Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 05-11-2024] Ông Tạ Dục Quân, 56 tuổi, cư dân thành phố Hưng Ninh, tỉnh Quảng Đông, bị đưa ra xét xử ngày 18 tháng 10 năm 2024 vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân bị chế độ cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Con gái ông, cô Tạ Hiểu Đình, đã biện hộ vô tội cho cha và kể lại bi kịch gia đình cô suốt 25 năm qua khi ông Tạ bị bức hại liên tục vì đức tin của mình.

Ngày 24 tháng 4 năm 2024, một nhóm người từ Phòng công an thành phố Hưng Ninh đột nhập vào nhà ông Tạ. Khi không thấy ông ở nhà, họ đã khống chế vợ ông và con trai 10 tuổi. Sau khi bắt giữ ông vào ngày hôm sau, công an tiếp tục theo dõi vợ và con trai ông. Một người công an thậm chí còn ngược đãi cậu bé khi cậu hỏi về người mẹ ruột của em (đã qua đời hai năm trước). Hai viên chức ở khu dân cư còn đi theo cậu bé khi cậu đến trường.

Ông Tạ bị giam tại Trại tạm giam thành phố Hưng Ninh và đã ra Tòa án quận Mai Huyền vào ngày 18 tháng 10 năm 2024. Phiên tòa thứ hai được ấn định vào ngày 12 tháng 11.

Trong 25 năm qua, ông Tạ bị đưa vào trại lao động hai lần với tổng thời gian bốn năm rưỡi và bị kết án năm năm tù. Trong thời gian đó, họ tra tấn ông tàn bạo, bao gồm biệt giam, sốc điện, đánh đập, cấm ngủ, ép dùng thuốc, bức thực và nhiều hình thức ngược đãi khác.

Con gái ông, cô Tạ Hiểu Đình, chỉ mới một tuổi khi ông Tạ bị kết án lao động cưỡng bức lần thứ hai. Bản án tù của ông diễn ra ngay sau sinh nhật thứ sáu của cô. Cô lớn lên trong nỗi sợ hãi, luôn lo lắng cha cô có thể bị bắt lần nữa. Cú sốc lớn nhất đến với cô khi mẹ qua đời vào năm 2022, sau nhiều năm áp lực tinh thần và lao động cực nhọc để chăm lo cho gia đình. Em trai cô vẫn chưa thể chấp nhận được sự mất mát này, thường xuyên hỏi mẹ ở đâu. Cha của cô sau đó đã tái hôn.

Hiện là sinh viên năm cuối tại Đại học Dược Quảng Đông, cô Tạ cũng trở thành mục tiêu của chính quyền vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công.

Dưới đây là một phần lời bào chữa của cô Tạ.

Trong những ký ức của tôi, mẹ tôi luôn là người chăm sóc tôi và hiếm khi tôi nhìn thấy cha. Tôi thường hỏi mẹ: ‘Khi nào cha sẽ về nhà?’

Tháng 6 năm 2000, cha tôi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị kết án hai năm lao động cưỡng bức tại Trại lao động cưỡng bức Tam Thủy. Chính quyền đã yêu cầu chú và dì tôi thuyết phục ông từ bỏ Pháp Luân Công hoặc không được đến Bắc Kinh nữa. Cha tôi khẳng định không làm gì sai. Sau khi mãn hạn, công an không những không thả ông mà còn đưa ông đến trại tạm giam Hưng Ninh. Ông đã tuyệt thực và cuối cùng được phép trở về nhà. Sau đó, ông đến thành phố Thâm Quyến để tìm việc làm nhưng lại bị bắt ở đó và bị đưa về lại Hưng Ninh.

Tháng 9 năm 2002, vài tuần sau khi cha tôi về nhà, Phòng 610 Hưng Ninh đã đưa ông đến một trại tẩy não. Ba tháng sau, họ chuyển ông đến một địa điểm không xác định và giam ông thêm một tháng nữa. Phòng 610, công an địa phương và ủy ban khu dân cư tiếp tục quấy rối ông sau khi ông được thả.

Cùng thời điểm đó, cha gặp mẹ tôi và họ kết hôn. Tôi ra đời vào tháng 9 năm 2003.

Có lần, tại nơi làm việc, một đồng nghiệp đã xử sự không đúng và cha tôi nhận xét về hành vi đó. Người này tức giận, tát vào mặt cha tôi trước mặt mọi người. Cha nhận ra rằng mình không nên phán xét người khác nên đã xin lỗi đồng nghiệp đó. Người này không ngờ cha tôi lại phản ứng như vậy, anh ta xấu hổ và bỏ đi.

Ngày 19 tháng 1 năm 2004, khi tôi mới bốn tháng tuổi, một nhóm viên chức Phòng 610 xông vào nhà chúng tôi, lục soát và bắt cha tôi lần nữa. Ngoài ra, công an còn tung tin đồn bôi nhọ mẹ tôi giữa bạn bè và gia đình, khiến bà vô cùng áp lực.

Vì mẹ không đủ khả năng gửi tôi đến nhà trẻ nên bà mang tôi theo mỗi ngày đi làm; đồng nghiệp thỉnh thoảng giúp bà chăm sóc tôi. Vào ngày nghỉ, mẹ đến đồn công an để đòi công lý cho cha tôi. Thêm nữa, công an còn thường xuyên đến nhà quấy rối mẹ và theo dõi bà. Để tránh bị bắt, mẹ tôi bỏ việc và đưa tôi đi trốn. Công an đã truy nã mẹ tôi và treo thưởng cho ai báo tin về chỗ ở của chúng tôi. Trong những ngày tháng đó, thật khó khăn cho mẹ tôi khi vừa chăm sóc tôi vừa lẩn tránh công an.

Ngày 10 tháng 7 năm 2004, ngay sau khi cha tôi được thả, ông tìm được việc sửa chữa xe máy. Nhưng khi nói chuyện với một khách hàng về Pháp Luân Công, ông bị tố giác và bị bắt, nhận án hai năm rưỡi tại Trại lao động cưỡng bức Tam Thủy. Ở đó, cha tôi bị sốc điện bằng dùi cui điện, cấm ngủ, lao động khổ sai không lương và bị hành hạ thể xác. Tôi không tưởng tượng nổi làm sao cha tôi có thể sống sót qua được!

Mẹ tôi tìm được việc mới, lương chưa đến 300 tệ/tháng. Với 70 tệ tiền thuê nhà và 90 tệ cho tôi đi nhà trẻ, bà hầu như không còn đủ để trả hóa đơn và mua thực phẩm. Bà hay than phiền khi phải chi 90 tệ để nạp gas nấu ăn.

Mẹ thường kể rằng tôi hay hỏi về cha trong thời gian đó. Bà luôn cố gắng an ủi tôi. Đôi khi, mẹ viết thư cho cha và những lá thư cho mẹ thêm động lực sống tiếp.

Sự việc duy nhất tôi nhớ trước khi lên bốn tuổi là khi mẹ ra ngoài mua sắm trong lúc tôi đang ngủ. Khi tỉnh dậy do không thấy mẹ đâu nên tôi hoảng sợ. Ngoài trời đang mưa và sấm sét dữ dội. Tôi rất lo lắng và sợ rằng mẹ đã bị bắt. Tôi chạy sang gõ cửa nhà hàng xóm để tìm sự giúp đỡ. Phải mất một lúc lâu tôi mới bình tĩnh lại được.

Năm 2007, cha tôi cuối cùng cũng được thả. Gia đình tôi chỉ sống trong yên bình được khoảng hai năm trước khi ông lại bị bắt vào ngày 27 tháng 10 năm 2009. Trong phiên tòa, tôi không được phép vào phòng xử án vì còn quá nhỏ. Tôi đứng ngoài hành lang. Khi cha tôi bước vào, tôi gọi ông và ông mỉm cười với tôi, dặn tôi ở nhà phải ngoan. Hình ảnh đó sẽ mãi mãi khắc sâu trong ký ức của tôi.

Sau đó, cha tôi bị kết án năm năm tù giam tại Nhà tù Số 3 tỉnh Quảng Đông. Tôi không thể hiểu tại sao công an luôn bắt cha tôi chỉ vì ông tu luyện Pháp Luân Công để trở thành một người tốt. Mẹ tôi bảo tôi đừng ghét những người đó, giải thích rằng chính họ mới là nạn nhân thực sự.

Giáo viên của tôi ở trường cũng nhận lệnh từ cấp trên để bức hại gia đình tôi. Lấy cớ đến thăm nhà, cô ấy dẫn theo một nhóm công an khỏe mạnh, những người sau đó lục soát nhà tôi.

Ở trường, tôi không dám kể với ai rằng cha tôi bị bỏ tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Tôi không biết liệu họ có thể hiểu hay không. Mẹ tôi nói rằng sự thật mãi mãi là sự thật, không có gì phải xấu hổ khi tu luyện Pháp Luân Công và rằng chính công an đã vi phạm pháp luật khi bức hại những người tốt.

Tôi rất sợ mẹ cũng sẽ bị bắt. Tôi đi theo mẹ mọi nơi. Nếu mẹ không ngủ, tôi cũng không ngủ. Nếu không nhìn thấy mẹ, tôi sẽ khóc. Tôi mơ thấy ác mộng mỗi đêm về công an mặc đồng phục đến chỗ làm của mẹ để bắt chúng tôi. Tôi không dám kể với mẹ về những giấc mơ của mình, sợ rằng nếu nói ra, điều đó sẽ thành sự thật. Đã có rất nhiều lần mẹ ôm tôi vào lòng, an ủi tôi và nói rằng đừng sợ.

Ở trường, các giáo viên dạy chúng tôi rằng phải là một người liêm chính, luôn sẵn sàng giúp đỡ, biết khoan dung và có tinh thần chính nghĩa. Họ cũng nói công an bảo vệ người tốt và trừng phạt kẻ xấu, là hình mẫu để chúng tôi noi theo. Tôi tin rằng bất cứ ai chọn trở thành công an ban đầu đều muốn như vậy, nhưng có bao nhiêu người giữ được nguyên vẹn lý tưởng đó?

Trong các lá thư hàng tháng cha gửi cho chúng tôi, ông thường bảo mẹ tôi đừng làm việc quá sức hoặc lo lắng cho ông. Ông xin lỗi vì không thể có mặt trong cuộc sống của chúng tôi. Ông cũng dặn tôi học giỏi và ngoan ngoãn. Đôi khi, ông vẽ vài hình đơn giản để cổ vũ tôi. Tôi cũng viết vài dòng đơn giản hoặc vẽ hình gửi lại cho cha.

Mỗi vài tháng, mẹ lại đưa tôi đi thăm cha. Việc đi lại khá tốn kém và lương của mẹ rất thấp. Hiểu hoàn cảnh khó khăn của chúng tôi, gia đình và bạn bè đã giúp đỡ phần lớn tiền ăn của chúng tôi và quần áo cho tôi.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, mẹ tôi vẫn cố gắng hết sức để giúp đỡ người khác. Một lần, bà nhặt được ví tiền và đã đứng đợi ở đó cho đến khi chủ nhân quay lại. Người đó muốn tặng tiền để cảm ơn, nhưng mẹ tôi từ chối. Tôi rất ngưỡng mộ sự kiên cường, lòng tốt và niềm tin mạnh mẽ của mẹ. Khi mọi thứ đều bất lợi với chúng tôi, mẹ vẫn chọn cách sống tử tế và giữ vững hy vọng.

Cha tôi được thả vào năm 2014. Nhưng hạnh phúc gia đình không kéo dài được lâu. Năm 2022, mẹ tôi đột ngột qua đời do áp lực tinh thần và lao lực trong nhiều năm. Trước cú sốc này, chính nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công đã mang lại hy vọng cho chúng tôi và giúp gia đình vượt qua thời điểm khó khăn này.

Hơn 20 cảnh sát đã xông vào nhà chúng tôi vào ngày 24 tháng 4 năm 2024, lục soát nơi ở và đe dọa mẹ kế cùng em trai 10 tuổi của tôi. Khi em tôi khóc gọi mẹ ruột, cảnh sát buộc tội em bị mất trí. Cha tôi bị bắt vào ngày hôm sau.

Vì cha tôi là trụ cột tài chính duy nhất trong gia đình, chúng tôi rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn khi công an phong tỏa tài khoản ngân hàng của gia đình.

Gần đây, tôi phát hiện em trai mình bị bắt nạt ở trường vì hoàn cảnh của cha. Em cũng rất nhạy cảm và thường xuyên gặp ác mộng. Tôi cố gắng an ủi em, giống như mẹ từng an ủi tôi trước đây: “Đừng sợ. Em hãy dũng cảm đối mặt với nó. Em có thể nói với họ rằng cha của chúng ta bị bắt vì đức tin của mình. Cha không vi phạm pháp luật và chúng ta không cần xấu hổ khi là người tốt.”

Tôi tin rằng ai cũng có một trái tim lương thiện. Tôi thực sự hy vọng rằng thẩm phán và công tố viên có thể tuyên cha tôi vô tội. Gia đình chúng tôi rất cần cha.

Báo cáo liên quan:

Bốn cư dân tỉnh Quảng Đông bị xét xử vì đức tin đã làm chứng chống lại cảnh sát, công tố viên và thẩm phán vì vi phạm luật pháp

Thành phố Hưng Ninh, tỉnh Quảng Đông: Bốn cư dân địa phương bị xét xử vì tu luyện Pháp Luân Công

Thành phố Mai Châu, tỉnh Quảng Đông: 14 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ trong ba ngày

Sinh viên đại học bị tạm giữ 15 giờ sau khi Minh Huệ Net đăng báo cáo về bức hại trước đây của cô

Sinh viên đại học bị giam giữ và bị đe dọa đuổi học, cha cô bị liên lụy và vẫn bị giam giữ

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/11/5/484715.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/11/16/221679.html

Đăng ngày 01-12-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share