Bài viết của Chương Thiên Hựu
[MINH HUỆ 14-03-2025] Trong cuộc bức hại môn tu luyện Pháp Luân Công, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng sức ảnh hưởng của nó để buộc nhiều chính phủ và cơ quan truyền thông hải ngoại giữ im lặng trong hơn hai thập kỷ qua. Khi xã hội phương Tây lên tiếng chỉ trích những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ trong vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn, Tây Tạng và Tân Cương, mặc dù chế độ này thường đưa ra những tuyên bố phản đối và tỏ vẻ không hài lòng, nhưng nó không dùng các thủ đoạn bí mật để ‘dập tắt’ những lời chỉ trích về nhân quyền này.
Ông Trevor Loudon, nhà bình luận kiêm chuyên gia về chủ nghĩa cộng sản toàn trị, cho hay truyền thông phương Tây biết rõ việc lên án những hành vi chà đạp nhân quyền ở vùng Tây Tạng và Tân Cương xa xôi là tương đối “an toàn”, đồng thời lại thể hiện được sự ủng hộ của truyền thông đối với nhân quyền. Những nơi này ít được ĐCSTQ quan tâm đến bởi những nhóm thiểu số này có ảnh hưởng hạn chế ở Trung Quốc. Còn Pháp Luân Công, vì bắt nguồn từ văn hóa truyền thống Trung Hoa nên có sức hút lớn đối với người dân Trung Quốc. Vậy nên, các cơ quan truyền thông phương Tây thường tránh đề cập đến Pháp Luân Công vì họ biết điều đó sẽ khiến ĐCSTQ nổi giận.
Để thể hiện “sự hội nhập quốc tế”, ĐCSTQ đã cho phép người dân ở Trung Quốc được xem một số trang truyền thông nước ngoài như Associated Press, New York Times, Washington Post, và Financial Times, như một phần của “mặt trận thống nhất”. Song, các báo cáo nhân quyền về Trung Quốc của những trang này dù sơ sài đến đâu đều khiến nó lo lắng, do vậy một thời gian sau, ĐCSTQ đã chặn những trang web này ở Trung Quốc. Minh Huệ Net (Minghui.org), trang web trực tiếp đưa tin về Pháp Luân Công và cuộc bức hại ở Trung Quốc, đã luôn bị chặn ở Trung Quốc và trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Nếu người dân Trung Quốc có thể truy cập được vào trang Minh Huệ thì bản chất của Đảng sẽ bị phơi bày và sự sụp đổ của nó là không thể tránh khỏi.
“Pháp quyền” hoàn toàn là một trò hề
Mặc dù ĐCSTQ tuyên bố cai trị đất nước bằng luật pháp nhưng thực tế mà các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc phải đối mặt lại hoàn toàn ngược lại. Trước kia, các học viên thường bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bức, đôi khi là trong nhiều năm, mà không qua xét xử. Sau khi hệ thống trại lao động ở Trung Quốc bị giải thể, thông lệ này đã chuyển sang kết án tù các học viên, mà thường là các bản án đã được định trước.
Để tiến hành bức hại mang tính hệ thống trên quy mô toàn quốc, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã thành lập một tổ chức ngoài vòng pháp luật là Phòng 610, cái tên này được đặt theo ngày thành lập của nó, ngày 10 tháng 6 năm 1999. Các đặc vụ của Phòng 610 thâm nhập vào tất cả các cấp chính quyền Trung Quốc và quyết định án tù của các học viên sau khi bị bắt, thường từ 3 năm, 5 năm, 7 năm tù giam hoặc thậm chí lâu hơn, sau đó truyền đạt chỉ thị bằng miệng cho tòa án. Họ chọn hình thức này vì thông qua văn bản, thư điện tử hay các kênh liên lạc khác sẽ để lại dấu vết của việc ban hành mệnh lệnh.
“Bằng chứng” nhưng không dám để lộ
Trong một ví dụ, vào ngày 30 tháng 7 năm 2024, ông Quan Thành Lâm, một cư dân 70 tuổi ở huyện Pháp Khố, tỉnh Liêu Ninh, đã bị bắt vì phát tặng tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Trong một phiên xét xử tại Tòa án Tân Dân, ông Quan yêu cầu được xem các video bằng chứng nhưng Thẩm phán Khổng Tường Lai cùng các nhân viên hội đồng đã từ chối yêu cầu này và cũng từ chối đối chất với nhiều lý do khác nhau.
Nói chung, việc sử dụng bằng chứng để xác định tội danh là khâu hết sức quan trọng trong hệ thống tòa án nào ở bất cứ quốc gia nào, cái gọi là “bằng chứng” phải được xác minh nhiều lần và chỉ được đưa ra kết luận cuối cùng sau khi có ý kiến chuyên môn cẩn trọng. Nhưng ở Trung Quốc cộng sản, quan chức thường tùy tiện coi tài liệu nào đó là “bằng chứng” để định tội các học viên.
Những “bằng chứng” này thường bao gồm các tài liệu thông tin mà các học viên phát tặng cho công chúng. Những cuốn sách nhỏ giải thích rằng không có luật nào ở Trung Quốc cấm Pháp Luân Công, đồng thời cũng có những câu chuyện cổ Trung Hoa khuyên bảo mọi người nên tuân theo các giá trị đạo đức truyền thống. Các thẩm phán đều biết rằng những tài liệu như vậy không phải là “bằng chứng” hợp lệ để kết án các học viên, vì vậy mà họ không dám công bố công khai.
Công khai coi thường luật pháp
Hình thức và thể chế của hệ thống pháp luật của ĐCSTQ đã tạo ra một ảo tưởng cho những người bên ngoài Trung Quốc, khiến họ lầm tưởng rằng hệ thống pháp luật của ĐCSTQ cũng giống vậy. Nhưng thực ra, các chỉ thị chính trị của chính quyền mới là yếu tố quyết định.
Phó bí thư Lưu của Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) Thành phố Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên từng nói: “Đừng nói về luật pháp với tôi, chúng tôi không quan tâm đến luật pháp”.
Còn Tạ Thế Nông, một đặc vụ của Phòng 610 Thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên nói: “Chúng tôi không có tuân theo luật”.
Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ đã ra chỉ thị khi phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công: “Đánh chết được tính là tự sát… Không cần điều tra danh tính, trực tiếp hỏa táng.”
Trong một môi trường như vậy, khi nói đến Pháp Luân Công, các quan chức ngang nhiên coi thường luật pháp, tuyên bố rằng đó là một vấn đề chính trị hoặc chỉ đơn giản là làm theo lệnh từ cấp trên.
Phép thử của lương tâm
Cuộc bức hại Pháp Luân Công không thể được biện minh từ bất kỳ góc độ nào. Dù ở bất cứ nơi đâu, từ các thành phố lớn, thị trấn nhỏ hay làng quê, các học viên đều chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công là để nâng cao sức khỏe và trở thành người tốt hơn. Bất chấp cuộc bức hại tàn khốc suốt 26 năm qua, họ vẫn ôn hòa và chỉ muốn có được quyền tự do tín ngưỡng, vốn là quyền cơ bản của con người.
Nhưng ĐCSTQ vẫn không ngừng bức hại Pháp Luân Công, thậm chí còn vũ khí hóa thương mại để bịt miệng những lời chỉ trích từ nước ngoài. Điều này đã khiến cuộc bức hại Pháp Luân Công trở thành một phép thử, không chỉ đối với ĐCSTQ mà còn đối với các chính phủ và tổ chức truyền thông phương Tây. Việc người ta có thể đặt các giá trị phổ quát của nhân loại lên trên lợi ích tài chính và các chương trình nghị sự chính trị hay không, sẽ bộc lộ lòng trung thành đối với lương tâm của họ.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/14/491619.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/3/15/225858.html
Đăng ngày 21-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.