Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc Đại lục
[MINH HUỆ 10-06-2020] Tại Liên hoan Phim Venice năm 2001, bộ phim ngắn mang tên “Chuyến xe buýt số 44” đã tạo ra một làn sóng làm chấn động khán giả. Bộ phim đạt giải thưởng đặc biệt theo bình chọn của ban giám khảo (Special Jury Award) ở Venice và tại một số liên hoan phim sau này.
Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật xảy ra tại một vùng núi ở Trung Quốc.
Một ngày nọ, một nữ tài xế đang điều khiển chiếc xe buýt hạng trung trên con đường khúc khuỷu thì có ba “hành khách” bất ngờ rút dao trấn lột tiền của mọi người trên xe buýt. Sau khi lấy được tiền, chúng bắt nữ tài xế dừng xe và đi xuống, còn bảo cô rằng chúng sẽ hãm hiếp cô. Người phụ nữ đã la lớn để cầu cứu khi những tên côn đồ kéo cô xuống xe, nhưng không một ai lên tiếng trước lời khẩn cầu đầy tuyệt vọng của nữ tài xế, ngoại trừ một người đàn ông trung niên gầy yếu mà bọn du côn có thể dễ dàng hạ đo ván.
Người đàn ông kêu gọi hành khách trên xe giúp nữ tài xế, nhưng dường như không ai động lòng trắc ẩn. Họ chỉ yên lặng nhìn nữ tài xế bị bọn côn đồ kéo vào bụi rậm và hiếp dâm tập thể. Một hành khách nói: “Tất cả là lỗi của cô ấy (mà chúng ta bị kẹt ở đây).”
Khoảng nửa tiếng sau, ba kẻ du côn đưa nữ tài xế quay lại. Mặt cô dính máu, quần áo xộc xệch. Nhưng dường như chẳng ai quan tâm, họ chỉ giục cô lái xe tiếp.
Nữ tài xế trấn tĩnh lại và nói với người đàn ông đã cố gắng giúp cô: “Xuống xe đi!” Khi ông từ chối xuống, nói rằng ông không làm gì sai, ông đã cố gắng giúp cô, nữ tài xế nói sẽ không lái xe nếu ông không chịu xuống.
Mọi người trên xe bắt đầu quay sang người đàn ông đó và đuổi ông xuống xe để họ có thể tiếp tục lên đường. Một vài người thậm chí còn cố lôi ông ra khỏi xe trong khi ba tên du côn đùa giỡn về việc họ đã hãm hiếp nữ tài xế vui vẻ thế nào.
Nữ tài xế vứt túi đồ của người đàn ông ra khỏi cửa sổ, và khi ông xuống xe để nhặt nó, cô đã đóng cửa và khởi động xe.
Khi chiếc xe đến gần đỉnh núi, nữ tài xế bỗng tăng tốc. Nét mặt cô bình thản, mà nước mắt lăn dài trên má. Những hành khách trên xe bắt đầu thấy căng thẳng, bảo cô hãy đi chậm lại. Nữ tài xế không nói gì, chỉ giữ tốc độ tối đa cho tới khi chiếc xe lao xuống vực.
Người duy nhất còn sống sót chính là người đàn ông bị ép xuống xe khi nãy – người đã cố gắng giúp cô.
Câu chuyện trên đã đưa ra một cái nhìn về thực tế đáng buồn về sự trượt dốc đạo đức ở Trung Quốc. Sau 70 năm dưới chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), văn hoá truyền thống và các đức tin của Trung Quốc đã bị thế chỗ bằng chủ nghĩa vô thần và thuyết đấu tranh giai cấp, bạo lực và lừa dối của Đảng. Quá nhiều người trong xã hội Trung Quốc ngày nay đã trở nên ích kỷ và vô cảm khi chứng kiến nỗi đau khổ của người khác. Nhưng có thể thấy qua câu chuyện trên, im lặng trước bất công cực độ sẽ phải trả giá.
“Một loại tội ác chưa từng thấy trên hành tinh này”
Trong mọi loại tội ác khủng khiếp đang diễn ra ở Trung Quốc, tội ác tàn độc và chấn động nhất có lẽ là nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn nhắm vào các học viên Pháp Luân Công còn sống.
Pháp Luân Công là môn tu luyện cả thân lẫn tâm dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Môn tu luyện đã mang lại lợi ích cho hàng chục triệu người ở Trung Quốc và trên khắp thế giới.
ĐCSTQ coi sự phổ biến của Pháp Luân Công như một mối “đe dọa” đối với việc kiểm soát tâm trí người dân, vì thế mà Đảng đã phát động một cuộc bức hại tàn bạo đối với môn tu luyện này. Cuộc bức hại vẫn tiếp diễn cho tới ngày hôm nay. Những người dân vô tội là đối tượng bị bắt giữ, tạm giam, bỏ tù, và tra tấn phi pháp, và nhiều người trong số họ đã bị giết để lấy nội tạng.
Tội ác ghê rợn này lần đầu bị đưa ra ánh sáng vào năm 2006 khi vợ cũ của một bác sỹ phẫu thuật từng tham gia các ca cấy ghép như thế tại một bệnh viện ở Thiên Tân bước ra làm chứng.
Tháng 7 năm 2006, ông David Kilgour, luật sư nhân quyền, cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, công bố báo cáo điều tra với kết luận: “… từ năm 1999, chính quyền Trung Quốc và các cơ quan của họ ở nhiều tỉnh thành, các bệnh viện, và cả các trại tạm giam và ‘toà án nhân dân’ đã gây ra không biết bao nhiêu cái chết cho tù nhân lương tâm Pháp Luân Công. Nội tạng của họ như tim, thận, gan và giác mạc hầu như đều bị lấy hết một lượt để bán với giá cao, đôi khi là bán cho người nước ngoài vốn phải chờ rất lâu ở nước họ mới tìm được người hiến tạng.” Báo cáo gọi tội ác này của chính quyền Trung Quốc là “một loại tội ác chưa từng thấy trên hành tinh này”.
Ông Shen Zhongyang, bác sỹ phẫu thuật gan hàng đầu và là cựu giám đốc Trung tâm Cấy ghép Nội tạng ở Bệnh viện Trung ương Số 1 Thiên Tân và Viện Ghép Gan của Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát Vũ trang, được công nhận là “đã hoàn thành gần 10.000 ca ghép gan tính đến năm 2014, chiếm 1/4 tổng số ca ghép gan trên toàn quốc” trong mục giới thiệu về ông này trên trang web Baidu Baike (trang Bách khoa toàn thư Baidu).
Vì thời gian chờ ngắn (từ một tuần đến ba tháng) để tìm được nội tạng ở Trung Quốc, nên nhiều bệnh nhân từ gần 20 quốc gia và khu vực, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Ai Cập, Pakistan, Ấn Độ, Ả-rập Sau-đi, Oman, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan đã đổ sang Trung Quốc để ghép tạng.
Khi cuộc diệt chủng người Do Thái (Holocaust) bị đưa ra ánh sáng, nhiều người đã thề sẽ không bao giờ để chuyện này lặp lại. Nhưng mấy thập kỷ sau, khi tội ác thu hoạch nội tạng có hệ thống diễn ra ở Trung Quốc, các hãng thông tấn và các nhà lãnh đạo trên thế giới lại im lặng vì chịu ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của ĐCSTQ.
Sự im lặng đó đã ngầm cho phép ĐCSTQ tiếp tục các hành vi vô nhân tính của họ.
Nhưng sự im lặng đó đã phải trả giá. Theo ông David Matas, một luật sư nhân quyền nổi tiếng và là người được đề cử cho giải Nobel Hoà Bình năm 2010, đại dịch virus corona mà cả thế giới đang phải hứng chịu lần này là hậu quả của việc nhắm mắt trước những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với Minghui.org, ông Matas cho biết: “Nếu như các nước trên thế giới quyết liệt hơn trong việc chống lại mọi sự bóp méo, che đậy, phủ nhận, và đưa tin sai thực tế khi ứng xử với nạn lạm dụng cấy ghép nội tạng; nếu như cả thế giới kiên quyết yêu cầu tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với nạn lạm dụng cấy ghép nội tạng; và nếu như Trung Quốc phải đối mặt với áp lực toàn cầu về tính minh bạch và giải trình trách nhiệm về hệ thống y tế của họ trong vấn đề lạm dụng cấy ghép nội tạng, thì giờ đây, chúng ta đã không có chủng virus corona này. Chúng ta đang phải chịu hậu quả cho việc nhắm mắt làm ngơ trước nạn lạm dụng cấy ghép tạng.”
Ông Matas cũng cho hay, mặc dù có rất nhiều việc đã được thực hiện để chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch tạng trong thập kỷ qua, nhưng như thế vẫn chưa đủ, bởi đến nay, vấn nạn này vẫn tiếp diễn ở Trung Quốc.
“Đương nhiên là chưa thực hiện được ở cấp chính phủ và liên chính phủ, mà đáng lẽ phải đạt đến bước này. Và lý do là vì chúng ta đang đương đầu với một thế lực địa chính trị, một thế lực hùng mạnh về kinh tế và chính trị, nó không chỉ ra sức ảnh hưởng ở Trung Quốc để giữ vị thế của nó ở Trung Quốc, mà còn ra sức tác động đến toàn cầu để tuyên truyền, gây áp lực, đe dọa, sử dụng đòn bẩy kinh tế và chính trị để bưng bít, phủ nhận, gây hoang mang, bóp méo thực tế.”
“Đối với rất nhiều người trên thế giới, họ chỉ vì lợi ích kinh tế và chính trị mà hợp tác với nó.”
Tham vọng của ĐCSTQ và nguy cơ từ sự nhượng bộ của phương Tây
Thế giới phương Tây từng đặt nhiều kỳ vọng rằng ĐCSTQ sẽ có sự thay đổi tốt đẹp hơn cùng với sự phát triển kinh tế vượt bậc của Trung Quốc trong mấy thập kỷ qua, đặc biệt là sau khi Trung Quốc được gia nhập WTO vào năm 2001. Họ đã cho ĐCSTQ những điều khoản thương mại đầy ưu ái, cũng như cho vay và các hình thức hỗ trợ tài chính khác để thúc đẩy nền kinh tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, thay vì tôn trọng các giá trị căn bản, đạo đức và quy định pháp luật vốn được coi trọng trong thế giới tự do, ĐCSTQ dường như còn trở nên hiếu chiến hơn với tham vọng bá chủ thế giới khi tranh đoạt vị thế siêu cường về kinh tế và quân sự.
Họ đã thúc đẩy mục tiêu này một cách quyết liệt thông qua sáng kiến đầy tranh cãi “Một vành đai, Một con đường” (OBOR) và tham vọng “Made in China 2025”, một chính sách công nghiệp được nhà nước hậu thuẫn nhằm biến Trung Quốc thành nước thống trị ngành sản xuất công nghệ cao toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, ĐCSTQ đã áp đặt chính sách cưỡng chế chuyển giao công nghệ như một điều kiện tiên quyết cho những công ty muốn gia nhập thị trường Trung Quốc, cũng như các điều kiện giao dịch không công bằng nhờ những khoản trợ cấp khổng lồ của chính phủ. Đồng thời, ĐCSTQ còn ăn cắp trắng trợn quyền sở hữu trí tuệ của các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Trên mặt trận quân sự, ĐCSTQ không ngừng tăng ngân sách quân sự, lên tới 237 triệu USD cho năm 2020, cao thứ hai trong số 138 quốc gia. Việc họ ráo riết xây dựng các đảo nhân tạo cấp quân sự ở khu vực biển Đông, nơi có tranh chấp lãnh thổ với Đài Loan, Việt Nam và Philipin, cũng bị nhiều nước coi là hành vi xâm lược ngang ngược làm suy yếu hòa bình và ổn định trong khu vực, ít nhất là như vậy.
Cùng với việc bồi đắp sức mạnh kinh tế và quân sự, ĐCSTQ còn tăng cường thâm nhập lĩnh vực xã hội và kinh tế trên diện rộng ở các nước phương Tây bằng quyền lực mềm như hối lộ, tham nhũng nhằm gây ảnh hưởng và mở rộng cơ sở để tuyên truyền.
Có thể nói ĐCSTQ đã khá “thành công” trong việc tiến tới mục tiêu cao nhất của họ trong mấy thập kỷ qua, mà phần lớn là nhờ vào sự trợ giúp của giới lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp phương Tây.
Sự thật là, trong mấy thập kỷ qua, nhiều lãnh đạo chính phủ và các doanh nghiệp lớn trên toàn thế giới đã thực hiện chính sách “nhượng bộ” khi giao dịch với ĐCSTQ vì những lợi ích kinh tế, thương mại ngắn hạn, vì thế mà giả điếc trước những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ và nguy cơ gây tổn hại cho sự phát triển kinh tế, quyền sở hữu trí tuệ, và/hoặc sự toàn vẹn lãnh thổ của chính quốc gia họ về lâu dài do sự hợp tác đó mang lại.
Một hồi chuông cảnh tỉnh
Thông thường, con người chỉ tỉnh ngộ khi tính mạng của họ sắp gặp nguy hiểm, và đại dịch lần này có lẽ đã thực sự thức tỉnh nhiều người nhận ra bản chất của ĐCSTQ qua những gì họ làm khi dịch bệnh bùng phát. Nhiều người đang bắt đầu nhận ra sự nguy hiểm của việc chơi đùa với sói, đặc biệt khi đó là một con sói hung dữ đội lốt cừu.
Chúng ta đã nhận thấy cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia dân chủ, đã bắt đầu có chung nhận định rằng ĐCSTQ không đáng tin và chính sách nhượng bộ đối với chính quyền độc tài của ĐCSTQ sẽ chỉ dẫn đến nguy cơ làm xói mòn các giá trị và nguyên tắc cơ bản, vốn là cơ sở làm nên tự do và chế độ pháp quyền của họ.
Ví dụ, việc Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập quốc tế về sự bùng phát dịch virus corona đã nhận được sự ủng hộ của 116 quốc gia, trong đó có 54 quốc gia châu Phi, dù rằng ĐCSTQ cực lực phản đối bất cứ cuộc điều tra độc lập nào và đe dọa sẽ đánh thuế nặng lên lúa mạch của Úc và cấm nhập khẩu một lượng thịt bò của Úc.
Giới chức phương Tây, vốn ngại công khai chỉ trích chính quyền ĐCSTQ, một phần vì sợ bị trả đũa, cũng đã để ý tới các hành vi của ĐCSTQ trong khủng hoảng virus lần này.
“Trong những tháng qua, Trung Quốc đã mất đi châu Âu”, ông Reinhard Buetikofer, một nhà lập pháp của Đảng Xanh của Đức, chủ tịch phái đoàn Nghị viện Châu Âu về quan hệ với Trung Quốc cho biết. Ông đã đưa ra các quan ngại, từ việc “kiểm soát sự thật” của Trung Quốc trong giai đoạn đầu của dịch bệnh cho tới lập trường “cực kỳ hung hăng” của Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh và “những tuyên truyền cứng rắn” nhằm truyền bá tính ưu việt của chế độ cai trị của Đảng Cộng sản so với chế độ dân chủ.
Trưởng ban đối ngoại Josep Borrellcủa Liên minh Châu Âu (EU) cũng kêu gọi đàm phán giữa châu Âu và Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc. Theo các báo cáo quốc tế, ông Borrell cho biết hai bên cần phải đứng cùng chiến tuyến để “bảo vệ các giá trị và lợi ích”.
Ông Borrell đề xuất khởi động một “cuộc đối thoại song phương đặc biệt” tập trung vào vấn đề Trung Quốc và những thách thức mà Trung Quốc với “những hành động và tham vọng” của họ đặt ra cho EU và Hoa Kỳ. Ông nói: “Với chúng ta, điều quan trọng là phải sát cánh cùng Hoa Kỳ để chia sẻ những quan ngại và tìm được điểm chung để bảo vệ các giá trị và lợi ích của chúng ta.”
Sự hồi sinh của nhân loại
Đại dịch virus corona dồn dập giáng xuống đã gây ra cho chúng ta nhiều đau thương và tổn thất, cả về thể chất lẫn tinh thần, cả về xã hội lẫn kinh tế. Nhiều người đã mất đi tính mạng và con số này vẫn tiếp tục gia tăng.
Nhưng khủng hoảng cũng là cơ hội để chúng ta gác lại cuộc sống bận rộn mà suy ngẫm.
Anh Đồ Long, một người thuộc thế hệ Y (millennial) ở Bắc Kinh, đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng trước kia, khi có điều không hay xảy ra với đồng bào Trung Quốc của anh, anh tự nhủ mặc kệ, cứ “bình thản mà bước tiếp”. Nhưng đại dịch virus corona đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của anh.
“Khi họ trục xuất những lao động nhập cư ở Bắc Kinh, tôi đã tự nhủ: ‘Mình làm việc rất chăm chỉ, mình cũng không phải là người nhập cư, nên mình sẽ không bị trục xuất đâu.”
“Khi họ xây các trại tập trung ở Tân Cương [cho người dân tộc thiểu số Ngô Duy Nhĩ], tôi đã nghĩ: ‘Mình không phải dân tộc thiểu số, mình không có tín ngưỡng tôn giáo, nên mình sẽ không gặp rắc rối.’”
“Tôi cảm thông với cái khổ của người dân Hồng Kông, nhưng tôi lại nghĩ: ‘Mình sẽ không ra ngoài biểu tình [đòi dân chủ] — chuyện này chẳng có liên quan gì đến mình.”
“Lần này, dịch bệnh ập đến quê tôi. Nhiều người quen của tôi bị nhiễm bệnh, có người đã chết — tôi không thể chịu đựng thêm nữa.”
Có một người bạn từng nói với anh: “Nếu muốn sống ở Trung Quốc thì cậu phải làm được một trong hai việc sau, mà nếu có thể làm được cả hai là tốt nhất: Một là, vứt bỏ lý trí. Hai là, vứt bỏ lương tâm.”
Anh Đồ Long nói anh không thể làm được hai việc trên, và anh đang chuẩn bị rời khỏi Trung Quốc. “Là người sống sót qua đại dịch Vũ Hán, trong phần đời còn lại, tôi phải có nghĩa vụ lên tiếng cho những người đã khuất”, anh nói.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/10/407501.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/28/185672.html
Đăng ngày 05-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.