Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
[MINH HUỆ 15-01-2020] Năm 2005, tôi bắt đầu học thuộc Pháp, ban đầu là các bài giảng ngắn của Sư phụ như Hồng Ngâm, Tinh Tấn Yếu Chỉ. Trước khi có thể thuộc được bài giảng thứ nhất trong sách Chuyển Pháp Luân, tôi đã thôi không học thuộc Pháp một thời gian dài do trong tâm chứa đựng nhiều chấp trước chưa buông bỏ được.
Hai năm gần đây, tôi đọc rất nhiều bài viết của các đồng tu trên Minh Huệ chia sẻ kinh nghiệm học thuộc Pháp. Sau đó, tôi quyết tâm vượt khỏi quan niệm cho rằng bản thân đã quá lớn tuổi (năm nay tôi 80 tuổi) để học thuộc Pháp. Vì thế, năm ngoái, tôi bắt đầu quay lại học thuộc sách Chuyển Pháp Luân.
Để học thuộc Pháp, tôi lựa chọn cách học thuộc từng đoạn ngắn, đọc qua vài lượt và học thuộc lòng đoạn Pháp đó. Sau đó, tôi học thuộc nhiều lần đoạn Pháp cho đến khi không bị quên hay bỏ sót từ nào. Đối với các đoạn Pháp dài hơn, tôi chia thành hai đến ba đoạn nhỏ trước khi nối chúng lại với nhau và đọc thành một đoạn hoàn chỉnh.
Trong quá trình học thuộc Pháp, tôi sẽ đọc đi đọc lại các cụm từ mà tôi bị quên một hoặc vài từ, nhằm giúp tôi ghi nhớ tốt hơn. Bằng cách này, tôi có thể dễ dàng học thuộc các từ một cách chuẩn xác. Nhưng khi làm vậy, tôi lại không nhớ một đoạn hoàn chỉnh. Tôi có suy nghĩ, nếu mình cứ học thuộc như vậy thì đến khi nào bản thân mới học thuộc hết sách Chuyển Pháp Luân.
Sư phụ giảng:
“Học Pháp bất đãi biến tại kỳ trung”. (Tinh Tấn Chính Ngộ, Hồng Ngâm II)
Diễn nghĩa:
“Học Pháp không chểnh mảng, biến hoá đều trong đó cả”. (Tinh Tấn Chính Ngộ, Hồng Ngâm II)
Tôi học thuộc Pháp với mục đích khắc sâu mỗi câu mỗi từ trong bài giảng của Sư phụ trong tâm trí để bản thân được đắm mình trong Pháp, và tu luyện tốt. Chính vì vậy, tôi không cần quan tâm đến việc học thuộc nhanh hay chậm. Ngoài thời gian giảng chân tướng và phát chính niệm, tôi cố gắng tận dụng thời gian còn lại để học thuộc Pháp bằng cách kết hợp giữa cách đọc qua một lượt và học thuộc Pháp. Tôi kiên trì làm theo cách này liên tục trong 8 tháng và lần đầu tiên tôi đã thuộc được tất cả các bài giảng trong sách Chuyển Pháp Luân. Đến lần thứ hai, việc học thuộc trở nên nhanh hơn nhiều so với lần đầu.
Trong quá trình học thuộc Pháp, tôi thấy mình có thể tập trung tư tưởng tốt hơn, vì nghiệp tư tưởng không còn xuất hiện nhiều, giúp tôi cũng học thuộc Pháp được nhanh hơn. Đến hiện tại, tôi đã có hai lần học thuộc sách Chuyển Pháp Luân.
Tinh tấn tu luyện thông qua việc học thuộc Pháp
Thông qua việc học thuộc Pháp, tôi có thể ngộ sâu sắc hơn về nội hàm trong Pháp mà Sư phụ giảng. Tôi cũng nhận thức sâu sắc hơn về nội hàm đằng sau mỗi câu mỗi từ Sư phụ giảng. Nếu một người thực sự muốn tu luyện, Pháp sẽ triển hiện trong mỗi lời nói và hành động của người đó, giúp họ sớm nhận ra chấp trước cần phải tu khứ.
Lấy một ví dụ, đầu năm nay, một học viên trong nhóm học Pháp của tôi chia sẻ, trang Minh Huệ có ra thông báo về việc thay đổi thời gian luyện bài công pháp thứ hai lên thành một tiếng và có nhạc mới cho các bài công pháp. Lúc đó, tôi thấy ngờ vực về thông tin này. Nhưng sau khi xem thông báo này trên Minh Huệ, tôi lập tức nhận ra suy nghĩ của mình lúc đó là sai. Tôi hiểu rõ mình không thích luyện bài công pháp thứ hai một tiếng đồng hồ vì bản thân sợ khó khăn. Chính vì tôi có chấp trước vào tâm lo sợ mà tôi không thể kiên trì tập hết động tác thứ ba của bài công pháp thứ hai. Tôi thầm nhắc nhở bản thân đây là yêu cầu của Sư phụ và tôi phải thực hiện được yêu cầu này.
Sư phụ giảng:
“Nan Nhẫn năng Nhẫn, nan hành năng hành”. (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)
Nhưng rồi tôi vẫn không thể luyện hết được động tác thứ tư của bài công pháp này, và nó cứ diễn ra như thế trong khoảng ba ngày. Đến một hôm, tôi lại có suy nghĩ năm bài công pháp cần phải được thực hành liên tục đầy đủ, nếu tôi luyện bài công pháp thứ hai thành hai lần, mỗi lần nửa giờ thì chẳng phải là tôi đã luyện được bài công pháp này được một giờ ư?
Trên đường về nhà sau khi tham gia học Pháp nhóm, đột nhiên tôi có cảm nhận Sư phụ đang điểm hóa điều gì đó để tôi nhận ra khi tôi thay đổi thời gian luyện bài công pháp thứ hai. Vừa về đến nhà, tôi nhanh chóng xem lại các bài giảng gần đây của Sư phụ. Một cách tình cờ, tôi đọc đến đoạn Sư phụ trả lời câu hỏi của một học viên.
Sư phụ giảng:
“Sư phụ yêu cầu mọi người làm thế nào thì hãy làm như thế, trong Pháp yêu cầu thế nào thì chư vị hãy làm như thế, là như vậy. Không được tự mình đơn độc làm ra cái dạng gì khác”. (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)
Tôi đã bị chấn động khi đọc đến đoạn Pháp này. Sư phụ, con sai rồi. Nước mắt tôi tuôn rơi, chẳng phải thông báo trên Minh Huệ chính là yêu cầu của Sư phụ đối với các đệ tử sao. Đến sáng hôm sau, trước khi luyện các bài công pháp, tôi nhẩm lại một câu trong bài giảng của Sư phụ:
“Nếu dốc lòng quyết tâm, khó khăn nào cũng không ngăn được, [thì] tôi nói rằng, [nó sẽ] không thành vấn đề”. (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
Sau cùng, tôi cũng luyện được bài công pháp thứ hai trọn vẹn một tiếng đồng hồ. Mặc dù tôi đã cố gắng thu xếp thời gian luyện công, nhưng tôi vẫn tự hỏi mình có chấp trước gì để dẫn đến sai lầm này. Tôi phải tìm được gốc rễ của vấn đế và tu khứ nó đi. Tôi đọc đến đoạn Pháp này trong lúc học thuộc Pháp:
“Có người tập trạm trang, các bắp tay mỏi, chịu không được, liền hạ xuống; hoàn toàn không có tác dụng. Một chút khổ ấy có đáng kể gì? Tôi nói rằng [nếu] chư vị luyện công giơ tay như thế mà tu thành được thì đúng là quá ư dễ dàng”. (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
“‘Khổ cái tâm chí’ mới là then chốt đề cao tầng thực sự”. (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
Tôi ngộ ra chính chấp trước vào tâm sợ hãi, sợ phải nhọc công là nguyên nhân gây ra vấn đề. Lấy thí dụ về tâm sợ hãi. Từ lâu tôi biết mình có chấp trước này nhưng lại suy nghĩ một cách đơn giản các vấn đề xuất hiện chỉ liên quan đến việc cứu độ chúng sinh. Trong quá trình chuyên tâm học thuộc Pháp, tôi có thể ngộ sâu sắc hơn về Pháp Sư phụ giảng:
“Tu luyện chính là tu luyện, tu luyện chính là vứt bỏ chấp trước, vứt bỏ những hành vi bất hảo và các loại tâm sợ hãi của con người, bao gồm cả tâm sợ hãi này của người ta”. (Vượt qua cửa tử, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)
“Tâm sợ hãi sẽ khiến người ta làm điều sai lạc, tâm sợ hãi sẽ khiến người ta mất đi cơ duyên, tâm sợ hãi là một ‘cửa tử’ [trên con đường] từ người trở thành Thần”. (Vượt qua cửa tử, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)
Tôi cũng nhận ra chính mình bị tuyên truyền của ĐCSTQ đầu độc rất sâu, khiến cho những ý niệm, suy nghĩ… của bản thân đều mang nặng tư tưởng của Đảng. Chỉ có tu luyện theo yêu cầu của Sư phụ mới có thể thoát ra được.
Đối diện với nghiệp bệnh bằng chính niệm
Trước khi bước vào tu luyện, tôi luôn phải dùng thuốc để trị bệnh. Tôi mắc nhiều căn bệnh mãn tính, nghiêm trọng nhất là bệnh rối loạn thính lực. Nó là căn nguyên gây cho tôi tình trạng mất ngủ và ngất xỉu. Sau khi bước vào tu luyện, tôi đã khỏi bệnh, và từ lúc đó tôi mới cảm nhận được thân thể nhẹ bẫng là thế nào. Qua hơn 20 năm tu luyện, cũng có nhiều lần nghiệp bệnh xuất hiện trở lại nhưng tôi đều coi nhẹ hoặc không thừa nhận chúng. Tôi không còn phải dùng đến thuốc. Tuy nhiên, tu luyện là một việc rất nghiêm túc, đặc biệt là vào giai đoạn này. Nếu tôi có bất kỳ sơ hở nào trong tu luyện của tôi, tà ác sẽ lập tức dùi vào.
Vào một buổi chiều tháng 10 năm ngoái, khi đang chuẩn bị phát chính niệm thì tôi có cảm giác ớn lạnh. Nên tôi mặc thêm một chiếc áo sơ mi và ngồi trên giường theo tư thế song bàn. Đột nhiên, tôi thấy rùng mình, choáng váng đầu óc. Tôi nắm chặt tay vào đầu giường. Tôi thấu hiểu đây là bức hại của tà ác, vì vậy tôi cầu xin Sư phụ giúp.
Lúc đó không có người nào ở nhà, nên tôi cố dùng hết sức để hét lên “Pháp chính càn khôn”. Nhưng không sao mở được miệng trong khi mắt không mở nổi. Tôi có cảm giác như mình sắp ngã xuống đất, nên nắm chặt tay vào đầu giường. Ngay sau đó, cháu tôi về đến nhà. Cháu mở cửa – đây chắc chắn là an bài của Sư phụ – và sửng sốt khi thấy tôi trong trạng thái đó. Cháu nhanh chóng chạy đến đỡ tôi. Tôi dùng hết sức để nói: “Pháp….”. Thấy vậy, cháu nhanh chóng hô to: “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, trước khi gọi cho mẹ cháu. Khi đó, tôi đã bị rơi vào tình trạng mất ý thức.
Con gái tôi về đến nhà thấy vậy cũng hô to câu này hai lần giúp tôi. Tôi mơ hồ nhận thức được một chút và lờ mờ nghe thấy hai từ “bệnh viện”. Lập tức tôi líu lưỡi nói “Kiều”. Con gái tôi hiểu ra tôi muốn nhắc đến một học viên ở gần nhà chúng tôi, nên vội kêu cháu trai tôi chạy đến nhà người học viên kia, còn cháu ở lại trông chừng tôi.
Một lúc sau, người học viên đến và phát chính niệm hỗ trợ. Dần dần, tôi cũng tỉnh lại, nhưng cơ thể vẫn còn rất yếu. Khoảng hơn một tiếng sau, người học viên quay về nhà cô ấy. Lúc đó tôi đã tỉnh táo nên bắt đầu phát chính niệm và cầu xin Sư phụ gia trì. Được một lúc thì tôi nôn thốc nôn tháo. Người nhà tôi thay phiên nhau chăm sóc tôi đến tận khuya. Đến hôm sau, tôi kiên trì học Pháp, luyện công và hướng nội, tự mình xem xét lại mọi suy nghĩ. Tuy nhiên, sinh mệnh tà ác vẫn không chịu từ bỏ bức hại tôi.
Đến đêm thứ ba, tà ác tiếp tục bức hại tôi. Khi chuông báo thức thời gian phát chính niệm lúc nửa đêm tắt đi, tôi ngồi dậy để phát chính niệm, nhưng cơ thể tôi lại run lẩy bẩy. Dẫu vậy, tôi vẫn không màng tới điều đó, tiếp tục ngồi trong tư thế song bàn, và thầm nói với các sinh mệnh tà ác: “Niềm tin của ta vào Pháp và Sư phụ luôn vững như bàn thạch. Ta muốn theo Sư phụ hoàn thành sứ mệnh cứu độ chúng sinh. Dù ta có sơ hở trong tu luyện thì các ngươi cũng không được phép bức hại ta. Ta sẽ chính lại bản thân theo Đại Pháp”. Tôi cầu xin Sư phụ gia trì và phát chính niệm hơn nửa giờ đồng hồ. Sau đó, tôi nhẩm Pháp và niệm đi niệm lại “Pháp Luân Đại Pháp hảo. Chân-Thiện-Nhẫn hảo”.
Đúng như Sư phụ giảng:
“Đệ tử chính niệm túc
Sư hữu hồi thiên lực”. (Sư Đồ Ân, Hồng Ngâm II)
Tạm dịch:
“Đệ tử chính niệm đủ
Thầy có lực hồi thiên”. (Sư Đồ Ân, Hồng Ngâm II)
Trong quá trình học thuộc Pháp, cơ thể tôi ngừng run rẩy và đến ngày hôm sau, mọi thứ đã trở lại bình thường. Nghiệp bệnh gây ra cảm giác vô cùng thống khổ nhưng cũng biến mất rất nhanh. Trải qua tình cảnh này, tôi càng nhận thức rõ tu luyện là nghiêm túc như thế nào, đặc biệt với người cao tuổi. Nếu có bất cứ thời điểm nào, việc tu luyện của chúng ta không đáp ứng tiêu chuẩn và chúng ta mang theo chấp trước, thì sẽ thực sự vô cùng nguy hiểm.
Tôi nhanh chóng tìm thấy lý do khiến tà ác bức hại tôi. Một thời gian trước, con trai tôi đang làm việc ở ngoại thành, về nhà thăm tôi. Tôi nói với cháu giờ tôi đã lớn tuổi nên việc đi chợ và nấu nướng rất vất vả với tôi. Có lẽ tôi nên đến nhà dưỡng lão để được chăm sóc ở đó.
Nơi nào là nhà dưỡng lão chứ? Chẳng phải nó là tâm chấp trước, mong muốn được an nhàn thoải mái ư. Đây rõ ràng là một suy nghĩ ích kỷ. Sao suy nghĩ này có thể phù hợp với một học viên Đại Pháp chứ? Nó đã hoàn toàn lệch khỏi Pháp. Thật nguy hiểm! Trong nhiều năm qua, để giữ hòa khí trong gia đình, giúp đỡ con gái để cháu có điều kiện ra ngoài làm việc và giúp cháu trai ăn học, tôi phụ trách việc đi chợ và nấu nướng. Bên cạnh đó, tôi cố gắng thu xếp thời gian ra ngoài giảng chân tướng Đại Pháp và cứu độ chúng sinh. Gia đình và xã hội đều là môi trường tu luyện của tôi, tại sao tất cả những chấp trước này lại nổi lên?
Sư phụ giảng:
“Tư duy, lối nghĩ của con người, các chủng quan niệm hình thành trong bộ não, đều là hình thành qua thời gian lâu dài mà chư vị ở xã hội này tiếp xúc với các loại sự việc, tuổi đời càng lớn thì tích luỹ càng lắm…” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2010)
Lời kết
Tôi chưa bao giờ ngừng học Pháp và luyện công từ khi bước vào tu luyện 20 năm trước. Tuy nhiên, đến giờ tôi mới ngộ được là mình đã không tinh tấn tu luyện. Vì lẽ đó, các chủng quan niệm đã dần tích tụ qua nhiều năm và bắt đầu can nhiễu khi có chấp trước nào đó nổi lên. Chỉ khi chúng ta học thuộc Pháp, kiên định học Pháp và đắm mình trong Pháp, mới có thể tu khứ các chấp trước và nghiệp tư tưởng, lúc đó việc tu luyện mới thực sự có cải biến.
Nhớ lại quãng thời gian hơn 20 năm tu luyện đã qua, Sư phụ thực sự đã phải chịu khổ rất nhiều để cứu chúng ta, từ bi bảo hộ chúng ta và luôn dẫn dắt chúng ta. Sư phụ đã đưa tôi bước đi trên con đường tu luyện chân chính. Không có Sư phụ cứu độ thì sẽ không có tôi hôm nay.
Không một ngôn từ nào có thể diễn tả được lòng biết ơn của tôi với Sư phụ tôn kính. Chỉ có thể thông qua chăm chỉ học Pháp thật tốt, tu luyện tinh tấn và làm tốt ba việc, mới có thể giảm bớt gánh nặng này của Sư phụ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/1/15/398857.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/2/14/183232.html
Đăng ngày 26-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.