Bài viết của phóng viên Minh Huệ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 5-9-2015] Theo các báo cáo tổng hợp của trang web Ming Huệ, tổng số 306 học viên Pháp Luân Công thuộc thành phố Tê Hà, tỉnh Sơn Đông đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân từ tháng 5 năm nay.
Các học viên cáo buộc cựu độc tài Trung Quốc đã phát động cuộc bức hại tàn bạo lên Pháp Luân Công và yêu cầu ông ta chịu trách nhiệm cho những đau khổ các học viên phải gánh chịu bởi chiến dịch của ông ta. Các đơn kiện đã được gửi tới Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao.
Nhiều học viên trong số những người gửi đơn kiện này đã kể lại việc Pháp Luân Công đã mang lại sức khỏe và cái nhìn mới về cuộc sống. Ước mơ được sống khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn đã tiêu tan khi Giang Trạch Dân phát động chiến dịch toàn quốc nhằm tiêu diệt môn tu luyện vào năm 1999.
Vì kiên định không từ bỏ niềm tin tín ngưỡng, họ đã bị bắt, giam giữ, tra tấn và nhà của họ bị lục soát, các tài sản cá nhân bị tịch thu. Nhiều người phải chứng kiến gia đình bị liên lụy, một số người còn bị ép nộp khoản tiền phạt lớn.
Các học viên Tê Hà đã nộp đơn kiện gồm có nhiều giáo viên và cán bộ chính phủ.
Dưới đây chúng tôi nêu ra một số học viên trong số đó:
Bà Kiều Thụy Vinh hai lần bị đưa tới trại lao động cưỡng bức
Bà Kiều Thụy Vinh, một giáo viên trường Cao đẳng Năng lượng gió Yên Đài đã bị bắt tại nơi làm việc vào tháng 12 năm 2004 và bị đưa tới Trung tâm tẩy não Tê Hà.
Nhằm ép bà từ bỏ đức tin, nhân viên ở trại giam giữ còng tay bà ra sau lưng và cột vào khung cửa sổ. Họ bịt mắt rồi đấm đá bà, khiến chân bà thâm tím nặng nề.
Sau đó, bà đã bị trói vào một chiếc giường, hai bàn tay bị còng ra sau lưng và bị ép phải quỳ gối trong một thời gian dài. Đầu gối của bà đã bị bầm tím và sưng lên. Bà còn bị cấm ngủ. Cuối cùng bà đã bị bất tỉnh.
Bà bị đưa tới trại lao động cưỡng bức vào ngày 25 tháng 1 năm 2005, thời gian ở đó tổng cộng lên đến ba năm.
Tại trại lao động, bà bị biệt giam hơn 10 ngày và bị còng tay sau lưng vào cửa sổ. Trong suốt thời gian đó, bà không được phép ngủ. Còng tay siết rất chặt và cắt vào cổ tay bà.
Bà cũng không được phép đi vệ sinh. Mỗi ngày bà chỉ được cho lượng đồ ăn thức uống rất giới hạn. Kết quả của sự tra tấn tàn khốc này khiến bà bị bất tỉnh.
Lần gần đây nhất, bà Kiều bị đưa tới trại lao động cưỡng bức thên một năm nữa.
Người nhà bà Kiều Thụy Vinh bị kết án
Em gái bà Kiều Thụy Vinh là bà Kiều Thụy Mai, một giáo viên trung học đã bị kết án chín năm vì không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.
Chồng bà Kiều Thụy Mai – ông Lý Sùng Lâm, cũng là giáo viên trung học, bị đưa tới trại cưỡng bức lao động trong ba năm. Tuy nhiên, sau một năm, bản án của ông bị thay đổi thành năm năm tù giam.
Người chị em khác của bà Kiều bị đưa tới trung tâm tẩy não vào dịp Tết năm 2005 và bị giam giữ tại đó trong 54 ngày vì bà tu luyện Pháp Luân Công.
Ông Lỗ Thế Công bị bắt giữ nhiều lần
Ông Lỗ Thế Công từng làm việc tại Cục thuế địa phương thành phố Tê Hà. Ông bị bắt giữ khi tới Bắc Kinh thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 2000.
Ông bị đẩy vào xe cảnh sát và cảnh sát bắt đầu đấm đá ông.
Sau đó ông Lỗ được đồng nghiệp đưa trở về quê và bị giữ tại công ty trong ba tháng.
Lương của ông bị cắt giảm nghiêm trọng bởi ông cự tuyệt từ bỏ đức tin, và nó khiến cuộc sống của ông lâm vào khó khăn. Nhưng ông vẫn kiên định không từ bỏ tín ngưỡng của mình, vì vậy công ty quyết định cắt lương dài hạn của ông từ tháng 12 năm 2002.
Cảnh sát địa phương thậm chí tới công ty bắt giữ ông vào tháng 11 năm 2004 nhưng ông đã thoát được và phải rời đi để tránh cảnh sát. Ông phải sống lang bạt trong tám năm.
Sau đó, tên ông nằm trong danh sách “truy nã” của cánh sát. Văn phòng cảnh sát địa phương, Phòng 610 và Đội An ninh Nội địa đã tìm kiếm ông.
Ông bị bắt lại vào tháng 3 năm 2012. Cảnh sát đã tịch thu hơn 13.000 nhân dân tệ, một máy tính, máy in và sách Đại Pháp. Ông đã bị giam giữ tại trại tạm giam suốt 30 ngày.
Ông bị bức thực trong trại tạm giam 25 ngày và chỉ được thả ra khi gia đình ông buộc phải trả 3.000 nhân dân tệ.
Trước lần bắt giữ nêu trên, ông đã bị bắt nhiều lần khác.
Chị gái ông Lỗ Thế Công đã mất liên lạc với gia đình 15 năm kể từ khi bà lên Bắc Kinh thỉnh nguyện vào ngày 26 tháng 11 năm 2000. Sau khi tội ác mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công bị phơi bày, gia đình ông Lỗ nghi ngờ bà có thể bị giết mổ cướp tạng.
Phó Cục trưởng Cục Lao động đã nghỉ hưu bị giam tại trung tâm tẩy não
Ông Phan Sỹ Hỷ, 82 tuổi, nguyên Phó Cục trưởng Cục Lao động Tê Hà đã nghỉ hưu, bị bắt giam và đưa tới trung tâm tẩy não vào tháng 10 năm 2004 vì tu luyện Pháp Luân Công.
Các nhân viên Phòng 610 thành phố Tê Hà đã xông vào nhà ông và tịch thu những bức ảnh Sư phụ Lý Hồng Chí, Nhà sáng lập Pháp Luân Công, các video và sách Đại Pháp.
Trong thời gian bị giam giữ tại trung tâm tẩy não, ông phải xin phép mới được đi vệ sinh. Ông bị bắt phải xem những video lăng mạ Pháp Luân Công. Sau đó, ông bị ép viết bản cam kết từ bỏ tín ngưỡng của mình, nếu không, ông không được phép ngủ.
Ông đã được thả ra 45 ngày sau đó, sau khi gia đình ông nộp khoản tiền 4.000 nhân dân tệ.
Bối cảnh
Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/9/5/315224.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/9/13/152508.html
Đăng ngày 03-10-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.