Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở hải ngoại
[MINH HUỆ 05-04-2020] Có lẽ mọi cảm xúc của con người như niềm vui, niềm tự hào, nỗi thất vọng, hay nỗi buồn đau lại thêm một tầng chấp trước mà cuối cùng trở thành cái vỏ bọc bao quanh lấy họ. Những chấp trước này đôi khi rất khó phát hiện ra. Có lẽ phải trong va chạm mạnh mẽ dưới hình thức mâu thuẫn, nó mới hiển lộ.
Sư phụ giảng:
“Do vậy sau này khi luyện công, chư vị sẽ gặp các dạng các loại ma nạn. Không có những ma nạn ấy hỏi chư vị tu ra sao? Mọi người ai với ai cũng tốt, không có xung đột về lợi ích, không có can nhiễu nhân tâm, chư vị ngồi nơi kia [hỏi] tâm tính đề lên cao là sao? Như thế không thể được.” (Chuyển Pháp Luân)
“Tuy nhiên thường khi mâu thuẫn đến, [nếu] chẳng làm kích động đến tâm linh người ta, [thì] không đáng kể, không tác dụng, không đề cao được.” (Chuyển Pháp Luân)
Khi một người bị kích động, họ thường cảm thấy rất khó chịu, nhưng đây chính là một cơ hội tốt để tu bỏ đi chấp trước của mình. Nếu trong mâu thuẫn mà có thể thanh tỉnh và không bị ma lợi dụng thì chính là đã đạt được một bước đột phá trong tu luyện. Đó cũng là một cơ hội để tu xuất tâm từ bi.
Tu luyện bản thân trong mâu thuẫn
Sau khi tôi rời khỏi Trung Quốc, cha mẹ tôi đã đến thăm tôi. Tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt để tôi giảng chân tướng cho họ. Lúc ấy, các cuộc biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông chống lại dự luật dẫn độ đang diễn ra. Tôi đã đặt báo Epoch Times và bày nó ở trong phòng khách. Ngày hôm sau, cha tôi hét lên: “Ba có một số bạn bè ở Hồng Kông. Họ nói rằng điều này không đúng. Con không nên đọc những thứ này.” Sau khi nghe cha nói, cơn tức giận của tôi bỗng nổi lên và tôi đã đáp lại bằng những ngôn từ sắc sảo.
Tôi nghĩ: “Mình tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng và kiếm được bằng thạc sỹ ở một nước phương tây. Hơn nữa, mình còn làm việc cho một công ty quốc tế lớn và tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin. Ba thậm chí còn không có bằng đại học. Ba thì biết gì chứ?”
Từ nhỏ tới giờ, tôi chưa bao giờ bị cha la lớn tiếng như vậy, nên tôi đã không thể nhịn được. Tôi cố gắng giảng chân tướng cho cha về cuộc bức hại, nhưng dường như ai to tiếng hơn sẽ là người thắng cuộc, lý tính và lôgic cũng không còn chỗ đứng nữa. Mẹ tôi cũng tham gia vào vụ cãi lộn. Bà phàn nàn: “Con không nên tham gia vào bất kỳ cuộc diễu hành hay tụ tập nào cả. Đừng để cho người khác lợi dụng con!”
Tôi định cãi lại. Tuy nhiên, những lời nói của bà đã khiến tôi chú ý. Tôi biết rằng Sư phụ đang điểm hóa cho tôi. To tiếng và nói những lời tổn thương đều là ma tính bộc phát. Đây không phải là cách để cứu người. Tôi nhanh chóng nén lại cảm xúc và cố gắng bình tĩnh lại. Lúc này, tôi phát hiện hai gò má của mình nóng hừng hực, nhưng tay chân lại lạnh như băng. Người tôi vã mồ hôi và tìm đập rất nhanh.
Trong suốt mấy ngày tiếp theo, tôi và cha mẹ không ngừng tranh luận. Tôi liên tục tìm cách để giúp họ hiểu rõ sự tà ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng cha mẹ tôi phủ nhận tất cả những gì tôi nói. Tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Người chồng người nước ngoài của tôi luôn cố gắng làm dịu tâm trạng của chúng tôi và pha trò cười cho mọi người bằng một số từ tiếng Trung vụng về mà anh ấy biết.
Mỗi khi giọng nói của tôi trở nên nghiêm nghị khi nói chuyện với cha mẹ, anh ấy sẽ bật ra một từ tiếng Trung “Chuyện phiếm” khiến mọi người đều buồn cười. Anh thường gọi tôi là “Giáo sư Trần”, sau đó khoa trương bắt chước bộ dạng của tôi khiến cha mẹ tôi phải bật cười. Đương nhiên, tôi không phải là một giáo sư. Tôi ngộ ra rằng Sư phụ đã điểm hóa cho tôi để nhắc nhở tôi rằng thái độ của tôi đối với cha mẹ mình là chưa đúng. Tôi luôn giảng giải cho họ! Đây chính là biểu hiện của tâm lý hiển thị, và luôn cho là mình đúng. Cách cư xử của tôi hoàn toàn trái ngược với những gì Sư phụ dạy:
“Đối đích thị tha
Thác đích thị ngã
Tranh thậm ma” (Thùy thị thùy phi, Hồng Ngâm III)
Tạm dịch:
“Cái đúng là họ
Cái sai là mình
Còn tranh gì nữa”
Một lần, sau khi tình cờ nghe được cuộc nói chuyện giữa cha mẹ, tôi chợt nhận ra rằng họ rất sợ ĐCSTQ và lo tôi sẽ bị bắt. Điều này cho thấy cha mẹ tôi biết rằng ĐCSTQ là không tốt. Ngoài ra, họ đều có lương hưu và có cuộc sống rất thoải mái. Tâm sợ hãi và tâm cầu an nhàn của họ đã khiến cho họ bị ĐCSTQ khống chế. Đây là một thủ đoạn mà ĐCSTQ luôn sử dụng. Trước tiên nó cho người dân thấy hậu quả của việc chống lại nó; và sau đó cho họ thấy nếu nghe theo nó thì sẽ có kết quả tốt đẹp như thế nào. Loại thủ đoạn này đã được Trung Cộng sử dụng một cách trường kỳ khiến người dân không phân biệt được đúng sai tốt xấu. Tôi không biết mình phải làm thế nào để có thể giúp họ nhìn rõ sự thật. Sư phụ giảng: “Chính niệm khả cứu thế trung nhân” (Pháp chính càn khôn, Hồng Ngâm II). Có lẽ tôi chưa làm tốt là bởi vì chính niệm của tôi chưa đủ.
Tôi bắt đầu bằng việc xin lỗi cha mẹ. Tôi nói: “Ba mẹ, con xin lỗi. Thời gian vừa rồi thái độ của con không tốt. Ba mẹ cũng biết rõ từ trước đến nay con làm việc đều có chừng mực, sẽ không liều lĩnh làm bất kỳ việc gì. Ba mẹ không nên lo lắng cho con.” Từ bé đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi xin lỗi cha mẹ. Trong tâm tôi thầm cảm ơn Sư phụ vì đã giúp tôi có một bước đột phá như thế này. Nói xong, tôi gần như bật khóc, cả mẹ tôi cũng vậy. Cha tôi nói: “Vậy là được rồi, ba mẹ yên tâm rồi.” Chồng tôi không hiểu chúng tôi nói chuyện gì với nhau. Anh ấy nhìn trái nhìn phải rồi liên tục hỏi: “Giáo sư Trần vừa nói gì vậy?” khiến mọi người bật cười. Tôi cảm ơn Sư phụ vì đã an bài một người chồng vừa kiên nhẫn vừa khôi hài ở bên cạnh tôi, lúc nào cũng nhắc nhở tôi và giúp tôi đề cao.
“Quan quan đô đắc sấm
Xứ xứ đô thị ma” (Khổ kỳ tâm chí, Hồng Ngâm)
Tạm dịch:
“Cửa nào cũng phải qua
Chỗ nào cũng là ma”
Tuy nhiên, sau khi xin lỗi cha mẹ, tôi vẫn không khống chế tốt bản thân và đã cãi lộn với họ hai hoặc ba lần nữa. Cha tôi hét lên với tôi: “Sao con lại có thể nói chuyện như thế được! Làm phụ nữ thì không thể cứ cứng rắn như vậy. Con càng nói càng sai!” Mẹ tôi nói: “Con lúc nào cũng rất kiêu ngạo!” Tôi tiếp tục cãi lại cho đến khi cha tôi nói: “Có phải Pháp Luân Đại Pháp đã khiến con cư xử như thế này phải không?” Tôi giật mình và nhận ra rằng tôi đã làm mất uy tín của Đại Pháp. Vì vậy tôi đã dừng lại. Đêm hôm đó, tôi rất buồn. Tôi đã không ngừng phát chính niệm. Tại sao giảng chân tướng cho cha mẹ lại khó như vậy? Chẳng phải như thế có nghĩa là tôi không cứu được họ sao?
Sư phụ giảng:
“ Khi nghiệp lực đang trong quá trình chuyển hoá, để có thể giữ vững bản thân—chứ không biểu hiện như người thường vốn hay làm sự tình tệ hơn—thì bình thường chúng ta [luôn] phải bảo trì tâm từ bi, tâm thái hoà ái. Khi đột nhiên gặp một vấn đề nào đấy, thì chư vị sẽ có thể xử lý nó được tốt. [Nếu] thông thường toàn tâm của chư vị luôn hoà ái từ bi như thế, [thì] khi đột nhiên xuất hiện vấn đề, chư vị sẽ có thêm một khoảng hoà hoãn, [để] cân nhắc thêm. [Còn nếu] trong tâm cứ luôn nghĩ đến tranh [đấu] với người khác, đấu [tranh] này khác, [thì] tôi nói rằng hễ gặp vấn đề là chư vị liền gây sự với người ta; đảm bảo là như vậy. Do đó [khi] chư vị gặp mâu thuẫn nào đấy, [thì] tôi nói rằng [đó] là để vật chất màu đen của bản thân chư vị chuyển hoá thành vật chất màu trắng, chuyển hoá thành đức.” (Chuyển Pháp Luân)
Tôi cảm thấy rất hổ thẹn! Sao tôi có thể đối xử với cha mẹ mình như thế này! Cách hành xử của tôi cách trạng thái từ bi hòa ái là bao xa! Tôi chưa bao giờ cãi lộn như vậy với người khác nhưng lại làm vậy với cha mẹ của mình. Sư phụ đã cho tôi cơ hội để tu bản thân nhưng tôi đã không làm tốt. Những ngày còn lại trong chuyến thăm của cha mẹ, tôi đã tránh không nói về ĐCSTQ và cha mẹ tôi cũng vậy.
Suy ngẫm và giác ngộ
Không lâu sau khi cha mẹ tôi trở về Trung Quốc, virus Trung Cộng (virus corona) bắt đầu tàn sát nhân loại. Một hôm, tôi và em họ của tôi có một cuộc trò chuyện video với nhau. Em kể với tôi rằng mẹ của tôi đã đến hỏi mẹ em cách niệm chín chữ chân ngôn của Pháp Luân Đại Pháp. Mẹ của em đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được hơn 20 năm, còn tôi mới bắt đầu tu luyện sau khi tôi rời Trung Quốc cách đây hai năm. Tôi rất kinh ngạc và hỏi em câu chuyện diễn ra như thế nào. Em vừa cười vừa nói: “Mẹ em nói với mẹ chị hãy niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo; Chân-Thiện-Nhẫn hảo’ và nhắc mẹ chị nói lại nhiều lần cho đến khi bà nói đúng cụm từ này.”
Tôi thực sự không dám tin! Mặc dù mẹ tôi không gia nhập ĐCSTQ nhưng bà luôn khen ngợi nó. Lần này, bà đã thực sự khiến tôi cảm động. Tôi nhớ lần trước khi cha mẹ đến thăm tôi, hàng ngày tôi đều luyện công ở ngoài ban công, và mẹ đã đứng xem tôi luyện công. Tuy nhiên, bà đã từ chối luyện cùng tôi.
Một lần, chứng váng đầu của bà bùng lên khiến bà không ăn được trong vài ngày. Bà cảm thấy chóng mặt và buồn nôn, nhưng không nôn được. Tôi bảo bà hãy luyện công cùng tôi, nhưng bà nói rằng bà cảm thấy rất choáng váng, không đứng nổi. Tôi nói bà hãy thử một chút. Bà liền đứng dậy và học bài công pháp thứ nhất. Khi luyện đến lần thứ hai, bà bỗng chạy nhanh vào nhà vệ sinh và nôn ra. Sau đó, bà cảm thấy khỏe hơn.
Vài ngày sau, bà đã hoàn toàn bình phục mà không phải uống thuốc. Tuy nhiên, bà vẫn không muốn luyện công. Tôi chia sẻ với bà một số Pháp lý mà tôi ngộ được. Bà lắng nghe tôi nói và thậm chí còn hỏi tôi một số câu hỏi. Tôi ngộ ra rằng việc tôi kiên trì giảng chân tướng cho bà là có tác dụng! Tuy rằng ở bề mặt, người nghe có phản kháng, nhưng dù sao họ cũng nghe được chân tướng.
Tôi cũng hiểu rõ hơn tại sao Sư phụ giảng: “Chính niệm khả cứu thế trung nhân.” Trước đây, khi giảng chân tướng cho cha mẹ, tôi có tâm chấp trước rất mạnh mẽ và những lời mà tôi nói ra không có uy lực. Chấp trước mạnh mẽ và những lời nói gây tổn thương của tôi không thể cứu người được.
Tôi còn có thêm một lĩnh ngộ quan trọng nữa. Khi giảng chân tướng, trước tiên tôi nên nói đến vẻ đẹp của Đại Pháp. Tôi nhớ lại, khi tôi bắt đầu tu luyện và nói với cha mẹ về điều này, mặc dù họ không vui vẻ, nhưng họ cũng không phản đối bởi họ biết rằng luyện công có thể giúp cho thân thể tôi khỏe mạnh. Chồng của tôi đã chỉ ra cho tôi: “Em không nên lúc nào cũng nói với ba mẹ là ĐCSTQ không tốt và đất nước Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ là không tốt. Họ cảm thấy em đang phá tan ý thức về bản sắc dân tộc của họ. Không ai có thể chịu đựng được những lời buộc tội và chỉ trích của em!” Một người thường cũng có thể nhìn thấy điều này một cách rõ ràng. Vì vậy tôi phải chú ý hơn, tu luyện bản thân một cách nghiêm túc và trân quý từng mâu thuẫn để đề cao bản thân.
Giảng chân tướng là một quá trình tu luyện rất tốt, đặc biệt là giảng chân tướng cho người thân. Mỗi cuộc gọi điện thoại đều là một khảo nghiệm đối với tôi. Tôi có lịch sự không? Tôi có hiển thị bản thân không khi nói những chuyện mà chính mình vẫn chưa nắm chắc? Tôi có bất bình không? Tôi có đo lường mọi thứ dựa trên Pháp không? Đối với tôi, mỗi cuộc gọi điện thoại là một cơ hội để đề cao bản thân và đột phá trong tu luyện.
Cha mẹ tôi vẫn bị những lời dối trá của ĐCSTQ bịt mắt và bị những chiến dịch tuyên truyền của nó làm dao động. Điều này cũng có nghĩa là tôi cần đề cao tâm tính của bản thân khi nói chuyện với họ. Việc tôi có thể kiểm soát tốt bản thân được hay không và không khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn phụ thuộc vào mức độ tôi có thể tiếp thụ các Pháp lý và đo lường mọi thứ dựa trên Pháp.
“…một mực đề cao tâm tính bản thân mình” (Chuyển Pháp Luân)
“Chư vị chỉ cần đề cao tâm tính của mình, công của chư vị sẽ tăng trưởng” (Chuyển Pháp Luân)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/5/403390.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/10/184416.html
Đăng ngày 06-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.