Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 07-03-2022] Tôi muốn chia sẻ những hiểu biết của mình về Thông tri kêu gọi gửi ảnh kỷ niệm 30 năm hồng truyền Pháp Luân Đại Pháp ra thế giới.
Đôi lời về thiết bị và kỹ thuật
Trước hết, tôi kiến nghị các học viên ở Trung Quốc Đại lục tham gia lời kêu gọi này không nên mua máy ảnh cao cấp, mà hãy tận dụng máy ảnh hoặc điện thoại di động sẵn có. Hãy dụng tâm thuần tịnh cùng với chút kỹ thuật nhiếp ảnh, cho dù chụp bằng camera phổ thông, thậm chí là điện thoại di động, cũng cho ra những bức ảnh kiệt tác.
Nhân tố quan trọng trong nhiếp ảnh là chủ đề, sự sáng tạo, bố cục, cách phối màu, độ tương phản về màu sắc, và kỹ thuật chụp. Chúng ta nên nghĩ về những yếu tố có thể giúp người xem bằng thị giác có thể liễu giải được quá trình vô tư vô ngã chứng thực Pháp, từ bi cứu người, và lời nói hành động thiện lương của các đệ tử Đại Pháp, quá trình thế nhân minh bạch chân tướng và tìm lại được bản tính của mình, đồng thời ghi lại những khoảnh khắc lịch sử và chứng tích trân quý, cảm động này cho hậu thế. Để đạt được điều đó, chúng ta cần tham khảo hướng dẫn sử dụng thiết bị của mình và các hướng dẫn khác để tìm hiểu phương pháp cơ bản về chỉnh sửa màu sắc, cắt chỉnh ảnh, khẩu độ, màn trập, và độ phơi sáng. Thông qua việc học hỏi các kỹ thuật nhiếp ảnh chuyên nghiệp và liên tục thực hành, chúng ta sẽ có thể nâng kỹ năng chụp ảnh lên một tầm cao mới.
Chủ đề phải rõ ràng
Trước khi chụp ảnh, đầu tiên, cần xác định rõ chủ đề muốn biểu đạt là gì, sau đó mới chuẩn bị dàn cảnh, ánh sáng, bố cục, hoạt động, độ tương phản, cách phối màu, một số đạo cụ, v.v. Chẳng hạn, loạt video Hiện tại và Tương lai (Now and For the Future)có những cảnh quay đệ tử Đại Pháp luyện công, sinh hoạt hàng ngày, đóng gói tài liệu chân tướng, qua đó cho thấy đệ tử Đại Pháp trong hoàn cảnh gian nan vẫn kiên nhẫn, chất phác, vô tư và dũng khí khi dụng tâm cứu người, thật giản dị mà cảm động. Chúng ta có thể thể hiện cảnh tượng cứu người của các giai tầng khác nhau, trong các hoàn cảnh khác nhau.
Nhiếp ảnh một loại hình nghệ thuật, xuất phát từ cuộc sống, mà siêu việt khỏi cuộc sống. Bằng cách vận dụng các kỹ thuật chụp, có kế hoạch và sự chuẩn bị tốt, chúng ta có thể làm sáng tỏ chủ đề, tạo hiệu ứng màu sắc, ánh sáng tốt hơn, nhằm biểu hiện hình tượng thành thục, hoàn mỹ hơn, khiến người xem lạc vào cảnh tượng kỳ quan mà thấy xúc động hoặc khai sáng.
Nhiếp ảnh và hội họa cùng có những điểm tương đồng. Có thể tham khảo cách thể hiện chủ đề của Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế Chân-Thiện-Nhẫn (Zhen-Shan-Ren) cũng như hội họa truyền thống Trung Quốc. Hội hoạ của Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế Chân-Thiện-Nhẫn tỏa ra một nguồn năng lượng tích cực mạnh mẽ, có thể xuyên thấu nội tâm mọi người. Dưới đây là một chút lý giải hạn hẹp của tôi về một số bức họa của triển lãm này, không nhất định đúng và chỉ để tham khảo.
Một số tác phẩm nghệ thuật trong Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế Chân-Thiện-Nhẫn (Zhen-Shan-Ren) có nội dung thâm sâu hơn bản thân bức vẽ
Bức tranh “Tiếng gọi của người vô tội” (hàng đầu, bên trái) rất được các đồng tu Đại lục yêu mến. Tư thế của bé gái tạo thành kết cấu hình tam giác ổn định, từ ánh mắt, nét mặt, đến những giọt mưa trên đầu xen lẫn mồ hôi. Sự tương tác giữa tiền cảnh và hậu cảnh như vậy rất cuốn hút, tạo cảm giác hết sức sống động, dễ khiến mọi người đồng cảm. Bông hoa cúc cài trên tóc cô bé cùng hình ảnh phong phú khiến bức ảnh thêm sinh động, và rất hợp với trang phục màu vàng của cô bé. Chi tiết này có ý nghĩa rất sâu sắc, thể hiện chủ đề của bức tranh này không chỉ là tưởng niệm, tiếc thương những đệ tử Đại Pháp bị ĐCSTQ bức hại đến chết, mà còn làm toát lên thế giới nội tâm thuần tịnh mà kiên định của cô bé; bông hoa cũng mang đến cho người xem cảm giác hy vọng.
Tác phẩm “Khám nhà” (hàng đầu, giữa) có bố cục đường chéo chạy qua đồ chơi thú nhồi bông, em bé, người học viên, và tranh chữ Chân-Thiện-Nhẫn tiếng Trung treo trên tường. Bố cục này thu hút sự chú ý đến các yếu tố chính và khiến bức tranh có sắc thái sáng sủa, sống động, và độ bão hòa cao. Các nhân vật chính có độ tương phản rõ rệt với các cảnh sát đến bắt học viên này và lục soát nhà cô. Ánh mắt và động tác của cảnh sát biểu lộ sự tham lam, ngu xuẩn, và bạo ngược. Một cảnh sát tìm thấy các đĩa DVD chân tướng, hỉ hả muốn báo cáo với cấp trên, nhưng cấp trên chỉ mải mê với chỗ tiền mặt, trang sức, đồng hồ đeo tay và các tài sản cá nhân khác của người học viên này. Hai cảnh sát bắt giữ người học viên nhìn về hai hướng, khiến người xem tập trung vào người học viên. Thần thái, động tác của nữ học viên này tạo nên sự tương phản rõ rệt với cảnh sát: cô không bị những cảnh sát tà ác khám nhà tác động, không có chút biểu hiện nào của sự oán hận, tức giận hay sợ hãi, mà dùng ánh mắt từ bi, tường hòa, ôn nhu, bình tĩnh nhìn về phía con trai đang ôm cuốn Chuyển Pháp Luân mà không cảnh sát nào phát hiện ra. Cậu bé rảo bước hướng về phía người xem, thần thái ngây thơ, động tác toát lên nội tâm thuần khiết, thu hút và khiến người xem yêu mến, gột rửa tâm linh người xem, đồng thời mang lại cho người xem hy vọng. Năng lượng xung quanh cuốn Chuyển Pháp Luân và cậu bé rất mạnh mẽ, ngụ ý rằng được Thần Phật bảo hộ, dẫu cho phải trải qua ma nạn, nhưng chính nghĩa rốt cuộc sẽ tiêu hủy tà ác. Hai đồ chơi thú nhồi bông, một thẳng đứng, một nằm trên sàn, cũng truyền tải thông điệp này.
Tác phẩm “Tại sao?” (hàng đầu, bên phải) là hình ảnh đôi chân đầy thương tích bị xiềng xích, khiến người xem nhận ra ẩn ý đằng sau hình ảnh đó. Biểu cảm và cử chỉ của cậu bé gây xúc động, khiến người xem rơi lệ. Mọi chi tiết của tác phẩm này có sức truyền tải hết sức mạnh mẽ, tái hiện chân thực sự tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp.
Tác phẩm “Nhẫn” (hàng thứ hai, bên trái) mô tả một người đàn ông với vẻ mặt cương nghị, mắt nhìn xa xăm về phía trước. Chiếc mũ lưỡi trai màu vàng tạo thêm độ ấm cho bức tranh, làm bố cục đẹp hơn và mang lại hiệu ứng ba chiều. Màu sắc ấm áp của chiếc mũ, gương mặt và chiếc khăn tương phản với gam màu lạnh của cảnh nền, làm nổi bật cá nhân người đàn ông. Trên tấm áp phích mà người đàn ông đang cầm, cách xử lý đơn sắc với các hình minh họa các hình thức tra tấn tương phản với chữ “STOP” màu đỏ sẫm, và thu hút sự chú ý của người xem từ khuôn mặt của người đàn ông sang tấm áp phích. Tư thế của người đàn ông là tư thế đứng, trong khi tấm áp phích và lan can ở hậu cảnh nằm ngang, vuông góc với người đàn ông, khiến kết cấu bức tranh ổn định, lại phong phú, sống động, bộc lộ tâm từ bi, kiên định, tâm thế sừng sững bất động của đệ tử Đại Pháp hải ngoại trong việc cứu người, bất chấp tuyết rơi, giá buốt.
Tác phẩm “Hoành phi” (hàng thứ hai, chính giữa) mô tả một người mẹ trẻ đang thêu chữ Pháp Luân Đại Pháp trên bức hoành phi (tấm biểu ngữ lớn) và đứa con của cô nằm cạnh bên. Góc trên bên phải là chiếc giỏ, và góc dưới bên trái là chiếc giỏ may nhỏ hơn, tạo thành đường chéo trên bức tranh, đồng thời tạo ra sự tương phản giữa hai gam màu sáng tối. Tấm biểu ngữ mang màu sắc ấm áp, bố cục hài hòa, trang trí đơn giản mà lại khiến bức tranh phong phú. Vị trí và tư thế của người mẹ và em bé còn khắc họa một câu chuyện sinh động giúp trí tưởng tượng của người xem vượt ra ngoài tác phẩm.
Tác phẩm “Bài vị đồ” (Vị trí) (hàng thứ hai, bên phải) phác họa một vị Phật mặc áo cà sa vàng đang chỉ tay về phía bên trong bức tranh trong khi mắt nhìn ra bên ngoài. Bức ảnh vượt ra khỏi chiều không gian của con người và thể hiện sức mạnh của đức tin. Nó cũng phản ánh ý nghĩa của văn hóa truyền thống Trung Hoa rằng “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”.
Chụp ảnh bên ngoài Trung Quốc
Mọi người thích xem những bức ảnh chụp trẻ em hồn nhiên, trong sáng, tươm tất, gọn gàng. Nhiều tư thế, động tác của các em rất ngộ nghĩnh, dễ thương. Chúng ta có thể chụp ảnh thể loại ảnh này, như cảnh các tiểu đệ tử luyện công hoặc đi hồng Pháp cùng đồng tu người lớn. Các tiểu đệ tử thường sôi nổi, hoạt bát và dễ gần. Mặt khác, các học viên cao tuổi có thể tỏ ra rất từ bi và đáng tin cậy. Có thể chụp ảnh cho tất cả các nhóm tuổi này, mỗi nhóm đều có những câu chuyện độc đáo riêng.
Trong bức ảnh tổng hợp trên đây, hình ảnh đầu tiên bên trái trên hàng đầu có hậu cảnh là biển, cảnh tượng rất thư thái. Cá nhân tôi cho rằng chiếc quần Âu có thể chưa hoàn hảo và trang phục có lẽ nên trang trọng hơn một chút. Hình ảnh đầu tiên bên trái ở hàng thứ hai (người phụ nữ mặc áo màu xanh lá) trông rất tuyệt, màu sắc phù hợp. Hai bức ảnh kế bên phải có thể thu hút sự chú ý của giới trẻ vì người trong ảnh cùng lứa tuổi với họ. Một số học viên có thể biết người trong bức ảnh thứ tư ở hàng thứ hai. Anh ấy trông đáng tin cậy và có thể cân nhắc đến việc chụp một bức ảnh anh ấy luyện công.
Bức ảnh thứ hai từ bên phải ở hàng đầu (người đàn ông mặc áo trắng đeo cà vạt) khá ổn, nhưng cần chỉnh lại ánh sáng và chỗ ngồi hơi hẹp. Bức ảnh thứ ba ở hàng đầu không có đủ không gian xung quanh học viên, cảnh nền cũng hơi nhiều chi tiết. Ngoài ra, góc chụp bức ảnh gây cảm giác như nhìn từ trên xuống. Tôi đề xuất tốt hơn hết là nên chụp ảnh ngang tầm mắt, như bức ảnh đầu tiên (người thanh niên ngồi bên bờ biển). Những con sóng trong bức tranh thứ tư ở hàng đầu (ba học viên đang thiền định) mang lại cảm giác bất ổn định. Nếu cát mịn hơn một chút để làm nổi bật cảnh thiền định ôn hòa thì sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, độ tương phản và cân bằng màu sắc của cát và biển là rất tốt.
Các bức tranh tiểu đệ tử ở hàng thứ ba khá tốt. Bức ảnh thứ hai có góc chụp từ dưới lên, có lẽ nên chỉnh lại. Với bức ảnh cầu nguyện dưới ánh nến (hình thứ ba từ trái sang), nếu ngọn nến được đặt gần mặt hơn một chút, thì sẽ tăng tông màu ấm cho bức ảnh. Ngoài ra, một chút ánh sáng xanh ở bên cạnh có thể tạo ra sự tương phản rõ rệt giữa màu ấm và màu lạnh.
Nếu trời đang mưa hoặc khi chụp ảnh ở góc nhìn lên, có thể dùng một mảnh chắn bằng thủy tinh hoặc nhựa trong suốt để bảo vệ ống kính máy ảnh. Nếu có nước trên mặt đất, bóng trên mặt nước hoặc ánh sáng phản chiếu từ mặt nước lên cũng có thể tăng thêm hương vị cho bức ảnh, kể cả cảm giác về chiều sâu.
Đối với các cuộc diễu hành, cũng có thể chụp ảnh phản chiếu từ gương hoặc đi giày patin mà chụp. Điều quan trọng cần ghi nhớ là luôn ở tâm thế sẵn sàng thì sẽ có thể bắt được những biểu cảm xúc động bất chợt hoặc những khoảnh khắc đáng nhớ.
Nếu chủ thể hơi xa hậu cảnh, có thể kéo ống kính vào gần chủ thể hơn để tăng chiều sâu. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng các góc cận cảnh, tầm trung và tầm xa để tạo các cấp độ không gian khác nhau. Trong mọi trường hợp, hãy chú ý duy trì bố cục ổn định với độ tương phản, cũng như cân bằng tốt về kích thước, màu sắc, độ sáng, gam ấm và lạnh, cũng như độ sắc nét hay nhòa. Bằng cách tận dụng hiệu ứng lấy nét của các đường hội tụ, chúng ta có thể thử các vị trí và góc chụp khác nhau để đạt được kết quả tốt nhất.
Chụp ảnh ở Trung Quốc
Chủ đề có thể là cảnh các học viên đang làm sách, tài liệu hoặc biểu ngữ trong nhà. Vật liệu và dụng cụ nên được xếp gọn gàng. Tốt hơn là có một chủ đề màu sắc phối với một màu ấm hoặc lạnh. Độ sáng có thể chuyển từ tối sang sáng, cũng có thể loại bỏ các yếu tố gây nhiễu khỏi bức ảnh. Ngoài ra, cũng có thể chụp ảnh các tấm áp phích và biểu ngữ.
Các đồng tu ở Trung Quốc nên chú ý đến vấn đề an toàn. Chẳng hạn, nên tránh để lộ mặt hoặc lưng của các học viên và chú ý che số sê-ri trên thiết bị. Ảnh về hoạt động in trên tiền giấy, hãy cẩn thận với số sê-ri trên tiền và kiểm tra xem các số có liên tiếp nhau không. Đôi khi ngân hàng có thể ghi lại những thông tin như vậy khi mọi người rút tiền, và việc hiển thị số sê-ri trong ảnh có thể khiến đồng tu liên quan bị lộ thân phận và gặp nguy hiểm. Ngoài ra, xin lưu ý rằng một số vật dụng phản chiếu cũng có thể vô tình làm rò rỉ thông tin cá nhân. Hơn nữa, nên tránh chụp bất cứ thứ gì mang tính cá nhân, cho dù là đồ nội thất hay thiết kế nội thất, mà nên dùng những đồ chung chung hơn để tránh tiết lộ thông tin cá nhân của các học viên. Nếu ảnh các công cụ do chúng ta làm ra để sản xuất lịch Minh Huệ, sách hoặc biểu ngữ, thì sau đó có thể sơn màu khác cho các công cụ đó. Ngoài ra, cảnh nền có thể là những tấm rèm đơn giản, giấy trắng, hoặc thảm.
Một ý tưởng khác là có thể mặc quần áo mà chúng ta thường không mặc đến và chỉ chụp cánh tay và bàn tay khi làm các việc như in ấn, phân loại, ghim hoặc đóng tài liệu chân tướng vào hộp. Ngoài việc giữ an toàn, kiểu chụp cận cảnh này có thể làm cho bức ảnh sinh động hơn. Nếu không có góc chụp tốt, cũng có thể thêm một chiếc gương để đưa vào ảnh hình ảnh phản chiếu trong gương cũng như bóng của các vật thể. Nhưng hãy tránh đưa chân dung của bất kỳ người nào vào ảnh.
Chúng ta cũng có thể khám phá cách chụp ngược sáng, nó có thể làm cho màu sắc dịu đi và hài hòa. Hãy tránh chụp ảnh dưới ánh nắng trực tiếp vào buổi trưa. Tuy nhiên, đôi khi bóng đổ hoặc ánh sáng mặt trời có thể làm phong phú thêm bức ảnh. Khi ánh sáng yếu, chút ánh sáng chiếu vào phòng qua khe giữa các tấm rèm cũng rất tốt. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể sử dụng rìa của đối tượng được chụp làm tiền cảnh để lấy nét chủ thể chính.
Cần giảm thiểu hậu cảnh chừng nào đó để làm nổi bật chủ thể chính. Tránh cảnh nền có nhiều chi tiết, để bố cục được gọn gàng và có trật tự. Các phối cảnh, cách phối màu, độ tương phản sáng tối, và cân bằng màu sắc đều quan trọng.
Trên đây chỉ là một số ý kiến để tham khảo. Về kích thước, khổ A4 là 210mm x 297mm. Ở độ phân giải 300 ppi thì là 3508 x 2480. Nhiều máy ảnh hiện có độ phân giải cao như 3840 x 2160 hoặc 4096 x 2160 (8 megapixel). Với ảnh dùng trong các tạp chí định kỳ, kích thước ảnh có thể bằng một nửa A4, thậm chí nhỏ hơn. Trong trường hợp này, ngay cả ảnh được chụp từ điện thoại di động cũng có thể đủ độ phân giải.
Dưới đây là một số bức ảnh ví dụ của các đồng tu ở Trung Quốc kèm theo nhận xét cá nhân của tôi:
Hai bức hình bên trái có nền nhòa đi. Hai bức hình bên phải có tiền cảnh được làm mờ, đều khiến ảnh trông đẹp hơn.
Thêm một ngọn nến nữa vào bức ảnh bên phải làm cho bố cục trở nên cân đối hơn.
Một ngọn nến được thêm vào bức ảnh bên phải, làm cho nó đa chiều hơn.
Trong ảnh bên phải, “không gian trống” phía bên phải rộng hơn.
Bức hình bên trái cho thấy sự tương phản của gam màu nóng và lạnh. Hình bên phải cho thấy hiệu ứng bóng đổ.
Bức ảnh này không đủ khoảng trống giữa các đối tượng với rìa ngoài của ảnh.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/3/7/439738.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/11/199489.html
Đăng ngày 16-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.