Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 24-05-2014] Ngày 05 tháng 06 năm 2012, khi bà Tống Thái Bình, 70 tuổi, đang đi dạo phía trước Trung tâm Thương mại Trường Hưng ở thành phố Ngõa Phòng Điếm, một chiếc xe tải đột nhiên vọt lên phía trước bà. Lái xe, cùng với hai phụ xe đã túm lấy tay bà và đẩy bà vào trong xe tải,
Bà Tống hỏi: “Các anh là ai? Tại sao lại bắt tôi?”
Câu trả lời là: “Chúng tôi là người xấu.”
Một trong số “người xấu” đó là Hầu Tuấn, một nhân viên cảnh sát của thành phố Ngõa Phòng Điếm, người cầm đầu nhóm người bắt giữ phi pháp và bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Buổi sáng sau ngày bị bắt, bà Tống bị đưa đến phòng cách âm. Hầu Tuấn đã quát bà: “Đây là một căn phòng vừa mới được làm thêm phần cách âm. Bà có gào thét thì cũng vô ích thôi.”
Tiết lộ việc theo dõi dài ngày
Viên cảnh sát này đã lấy ví của bà Tống, tịch thu 1.000 Nhân dân tệ và chìa khóa nhà của bà. Cảnh sát đã lục soát nhà bà mà không hề thông báo gì cho gia đình bà. Tổng cộng, họ đã lấy đi 20.000 nhân dân tệ, ba máy tính, sáu máy in, và rất nhiều tài liệu giảng chân tướng Pháp Luân Công.
Trong khi bị thẩm tra, Hầu Tuấn đã nói với bà Tống rằng cảnh sát đã theo dõi bà và giám sát gia đình bà khá lâu rồi. Họ đã lắp đặt các máy quay phim ở gần nhà của bà, gia đình bà bị giám sát liên tục và điện thoại của gia đình bà bị nghe trộm.
Giả vờ kiểm tra y tế, giam giữ và âm mưu tống tiền
Tối hôm đó, Hầu Tuấn và một số nhân viên khác đã đưa bà Tống đến Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em thành phố Ngõa Phòng Điếm để tiến hành kiểm tra y tế.
Bà Tống đã phản đối cuộc kiểm tra bắt buộc này, nên Hầu Tuấn đã đẩy bà ngã xuống sàn và dùng đầu gối đè lên lồng ngực của bà. Anh ta cố gắng để rút máu từ ngón tay của bà và giả vờ như cuộc kiểm tra đã được hoàn tất.
Sau đó, bà Tống bị đưa đến Trại giam Diêu Gia ở thành phố Đại Liên.
Một tháng sau, ngày 06 tháng 08, hai cảnh sát của thành phố Ngõa Phòng Điếm đã đưa bà ra hành lang và đưa cho bà các giấy tờ thủ tục thả bà ra và đòi bà phải trả tiền. Bà Tống từ chối trả tiền nên bà đã bị đưa trở lại trại giam.
Ngày 06 tháng 09, hai cảnh sát khác lại xuất hiện và cũng lặp lại các công việc với trình tự như vậy. Bà Tống lại một lần nữa từ chối.
Nửa tháng sau, họ quay trở lại lần thứ ba và cũng lại bị bà từ chối.
Mười lăm ngày sau đó, bà Tống đã bị kết án hai năm tù giam trong trại lao động cưỡng bức và bị đưa đến Trại Lao động cưỡng bức Mã Tam Gia ở thành phố Thẩm Dương.
Sau khi đến trại lao động, bà Tống đã không vượt qua kỳ kiểm tra y tế và vài ngày sau, bà đã được thả ra.
Bức hại giáo viên tiểu học – ông Vương Lâm Khải
Cùng ngày bà Tống bị bắt, Hầu Tuấn cũng bắt ông Vương Lâm Khải, giáo viên trường tiểu học Long Sơn. Ông Vương ngay lập tức bị đưa đến trại tạm giam địa phương.
Vào ngày 09 tháng 08 năm 2012, ông đã bị kết án lao động cưỡng bức và bị giam giữ tại Trung tâm Phục hồi Chức năng thành phố Đại Liên, trước đó nó được biết đến với tên gọi là Trại Lao động cưỡng bức Đại Liên, tại đó ông đã bị đánh đập và tra tấn đến cận kề cái chết.
Ngày 15 tháng 11 năm 2012, vợ và cô của ông Vương đã đến đồn cảnh sát này, họ đề nghị được gặp Hầu Tuấn để yêu cầu anh ta thả ông Vương ra và trả lại các đồ đạc cá nhân của ông. Hầu Tuấn đã từ chối yêu cầu của họ. Hơn nữa, anh ta còn túm tóc cô của ông Vương, đá vợ ông Vương và đồng thời đe dọa họ: “Tôi sẽ đánh chết các người.”
Bắt giữ học viên Pháp Luân Công – bà Ân Hồng Mai
Bà Ân bị đưa đến Trại giam Diêu Gia và sau đó bị kết án bốn năm tù giam vì đã gửi thư điện tử có nội dung ba bài báo mà bà đã tải xuống từ trang web Minh Huệ.
Việc bà bị bắt và bị giam giữ khiến gia đình bà vô cùng đau đớn. Con bà đang chuẩn bị tham dự kỳ thi đại học, còn bố mẹ chồng bà thì đang mắc nhiều căn bệnh khác nhau.
Tiếng nói công lý xuất từ tâm của một Luật sư
Khi biện hộ cho một học viên Pháp Luân Công địa phương tại một phiên toà, một luật sư đã nói: “Hôm nay tôi có mặt ở đây để biện hộ cho một học viên, một người kiên định với đức tin của mình, và tôi rất tự hào về điều đó. Những chứng cứ đầy đủ và những cơ sở pháp lý mà tôi hiện có không những tuyên dương đức tin của anh ấy, mà nó còn là để giữ gìn chân giá trị của pháp luật và những giá trị phổ quát của nhân loại.”
“Xét tổng thể, những điều mà các học viên Pháp Luân Công đang làm không những không gây hại gì, mà nó còn mang đến rất nhiều lợi ích cho những người khác cũng như cho toàn xã hội. Một ngày nào đó, cái tên Pháp Luân Công sẽ được trả lại sự trong sạch. Khi ngày đó đến, các vị sẽ phải đối mặt với công lý, làm sao các vị có thể tự bảo vệ bản thân và biện minh cho những điều mà các vị đang làm hôm nay? Nếu tôi là các vị thì hẳn tôi sẽ rất lo lắng.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/5/24/曝光大连瓦房店市穿着警服的黑老大侯俊-292539.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/6/29/1835.html
Đăng ngày 22-08-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.