Bài viết của Âu Dương Phi
Tờ China Daily không còn được phân phối tại các tòa nhà văn phòng của Hạ viện nữa.
[MINH HUỆ 18-03-2025] Ngày 11 tháng 3 năm 2025, Ủy ban Quản lý Hạ viện thông báo rằng tờ China Daily (Trung Hoa Nhật báo) sẽ không còn được phân phối tại các Tòa nhà Văn phòng của Hạ viện nữa, chấm dứt 42 năm tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tới các nghị sỹ và nhân viên làm việc tại Hạ viện.
Hoa Kỳ luôn coi trọng quyền tự do ngôn luận. Ngay cả khi những phát ngôn đến từ các nước đối thủ, chính phủ Hoa Kỳ vẫn tin tưởng người dân Hoa Kỳ có thể tự quyết định nên tin điều gì. Vì vậy, China Daily đã được đăng ký là một cơ quan đại diện của nước ngoài vào năm 1983, và các ấn phẩm của tờ báo này đã được giao đến các văn phòng của các hạ nghị sỹ kể từ đó.
Nhìn vào bức tranh tổng thể, việc phân phối China Daily trong Quốc hội chỉ là một phần trong chiến lược thâm nhập của ĐCSTQ vào truyền thông, văn hóa, và các phương diện khác của đời sống thường nhật. Xã hội tự do và cởi mở của Hoa Kỳ đã bị ĐCSTQ lợi dụng nhiều năm qua, và Hoa Kỳ đã đánh giá thấp tác hại sâu rộng của “tẩy não mềm” thông qua sự thâm nhập thầm lặng này. Đây là một trong nhiều thí nghiệm cho thấy sự thất bại khi “xã hội tự do cởi mở với chủ nghĩa toàn trị.”
China Daily hợp tác với các phương tiện truyền thông phương Tây
China Daily đã hợp tác với New York Times, Washington Post và các hãng tin khác để chèn China Watch — một trang quảng cáo có tính phí trình bày các thông điệp chính thức của ĐCSTQ, nhưng được thiết kế trông như các trang tin tức thông thường. Do đó, vô số độc giả đã bị lừa dối.
Kiểu hợp tác đã kéo dài trong nhiều năm, mãi đến năm 2020 mới chỉ dừng lại do vấp phải sự phản đối của công chúng. ĐCSTQ đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận trong xã hội phương Tây như một cách để “mượn thuyền ra khơi.”
People’s Dailyđược phân phối gần khu vực Nhà Trắng
China Daily chỉ là một trong những hãng tin chính của ĐCSTQ lưu hành ở Hoa Kỳ. Còn phiên bản tiếng Anh của People’s Daily (Nhân dân Nhật báo), một ấn phẩm chính thức của ĐCSTQ, cũng xuất hiện trong các hộp giao báo gần khu vực Nhà Trắng.
Nếu so sánh, ĐCSTQ chưa bao giờ cho phép tờ Washington Post được phân phối gần Trung Nam Hải (khu phức hợp của ĐCSTQ ở Bắc Kinh). Có lẽ người dân ở hầu hết các quốc gia phương Tây đều không nhận ra rằng ở Trung Quốc, ĐCSTQ còn cấm Google, YouTube, và Facebook.
CGTN tuyển dụng phát thanh viên không phải người Trung Quốc
Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) là nhánh quốc tế của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), chịu sự kiểm duyệt nghiêm ngặt của Ban Tuyên truyền của ĐCSTQ (còn được gọi là Ban Tuyên giáo) về nội dung. Tuy nhiên, CGTN lại tuyển dụng các biên tập viên và phóng viên không phải người Trung Quốc nhằm khiến khán giả không đề cao cảnh giác.
ĐCSTQ sử dụng “tiếng nói đa dạng” [người gửi bài viết] ở các xã hội dân chủ làm phương thức quảng bá hoàn chỉnh để “kể câu chuyện hay về Trung Quốc”.
Thâm nhập văn hóa thông qua Viện Khổng Tử
Viện Khổng Tử là một trong những “dự án văn hóa” quyền lực mềm mà ĐCSTQ quảng bá trên toàn thế giới. Mặc dù trên bề mặt, các viện này dạy tiếng Trung và văn hóa Trung Quốc, nhưng thực chất chúng là công cụ để truyền bá hệ tư tưởng và thông điệp của ĐCSTQ, đồng thời đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Ví dụ, Viện Khổng Tử đã tuyên bố rằng giáo viên của viện không được tham gia vào các hoạt động liên quan đến Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định bị ĐCSTQ bức hại từ năm 1999. Chương trình giảng dạy của các Viện Khổng Tử phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ thị của ĐCSTQ và tránh các chủ đề mà Đảng cho là “nhạy cảm”. Điều này đã biến một dự án “trao đổi văn hóa” thành một công cụ tẩy não một chiều, làm suy yếu tính độc lập của giới học thuật Hoa Kỳ.
Tự kiểm duyệt ở Hollywood
Hàng chục năm qua, thế giới đã làm quen với văn hóa Hoa Kỳ thông qua các bộ phim Hollywood. Tuy nhiên, khi các hãng phim dần dần được ĐCSTQ hậu thuẫn hoặc mua lại, trọng tâm đã thay đổi.
Trong kịch bản gốc của phim Red Dawn (Bình minh đỏ), bộ phim chiến tranh hành động của Mỹ năm 2012, Hoa Kỳ bị Trung Quốc xâm lược. Để bộ phim có thể được chiếu tại Trung Quốc, hãng phim đã phải chi hàng triệu đô la để biến lực lượng xâm lược thành Triều Tiên. Việc kiểm duyệt và tự kiểm duyệt như vậy hiện nay đã trở thành điều phổ biến — ngành công nghiệp nghệ thuật và giải trí đã mất đi sự tự do sáng tạo và phải chịu khuất phục trước chế độ độc tài.
Tự kiểm duyệt của NBA
Khi người dân Hồng Kông biểu tình phản đối Dự luật Chống Dẫn độ vào tháng 10 năm 2019, ông Daryl Morey, Giám đốc Điều hành của đội bóng rổ Houston Rockets, đã đăng một bức ảnh trên Twitter với chú thích “Đấu tranh cho Tự do. Sát cánh cùng Hồng Kông.” ĐCSTQ ngay lập tức công khai chỉ trích.
Ông Morey đã buộc phải xóa bài đăng và xin lỗi. Ngôi sao của Los Angeles Lakers, LeBron James cũng chỉ trích ông Morey và ám chỉ bài đăng của ông ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của NBA tại Trung Quốc. Một số người cho rằng những phát biểu của James cho thấy ông ta ủng hộ ĐCSTQ.
Thuật toán của TikTok
TikTok là phiên bản quốc tế của Douyin (Đẩu Âm), còn công ty mẹ ByteDance của nó bị ĐCSTQ kiểm soát. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuật toán của TikTok có thể được sử dụng để khuếch đại các nội dung ủng hộ ĐCSTQ trong khi triệt tiêu các chủ đề mà Đảng coi là “nhạy cảm”. Thay vì tuyên truyền lộ liễu, các thuật toán này được thiết kế để tạo ra “kén thông tin” (information cocoons) để những người trẻ tuổi dễ bị ảnh hưởng dần dần tiếp nhận các thông điệp của chính quyền này thông qua giải trí.
Những ví dụ này cho thấy những lỗ hổng của một xã hội tự do khi bị ĐCSTQ tấn công và thâm nhập. Quyền tự do mà chúng ta đang được hưởng đang bị chính quyền này lợi dụng làm vũ khí để làm xói mòn và hủy hoại xã hội từ bên trong. Trong khi đó, ở Trung Quốc, ĐCSTQ có thể tùy ý chặn thông tin.
Hành động thiết thực
Các nền dân chủ đang dần thức tỉnh và bớt ngây thơ hơn. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để chống lại sự thâm nhập của ĐCSTQ ở Hoa Kỳ. Các cơ quan truyền thông của ĐCSTQ đã được yêu cầu đăng ký là cơ quan đại diện của nước ngoài, các Viện Khổng Tử đang phải đóng cửa, và ngay cả Hollywood cũng đã dần ngừng việc tự kiểm duyệt để làm hài lòng ĐCSTQ.
Chẳng hạn, trong quá trình quay phim Top Gun: Maverick, bộ phim hành động của Mỹ năm 2022, quốc kỳ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và quốc kỳ Nhật Bản ban đầu đã bị xóa khỏi áo khoác bay của nhân vật chính. Sau đó, nhà sản xuất đã khôi phục lại các hình cờ này và quyết định không phát hành bộ phim ở Trung Quốc nữa. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cũng giữ nguyên luật yêu cầu TikTok phải được bán hoặc bị cấm vào tháng 1 năm 2025.
Vào ngày 5 tháng 2 năm 2025, Dân biểu mới đắc cử của bang Arizona, ông Abraham Hamadeh, đã đệ trình nghị quyết đầu tiên của mình chỉ một tháng sau khi nhậm chức. Nghị quyết Hạ viện H.Res.110 “Nghiêm cấm phân phối các ấn phẩm do ĐCSTQ kiểm soát trong các cơ sở của Hạ viện, và vì các mục đích khác” đã có 20 dân biểu đồng ký tên. Website chính thức của Dân biểu Hamadeh tuyên bố: “Đây là vấn đề quan trọng đối với cá nhân ông — ông tin rằng Quốc hội phải là nơi tiếng nói của người dân Hoa Kỳ được lắng nghe, chứ không phải là sân khấu cho một chế độ thù địch như ĐCSTQ.”
Lệnh cấm lưu hành China Daily tại Hạ viện Hoa Kỳ giúp ngăn chặn ĐCSTQ tiếp tục lan truyền dối trá trên Đồi Capitol. Mặc dù động thái này đến muộn, nhưng đây là một bước đi đúng hướng.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/18/491773.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/3/19/225904.html
Đăng ngày 24-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.