho chấp hành viên đưa bị cáo ra ngoài phòng xét xử. Phiên tòa nhanh chóng kết thúc chỉ sau vài phút bắt đầu.
Gia đình và luật sư biện hộ phải chạy lòng vòng khắp nơi
Sau đó, gia đình ông Vương tới Bộ phận Khiếu nại của Viện kiểm sát khu Cao Tân để đệ đơn khiếu nại thẩm phán Đổng Cường vì vi phạm thủ tục pháp lý, họ còn yêu cầu có văn bản trả lời đơn khiếu nại của họ. Ngày 1 tháng 12 năm 2016, gia đình ông Vương một lần nữa trở lại viện kiểm sát và yêu cầu văn bản trả lời đơn khiếu nại của họ. Nhân viên ở đó trả lời gia đình rằng họ không cung cấp văn bản trả lời bởi vì những vụ việc loại này thuộc thẩm quyền của Phòng 610 và khuyên họ nên trực tiếp tới văn phòng Phòng 610.
Một người nhà của ông Vương nói: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Viện kiểm sát là giám sát tòa án. Chúng tôi đệ đơn khiếu nại thẩm phán vì không tuân theo thủ tục pháp lý. Tại sao chúng tôi phải tới Phòng 610? Nó không phải cơ quan pháp luật. Ai cho cơ quan này quyền giám sát thủ tục pháp lý?” Nhân viên trong phòng tiếp dân không đáp lại được gì.
Ngày 7 tháng 12, gia đình ông Vương và luật sư của ông Vương tới Bộ phận Khiếu nại của Viện kiểm sát thành phố Trường Xuân để đệ đơn khiếu nại thẩm phán Đổng. Họ nhận được câu trả lời tương tự, bảo họ tới Phòng 610.
Ngay sau khi biết được sự bất hợp pháp của phiên tòa, luật sư của ông Vương đã gửi đơn khiếu nại thẩm phán Đổng Cường tới Viện kiểm sát Tối cao. Đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Các bên tham gia bức hại ông Vương:
-
Thẩm phán Đổng Cường, Tòa án khu Cao Tân: +86-431-86007106
-
Quách Học Quân, công tố viên, Viện kiểm sát khu Cao Tân: +86-31-81707995
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/12/12/338815.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/1/5/161014.html
Đăng ngày 4-2-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.