Bài viết của một học viên phương Tây

[MINH HUỆ 23-09-2014] Một ngày nọ, tôi tự hỏi: “Tại sao mình vẫn phòng thủ và bảo vệ bản thân?” Khi hướng nội, tôi nhận ra rằng bảo vệ bản thân là một chấp trước xuất phát từ tâm sợ hãi, sợ bị mất mát.

Tôi đang sợ mất điều gì? Danh tiếng! Tôi sợ bị xem là kém hơn những gì mà mình hình dung về bản thân.

Tuy nhiên, cảm nhận về bản thân mà tôi đã dành cả đời để xây dựng và bảo vệ hoàn toàn chỉ là hư ảo, vì nó dựa trên những quan niệm và chấp trước người thường của tôi. Nó không thật sự là tôi, không phải là chân ngã của tôi.

Thông qua hướng nội, tôi quan sát thấy khi tôi bảo vệ ý kiến, quan niệm, quan điểm, hay cảm xúc của mình, tôi thường bị mắc bẫy của chúng. Tôi đã sai lầm xem phần con người của mình là bản thân mình, mặc dù nó không có liên quan gì đến chân ngã của tôi: Chân – Thiện – Nhẫn.

Nhu cầu bảo vệ bản thân xuất phát một phần từ sự thiếu trung thực với bản thân. Đó là, tôi không muốn tin rằng mình có mặt xấu. Vì vậy, khi ai đó chỉ ra những chấp trước của tôi, tôi lại xem đó như một sự xúc phạm, như thể họ đang bảo tôi rằng tôi kém cỏi như thế nào.

Nhưng Sư phụ đã dạy chúng ta rằng mọi thứ trong tam giới có cả những nhân tố tốt và xấu trong nó, kể cả con người.

Chấp trước bảo vệ bản thân còn biểu lộ dưới dạng hiển thị, như thể là tôi cần phải chứng minh cho người khác thấy rằng tôi có giá trị, rằng tôi rất tốt.

Tuy nhiên, giá trị mà tôi đặt lên bản thân bắt nguồn từ những đánh giá sai lầm về bản thân, dựa trên một loạt các quan niệm về việc tôi nghĩ mình là ai. Chỉ bằng cách hướng nội và chân chính tu luyện bản thân thì tôi mới có thể nhận ra và sửa chữa những quan niệm sai lầm này.

Sau nhiều năm tu luyện Đại Pháp, tôi không còn cảm thấy cần phải bảo vệ bản thân khi bị buộc tội làm sai điều gì. Ngoài ra, tôi không còn cảm thấy phải chứng mình rằng mình đúng hoặc cho người khác thấy mình thông minh thế nào. Nếu ý kiến của ai đó tốt hơn của tôi, tôi không cảm thấy tự ti khi phải thừa nhận như vậy, bởi vì tôi không còn xem nó như một vấn đề cá nhân nữa.

Khi người khác chỉ ra những thiếu sót của tôi, tôi sẽ công khai đồng ý với họ mà không do dự nếu tôi hiểu được ý của họ. Tôi không cảm thấy xấu hổ về việc tôi ít hoàn hảo hơn trong mắt những người khác. Tôi cũng không cố làm xáo trộn tình hình bằng cách thuyết phục người khác rằng họ sai, khi họ, cũng như bản thân tôi, cho rằng họ đúng. Thay vào đó, tôi sẽ khách quan xem những thiếu sót trong tính cách của mình là một phần của nhân tính, chứ không phải là một phần của chân ngã.

Sau khi từ bỏ nhu cầu bảo vệ bản thân, tôi không còn cố che đậy những sai sót của mình hay đưa ra những lý do vô lý tại sao tôi làm hay không làm điều mà tôi cần phải làm. Tôi không còn cảm thấy bị đối xử bất công hoặc nghĩ rằng phạm sai lầm là một điều xấu, hay lo lắng rằng những người xung quanh tôi sẽ không còn tin tưởng hay tôn trọng tôi khi họ nhìn thấy những điểm yếu của tôi.

Bây giờ tôi cởi mở và chân thành với người khác, và tôi không còn lo sợ bị nhìn nhận như con người mà tôi vốn có. Tôi thư giãn và điềm tĩnh hơn. Bây giờ tôi cảm thấy từ bi, thư thái, và thấu hiểu người khác hơn vì tôi không còn bận tâm về bản thân nữa.

Nếu có người nói thô lỗ nhằm miệt thị nhân cách của tôi, tôi sẽ lập tức ngừng lại và tự hỏi: “Điều họ đang nói có gì đúng không?” thay vì cảm thấy ngạc nhiên hay tự vệ vì có người thấy tôi kém hoàn hảo.

Vì tôi không còn bị khó chịu bởi tâm sợ hãi, lo lắng, hay lợi ích cá nhân, tôi có thể để cho mọi việc tùy kỳ tự nhiên. Tôi biết rằng cái gì của mình sẽ vẫn là của mình và cái gì không phải của mình sẽ không phải là của mình.

Tôi khuyến khích các đồng tu kiểm tra nhu cầu tự vệ và bảo vệ bản thân của họ, vì nó là một trở ngại to lớn trên con đường tu luyện của chúng ta!


Bán tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/9/23/3402.html
Đăng ngày 24-10-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share