Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Ukraine

[MINH HUỆ 08-06-2020] Tâm oán hận là một trở ngại lớn trong quá trình tu luyện của tôi và phải mất một thời gian dài để tôi nhận ra căn nguyên của nó và buông bỏ. Tôi muốn chia sẻ một số kinh nghiệm tu luyện của mình về chủ đề này.

Hầu như ngày nào, tôi cũng cùng các đồng tu học Pháp trực tuyến, và mọi thứ diễn ra tốt đẹp cho đến gần đây, khi có một học viên cao tuổi tham gia vào nhóm.

Khi đến lượt bà ấy đọc, bà ấy nói lắp và hay mắc lỗi, vì thế chúng tôi phải liên tục sửa lỗi cho bà. Ngoài ra, bà ấy còn ho sau mỗi câu và người khác có thể nghe thấy tiếng đờm trong cổ họng bà. Điều này khiến người nghe khá khó chịu.

Có hai lần tôi không thể chịu được, vì thế tôi đã cắt ngang và bắt đầu đọc ngay chỗ bà ấy đang ngập ngừng. Tôi nghĩ rằng khi ấy mình đã làm đúng, bởi tôi cho rằng hoàn cảnh học Pháp phải thật tường hòa và yên tĩnh, và quá nhiều tiếng ồn xung quanh sẽ can nhiễu đến sự tập trung của chúng tôi.

Trong buổi học kế tiếp, tôi nghe thấy người học viên cao tuổi này vẫn đọc như lần trước, vì thế tôi đã thoát ra ngoài ngay sau khi học được một đoạn, và cảm thấy rất khó chịu. Tôi nghĩ: “Sao một học viên lại có thể làm mọi thứ rối tung lên như thế trong giờ học Pháp nhỉ?!”

Ngay sau đó, những lời giảng của Sư phụ hiện lên trong tâm trí tôi:

“Hãy nhìn nhiều hơn vào chỗ tốt của người ta, nhìn ít hơn vào chỗ không tốt của người ta”. (Giảng Pháp vào Tết Nguyên tiêu năm 2003)

Mặc dù vậy, tôi vẫn phải đấu tranh với nghiệp tư tưởng, và nghĩ rằng: “Thậm chí mình còn không biết bà ấy là ai thì sao mình có thể nhìn thấy những điểm tốt của bà ấy kia chứ?”

Tuy nhiên, phần biết của tôi cũng rất mạnh mẽ, và nó cố chính lại những tư tưởng bất hảo của tôi. Vì thế, tôi đã tham gia nhóm học trực tuyến trở lại. Nghiệp tư tưởng lại can nhiễu tôi một lần nữa khi tôi tiếp tục suy nghĩ trong lúc lắng nghe bà ấy đọc: “Bà ấy là ai nhỉ? Sao mình có thể nhìn thấy uy đức của bà ấy trong khi mình còn không biết bà ấy là ai?”

Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn cố nhìn vào những điểm tốt của bà như lời Sư phụ dạy. Khi tôi bắt đầu nhìn nhận mọi thứ từ góc độ này, nút thắt trong tâm tôi đã được gỡ bỏ ngay lập tức và thái độ của tôi thay đổi hoàn toàn: “Người học viên này thực sự tuyệt vời. Dù tuổi đã cao và thân thể không được khỏe, nhưng bà vẫn rất cố gắng học Pháp”.

Thông thường, mỗi người chúng tôi sẽ đọc một hoặc hai đoạn Pháp, sau đó người kế tiếp sẽ tiếp tục đọc, nhưng bà luôn đọc một hoặc hai trang và thực sự rất thích đọc cho dù bà hay đọc sai. Mỗi lần chúng tôi giúp bà sửa lỗi, bà sẽ điều chỉnh ngay và lại tiếp tục đọc.

Tối hôm đó, tôi bắt đầu cảm thấy vui cho bà mỗi khi bà đề cao thêm một chút khi đọc Pháp. Khi đến lượt bà đọc, thay vì cảm thấy khó chịu và bực bội, tôi bắt đầu phát chính niệm để hỗ trợ bà.

Khi chúng tôi học xong, thậm chí tôi còn không nhận ra liệu bà ấy có ho hay không. Tôi cảm thấy rất an hòa, tĩnh lặng và tâm oán hận của tôi đối với bà trước đây đã hoàn toàn tan biến.

Hướng nội khi làm công tác truyền thông

Tôi tham gia làm việc trong hạng mục truyền thông. Có lần, một đồng tu nói với tôi sau khi hiệu đính một bài viết rằng: “Từ này hơi kỳ.”

Tôi đã không tích cực tiếp nhận ý kiến của đồng tu và nghĩ rằng: “Sao lại kỳ chứ? Bản gốc viết như vậy, và từ này vẫn dùng như thế từ xưa tới nay mà!” Một số tư tưởng bất bình bắt đầu khuấy động tâm tôi.

Sau đó, tôi nhớ đến chủ đề về tâm oán hận mà hạng mục chúng tôi đã chia sẻ cách đây không lâu và nhận ra rằng mình đang ôm giữ chủng tâm này. Tôi thầm nghĩ: “Mình nhất định không để nó can nhiễu mình”.

Tôi kiểm tra nghĩa của từ này trong từ điển Khang Hi nổi tiếng. Diễn giải trong từ điển rất toàn diện, đầy đủ, với những ghi chú chi tiết về từ mà tôi đang tìm, từ thời nhà Chu đến thời nhà Thanh.

“Chỉ một từ thông dụng mà chúng ta sử dụng ngày nay, khi kiểm tra kỹ, lại tiết lộ những nội hàm sâu sắc kéo dài từ hàng ngàn năm qua,” tôi thầm nghĩ. “Đồng tu thật có lý khi đặt ra câu hỏi cho mình; ngược lại, điều này còn thể hiện sự cam kết và tinh thần trách nhiệm mạnh mẽ của cô ấy đối với công việc. Có lẽ, đó chính là thệ ước của cô ấy, đã được lập ra từ thuở xa xưa, để xử lý cẩn thận mỗi bài viết mà cô ấy xem qua”.

Khi tôi nhìn sự việc từ góc độ này, tôi đã hiểu vì sao cô ấy lại hỏi tôi về cách dùng từ – cô ấy chỉ vì trách nhiệm đối với công việc, và không hề có chút tư tâm nào.

Thế là mọi sự khó chịu của tôi đều tan biến, và tôi thực sự thấy rất vui khi có cơ hội được làm việc với cô ấy. Khi tôi buông bỏ tâm oán hận, cảm giác từ bi tràn ngập trong tâm tôi. Từ đó trở đi, chúng tôi phối hợp với nhau rất tốt và cả hai chúng tôi đều trân quý cơ hội quý giá được cùng nhau làm việc và tu luyện trong Đại Pháp.

Điểm hóa trong giấc mơ

Tôi đã có một giấc mơ xấu vào ngày 13 tháng 5, Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới. Ai đó đã đánh tôi và hỏi tôi có chịu khuất phục không? Tuy nhiên, tôi đã từ chối. Anh ta tát vào mặt tôi và liên tục hỏi tôi có đầu hàng không. Tôi nói “Không,” và anh ta lại tát tôi tiếp. Sự việc cứ lặp đi lặp lại, cho đến khi tôi đột nhiên nhớ đến lời giảng của Sư phụ về một người nào đó khiến bạn rơi vào tình cảnh không thể ngóc đầu lên được.

Sư phụ giảng:

“Chư vị không những không tức giận hắn, mà trong tâm chư vị còn nên cảm ơn hắn, thật sự cảm ơn hắn”. (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Vì thế, tôi nói với người đàn ông trong giấc mơ: “Sư phụ của tôi nói rằng tôi nên cảm ơn anh”. Sau đó, anh ta ngừng đánh tôi.

Khi tôi thức dậy vào buổi sáng, tôi sờ vào mặt mình. Mặc dù làn da trên bề mặt không đau, nhưng xương dưới da lại ê ẩm. Tôi thầm nghĩ: “Ồ, hóa ra là mình bị đánh thật”. Tuy nhiên, tôi lại không rõ mình đã từ chối làm chuyện gì trong mơ.

Tôi bắt đầu hướng nội. Điều đáng chú ý duy nhất chính là tâm oán hận của tôi. Nó bám rễ sâu trong tôi đến nỗi tôi xem đó là điều hiển nhiên trong cuộc sống của mình.

Ngày hôm đó, tôi rất khó nhập tĩnh khi luyện bài công pháp thứ hai dài một giờ đồng hồ. Tâm tôi đầy sự nhiễu loạn. Hai cánh tay tôi rất nặng nề và tâm tôi cũng thế, nó tràn ngập sự oán hận không thể lý giải được.

“Ngươi đang oán thán điều gì?” Tôi nói với tâm oán hận trong lòng mình, “Không ai quấy nhiễu ngươi cả. Chuyện gì đang xảy ra với ngươi!” Tôi đã thực sự đối mặt với tầng tầng chủng vật chất oán hận này.

Sau đó, tôi nhớ đến hai câu chuyện thời cổ đại. Một trong số đó là câu chuyện về Hy thị, phu nhân của Lương Vũ Đế. Khi còn sống, bà ôm giữ quá nhiều tâm tật đố và oán hận, và đã biến thành một con trăn lớn sau khi chết. Một câu chuyện khác kể về người bạn thân của đại sư An Sĩ Cao thời Đông Hán (năm 25-220 sau Công nguyên). Mặc dù người bạn này làm rất nhiều việc tốt, nhưng ông ta lại có tính khí thất thường và có xu hướng nóng giận khi bị đối xử “bất công”. Vì thế, ông ta cũng hóa thành một con trăn lớn sau khi chết.

Tiếp đến, tôi nhớ trong cuốn “Ma quỷ đang thống trị thế giới chúng ta”, có đề cập rằng chủ nghĩa cộng sản là một con ác ma do hận và các vật chất bại hoại ở tầng thấp của vũ trụ cấu thành. Trong một không gian khác mà chúng ta không thể nhìn thấy, nó có hình dạng của một con rắn, đến không gian bề mặt thì thể hiện dưới hình thức một con rồng đỏ. Nó lợi dụng các loại linh thể ở tầng thấp và ma gây họa loạn nhân gian. Mục đích cuối cùng của con tà linh này là hủy diệt nhân loại.

Đột nhiên, tâm trí tôi trở nên minh bạch hơn và tôi nhận ra rằng tâm oán hận cố chấp của mình có nguồn gốc từ một không gian khác và nó bắt nguồn từ con ác ma này. Tôi nên thanh lý chủng tâm oán hận này từ bản chất của nó. Nó không đơn giản chỉ là một số cảm xúc tiêu cực.

Khi tôi quyết tâm thực hiện việc này, một số câu thơ của Sư phụ hiện lên trong tâm trí tôi: “Thiêu hồng ma, luyện kim cương” và “Kim cương bách luyện thanh thuần hiện” trong bài thơ “Cảm khái”. (Hồng Ngâm IV)

Khi bình tâm lại, tâm trí tôi trở nên tĩnh tại và tôi hoàn thành bài công pháp thứ hai dài một giờ đồng hồ một cách dễ dàng.

Một ngày nọ, khi tôi đang nhẩm Pháp:

“Do đó tâm chẳng dứt được, tâm bứt rứt; có thể tâm [người ấy] vẫn đeo đuổi, vẫn muốn quay đầu lại coi mặt hai vị kia đang nói lời xấu về mình”. (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nghĩ rằng mình phải đột phá mọi can nhiễu của cựu thế lực và kiên định không lay động.

Vào thời điểm đó, chồng tôi cũng đang trải qua một khổ nạn. Bông tăm mà anh thường dùng để lấy ráy tai bị gãy và nằm ở phần tai trong của anh, dẫn đến nhiễm trùng. Nó khiến anh vô cùng đau đớn và mặt anh sưng lên. Thậm chí, anh ấy không thể nói chuyện bình thường được.

Điều này khiến tôi rất lo lắng cho anh. Anh ấy thường đi cùng tôi ra ngoài phát tài liệu giảng chân tướng. Tuy nhiên, giờ đây anh không muốn ra ngoài với tôi vì bị cơn đau hành hạ và gương mặt thì sưng phù. Mâu thuẫn cũng nảy sinh giữa tôi và bố mẹ chồng, vốn là những người không tu luyện. Thời điểm đó, mỗi ngày trôi qua đều như một cuộc chiến đối với tôi.

Khi nhẩm một đoạn giảng Pháp của Sư phụ, một ý niệm hiện lên trong tâm trí tôi: “Nếu phía mặt nhận thức vẫn bảo trì sự kiên định và vững vàng, thì sẽ có sự đột phá”.

Hôm đó, tôi lưu ý đoạn Pháp sau đây trong khi học Pháp.

Sư phụ giảng:

“Tịnh hóa thân thể là vì để mở ra con đường tu luyện cho chư vị”. (Giảng Pháp tại Pháp hội Châu Âu [1998])

Câu này đã để lại một ấn tượng sâu sắc đối với tôi. Tôi hiểu rằng, bất cứ điều gì chúng ta trải qua trong cuộc sống, dù là nghiệp bệnh hay mâu thuẫn, thì chúng đều được Sư phụ từ bi của chúng ta an bài để giúp chúng ta tiến bước trên con đường tu luyện của mình. Vì vậy, tôi phải luôn bảo trì tâm tính của mình.

Những gì diễn ra sau đó rất vi diệu. Tôi thường nhẩm: “Tịnh hóa thân thể là vì để mở ra con đường tu luyện cho chư vị”. Mọi nỗi lo của tôi về tình trạng của chồng mình đều tan biến. Tôi lại nói chuyện và cười đùa với anh ấy như thường lệ và tiếp tục làm những việc mà tôi nên làm. Tôi không còn để tâm quá nhiều đến gương mặt sưng phù của anh ấy và khổ nạn mà anh ấy đang trải qua. Và rồi, dường như anh ấy cũng đã quên nó.

Chúng tôi có rất nhiều chia sẻ giữa các học viên trong hạng mục truyền thông. Có lần, các học viên đưa ra hơn 20 câu hỏi về một trong những bài viết của tôi, khiến tôi mất hơn ba tiếng đồng hồ để trả lời họ và rất bận rộn.

Tôi khắc ghi lời Sư phụ giảng:

“Tịnh hóa thân thể là vì để mở ra con đường tu luyện cho chư vị”. (Giảng Pháp tại Pháp hội Châu Âu [1998])

Vì thế, tôi bảo trì tâm thái tĩnh lặng và biên tập bài viết, cân nhắc các đề xuất của họ mà không hề có bất kỳ tâm oán hận nào như đã từng ôm giữ trước đây.

Vài ngày sau, tôi ra ngoài đi dạo cùng chồng tôi. Tình cờ, tôi nhìn vào gương mặt anh ấy và nhận ra nó đã trở lại bình thường.

Tôi ngộ ra rằng chỉ khi buông bỏ các quan niệm người thường thì chúng ta mới có thể thực sự vượt qua các khổ nạn và Thần tích sẽ xuất hiện.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/8/407391.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/18/185569.html

Đăng ngày 12-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share