Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp bên ngoài Trung Quốc

[MINH HUỆ 22-09-2014] Sư phụ giảng:

“Vấn đề tâm tật đố rất nghiêm trọng, bởi vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề chúng ta có thể tu viên mãn được hay không. Nếu tâm tật đố không dứt bỏ, thì hết thảy các tâm người ta tu luyện được đều biến thành yếu nhược. Có một quy định, rằng trong tu luyện nếu người ta không vứt bỏ được tâm tật đố thì không đắc chính quả, tuyệt đối không đắc chính quả.” (Chuyển Pháp Luân)
“Kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận, mà tự thấy bất công” (Cảnh giới, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tôi là nhân viên bán quảng cáo cho một công ty truyền thông của các học viên Pháp Luân Công. Mỗi nhân viên bán hàng trong nhóm của chúng tôi đều được giao hạn ngạch. Hàng ngày, thành tích bán hàng của mỗi người sẽ được gửi cho giám đốc và cả nhóm, điều này đặt lên vai tôi một áp lực rất lớn.

Tôi nhận thấy gần đây tôi không hài lòng về việc các đồng tu ký được nhiều hợp đồng trong khi tôi thì không. Tôi đưa ra đủ thứ lý do để xem tại sao mình không nhận được bất kỳ hợp đồng nào. Tôi thậm chí còn cầu mong cho những học viên khác cũng không kiếm được hợp đồng!

Tôi đã rút lại suy nghĩ này. Tôi đã tu luyện nhiều năm rồi; làm sao tôi vẫn còn những suy nghĩ xấu xa đến vậy? Tôi nhận ra rằng nó là tâm tật đố. Tâm tật đố là nguyên nhân gốc rễ của mọi sự gian ác. Tôi quyết tâm nhổ tận gốc tâm tật đố trong các trường không gian của mình.

Tôi luôn xuất sắc trong tất cả mọi việc và khi lớn lên, tôi thường được khen ngợi. Kết quả là, tôi có chấp trước mạnh mẽ vào danh tiếng, hư vinh và những lời khen.

Tôi thường ở vị trí quản lý những người khác, ngay cả trong công việc hàng ngày của mình. Mọi người xem tôi là một người phụ nữ thành đạt và tôi đã quen với việc được người khác lắng nghe và tôn trọng.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy tâm tật đố của mình nổi lên khi người khác không chấp nhận ý kiến của tôi, xem thường tôi, hoặc thiếu tôn trọng tôi.

Tâm tật đố dẫn đến những suy nghĩ xấu

Tôi làm việc với một đồng tu khác trong nhóm truyền thông của chúng tôi được một thời gian ngắn. Nhưng cả hai không thể phối hợp tốt với nhau, vì thế, chúng tôi đã dừng làm việc cùng nhau. Chỉ cần nghĩ đến cô ấy đã khiến tôi tức giận. Tôi cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy cô ấy có được hợp đồng. Tôi thậm chí còn cầu mong cho cô ấy không thể ký được thêm bất cứ hợp đồng nào nữa và như vậy cô ấy sẽ bị sa thải.

Tại sao tôi lại ghét cô ấy đến thế? Cô ấy đã đôi lần nói xấu tôi với nhóm trưởng của chúng tôi, và vào những lần ấy, tôi đã bị chỉ trích. Cô ấy đã nhiều lần ngắt lời tôi và tỏ vẻ không hợp tác ngay trước mặt khách hàng. Cô ấy luôn luôn từ chối lời đề nghị của tôi. Tôi cảm thấy tức giận và đẩy những bực bội của mình về phía cô ấy. Tôi không muốn làm việc với cô ấy và hy vọng cô ấy sẽ không làm tốt.

Sư phụ giảng:

“Một số học viên trong quá trình chứng thực Pháp là dùng nhân tâm mà làm các việc, từ đó thoả mãn cái tâm [làm những gì] tự mình ưa thích; khi không được chấp thuận hoặc bị chỉ ra những chỗ thiếu sót thì lại sinh tâm oán hận, thậm chí còn không tiếc làm việc sai trái, cứ như là không làm việc nháo loạn thì không giải được tâm thái oán hận; trái ngược hẳn với yêu cầu của tôi rằng đệ tử Đại Pháp cùng nhau phối hợp cho tốt, chứng thực Pháp, cứu độ chúng sinh. Loại chấp trước của nhân tâm ấy, khiến cho tự mình về hành vi hoặc ở một việc nào đó mà bước sang bên phản diện; đó có còn là hành vi cử chỉ của học viên Đại Pháp nữa không? Đó chẳng phải chính là làm điều mà tà ác muốn làm hay sao? (Cảnh tỉnh, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

Tôi đã sốc ngay khi đọc đoạn này. Bất cứ việc gì tôi làm dưới ảnh hưởng của tâm tật đố là giống với những điều tà ác muốn làm.

Tâm tật đố làm tổn thương đồng tu

Gần đây, chồng tôi thường ngủ gật khi phát chính niệm, học Pháp và luyện bài công pháp số năm. Khi thấy anh có những biểu hiện như vậy, tôi đã trở nên rất tức giận với anh.

Một lần, tôi nhìn thấy anh ấy lại ngủ gật ngay khi tôi đang định bước ra cửa để đi gặp khách hàng. Tôi đã vô cùng tức giận, nó khiến cho toàn thân tôi run lên, ngực nhói đau và đôi chân trở nên mềm nhũn. Cuối cùng tôi đã không thể đi gặp khách hàng. Những lời tôi thốt ra với anh ấy mang đầy oán hận, nhưng tôi lại cho rằng mình đang giúp anh.

Đêm đó, tôi đã mơ thấy ác mộng. Trong mơ, tôi thấy một cái miệng lớn đầy máu đang cắn một con thú nhỏ. Tôi nhận ra rằng những lời mà tôi đã tuôn ra trong lúc giận dữ không giúp gì được cho chồng mà chỉ làm tổn thương anh ấy.

Tôi thường chê bai những thiếu sót của người khác. Thay vì nhìn lại bản thân dựa trên Pháp, tôi lại dùng thể ngộ về Pháp của mình để phán xét các đồng tu. Khi một đồng tu không đạt tiêu chuẩn của tôi, tôi trở nên giận dữ. Tôi la lối và phàn nàn. Tôi thậm chí còn nói với người khác về những thiếu sót của người này, hy vọng rằng cả nhóm sẽ cùng chỉ trích người đó.

Khi tôi coi thường các đồng tu thì chẳng phải tôi giống hệt Cựu thế lực sao? Cựu thế lực sử dụng tiêu chuẩn của họ để phán xét các học viên vì họ cảm thấy ganh tị rằng họ không thể trở thành đệ tử Đại Pháp. Từ đó, họ đã đàn áp các đệ tử Đại Pháp.

Khi chúng ta không loại bỏ tâm tật đố của mình, điều đó cũng tương đương với việc chúng ta không phủ nhận an bài của cựu thế lực. Giống như Sư phụ đã giảng, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đang hỗ trợ cựu thế lực trong việc bức hại các đồng tu.

Tôi nhận ra rằng tâm tật đố gây nên cảm giác bất công và oán giận. Khi tôi cảm thấy khó chịu và tức giận là lúc tâm tật đố bắt đầu kiểm soát tôi.

Tâm tật đố gây ra sự thiếu đoàn kết

Tôi đã làm việc với một số đồng tu trong công ty truyền thông này hơn một năm qua. Nhưng tôi luôn luôn kết thúc bằng việc cãi nhau với họ vì tâm tật đố của mình. Tôi cảm thấy rằng các đồng tu không giỏi bằng tôi, vì thế tôi không muốn bị họ chỉ đạo. Tôi đã thất vọng khi cảm thấy họ đang xem thường tôi. Mối quan hệ của chúng tôi trở nên xấu đi.

Tôi cũng thấy rằng tôi mong đợi các đồng tu vào làm ở công ty sớm hơn tôi phải có tiêu chuẩn cao hơn. Và dĩ nhiên, họ nên giúp tôi. Tuy nhiên, tôi đã không tỏ ra biết ơn họ, mà còn không hài lòng khi họ không đáp ứng được các mong đợi của tôi.

Tâm tật đố là gốc rễ của mọi sự gian ác

Gần đây khi xem video Cửu Bình, tôi thấy rằng tư thế, cử động và biểu hiện trong đôi mắt của tôi trông rất giống những người đã bị tà đảng tẩy não và kiểm soát.

Ngay cả khi tôi đang giúp một đồng tu, tôi cũng biểu hiện như đang công khai tố cáo người ấy. Tôi tin rằng gốc rễ của tà đảng chính là tâm tật đố.

Sư phụ giảng:

“Mục đích thật sự của cuộc bức hại này—đã có nhiều người hỏi tôi, cũng có nhiều người đã hỏi các đệ tử của tôi—nó rốt cuộc là vì cái gì? Chính là vì [tâm] tật đố của tên hề vụng xấu kia thôi; vì hắn có quyền lực trong tay, nên hắn có thể làm được việc ấy. Nghe mà thấy thật tức cười, thật không thể tin được; làm sao mà nhân loại có thể phát sinh sự việc như thế được? Vậy mà đó chính là hiện thực. Cuộc bức hại này chính là [vì] tên hề xấu xí kia do lòng đố kỵ biến thái mà phát sinh ra như thế; chính là vì vậy thôi.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Philadelphia ở Mỹ Quốc)

Chúng ta đang cho phép văn hóa tà đảng tồn tại nếu chúng ta không loại bỏ tâm tật đố. cựu thế lực sẽ sử dụng nó như một cái cớ để kiểm soát chúng ta, nó đồng nghĩa với việc chúng ta làm trái ngược với yêu cầu của Sư phụ và Pháp.

Tôi tin rằng gốc rễ của tâm tật đố là sự ích kỷ và kiêu ngạo. Khi tôi cảm thấy rằng tôi tốt hơn người khác, khi tôi cảm thấy rằng danh tiếng, lợi ích cá nhân và cảm giác của mình bị tổn thương, thì khi ấy tôi biết rằng tâm tật đố đang chuẩn bị gây rắc rối.

Tôi cần phải lưu tâm đến từng suy nghĩ của mình và phát chính niệm khi tôi cảm thấy bực bội, khó chịu, hoặc muốn phàn nàn về người khác. Tôi cũng cần đào sâu những chấp trước gây nên tâm tật đố và loại bỏ chúng.

Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp với Pháp trong bài chia sẻ của tôi.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/9/22/297957.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/9/29/3499.html
Đăng ngày 31-10-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share