Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Thụy Sỹ
[MINH HUỆ 01-11-2024]
Con kính chào Sư phụ tôn kính!
Chào các đồng tu!
Những năm gần đây, mỗi khi người điều phối mời tôi viết bài chia sẻ tâm đắc thể hội, tôi đều đồng ý rằng mình sẽ thử viết nhưng cuối cùng đều không thể hoàn thành bài viết, điều này khiến tôi cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Tôi tu luyện Đại Pháp đã gần 26 năm nên cũng hiểu rất rõ rằng việc viết bài chia sẻ trải nghiệm tu luyện kỳ thực cũng chính là một lần nhìn lại tu luyện của bản thân, chứng thực Đại Pháp là tốt, và cũng là cơ hội để giao lưu với các đồng tu.
Tôi từng nghĩ tại sao mỗi lần viết bài chia sẻ tôi đều không thể hoàn thành. Tôi nghĩ nguyên nhân lớn nhất là vì tôi cho rằng thể ngộ của mình chưa đủ sâu trong mắt người khác, cũng có thể sẽ bộc lộ một số vấn đề mà bình thường mọi người chưa nhận thấy ở tôi, đặc biệt tôi lo lắng rằng bài chia sẻ của mình sẽ không đạt yêu cầu. Tôi biết đằng sau những vấn đề này chính là tâm cầu danh, đặc biệt là chấp trước vào việc để ý xem đồng tu nhìn nhận thế nào về mình.
Tuy nhiên, một số việc xảy ra gần đây đã khiến tôi nhận ra được rõ hơn rằng việc chân tu, loại bỏ chấp trước của bản thân mới là trọng yếu nhất, còn việc người khác nhìn nhận mình thế nào, những thứ đó chỉ là hư danh, là điều mà người tu luyện cần xem nhẹ. Vì vậy, tôi muốn chia sẻ với các đồng tu một số vấn đề mà tôi đã nhận ra trong quá trình tu luyện gần đây cùng một chút thể ngộ của bản thân.
Nhận ra và trừ bỏ tâm tham
Đoạn thời gian gần đây, tôi đã nhận thức được rất rõ tâm tham của mình, hơn nữa không chỉ về vật chất, mà còn cả về tầng diện tinh thần, chỉ muốn tối đa hóa lợi ích cho những gì mình đã phó xuất. Ví như, khi đi mua sắm, tôi thường chủ động tính toán xem liệu món đồ đó có đáng giá không, hay cần lựa chọn thế nào để có thể thụ được lợi ích lớn nhất. Thậm chí có lúc tôi cảm thấy một số thứ đang được giảm giá hợp lý mà nếu không tận dụng thì sẽ bị thiệt. Và nếu mua được những món đồ phù hợp với mức giá tương đối thấp, tôi sẽ cảm thấy mình được hời, rồi ít nhiều có chút cao hứng. Điều này không chỉ ở phương diện tiền bạc, mà còn bao gồm cả những việc như tôi còn tính xem lúc nào xuất phát để chỉ phải đợi ở ga tàu trong thời gian ngắn nhất mà không bị lỡ chuyến. Đương nhiên, kết quả có thể là tôi vẫn bị lỡ chuyến tàu đó.
Đôi khi, tôi sẽ tìm lý do cho bản thân, cảm thấy đó có lẽ là thói quen hình thành từ những năm tháng gian khổ thời đi học, hơn nữa còn bao biện: “Chỉ là đối với bản thân thì yêu cầu tối đa hóa lợi ích, còn đối với người khác, đối với những khoản chi trong hạng mục, mình vẫn rất hào phóng, hơn nữa cũng không xâm phạm đến lợi ích của người khác”. Tuy nhiên, tôi lại không nghĩ đến việc mình đã lãng phí bao nhiêu thời gian vì những suy nghĩ và tính toán đó.
Thời gian gần đây, tôi nhận thấy chủng nhân tố này hoạt động vô cùng tích cực. Mỗi khi có thể tính toán là tôi bắt đầu tính toán và so sánh đủ kiểu. Chẳng hạn, gần đây tôi được biết máy đọc sách điện tử Kindle cũ có thể được thu hồi để tái chế và khi mua máy mới sẽ được ưu đãi giảm giá 20%, vậy là tôi đã nhanh chóng đăng ký, đóng gói máy cũ và gửi đi. Nhưng trong quá trình làm thủ tục, tôi được biết địa chỉ phía người nhận không rõ ràng nên đã hơn hai tuần rồi mà tôi vẫn chưa biết gói hàng hiện đang ở đâu. Trong tâm tôi bắt đầu tính toán, tổn thất này có thể là bằng 20% chiếc Kindle mới của tôi, vậy cũng là hơn vài chục euro. Vì thế, tôi thường xuyên kiểm tra tình trạng hàng đã gửi.
Nghe chẳng phải là thật nực cười, tôi tự nhẩm tính và quy ra tổn thất của bản thân trong việc hàng gửi bị chậm trễ hay thậm chí là không gửi được này. Khi tôi nhận ra tâm tham này của mình và muốn thanh lý nó, thì đúng lúc đó tôi học đến bài giảng thứ tư trong Chuyển Pháp Luân. Sư phụ giảng:
“Chúng ta trong quá trình mất ấy, thì những điều mà chúng ta thực sự mất chính là những thứ không tốt kia vậy”. (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân )
Đọc đến câu Pháp này, bỗng nhiên tôi minh bạch ra rằng, kỳ thực chúng ta có Sư phụ bảo hộ, những gì chúng ta mất đều là những thứ không tốt. Thế mà tôi lại cứ không ngừng nỗ lực, hy vọng rằng mình sẽ không mất đi bất cứ thứ gì. Kỳ thực, đó chẳng phải là tôi cứ cố giữ lấy những thứ không tốt kia sao? Tôi thực sự muốn giữ những thứ không tốt đó phải không? Tất nhiên là không.
Giờ đây, tôi bắt đầu có ý thức khắc chế tâm tham của mình, chấp nhận những thứ mình từng cho là phải “chịu thiệt”. Kỳ thực, có Sư phụ an bài và bảo hộ, tôi đâu cần phải tự đi duy hộ lợi ích của bản thân. Điều này cũng khiến tôi nhớ lại quá trình đắc Pháp của mình, kỳ thực, có lẽ ngay từ trước khi tu luyện, tôi đã được Sư phụ bảo hộ rồi.
Cảm ngộ của bản thân về “tu luyện như thuở đầu”
Sư phụ giảng:
“nên có câu rằng ‘tu luyện như thuở đầu, ắt sẽ thành viên mãn’” (Giảng Pháp ở Pháp hội tại Vùng đô thị New York năm 2013)
Khi lần đầu đọc câu Pháp này, trong tâm tôi có chút bối rối. Bởi vì khi tôi quyết định tu luyện Đại Pháp và chỉ vừa mới học xong các động tác, tôi đã phải ra nước ngoài. Thành phố tôi nơi tôi ở chỉ có mình tôi là học viên. Cũng may nhờ có người chị họ cũng là đồng tu mà tôi có thể kết nối được với các đồng tu ở trong nước. Tuy nhiên, trong một khoảng thời gian dài, tôi không có khái niệm gì về thế nào là tu luyện hay như việc tu luyện thì cần học Pháp, luyện công, rồi hàng ngày cần học Chuyển Pháp Luân. Đặc biệt, khi đó việc học ngoại ngữ của tôi gặp nhiều áp lực, như muốn vào đại học càng sớm càng tốt để tiết kiệm tiền cho gia đình, những áp lực kiểu như vậy rất nhiều. Tất cả những điều đó khiến tôi đặt việc tu luyện ở vị trí thứ yếu. Tôi nghĩ “tu luyện như thuở đầu” mà Sư phụ giảng hẳn không phải là trạng thái “hai ngày đánh cá, ba ngày phơi lưới”. Về sau, tôi ý thức được rằng đó chính là lúc tôi thực sự bắt đầu hiểu về tu luyện.
Tôi nhớ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Đại Pháp vào tháng 7 năm 1999, trên một số trang web tiếng Trung mà tôi có thể xem toàn là những lời vu khống, phỉ báng Đại Pháp. Đối với người từ nhỏ đã là một học sinh ngoan như tôi mà nói, thường sẽ thuận theo chỉ đạo chung, nghe theo sự dạy bảo của các thầy cô giáo. Nhưng khi đó, tôi vô cùng minh bạch rằng những thông tin trên các trang web đó đều là giả. Tôi tự hỏi bản thân đã học được gì từ Pháp Luân Đại Pháp? Câu trả lời là: tôi đã học được Chân-Thiện-Nhẫn. Rồi tôi lại tự hỏi: Chân-Thiện-Nhẫn không tốt sao? Đương nhiên là tốt chứ! Nếu như vậy thì tại sao tôi lại phải từ bỏ? Toàn bộ quá trình suy xét này diễn ra rất nhanh, có lẽ cũng chỉ một hai phút, nhưng những gì Sư phụ ban cho tôi thì lại không thể tính đếm, tại đây tôi không liệt kê chi tiết nữa.
Sau này trong cuộc sống, mỗi lần tham gia các hoạt động phản bức hại, đều có đồng tu chia sẻ với tôi, điều này có trợ giúp rất lớn với tôi, giúp tôi nhận thức sâu hơn về Đại Pháp. Cho đến một lần, khi tôi tham gia học Pháp tập thể liên tục trong vài ngày, cuối cùng tôi đã minh bạch được rằng: Tu luyện Đại Pháp là để theo Sư phụ trở về ngôi nhà thực sự của mình. Mãi cho đến khi hoạt động kết thúc, mỗi lần nghĩ đến điều này, tôi đều không kìm được nước mắt, thực sự minh bạch được rằng thật may mắn nhường nào khi có thể tu luyện Đại Pháp, vậy nên tôi cần phải thật trân quý, tinh tấn tu luyện.
Theo lý giải của bản thân, đối với tôi mà nói, “tu luyện như thuở đầu” là sự kiên định như lúc ban sơ tôi minh bạch được Chân-Thiện-Nhẫn là tốt, là trạng thái cảm ân và thanh tỉnh như thuở đầu khi minh bạch được rằng bản thân cần tu luyện cho tốt, đạt được yêu cầu của Sư phụ và theo Sư phụ trở về nhà.
Thể hội được sức mạnh của việc phối hợp nhóm
Cho đến nay, tôi đã khá quen với việc tự mình hoàn thành một số công việc, cũng cảm thấy như vậy sẽ mang lại cho tôi cảm giác đạt được nhiều thành tựu hơn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trải nghiệm khi tham gia các hạng mục và tham gia nhóm giặt đồ – một công việc hậu trường của Shen Yun, tôi đã thực sự cảm nhận được sức mạnh của việc phối hợp nhóm.
Tôi nhớ lần đầu tiên xem chương trình Shen Yun năm nay, tiết mục “Hoa cúc khai nở” đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, tôi cảm thấy tuyệt đẹp, không gì sánh nổi. Tôi cảm nhận được vẻ đẹp đó được tạo nên từ toàn thể các diễn viên, nếu thiếu sự phối hợp nhóm thì cũng sẽ không thể đạt được sự hoàn mỹ như vậy. Những trải nghiệm sau đó khiến tôi càng thể hội sâu sắc về sức mạnh của việc phối hợp.
Hai ngày trước khi Đoàn Nghệ thuật Shen Yun đến Basel, chúng tôi phát hiện chỉ còn một chiếc máy giặt trong phòng giặt của nhà hát. Còn một chiếc không thấy ở đó nữa thì từ năm ngoái đã có vấn đề nên tôi không quá ngạc nhiên và thông báo với người điều phối. Khi thấy người điều phối thốt lên kinh ngạc, tôi mới nhận ra rằng việc thiếu một chiếc máy giặt thì nguy cơ là cả nhóm giặt sẽ không thể nào hoàn thành được nhiệm vụ. Nhưng lúc đó tôi còn nhiệm vụ cấp bách khác cần hoàn thành, nên cũng không nghĩ thêm về vấn đề này.
Trên đường về nhà, tôi nhận được điện thoại từ người điều phối, nói rằng tôi có nhiệm vụ cần tìm một chiếc máy giặt, hơn nữa hai ngày nữa là cần đưa vào sử dụng. Phản ứng đầu tiên của tôi là muốn từ chối, bởi vì, thứ nhất, tôi còn có việc gấp phải hoàn thành, thứ hai, bản thân tôi đã từng thay một chiếc máy giặt, gặp rất nhiều trục trặc, giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy kinh hãi.
Tuy nhiên, khi nghe người điều phối nói họ còn có nhiệm vụ khác cần hoàn thành, tôi cũng nghĩ không có lý do gì để đùn đẩy công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người khác. Vì vậy, tôi đành đồng ý và bắt đầu lên mạng tìm một chiếc máy giặt cũ.
Sau khi về nhà, tôi đã gửi tin nhắn trong nhóm các đồng tu về việc tìm mua máy giặt, và ngay lập tức tôi nhận được rất nhiều phản hồi. Trong đó, có một số đồng tu còn vô cùng nhiệt tình lên mạng tìm máy giặt đã qua sử dụng. Người điều phối cũng kịp thời phản hồi, chia sẻ một số kinh nghiệm của mình. Không lâu sau, chúng tôi đã đưa ra các phương án khác nhau, bao gồm cả việc thuê, mua máy giặt cũ, hoặc thậm chí mua máy giặt mới, và cũng có lựa chọn dự phòng đối với máy giặt cũ. Tất cả chúng tôi đều tin rằng có Sư phụ ở bên, vấn đề này cuối cùng rồi sẽ được giải quyết.
Tâm trạng tôi dần ổn định trở lại và tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cấp bách của mình. Ngày hôm sau, đâu đâu cũng phản hồi rằng chỉ có thể mua chiếc máy giặt đã qua sử dụng mà chúng tôi vốn định làm phương án dự phòng. Mọi việc sau đó diễn ra rất thuận lợi, bởi vì chúng tôi lại phát hiện có một đồng tu quen biết với người bán nên vấn đề chất lượng vốn khiến chúng tôi lo ngại cũng được giải quyết. Vào buổi chiều hôm chương trình Shen Yun biểu diễn, chiếc máy giặt thứ hai đã được đưa vào sử dụng một cách suôn sẻ. Hơn nữa, nhiệm vụ cấp bách của tôi cũng được hoàn thành rất tốt và nhận được phản hồi rất tích cực. Hết thảy những điều này khiến tôi cảm nhận được sâu sắc sự an bài và khích lệ tỉ mỉ từ Sư phụ.
Ngẫm lại toàn bộ quá trình, kỳ thực, tôi cũng không làm gì khác ngoài việc tìm kiếm một số thông tin và chia sẻ với các đồng tu. Nếu không có Sư phụ an bài, không có sự phối hợp của các đồng tu, tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ loay hoay không biết làm thế nào.
Kỳ thực, một người như tôi, không hề có biết gì về quần áo và công việc của nhóm giặt mà lại đứng ra phụ trách nhóm, còn có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách thuận lợi, thì bản thân việc này chính là minh chứng cho sức mạnh của việc phối hợp nhóm. Mỗi người đều hoàn thành tốt vai trò của mình, cùng chung sức phối hợp. Tuy nhiên, tôi phát hiện ra bản thân vẫn kiên trì tự ngã, thiếu kiên nhẫn với người khác cùng rất nhiều chấp trước khác. Điều đó cũng khiến tôi vô cùng cảm kích trước sự bao dung của các đồng tu trong nhóm giặt.
Tin tưởng đồng tu
Gần đây, qua hai lần trải nghiệm trong hạng mục, tôi cảm nhận được rằng các đồng tu không tin tưởng tôi lắm. Tuy nhiên, bản thân tôi xác thực cũng chưa làm tốt, nên tôi cũng không có gì để biện minh, cũng không có tư cách yêu cầu điều gì. Tuy vậy, trong tâm tôi vẫn tự hỏi: Sao mọi người lại không thể tin tưởng tôi hơn một chút, chính niệm gia trì cho tôi nhiều hơn một chút? Kết quả cuối cùng chẳng phải đều do Sư phụ an bài sao?
Sau một lần, hai lần, tôi bắt đầu tự suy ngẫm về bản thân: Ngoài việc bản thân cần làm cho tốt để lấy lại sự tin tưởng từ các đồng tu, thì liệu đối với các đồng tu khác, tôi có thực sự tin tưởng họ không? Khi công việc của đồng tu gặp bế tắc hoặc không được như mong đợi của tôi, liệu tôi vẫn sẽ tin tưởng họ như trước không? Tôi cũng đã chính niệm gia trì cho đồng tu hay chưa? Liệu tôi đã lặng lẽ bổ sung chỗ thiếu sót cho đồng tu hay không? Quan trọng nhất là, liệu tôi có kiên tín rằng an bài của Sư phụ là tốt nhất, rằng chỉ cần chúng ta không mang theo chấp trước mạnh mẽ, làm theo an bài của Sư phụ, thì kết quả nhất định sẽ tốt. Rồi tôi nhận ra mình chưa làm được điều này, có thể tôi không biểu lộ nhiều qua lời nói, nhưng tôi cũng không thực tâm đứng từ góc độ của đối phương mà lý giải họ, chính niệm gia trì và lặng lẽ bổ sung cho họ. Khi gặp áp lực lớn, thậm chí tôi còn mất kiểm soát và để mặc cho cảm xúc bùng nổ, đó cũng là biểu hiện của ma tính. Tuy sau đó tôi cảm thấy rất có lỗi với các đồng tu, nhưng khi đó tôi đã không khống chế tốt bản thân.
Tôi thành tâm xin lỗi những đồng tu mà tôi đã làm tổn thương họ, cũng hy vọng bản thân có thể làm tốt, không để các đồng tu phải thất vọng thêm nữa. Đồng thời, tôi cũng sẽ tự nhắc nhở bản thân, cần chính niệm gia trì cho các đồng tu đang cần giúp đỡ, để sức mạnh phối hợp nhóm của chúng tôi có thể tiến thêm một bước nữa.
Nhìn lại quá trình 26 năm tu luyện Đại Pháp, những điều tôi đã được thụ ích và sự cứu độ từ bi của Sư phụ quả thật không thể diễn tả hết bằng lời. Trên đây là chỉ là một vài vấn đề tôi đã nhận ra gần đây cùng chút thể ngộ của bản thân, viết ra cũng là để phơi bày những thiếu sót của bản thân, mong được các đồng tu từ bi chỉ chính. Tôi hy vọng bản thân có thể bảo trì được trạng thái tu luyện như thuở ban đầu, loại bỏ các chủng chấp trước, như tâm an dật, tâm sợ hãi, v.v., làm tốt ba việc, cùng các đồng tu cộng đồng tinh tấn.
Con xin cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các đồng tu!
(Bài chia sẻ được trình bày tại Hội nghị Chia sẻ Trải nghiệm Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp Thụy Sỹ năm 2024)
(Phụ trách biên tập: Nhậm Gia)
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/11/1/484434.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/11/7/221546.html
Đăng ngày 23-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.