Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 05-11-2014] Mặc dù bà Dương Thục Mai vẫn nhận ra người quen cũ, nhưng bà ấy đã không nhớ được những sự việc diễn ra thường hằng. Tư duy của bà trở nên hỗn loạn và mắc chứng nói lắp. Bà phản ứng chậm và thường xuyên quên những gì mình đã nói.

Việc duy nhất mà bà nhớ được đó là bà bị trói vào một chiếc giường, bị kéo căng người, và hết lần này đến lần khác bị tiêm thuốc không rõ nguồn gốc. Bà nhớ rằng bà phải đi vệ sinh trong tình trạng vẫn bị trói chặt trên giường. Trong thời gian này, bà cũng không được phép tắm rửa. Bà còn nhớ, cuối cùng bà cũng được thả ra vào ngày 02 tháng 10 năm 2014.

2005-2-26-shouguang7--ss.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Tiêm thuốc không rõ nguồn gốc

Sau khi bắt tại nhà vào ngày 02 tháng 03 năm 2011, bà Dương đã bị kết án bốn năm tù. “Tội” của bà là đã tu luyện Pháp Luân Công, một hệ thống tự tu luyện bản thân bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp.

Bị bó buộc trên một chiếc giường ở trong nhà tù quá lâu, nên hiện tại việc đi lại và thậm chí là đứng lên bà cũng cần có sự hỗ trợ của người khác.

Bố mẹ chồng của bà Dương đã từng không ủng hộ bà ấy, nhưng rồi họ đã rất hạnh phúc khi bà trở thành một người con dâu tuyệt vời nhất thế giới này sau khi tu luyện Pháp Luân Công. Sau lần bị bắt giữ gần đây nhất, mẹ chồng bà đã đến hết cơ quan chức năng này đến cơ quan chức năng khác để tìm cách cho bà được tại ngoại. Tuy nhiên, những gì mà mẹ chồng bà, cùng với những người khác trong gia đình bà gặp phải đều là sự đe dọa và hung bạo của cảnh sát.

Lần bị bắt và tra tấn gần nhất

Bà Dương, 49 tuổi, học viên Pháp Luân Công ở thị trấn Dương Thụ Lâm, huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm. Ngày 02 tháng 03 năm 2011, cảnh sát đã đột nhập và bắt giữ bà tại nhà.

Cảnh sát của Đội An ninh nội địa thuộc Phòng Cảnh sát huyện Nông An và Đồn Cảnh sát thị trấn Dương Thụ Lâm thậm chí đã không để bà kịp đi giầy mà tức khắc lôi bà đi.

Bà bị kết án bốn năm tù mà không hề tuân theo trình tự [xét xử], và bị chuyển đến Nhà tù nữ Cát Lâm, tại đây bà đã thường xuyên bị tra tấn. Bà gần như bị tê liệt, và trí nhớ của bà bắt đầu suy giảm.

Bởi bà đã từ chối từ bỏ niềm tin của mình vào Pháp Luân Công, nên bà đã bị bắt phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu trong nhiều giờ đồng hồ, thường là từ 5 giờ sáng đến nửa đêm. Cẳng chân và bàn chân của bà bắt đầu sưng phồng lên. Hầu hết học viên Pháp Luân Công, những người từ chối từ bỏ đức tin của mình đều bị tra tấn như vậy.

Vào cuối hạn tù, các lính canh đã hình thành thói quen trói chặt bà vào giường trong thời gian dài. Họ tiêm vào người bà những loại thuốc không rõ nguồn gốc để hủy hoại thần kinh của bà.

Gia đình bị đe dọa vì cố gắng giải cứu bà

Ngày 04 tháng 03 năm 2011, người mẹ chồng 80 tuổi cùng năm người cháu của bà Dương đã đi đến đồn cảnh sát để tìm hiểu về cuộc bắt giữ này. Khi mẹ chồng bà Dương nhận ra một trong số các nhân viên cảnh sát đã từng lục soát nhà của bà Dương, bà đã tiến về phía anh ta và hỏi anh ta rằng con dâu bà hiện đang ở đâu.

Bà muốn biết tại sao họ lại bắt giữ những công dân vô tội và đối xử với họ một cách hung ác như vậy. Đáp lại lời bà, viên cảnh sát này đã đe dọa bà và gia đình bà: “Nếu bà còn tiếp tục tranh cãi, chúng tôi sẽ bắt luôn cả con trai bà.”

Ngày 07 tháng 03 năm 2011, 14 người thân của bà Dương đã đến Phòng Cảnh sát huyện Nông An và cuối cùng họ cũng đã tìm cách gặp được Đường Khắc, Đội trưởng Đội An ninh nội địa. Tuy nhiên, ông ta không thừa nhận việc bắt giữ bà Dương là việc làm sai trái.

Sau đó, Trương Hưng Lượng, Phó phòng cảnh sát đã tiếp họ. Ông ta đã cố gắng lừa dối họ bằng cách trích dẫn Điều 300 của Luật Hình sự: “Lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật,” [cái cớ] thường được chính quyền cộng sản sử dụng để tùy tiện bắt giữ và giam cầm các học viên như một phần trong chiến dịch của nó nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công.

Người thân của bà Dương đã chỉ ra rằng điều luật này không hề đề cập đến “Pháp Luân Công” và rằng việc bắt người với lý do tín ngưỡng của họ là phi pháp. Trương đã ngắt lời họ bằng việc đe dọa họ: “Nếu các vị còn tiếp tục làm như thế này, thì chúng tôi sẽ bắt tất cả các vị – kể cả trẻ em.”

Vào cuối tháng đó, [họ] lại cố gắng để gặp được bà Dương, các lính canh đã kéo ba người cháu của bà vào phòng thẩm vấn và đánh đập họ. Sau đó hai người đã bị giam trong 10 ngày.

Vài tháng sau, vào tháng 05, gia đình bà Dương lại một lần nữa đến đồn cảnh sát yêu cầu được gặp bà Dương. Cảnh sát đã đe dọa một trong số các cháu trai của bà Dương sau khi anh ấy cố gắng bảo vệ quyền được tu luyện Pháp Luân Công của bà.

Ba viên cảnh sát đã kéo anh ấy vào một căn phòng, ở đó có năm viên cảnh sát khác, và họ bắt đầu đánh đập anh ấy. Họ cũng đe dọa những người còn lại trong gia đình bà rằng: “Nếu các vị còn tiếp tục, chúng tôi sẽ bắt tất cả các vị.”

Ngày 02 tháng 03 năm 2011, bà Dương bị tuyên án phi pháp bốn năm tù giam, và bị đưa đến Nhà tù nữ tỉnh Cát Lâm. Khi gia đình bà Dương yêu cầu giấy phê chuẩn của bản án, Quách Khánh Tỷ, Phó chánh án đã từ chối trả lời, nói rằng trước nay ở huyện không có tiền lệ phải cung cấp giấy phê chuẩn bản án cho thân nhân.

Bà Dương đã bị tra tấn tàn bạo ở trong trung tâm tẩy não. Khi gia đình bà đến thăm bà, họ đã rất sửng sốt khi thấy bà đang đẩy một chiếc khung hỗ trợ bà đi lại và hai tù nhân khác đang hộ tống bà. Gia đình bà Dương cũng phát hiện rằng tư duy của bà bị hỗn loạn và bà đã gần như bị mất trí.

Gần đây, ngay sau Tết Nguyên Đán 2014, Đường Khắc, chỉ huy Đội An ninh nội địa, thuộc Phòng Cảnh sát huyện Nông An, và Sư Khánh Quốc, Đội trưởng Đội Trị an của Đồn Cảnh sát thị trấn Dương Thụ Lâm, đã dẫn hàng chục cảnh sát mặc thường phục đến nhà bà Dương.

Họ đã lừa mẹ chồng bà Dương ra mở cửa, lao vào và tìm kiếm chồng và con gái bà Dương. Chỉ có bố mẹ chồng bà Dương ở nhà, và bố chồng bà đang ốm yếu phải nằm liệt giường.

Vì họ không tìm thấy chồng và con gái bà Dương, nên họ đã lục soát ngôi nhà và tịch thu một số vật dụng.

Khuôn mặt bị biến dạng nghiêm trọng khi ở trong trại lao động cưỡng bức

ĐCSTQ đã bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 07 năm 1999. Hai tháng sau, bà Dương đã đi đến Bắc Kinh để kháng nghị cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công của mình. Bà đã bị bắt giữ và bị đưa đến Trại tạm giam huyện Nông An, bà đã bị giam giữ tại nơi này trong 38 ngày. Trước khi trả tự do cho bà, cảnh sát đã tống tiền gia đình bà 1.000 nhân dân tệ.

Tháng 10 năm 1999, bà Dương lại đi đến Bắc Kinh lần hai, nhưng bà đã lại bị bắt giữ và bị đưa về huyện Nông An. Các quan chức Nông An đã chuyển bà đến Trại lao động nữ Hắc Chủy Tử ở Trường Xuân mà không hề tuân theo một trình tự pháp lý nào, bà đã bị tra tấn trong một năm trời tại nơi này.

Đặc biệt, khuôn mặt của bà đã bị biến dạng nghiêm trọng, và gần như không thể nhận ra bà nữa.

Có lần bà Dương đã vượt qua các vòng canh gác của trại lao động và cố gắng đến gặp Trưởng trại giam Phạm Sở Trường. Bà nói với Phạm về việc bà đang bị tra tấn ở trong trại. Phạm đã lạnh lùng đáp lại, “Không có ai được phép luyện Pháp Luân Công ở đây. Bà sẽ bị sốc điện nếu bà từ chối từ bỏ việc tu luyện. Chúng tôi mặc áo của đảng và ăn lương của đảng, nên chúng tôi sẽ sốc [điện] bà nếu bà luyện Pháp Luân Công.”

Bị trói trên giường chết 12 ngày

Chỉ huy Trương Quế Mai đã dùng đoạn tre để đánh vào đầu bà Dương và tát vào mặt bà. Lính canh Mã Thiên Thư và Vu Ba đã dùng dây cao su trói bà vào một chiếc giường và treo bà lên.

Sau đó họ trói bà vào giường chết, hai chân hai tay bị buộc vào bốn góc giường. Do đó bà buộc phải ăn và vệ sinh trên cùng chiếc giường này trong 12 ngày liên tiếp. Trong thời gian này gia đình bà không được đến thăm, và không một ai được phép rửa mặt, đánh răng, hoặc vệ sinh cho bà dưới bất kỳ hình thức nào.

2004-12-4-dalian9--ss.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Giường chết

Ở trong trại lao động này, bà Dương vẫn kiên định niềm tin vào Pháp Luân Công. Sự kiên định của bà đã khiến lính canh Mã nổi xung lên, dùng dùi cui điện để sốc điện vào mặt và đầu bà Dương. Lính canh Vu đá và đánh đập bà trong khi Mã sốc điện bà. Toàn thân bà Dương bị run giật, và người bà liên tục đập mạnh vào tường hết lần đến lần khác, thậm chí Mã đã kiệt sức trong khi ngược đãi bà.

Chỉ huy Lưu Liên Anh, và lính canh Vu tiếp tục sốc điện bà Dương bằng dùi cui điện. Từ đầu đến cổ, mặt, ngực, nách, tay, chân, không có bộ phận nào trên cơ thể của bà không bị sốc điện.

Họ thậm chí còn dùng một chiếc dùi cui điện khác khi một chiếc bị hết điện. Họ không dừng lại cho đến khi hết ca trực của họ. Khi đó, toàn bộ phần thịt của bà Dương đã bị cháy xém. Trong thời gian bị tra tấn, người ta có thể ghe thấy tiếng quát tháo của lính canh, âm thanh của dùi cui điện, và tiếng hét thất thanh của bà Dương.

2014-11-4-zhangshi-kuxing-02--ss.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Treo người và sốc điện bằng dùi cui

Mặt của bà Dương đã bị biến dạng nghiêm trọng. Bà gần như không thể mở miệng. Bà bị chảy máu ở khắp cơ thể, mắt bà đẫm lệ. Mặt của bà bị sưng lên với những vảy bỏng rộp màu vàng. Các học viên khác thậm chí còn không nhận ra bà. Những gì họ có thể làm là ôm bà và khóc cùng bà.

Ngày hôm sau, hai nhân viên, Liêm Quang Nhật và Nhạc Quân đã đến gặp bà Dương và hỏi về khuôn mặt của bà. Lưu Liên Anh đã nói rằng bà bị bệnh AIDS, và tất cả bọn họ cùng phá lên cười.

Sau khi chứng kiến tình trạng của bà Dương, nhiều học viên đang bị giam giữ đã bắt đầu tuyệt thực và viết thư kiến nghị vạch trần việc lạm dụng nhân quyền của những nhân viên này. Do lo sợ những hành động tà ác của mình bị phơi bày, nên những nhân viên đó đã không cho phép các gia đình được vào thăm.

Sống phiêu bạt sáu năm để tránh bị bức hại

Sau khi bà Dương ra khỏi trại lao động, bà đã nói với nhiều người hơn nữa về cuộc bức hại Pháp Luân Công qua những trải nghiệm của bà.

Cuối tháng 09 năm 2001, những người trong thôn bị ĐCSTQ lừa dối đã vu cáo bà Dương và các học viên khác với cảnh sát. Bà cùng một học viên khác đã bị bắt và bị đưa đến Đồn Cảnh sát thị trấn Dương Thụ Lâm.

Ngày hôm sau, Vương Minh Chương (đã chết vì bị quả báo) và Khương Hưng Châu đã còng tay và cổ chân bà Dương và đánh đập, chửi rủa bà. Một số nhân viên say rượu bắt đầu đánh đập bà. Họ túm tóc bà để kéo bà đứng dậy, và tiếp tục đánh đập bà. Nhậm Vạn Tỷ (đã chết vì bị quả báo) nói: “Tôi nói cho các vị biết: Đó là những gì mà chúng tôi làm với các vị.” Khuôn mặt của bà Dương đã bị sưng phồng lên và mắt của bà bị chảy máu. Sau đó, họ đưa bà đến trại tạm giam Nông An.

2005-6-6-jiutai-kx06--ss.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Còng tay sau lưng

Bà Dương đã tuyệt thực để phản đối bức hại. Tám ngày sau, bà trốn thoát khi đang bị chuyển đến trại lao động cưỡng bức. Sau đó, bà bắt đầu sáu năm lang thang phiêu bạt, cho đến năm 2007, bà trở về nhà để chăm sóc cho bố mẹ chồng già cả sau khi anh rể bà, ông Vương Khải Ba, qua đời vì bị tra tấn đến chết ở trong Nhà tù Cát lâm vì từ chối từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/11/5/299904.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/11/22/146991.html

Đăng ngày 16-12-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share