Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp phương Tây ở Châu Âu

[MINH HUỆ 01-09-2023] Cái chết của bố tôi hồi năm ngoái trong một tai nạn giao thông đã trở thành một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Tôi có mối quan hệ rất tốt với bố và dựa dẫm vào ông về mặt tài chính. Khi di chúc của ông được công bố, tôi được thừa kế 50% căn nhà của gia đình. Mẹ tôi đã sở hữu 50%. Mẹ tôi đã từ chối giúp đỡ tôi về mặt tài chính và không đồng ý cho tôi chuyển vào ở cùng bà. Tôi nổi điên và vô cùng thất vọng, nghĩ rằng bố tôi đã làm một việc đúng đắn khi giúp đỡ tôi, nhưng hiện tại tôi chỉ còn một mình và không biết dựa vào ai. Tôi thậm chí còn phàn nàn với bạn bè rằng mẹ tôi là người độc ác và nhỏ mọn khi không đồng ý hỗ trợ tài chính cho tôi.

Tôi biết chuyện này xảy ra vì tôi có chấp trước rất mạnh vào lợi ích cá nhân. Tôi không thể buông bỏ được lợi ích cá nhân của mình và không đối đãi với tình huống như một người tu luyện. Tôi dừng phàn nàn về cách đối xử bất công của bà, nhưng trong tâm tôi chưa hoàn toàn buông bỏ được quan niệm “được người khác giúp đỡ.”

Một ngày kia, khi nghe Bài giảng thứ tư (Chuyển Pháp Luân) của Sư phụ, tôi đã suy ngẫm về hành vi của mình: Tôi đã 45 tuổi và có một công việc ổn định trong suốt hơn 20 năm qua. Tại sao tôi lại mong đợi mẹ mình giúp mình? Sư phụ đã giảng rằng chúng ta nên báo đáp ơn nuôi dưỡng của cha mẹ, vậy tại sao tôi lại trông chờ mẹ tôi giúp đỡ tôi về mặt tài chính? Điều này chẳng phải trái ngược với những gì Sư phụ yêu cầu sao? Tôi cũng không có từ bi. Thay vì cố gắng giúp đỡ bà, tôi lại nài nỉ bà giúp tôi.

Tôi dần bắt đầu quan tâm đến bà. Tôi bắt đầu gọi cho bà để hỏi thăm tình hình sức khoẻ của bà, và xem bà có cần tôi giúp gì không – chẳng hạn như làm việc nhà hay đi mua sắm. Tôi nhận ra mình đã mải mê với những vấn đề của riêng mình đến nỗi không hề nghĩ đến bà. Bà đã 75 tuổi và cần người giúp đỡ. Thay vì tập trung vào việc bà có thể giúp gì cho tôi về mặt tài chính, tôi nên hỏi xem bà cần gì. Tôi nhận ra suốt ngần ấy năm tôi đã hành động như một đứa trẻ hư chứ không phải một người phụ nữ trưởng thành và có trách nhiệm.

Trong nhiều năm qua, tôi đã gây áp lực cho gia đình buộc bố mẹ phải đáp ứng những nhu cầu của mình hệt như tôi vẫn còn là một đứa trẻ. Tôi luôn coi mình là trung tâm, luôn chỉ là tôi và nhu cầu của tôi, tôi đã không thực sự quan tâm tới người khác. Tôi nhận ra rằng với tư duy mới không dựa dẫm vào cha mẹ, tôi đã trở nên mạnh mẽ hơn, có trách nhiệm hơn và ân cần hơn. Tôi đã trưởng thành về mặt tinh thần và trở thành một người tốt hơn.

Mối quan hệ của tôi và chị gái cũng thay đổi. Sau khi công bố tài sản thừa kế, chị ấy đã xa lánh tôi. Khi tôi hỏi để biết lý do, chị nói rằng chị không muốn liên lạc với tôi nữa. Tôi nghĩ vấn đề thực chất là do tôi được thừa kế ngôi nhà của gia đình. Biết được lý do thực sự đến từ quyền thừa kế, tôi cảm thấy mình nên thể hiện tinh thần cởi mở mà Sư phụ đề cập trong Bài giảng thứ chín về một khí công sư, anh ta nói: ‘Thế thì ông lấy đi’ khi tất cả mọi người muốn có căn hộ (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân).

Tuy nhiên, dù cảm thấy mình không nên nhận tài sản thừa kế của bố và tặng nhà cho chị gái, nhưng tôi cảm thấy mình không rộng lượng đến vậy.

Khi tiếp tục tu luyện và hướng nội, tôi bắt đầu cảm thấy điều này không phải là không thể và tôi có thể làm được. Nếu chị tôi xin tôi cái nhà, tôi sẽ vui vẻ đưa nó cho chị ấy. Tôi ngộ được rằng cuộc sống cũng chỉ như nghỉ trọ ở khách sạn. Có được một ngôi nhà cho riêng mình là mong cầu ôm giữ lâu dài, là mong muốn sâu thẳm và là chấp trước đã nhiều lần khiến tôi không vui. Bây giờ ý nghĩ về việc sở hữu một ngôi nhà có vẻ buồn cười – ngôi nhà thực sự của tôi là ở trên thiên đường, tôi không thể mang theo bất cứ thứ gì ngoại trừ công mà tôi luyện được.

Tôi cũng rất chấp trước vào tiền bạc. Trước khi làm mẹ, tôi không hề tiết kiệm tiền. Khi con tôi ra đời, tôi đã thay đổi. Tôi bắt đầu tiết kiệm tiền đến mức không sẵn lòng giúp đỡ, tặng quà hay bất cứ thứ gì liên quan đến việc tiêu tiền. Tôi sợ phải tiêu tiền tiết kiệm của mình. Thái độ này cho thấy tôi đã tham lam và đó rõ ràng là một chấp trước. Tôi biết điều đó, nhưng tôi không thể giải thoát bản thân khỏi chấp trước này. Tôi biện minh cho hành vi của mình bằng cách nói rằng tôi là bà mẹ đơn thân nuôi con một mình nên cần thận trọng trong chuyện tiền bạc.

Một ngày nọ, có người đột nhập vào tài khoản ngân hàng của tôi và tất cả tiền của tôi đều biến mất. Tuy nhiên, ngay khi thấy tài khoản của mình trống rỗng, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng. Vì tôi không có tiền nên tôi không còn chấp trước vào việc tiết kiệm tiền nữa. Tôi sẽ không còn bị chấp trước này chi phối nữa.

Tôi nhận ra rằng cân bằng được giữa việc cần hào phóng trong khi vẫn tiết kiệm được tiền một cách cẩn thận, là chìa khoá để không nảy sinh chấp trước tham lam và mong muốn sở hữu. Với cách tư duy mới này, tôi cảm thấy hạnh phúc và biết ơn vì những gì mình đang có. Tôi cảm thấy tôi có tất cả mọi thứ tôi cần và nếu có rủi ro nào xảy đến, tôi tự tin rằng tôi có thể đối mặt với điều đó. Với tâm lý cũ là tiết kiệm tiền, tôi từng sợ mất tiền và sợ rủi ro. Bây giờ tôi nhận ra sâu sắc hơn rằng sức mạnh của tôi nằm ở bên trong tôi, tinh thần của tôi mới là điều quan trọng chứ không phải việc tôi có bao nhiêu tiền.

Buông bỏ tư tưởng cộng sản

Khi gần đến ngày giỗ của bố tôi, tôi bắt đầu mơ thấy người bạn trai cũ. Lúc đầu tôi không để ý lắm. Tuy nhiên, giấc mơ cứ lặp đi lặp lại. Sau khi mơ thấy anh ấy lần nữa, tôi nghĩ: Trong 10 năm tu luyện của mình, tôi chưa từng thấy ai bị sốc trước cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp như anh ấy. Anh ấy đã không ngủ cả đêm, anh ấy nói sẽ không bao giờ làm ăn với Trung Quốc và tôi nên nộp đơn khiếu nại lên Liên Hợp Quốc, anh sẽ giúp tôi. Anh ấy cũng đã nói điều mà tôi đang nói khi giảng chân tướng: “Sư phụ Lý Hồng Chí dạy mọi người Chân-Thiện-Nhẫn, và họ bức hại Ngài vì điều đó? Điều này thật kinh khủng!”

Một ý nghĩ thứ hai cũng xuất hiện trong đầu tôi: Dù tôi có đối xử tệ bạc với anh đến đâu, anh vẫn luôn tử tế và không hề oán giận. Tôi nghĩ mình nên liên lạc với anh ấy. Đã 8 năm rồi chúng tôi không nói chuyện với nhau. Tôi quyết định nhắn tin cho anh thay vì gọi. Tôi nói anh có thể liên lạc lại cho tôi khi nào anh muốn. Ba phút sau, anh ấy gọi và nói anh rất vui khi nghe tin tức từ tôi. Tôi hỏi anh ấy thế nào rồi. Anh kể vợ chồng anh đã vượt qua cơn khủng hoảng gia đình và sau đó anh quyết định dành nhiều thời gian hơn cho vợ con. Một ý nghĩ bất chợt tự nhiên đến với tôi. “Em xin lỗi anh. Em đã đánh giá sai về anh suốt nhưng năm tháng chúng ta bên nhau.”

Mẹ nói với tôi anh ấy là “con nhà giàu hư hỏng.” Mặc dù đã bên nhau hơn ba năm, nhưng trong tôi vẫn không buông bỏ được suy nghĩ rằng anh ấy là “con nhà giàu hư hỏng.” Người bạn thời thơ ấu của tôi đã chỉ ra rằng đối với những người giàu có, việc sở hữu những chiếc xe đắt tiền, du thuyền và bể bơi chỉ là phong cách sống của họ và tôi không nên nghĩ việc có những thứ đó là điều quan trọng.

Tuy nhiên, tôi lại coi những tài sản này rất quan trọng và cảm thấy lối sống khác nhau đã gây chia rẽ chúng tôi và có “sự khác biệt giai cấp” giữa chúng tôi. Ấn tượng về “khác biệt giai cấp” này càng được củng cố bởi nền giáo dục cánh tả mà tôi được học ở trường đại học. Tôi tin chắc rằng mọi người giàu đều là “kẻ thù của người dân.” Tôi nghĩ rằng anh ấy phải cho tiền người nghèo và không nên quan tâm đến sự giàu có của mình, vì dù sao số tiền đó không phải của anh ấy, nó thuộc về người dân. Gia đình anh đã tích lũy của cải bằng cách đàn áp người dân.

Đây là quan niệm “người giàu ức hiếp người nghèo” xuất phát từ việc tôi nói chuyện với những người bạn cộng sản của mình. Tôi không hoàn toàn hiểu được nhân quả đã khiến người ta giàu có. Tôi đã kết hợp khái niệm này vào hệ thống giá trị của mình cùng với các giá trị Cơ đốc giáo và “đấu tranh giai cấp” của Karl Marx. Văn hóa “đấu tranh giai cấp” này được củng cố bởi tâm tranh đấu và tư duy cực đoan của tôi. Tôi được dạy: “Người giàu là người xấu, người nghèo là người tốt và bị người giàu ngược đãi.”

Sư phụ đã giảng:

“Thực ra hết thảy trong đời người, [điều] đáng nên được hay không đáng nên được, đều là đời trước, lần sinh trước đây làm điều tốt hay không tốt mà thành nhân quả đời sau, lần sinh sau; đời trước tích lũy phúc đức nhiều ít bao nhiêu quyết định đời này hoặc đời sau phúc phận bao nhiêu. Nhiều phúc đức, đời sau có thể dùng phúc đức đổi thành quan cao lộc nhiều, cũng có thể dùng đổi lấy các loại phúc phận như tiền tài, v.v. gồm cả gia đình hạnh phúc hay không, thậm chí con cái thế nào. Đây chính là nguyên nhân căn bản của [việc] có người giàu, có người nghèo, có người làm quan lớn, có người không nhà để về; chứ không phải một bộ lời ma quỷ cân bằng giàu nghèo như tà đảng cộng sản tuyên truyền.” (Vì sao có nhân loại)

Sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi thực sự hiểu quan điểm “người giàu đàn áp người nghèo” sai như thế nào. Tôi nhận ra rằng việc bạn tôi sinh ra trong một gia đình giàu có là kết quả của những việc làm tốt ở kiếp trước chứ không phải “may mắn” hay vì “gia đình anh ấy giàu vì họ ngược đãi người nghèo để lên đỉnh cao.”

Dù nhận ra điều đó là sai nhưng quan niệm “đấu tranh giai cấp” vẫn in sâu trong tôi đến nỗi khi bước vào tu luyện, kẻ thù trong tâm trí tôi không còn là tầng lớp thượng lưu nữa mà là những người theo đảng cộng sản. Tôi gây áp lực buộc bạn bè phải tố cáo chủ nghĩa cộng sản và tôi miễn cưỡng giảng chân tướng cho những người là đảng viên cộng sản vì tôi cảm thấy chủ nghĩa cộng sản là một mối đe dọa.

Trong mọi cuộc trò chuyện, tôi đều chỉ trích chủ nghĩa cộng sản và tôi đã không tu tâm mình để bình tĩnh và ôn hòa khi bị tấn công bởi những tuyên truyền cộng sản. Khi tôi nghe người ta bảo vệ chủ nghĩa cộng sản, tôi bắt đầu khó chịu và nhanh chóng nói xấu chủ nghĩa cộng sản, nói rằng những người đi theo chủ nghĩa cộng sản là đang bị lừa gạt hoặc “họ là những kẻ ngu ngốc.” Kết quả là một số người cảm thấy bị xúc phạm bởi giọng điệu gay gắt của tôi và tránh xa tôi.

Tôi thực sự hối hận vì đã đánh giá bạn tôi bằng quan niệm “đấu tranh giai cấp” của mình. Tôi nhận ra rằng những quan niệm đó đã làm tổn hại đến mối quan hệ và chia rẽ chúng tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc xin lỗi anh ấy. Tôi nghĩ chỉ cần tôi thực sự hối hận về hành vi xấu của mình là đủ và tôi ngộ ra rằng những quan niệm đó là sai lầm và xa rời các nguyên lý Chân–Thiện–Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp.

Tôi xin lỗi anh ấy và nói: “Em xin lỗi, em đã đánh giá sai về anh.” Anh ấy nói: “Anh chưa bao giờ đánh giá sai về em. Anh đã thấy bản thân em mắc kẹt với tất cả những quan niệm của mình như thế nào.” Tôi nhận ra rằng anh ấy hiểu được làm thế nào các quan niệm có thể khiến một người xa rời con người thật của mình. Những quan niệm này là một “cái bẫy” và cũng là “nhà tù” giam hãm chân ngã của tôi. Tôi cảm thấy với lời xin lỗi này, một khối nghiệp lực đã rời khỏi cơ thể tôi và tâm tôi trở nên nhẹ nhàng hơn.

Tôi đã suy ngẫm về bản thân mình. Ngay cả trong các học viên, nếu ai đó có quan điểm khác tôi, tôi sẽ khó chịu và thầm coi thường học viên đó. Tôi nghĩ họ không nên được tin tưởng, ngay cả khi họ có nhiều đức tính tốt. Tôi nhận ra tâm tranh đấu này, vốn đã là một phần trong tôi từ rất lâu rồi và được củng cố bởi quan niệm “đấu tranh” của cộng sản, là một thiếu sót lớn trong tu luyện của tôi và là một chấp trước to lớn mà tôi cần phải loại bỏ: Tâm ngạo mạn. Tôi đề cao bản thân và bắt đầu tranh đấu khi ai đó không đồng tình với cách suy nghĩ của tôi.

Với nhận thức mới này, giờ đây tôi tập trung hơn vào việc xây dựng cầu nối với mọi người, thay vì tập trung vào những gì chia rẽ chúng ta hoặc tôi đúng còn người khác sai, như tôi đã làm trước đây. Tôi cố gắng sử dụng tư duy logic để xem xét suy nghĩ của mình xem liệu chúng là từ bi, gây chia rẽ hay ích kỷ. Tôi biểu đạt suy nghĩ của mình dựa trên nhận thức của người khác. Tôi cố gắng tránh nói bất cứ điều gì có thể làm tổn thương đồng nghiệp hoặc bạn bè của mình. Nếu tôi nói những lời gây chia rẽ, tôi thành thật xin lỗi và sửa chữa hành vi của mình ngay lập tức. Nếu có bất kỳ xích mích nào với đồng nghiệp, người thân hoặc bạn bè, tôi sẽ cố gắng hiểu quan điểm của họ.

Tôi cũng nhận ra rằng câu nói “Tôi xin lỗi” có sức mạnh rất lớn. Lời này có nhiều cấp độ. Đó là một thái độ thể hiện sự sẵn sàng tạo dựng hòa bình bên trong và bên ngoài tôi. Đủ khiêm tốn để đặt các mối quan hệ lên hàng đầu và cái tôi của tôi thứ hai. Trong thâm tâm tôi nhận ra rằng tôi không có kẻ thù và mọi người tôi gặp đều ở đây là để được cứu độ. Mọi điều tôi gặp trong tu luyện đều giúp tôi buông bỏ chấp trước và đề cao.

Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, có hữu hạn về tầng thứ, có điểm nào chưa phù hợp với Pháp, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.

Con xin cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu!

(Bài chia sẻ tại Pháp hội châu Âu năm 2023)

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/9/1/464694.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/9/5/211173.html

Đăng ngày 30-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share