Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 07-08-2024] Nhân dịp 25 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, các học viên từ 44 quốc gia đã đệ trình một danh sách thủ phạm mới lên chính phủ nước sở tại nhằm yêu cầu chính phủ cấm thủ phạm cùng người thân của họ nhập cảnh, đồng thời đóng băng tài sản ở nước ngoài của họ theo luật định.
Trong số những thủ phạm bị nêu tên có Vương Tiểu Hồng, Bộ trưởng Bộ Công an kiêm Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương.
Thông tin về thủ phạm
Họ và tên: Vương Tiểu Hồng
Tên tiếng Trung: 王小洪
Giới tính: Nam
Quốc gia: Trung Quốc
Ngày tháng năm sinh: tháng 7 năm 1957
Nơi sinh: Phúc Châu, Phúc Kiến
Vương Tiểu Hồng, một thành viên của ĐCSTQ, hiện đang là thư ký của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20, ủy viên Hội đồng Nhà nước, thành viên của Nhóm lãnh đạo ĐCSTQ của Hội đồng Nhà nước, Bộ trưởng kiêm Bí thư của Bộ Công an, phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, và chánh thanh tra cảnh sát.
Tháng 2/1998 – tháng 5/2002 : Giám đốc Công an kiêm Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến; Giám đốc Công an kiêm Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến.
Tháng 5/2002 – Tháng 9/2011: Phó Giám đốc kiêm Ủy viên Đảng ủy của Công an tỉnh Phúc Kiến; Chính ủy thứ nhất kiêm Thư ký thứ nhất của Ủy ban ĐCSTQ của Đoàn Biên phòng tỉnh Phúc Kiến.
Tháng 9/2011 – tháng 8/2013: Phó Thị trưởng thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến; Giám đốc kiêm Bí thư ủy ban ĐCSTQ của Công an thành phố Hạ Môn; Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến.
Tháng 8/2013 – Tháng 12/2014: Trợ lý Thống đốc Chính quyền tỉnh Hà Nam, Giám đốc kiêm Bí thư ủy ban ĐCSTQ của Công an tỉnh Hà Nam.
Tháng 12/2014 – Tháng 3/2015: Phó Thống đốc Chính quyền tỉnh Hà Nam, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Hà Nam.
Tháng 3/2015 – tháng 5/2016: Phó Thị trưởng kiêm Giám đốc Công an Bắc Kinh.
Tháng 5/2016 – tháng 3/2018: Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Thị trưởng Bắc Kinh (đến tháng 1/2018), Giám đốc Công an Bắc Kinh (đến tháng 4/2020).
Tháng 3/2018 – Tháng 4/2020: Thứ trưởng Ủy ban ĐCSTQ của Bộ Công an, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an (cấp bộ trưởng), Bí thư Ủy ban ĐCSTQ, kiêm Giám đốc Công an thành phố Bắc Kinh.
Tháng 4/2020 – tháng 11/2021: Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Công an, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an (cấp bộ trưởng), Tổng Thanh tra.
Tháng 11/2021 – tháng 6/2022: Bí thư Đảng ủy Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách hoạt động hàng ngày, Tổng Thanh tra, Ủy viên Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương ĐCSTQ.
Tháng 6/2022 – nay: Bí thư Đảng ủy Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Thanh tra, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
I. Những tội ác chính khi phục vụ trong chính quyền trung ương
Ngày 21 tháng 3 năm 2018, trong công cuộc cải cách của ĐCSTQ – Phòng 610 Trung ương, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập đặc biệt để bức hại Pháp Luân Công, bị giải tán, và các nhiệm vụ của nó được chuyển sang Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, Bộ Công an, cũng như các cơ quan công an tại các cấp tỉnh, thành phố và huyện. Cục Phòng chống tội phạm tà giáo (Cục Chống tà giáo) của Bộ Công an cũng thực hiện một số chức năng của Phòng 610 Trung ương.
Từ tháng 4 năm 2020, Vương giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Công an, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an (cấp bộ trưởng), kiêm thư ký Bộ Công an. Năm 2022, ông ta giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an kiêm Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương ĐCSTQ, trở thành một trong những lãnh đạo cao nhất của cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Ông ta tiếp tục thực hiện chính sách bức hại triệt để của ĐCSTQ – “Bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể” – trên toàn quốc.
Tháng 4 năm 2021, Bộ Công an và Cục Chống tà giáo phát động chiến dịch “Tuyên truyền, giáo dục chống tà giáo trong khuôn viên trường học” với quy mô lớn tại các trường cao đẳng, đại học trên toàn quốc, với sự chấp thuận của Vụ Công tác Tư tưởng và Chính trị của Bộ Giáo dục. Cục phó Dương Tân và Cục trưởng Khúc Hồng Ba của Cục Chống tà giáo đã đích thân tham dự lễ phát động.
Ngày 5 tháng 1 năm 2022, Vương đăng một bài viết trên Nhân dân Nhật báo, kêu gọi “thẳng tay đàn áp tà giáo”.
Ngày 11 tháng 1 năm 2022, Bộ Công an tổ chức một cuộc họp báo để đề xuất giải pháp “ngăn chặn và đàn áp Pháp Luân Công” và “tiến hành giáo dục chuyên sâu và chuyển hóa các thành viên của tà giáo”.
Tháng 4 năm 2023, Cục 4 của Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp trên toàn quốc tổ chức chuỗi hoạt động “Giáo dục chống tà giáo ở nông thôn”. Bằng cách phân phát các tài liệu tuyên truyền phỉ báng và trưng bày các bảng và biểu ngữ chống lại Pháp Luân Công, họ buộc công chúng phải tham gia vào các hoạt động này và kích động sự thù hận của công chúng đối với Pháp Luân Công.
Ngày 25 tháng 6 năm 2023, Vương, với tư cách là Thư ký Ban Bí thư của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ kiêm Bộ trưởng Bộ Công an, đã nhấn mạnh tại một cuộc họp trực tuyến của an ninh công cộng quốc gia rằng “chúng ta phải tăng cường chiến đấu chống lại tà giáo”. Theo lệnh của ông ta, vào ngày 24 tháng 7 năm 2023, cảnh sát của Phòng An ninh Nội địa Thành phố Chư Thành, Đồn Công an Đường Nhân dân và Đồn Công an Đường bộ Mật Châu triển khai một vụ bắt giữ tập thể các học viên Pháp Luân Công tại thành phố Chư Thành, tỉnh Sơn Đông.
Ngày 14 tháng 1 năm 2024, Vương tham dự Hội nghị Giám đốc Công an Quốc gia và có bài phát biểu. Ông ta kêu gọi hệ thống an ninh công cộng ở tất cả các cấp “duy trì chiến dịch mạnh mẽ để tiêu diệt các tổ chức tà giáo”.
Trong nhiệm kỳ Thứ trưởng và Bộ trưởng Bộ Công an của Vương, ít nhất 638 học viên Pháp Luân Công đã bị chết do bị bức hại. Là một trong những chỉ huy cấp cao nhất, Vương phải chịu trách nhiệm về cuộc bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc trong nhiệm kỳ của mình.
1. Những tội ác trong năm 2020
Năm 2020, COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán và lan rộng ra toàn thế giới. Trong đại dịch, ĐCSTQ tiếp tục bức hại Pháp Luân Công, với các vụ bức hại diễn ra tại 304 thành phố ở 29 tỉnh, khu tự trị và thành phố. Năm 2020, có ít nhất 84 học viên đã qua đời trong cuộc bức hại, trong đó có 21 học viên đã chết trong khi bị giam giữ.
Ngoài ra, có 6.659 học viên đã bị bắt, 8.576 học viên bị sách nhiễu, 537 học viên bị giam giữ tại các cơ sở tẩy não, và 3.588 học viên bị lục soát nhà. Trong số các học viên bị nhắm đến, có 1.188 người trên 65 tuổi, 17 người ở độ tuổi 90, và người già nhất là 94 tuổi. Có 615 học viên khác bị kết án tù, với tổng số tiền phạt của tòa án là 2.565.000 Nhân dân tệ.
Ngày 15 tháng 11 năm 2019, ông Ô Vĩnh Mãn, 65 tuổi, ở thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt và bị giam giữ tại Trại tạm giam thành phố Liêu Dương. Ông qua đời vào ngày 23 tháng 2 năm 2020, vì một “căn bệnh đột ngột”. Gia đình nghi ngờ ông chết vì bị tra tấn, vì bác sỹ pháp y tìm thấy một xương sườn bị gãy và một vết rách ở phổi.
Ngày 18 tháng 6 năm 2020, bà Hàn Ngọc Cần, 68 tuổi, đến từ thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, bị bắt, và nhà của bà bị cảnh sát của Đồn Công an đường Đoan Minh đột nhập. Tối hôm đó, gia đình bà nhận được cuộc gọi từ cảnh sát, thông báo bà Hàn đã chết tại đồn công an. Họ nhìn thấy thi thể của bà tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Quốc quận Phong Nhuận, và nhận thấy tóc bà rối bù và có máu trong mũi.
Ngày 28 tháng 6 năm 2020, bà Lý Linh đến từ thành phố Bồng Lai, tỉnh Sơn Đông, bị bắt tại nhà. Bà bị đánh đập tàn bạo, và qua đời vào ngày 13 tháng 7. Các quan chức làng Đại Trương Gia bắt gia đình hỏa táng thi thể bà cùng ngày hôm đó. Theo gia đình bà, khuôn mặt của bà bị biến dạng và cơ thể bà đầy những vết bầm tím.
Ngày 10 và 11 tháng 7 năm 2020, Công an thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã cử một lượng lớn cảnh sát đến bắt giữ các học viên địa phương. Ít nhất 30 học viên bị bắt giữ và nhà của họ bị lục soát, trong đó có một người đàn ông khoảng 90 tuổi. Hơn 3 triệu nhân dân tệ bị tịch thu từ các học viên. Đến tháng 12 năm 2020, có 7 học viên bị kết án: ông Đỗ Vĩnh Phong 9 năm tù, bà Trương Xuân Phượng 7 năm tù, bà Phạm Vĩnh Mai 4 năm tù, bà Trương Lệ Bình 3 năm tù, bà Hà Vĩnh Cầm 3 năm tù, ông Sơ Chính Kiệt và vợ là bà Vi Đạc mỗi người 1 năm tù.
2. Những tội ác trong năm 2021
Năm 2021, có 131 học viên đã chết vì bị bức hại, 1.184 học viên bị kết án, 5.886 học viên bị bắt, 10.527 học viên bị sách nhiễu và 142 học viên bị đình chỉ lương hưu.
Ngày 16 tháng 3 năm 2021, hai cảnh sát Phác Đông Kiệt và Tôn Hải Đào đột nhập vào nhà của anh Duẫn Chí Ba ở thành phố Diên Cát, tỉnh Cát Lâm. Họ đánh đập và đẩy anh ra khỏi cửa sổ, khiến anh ngã xuống chết. Lúc đó anh mới 44 tuổi.
Chiều ngày 10 tháng 7 năm 2019, bà Mao Khôn, 57 tuổi, đến từ thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt tại nhà riêng cùng với năm học viên Pháp Luân Công ở nhà bà. Ngày 28 tháng 12 năm 2020, cảnh sát đánh đập và làm gãy tay bà. Sau đó, bà bị kết án 11 năm 6 tháng tù. Ngày 9 tháng 4 năm 2021, trong khi đang chờ kết quả kháng cáo, bà đã được đưa đến bệnh viện để hồi sức. Bà qua đời tại bệnh viện vào tối ngày 11 tháng 4 năm 2021.
3. Những tội ác trong năm 2022
Năm 2022, trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 20, ĐCSTQ phát động chiến dịch “Xóa sổ”, tiếp tục trường kỳ sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công.
Theo thông tin do Minghui.org thu thập được, trong năm 2022 có 172 học viên đã chết vì bị bức hại, 633 học viên bị kết án, 3.488 học viên bị bắt và 3.843 học viên bị sách nhiễu. Trong số đó, có 240 học viên bị đưa đến các trung tâm tẩy não, 2.193 học viên bị lục soát nhà, 78 học viên bị buộc phải sống xa nhà.
Ngày 1 tháng 2 năm 2022, bà Quý Vân Chi, đến từ Ba Lâm Tả Kỳ, Nội Mông, bị Từ Kiếm Phong và những cảnh sát khác từ Phòng An ninh Nội địa bắt giữ. Bà qua đời tại Bệnh viện Ba Lâm Tả Kỳ vào ngày 21 tháng 3, ở tuổi 66. Trong khi bị giam giữ, bà bị lính canh và tù nhân đánh đập dã man cho đến khi bà gần chết. “Nếu tôi chết, đó là hậu quả của việc tra tấn”, bà Quý từng nói với các tù nhân cùng phòng như vậy.
Ngày 13 tháng 4 năm 2022, bà Thôi Kim Thực, 88 tuổi, ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, bị một nhóm cảnh sát mặc thường phục bắt tại nhà. Hai cảnh sát kéo bà từ căn hộ của bà trên tầng hai xuống tầng trệt. Họ đột nhiên buông bà ra khiến bà ngã xuống đất. Vào lúc 5 giờ 45 phút chiều, con trai bà Thôi nhận được một cuộc gọi từ cảnh sát, cho biết mẹ anh đã được đưa đến phòng cấp cứu. Anh vội vã đến bệnh viện. Năm phút sau, bác sỹ bước ra và thông báo bà Thôi đã chết. Người con trai bước vào phòng phẫu thuật và nhìn thấy thi thể bà. Khuôn mặt bà nhợt nhạt, cổ họng bị cắt hở, và bà chỉ mang một chiếc giày.
Ngày 18 tháng 4 năm 2022, bà Tông Minh, ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, bị bắt trong chiến dịch “Xóa sổ” nhắm vào tất cả các học viên trong danh sách đen của chính phủ để buộc họ từ bỏ Pháp Luân Công. Ngày 26 tháng 12 năm 2022, khi được thả sau 8 tháng bị giam giữ tại trung tâm tẩy não, bà trông rất hốc hác và nói chuyện khó khăn. Bà qua đời sáu ngày sau, vào ngày 1 tháng 1 năm 2023.
Ngày 12 tháng 6 năm 2022, bà Khương Vĩnh Cần, ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, bị bắt. Vào ngày 7 hoặc 8 tháng 7 năm 2022, cảnh sát trùm đầu bà bằng mũ trùm đầu màu đen, bịt tai bà và đưa bà ra khỏi trại tạm giam thành phố Cát Lâm đến một cơ sở bí mật. Bốn người đàn ông, trong đó có một chuyên gia tra tấn từ Công an tỉnh Cát Lâm, trợ lý Lý và hai người đàn ông, họ Đường và Lý, của Công an thành phố Cát Lâm, thẩm vấn bà trong gần hai giờ. Khi bà từ chối trả lời câu hỏi của họ, họ tấn công tình dục bà, ép dầu wasabi qua mũi và nhét thuốc lá đang cháy vào lỗ mũi bà. Ngày 14 tháng 6 năm 2023, Tòa án quận Trường Nghi xét xử bà mà không thông báo cho gia đình bà hoặc cho phép luật sư đại diện cho bà tại tòa án. Ngày 24 tháng 1 năm 2024, bà bị bí mật kết án 5 năm tù.
4. Những tội ác trong năm 2023
Năm 2023, có 3.629 học viên đã bị giam giữ và 2.885 học viên bị sách nhiễu ở tất cả 31 tỉnh, khu tự trị và thành phố. Trong số đó, 107 học viên bị đưa đến các trung tâm tẩy não và 1.938 học viên bị lục soát nhà. Tổng cộng có 167 học viên cho biết họ bị thu thập sinh trắc học, bao gồm mẫu máu, tóc, nước tiểu, nước bọt, giọng nói, dấu vân tay và dấu chân.
Các tỉnh Sơn Đông (1.061), Cát Lâm (914) và Hà Bắc (673) báo cáo nhiều trường hợp bị bắt giữ và sách nhiễu nhất. Các tỉnh Tứ Xuyên, Hắc Long Giang, Hồ Bắc và Liêu Ninh đã báo cáo các trường hợp kết hợp từ 450 đến 576. Sáu khu vực khác cũng báo cáo số trường hợp với 3 chữ số, tiếp theo là 12 khu vực với số trường hợp có 2 chữ số, từ 21 đến 98. Năm khu vực còn lại có số lượng trường hợp 1 chữ số, từ 4 đến 8.
Ngoài ra, có 209 trường hợp tử vong và 1.188 trường hợp tuyên án đã được báo cáo trong năm 2023. 175 học viên được biết độ tuổi tại thời điểm họ qua đời, từ 23 đến 93 tuổi, trong đó có 134 người từ 60 tuổi trở lên. 18 học viên chết trong khi bị giam giữ, trong đó có 2 học viên qua đời 6 ngày sau khi bị bắt.
Ngày 3 tháng 3 năm 2023, Công an thành phố Nhật Chiếu và Phòng An ninh Nội địa đã khởi động “Dự án đặc biệt 303”. Ngày 12 và 13 tháng 5, khoảng 50 học viên bị bắt như một phần của chiến dịch. Hầu hết họ sau đó bị kết án tù. Đặc biệt, 21 học viên bao gồm bà Hồng Mai Sương, bà Quách Hân và ông Trương Hải Ba đã bị Tòa án Quận Vũ Liên xét xử từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 12. Ngày 25 tháng 12, họ bị kết án từ 1 đến 5,5 năm tù.
Ngày 4 tháng 6 năm 2023, Phòng 610 thành phố Cát Lâm và Phòng An ninh Nội địa Thành phố Cát Lâm đã tiến hành bắt giữ 25 học viên. Nếu các học viên không mở cửa, cảnh sát sẽ đột nhập bằng cách đập vỡ kính hoặc khoan khóa cửa.
Ngày 28 tháng 6 năm 2021 anh Khương Vĩnh, cư dân thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, bị bắt và bị kết án 8,5 năm tù tại Nhà tù Công Chủ Lĩnh với tội danh ngụy tạo “lật đổ quyền lực nhà nước”. Mặc dù anh đang trong tình trạng nguy kịch do tuyệt thực nhiều ngày để phản đối việc bức hại, chính quyền đã từ chối thả anh vì lý do sức khỏe, với lý do là anh từ chối từ bỏ đức tin của mình. Anh qua đời ngày 23 tháng 12 năm 2023, ngày 2 của Tết Cổ truyền. Lúc đó, anh mới 31 tuổi.
Ngày 10 tháng 9 năm 2023, bà Từ Hải Hồng, cư dân thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, bị bắt và bị giam giữ tại trại tạm giam Phố Đông. Bà bị kết án 16 tháng tù vào tháng 10 năm 2023, và bị chuyển đến Nhà tù nữ tỉnh Sơn Đông vào khoảng ngày 6 tháng 12 năm 2023. Bà qua đời 3 ngày sau, lúc mới 56 tuổi.
Ông Vương Lập Quân, ở thành phố Khánh Dương, tỉnh Cam Túc, bị Tòa án quận Trấn Nguyên kết án 12 năm tù sau phiên xét xử vào tháng 2 năm 2023.
Bà Mã Vân, ở thành phố Cát Tây, tỉnh Hắc Long Giang, bị Tòa án huyện Cát Đông kết án 8 năm tù và phạt 20.000 Nhân dân tệ vào tháng 11 năm 2023.
Ông Hầu Lợi Quân bị bắt vào ngày 25 tháng 4 năm 2023 và bị Tòa án quận Vạn Bách Lâm kết án 10 năm tù vào ngày 12 tháng 5 năm 2023.
5. Những tội ác đã gây ra trong cuộc bức hại năm 2024
Trong nửa đầu năm 2024, 69 trường hợp tử vong và 447 trường hợp tuyên án đã được báo cáo. Có 1.470 học viên khác đã bị bắt và 1.244 học viên bị sách nhiễu.
Vào ngày 17/2/2023, bà Lý Phượng Lan, ở thành phố Bạch Âm, tỉnh Cam Túc, bị chuyển đến Nhà tù nữ tỉnh Cam Túc để thụ án 20 tháng. Bà đã bị ung thư khi nhập viện, nhưng lính canh vẫn tiếp tục tra tấn bà, bao gồm cả việc buộc bà phải đứng trong thời gian dài và cấm bà ngủ. Căn bệnh ung thư vú của bà di căn nhanh. Nhà tù đã không thả bà cho đến đầu tháng 1/2024. Bà qua đời vào sáng ngày 10/1/2024. Khi ấy bà 69 tuổi.
Hai vụ bắt giữ tập thể đã được báo cáo ở tỉnh Cát Lâm, với ít nhất 46 học viên bị bắt ở thành phố Trường Xuân từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2024 và 35 học viên khác bị bắt ở thành phố Thục Lan vào ngày 5 tháng 6. Phía bắc đến Cát Lâm, 18 học viên đã bị bắt vào ngày 9 tháng 5 năm 2024 tại thành phố Ninh An, tỉnh Hắc Long Giang. Tất cả các học viên bị bắt đã bị theo dõi một thời gian trước khi cảnh sát truy quét.
II. Những tội ác trong nhiệm kỳ ở Bắc Kinh
Vương từng là Giám đốc Công an Bắc Kinh từ tháng 3 năm 2015 đến tháng 4 năm 2020, và là phó thị trưởng Bắc Kinh từ tháng 3 năm 2015 đến tháng 1 năm 2018. Trong 5 năm Vương làm Giám đốc Công an Bắc Kinh, ít nhất 12 học viên bao gồm bà Hứa Tú Hồng, bà Văn Mộc Lan, bà Cổ Ngọc Bình, bà Từ Tuấn Minh, ông Lý Thành Sơn, bà Liễu Diễm Mai, ông Đỗ Văn Cách, bà Lý Tú Hồng, ông Hầu Tuấn Văn, bà Ngao Thụy Anh, ông Lý Cương và bà Cao Diễm đã chết trong cuộc bức hại. Nhiều người khác đã bị bắt, sách nhiễu hoặc kết án.
Trong năm 2015, 39 học viên ở Bắc Kinh bị kết án, 609 học viên bị bắt và 127 học viên bị sách nhiễu.
Trong năm 2016, 245 học viên ở Bắc Kinh bị bắt giam, 53 học viên bị kết án và 58 học viên bị sách nhiễu.
Trong năm 2017, ít nhất 68 học viên đã bị kết án hoặc bị tòa án xét xử, 254 học viên bị bắt và 269 học viên bị sách nhiễu.
Sau đây là một số trường hợp tử vong.
Trường hợp 1. Ngày 21 tháng 1 năm 2016, cô Hứa Tú Hồng chết vì bị tra tấn và bị tiêm thuốc không rõ chủng loại.
Cô Hứa Tú Hồng bị bắt tại quận Thông Châu, Bắc Kinh, và bị giam giữ trong 3 tháng. Sau khi trở về nhà, cô có triệu chứng bị nhiễm độc và thường xuyên lên cơn hoảng loạn. Sức khỏe của cô nhanh chóng xấu đi. Cô qua đời vào ngày 2 tháng 4 năm 2017 khi mới 40 tuổi.
Trường hợp 2.Bà Văn Mộc Lan qua đời vì bị cưỡng ép dùng thuốc.
Ngày 14 tháng 10 năm 2017, bà Văn Mộc Lan bị bắt khi đang phân phát lịch để bàn chứa thông tin về Pháp Luân Công. Bà bị đưa đến trại tạm giam quận Mật Vân, nơi bà tuyệt thực để phản đối việc giam giữ phi pháp. Sau khoảng 2 tháng tuyệt thực, bà bị phù nề khắp cơ thể và rơi vào tình trạng nguy kịch. Khi chồng bà từ chối đón bà, trại tạm giam tìm một học viên Pháp Luân Công địa phương để tiếp nhận bà. Người học viên để ý thấy bà Văn có các triệu chứng bị trúng độc. Bà qua đời vào ngày 27 tháng 2 năm 2018, chưa đầy 2 tháng sau khi được tại ngoại vì lý do sức khỏe.
Trường hợp 3. Bà Liễu Diễm Mai qua đời khi đang thụ án 4 năm tù.
Tháng 11 năm 2016, bà Liễu Diễm Mai ở quận Thuận Nghĩa bị bắt vì mời mọi người tham dự phiên xét xử của các học viên Pháp Luân Công. Bà bị còng tay và cùm chân trong trại tạm giam Thông Châu. Việc tra tấn cũng khiến bà bầm tím khắp người. Họ nhổ tóc bà, và da đầu bà bị nhiễm trùng. Tháng 7 năm 2017, bà bị Tòa án quận Thông Châu kết án 4 năm tù. Bà qua đời vì bị tra tấn tại Nhà tù Nữ Bắc Kinh vào ngày 12 tháng 11 năm 2018. Bà hưởng dương 52 tuổi.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/7/480529.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/8/219426.html
Đăng ngày 08-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.