Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 01-10-2019] Tôi từng nghe kể về câu chuyện một vị khách đến một tiệm ăn, ông tiện thể mời con gái nhỏ của bà chủ quán một miếng. Cháu bé từ chối: “Mẹ cháu không cho cháu ăn đồ trong nhà hàng mình nấu ạ, vì nó không sạch sẽ.”
Câu chuyện trên chỉ ra một hiện tượng đáng buồn đang diễn ra ở Trung Quốc: Chủ nhà hàng không ăn đồ do cửa hàng mình nấu vì biết rõ bên trong có gì; chủ thầu không dám ở nhà họ xây. Người bán sữa không dám uống đồ mình kinh doanh; đơn vị sản xuất vắc-xin không đời nào tiêm phòng loại thuốc mà chính họ sản xuất.
Khi con người chỉ chăm chăm lừa gạt nhau để tồn tại thì tất cả đều trở thành nạn nhân. Nhu cầu sống cơ bản như ăn mặc ngủ đều trở thành căn nguyên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và hạnh phúc con người. Giá trị truyền thống “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” hay “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” đều đảo ngược cả.
Văn hóa tham ô, hối lộ đang dần xóa mòn giá trị đạo đức con người: cha mẹ mà không tặng quà cho giáo viên thì con em bị “đì”; bệnh nhân không đưa tiền cho bác sĩ thì chẳng được quan tâm chu đáo; bạn đi đâu cũng có thể bị lừa.
Khi đạo đức xã hội đang trượt dốc, nhiều người bất đắc dĩ cũng đành xuôi theo dòng nước chảy. Thế nhưng, vẫn có những cá nhân tự nguyện làm người tốt, không từ gian khổ, bất cầu hồi báo. Đó là các học viên Pháp Luân Công, hành vi của họ là nguồn suối tươi mát giữa thời buổi đen tối hỗn loạn và đạo đức suy đồi.
Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, môn tu luyện cổ xưa, lấy Chân-Thiện-Nhẫn làm chỉ đạo căn bản. Các học viên Đại Pháp đến từ khắp nơi, đủ mọi tầng lớp xã hội. Họ hành xử theo Pháp lý và tự ước thúc bản thân theo tiêu chuẩn đạo đức cao.
Đây là phần đầu tiên trong loạt kí sự gồm bốn bài chọn lọc về các học viên Pháp Luân Công và lối sống Chân-Thiện-Nhẫn của họ.
Nội dung:
Phần 1. Những y bác sĩ chỉ muốn điều tốt nhất cho bệnh nhân
Phần 2. Những giáo viên từ chối nhận quà
Phần 3. Những doanh nhân giao dịch ngay thẳng và công bằng
Phần 4. Những con người luôn trả lại của rơi.
Phần I. Những bác sĩ chỉ muốn điều tốt nhất cho bệnh nhân
Các công ty dược phẩm luôn chi hoa hồng cho khối y bác sĩ để nhờ kê chính loại thuốc họ sản xuất hoặc đề xuất các xét nghiệm không cần thiết nhằm tăng doanh số. Người ta thường nói, có bệnh thì tiền núi cũng hết, tích góp cả đời, chỉ một cơn bệnh nặng có thể tán gia bại sản, nợ nần chồng chất. Có khi bệnh tình không chữa được thì thành ra tiền mất tật mang. Nhưng nếu tình cờ gặp được những bác sĩ dưới đây thì bệnh nhân ấy quả là người may mắn.
Bác sĩ Lộ ưu tiên bệnh nhân lên hàng đầu.
Lộ Ngọc Anh là một bác sĩ chuyên khoa bỏng làm việc ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc. Khi người bệnh đến mà không có tiền, bác sĩ Lộ luôn bảo họ cứ điều trị trước, tiền bạc để sau tính. Chi phí chữa lành bỏng thường rất cao, có khi lên đến 30.000 tệ. Nhưng bác sĩ Lộ không bao giờ tính phí hơn 2.000 tệ mà hiệu quả điều trị vẫn rất tốt; bệnh nhân hiếm khi nào bị sẹo vĩnh viễn. Nếu người bệnh không có tiền thì đều được miễn phí. Khi họ bày tỏ lòng biết ơn, bác sĩ Lộ luôn bảo họ hãy cảm ơn Pháp Luân Công, vì nếu không phải là học viên thì bà sẽ không hành xử như thế.
Năm 2011, bác sĩ Lộ bị bắt và đưa vào trung tâm tẩy não vì tu luyện Pháp Luân Công. Nhiều bệnh nhân đã vượt đường xa đến bệnh viện để gặp bác sĩ Lộ nhưng phải thất vọng vì sự thật; tất cả đều lên án mạnh mẽ hành vi bạo ngược của cảnh sát.
Thần y “Châu nhất châm”
Châu Văn Sinh là một thầy lang ở phía đông thị trấn Triệu Đông, tỉnh Hắc Long Giang. Ông tu luyện Pháp Luân Công và lấy nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn làm tiêu chuẩn để chăm sóc các bệnh nhân; vô luận trời đông giá lạnh hay hè nóng bức, vô luận có tiền trả hay không; ông đều thật tâm hết mình điều trị. Ông xem bệnh, kê thuốc rất chuẩn xác, chỉ cần đến một lần là khỏi bệnh nên mọi người hay gọi ông là “Châu nhất châm”.
Khi ông Châu bị bắt vì kiên quyết không từ bỏ tu luyện Đại Pháp, hơn 700 người dân trong vùng đã đồng loạt ký tên yêu cầu thả người. Tuy nhiên, bác sĩ Châu vẫn bị tuyên án ba năm tù.
Vị bác sĩ tinh thông y thuật
Điền Khánh Linh là một bác sĩ Trung y ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang. Khánh Linh từ nhỏ hay bệnh, tính khí cũng thất thường. Sau khi tu luyện Đại Pháp, bà dựa theo Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn để làm người tốt, tâm tính trở nên thiện lương; bệnh u nang tử cung cũng khỏi hẳn; thân thể trở nên khỏe mạnh. Một ngày mùa đông, khí ga rò rỉ và bao trùm lấy cơ thể; bà mê man một ngày nhưng khi tỉnh dậy thì vẫn bình an vô sự. Bà biết chính Sư phụ Lý Hồng Chí (Nhà sáng lập Pháp Luân Công) đã cứu mạng mình.
Điền Khánh Linh tốt nghiệp Tiến sĩ năm 2005 và làm việc ở bệnh viện Trung y Cáp Nhĩ Tân, với chuyên ngành chính là thận, huyết học và ung bướu. Hầu hết bệnh nhân của bác sĩ Điền đều rất nguy kịch và trước đây cũng đến khám vài lần. Nhiều gia đình đã dùng hết tiền dành dụm để điều trị. Bác sĩ Điền hiểu rõ điều này nên luôn kê thuốc đúng liều, đúng loại với giá rẻ nhất.
Tay nghề bác sĩ Điền rất giỏi; có thể chẩn bệnh bằng cách bắt mạch và thường kê từ 7 đến 10 vị thảo mộc là đủ hết bệnh, mà chỉ tốn chừng 8 tệ (khoảng 1 USD).
Bác sĩ cũng khuyến khích bệnh nhân nên tập Pháp Luân Đại Pháp để có hiệu quả tốt hơn. Có một bệnh nhân bị ung thư gan giai đoạn cuối và bụng trướng lên. Bác sĩ Điền vừa kê thuốc vừa khuyên ông niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Ông nghe theo và bụng xẹp xuống; sau đó có thể ăn uống lại bình thường.
Chủ nhiệm khoa và y tá trưởng trước đây chỉ quan tâm đến lợi ích vật chất; nhưng dần dần cũng được bác sĩ Điền cảm hóa, họ chăm sóc bệnh nhân tận tình hơn. Đội ngũ y bác sĩ ở bệnh viện Trung y làm việc với nhau vui vẻ như người một nhà.
Cứ như thế, người truyền người, bác sĩ Điền Khánh Linh càng trở nên nổi tiếng. Khi phải luân chuyển qua khoa Cấp cứu một tháng thì bệnh nhân cũng chạy đến nhờ khám chữa. Bác sĩ Điền luôn bảo rằng: “Nhờ Đại Pháp đã khai mở trí huệ nên hiệu quả trị liệu của tôi mới tốt đến vậy.”
Ngày 8 tháng 12 năm 2011, nữ bác sĩ tài năng tốt bụng bị bắt vì đức tin vào Đại Pháp. Cảnh sát xông vào nhà khám xét và giam bà ở trại cưỡng bức lao động Nữ Chiết Giang. Bà bị đánh đập, sốc điện và chịu khổ sai liên tục nhiều giờ. Bác sĩ Điền Khánh Linh bị tra tấn dã man đến mức hiện giờ thân thể đang mang nhiều trọng bệnh.
Chuyện của một bác sĩ quân y về hưu
Trước khi về hưu, Vương Vệ Chân mang quân hàm thượng tá và là giáo viên ở trường cao đẳng quân y Đại Luân thuộc quân khu Trầm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Là một thầy thuốc giỏi nhưng chẳng thể tự chữa bệnh cho mình, bà có vấn đề về tim, gan, thận, khớp và xương sống; cơ thể lúc nào cũng đau đớn. Bà gặp gỡ nhiều bác sĩ chuyên khoa nổi tiếng, có điều kiện khoa học kỹ thuật cao để điều trị, nhưng tất cả đều kết thúc trong vô vọng.
Bà Vương bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1996. Kể từ đó, bà không còn để tâm đến địa vị, danh vọng hay lợi ích bản thân. Bệnh tật khỏi hẳn và bà trông còn trẻ hơn tuổi, mặt mày hồng hào, tràn đầy sinh khí. Chuyển biến kỳ diệu của bà khiến mọi người đều khâm phục huyền năng của Đại Pháp.
Khi cấp trên phân nhà ở phúc lợi, bà từ chối nhận mà dành cho người khác thật sự cần và chuyển ra xa hơn. Khi có cơ hội thăng tiến, bà nhường cho đồng nghiệp. Nhiều người bị cảm động bởi tấm lòng bao dung của bác sĩ Vương nên tham gia tập Pháp Luân Công cùng bà.
Bác sĩ Vương làm việc chăm chỉ, có trách nhiệm và luôn được đồng nghiệp đánh giá cao. Nhiều bệnh nhân tặng quà vì cảm kích, nhưng bà đều không nhận. Sau khi về hưu, bà làm việc cho một phòng khám tư. Có lúc bệnh nhân đưa bồi dưỡng và nhất định không chịu cầm lại tiền; bác sĩ Vương mang đến đưa cho giám đốc nhờ gởi trả lại cho họ.
Khi cuộc bức hại năm 1999 diễn ra, chính quyền đã bắt giữ bác sĩ Vương bảy lần. Từ tháng 1 năm 2017 đến giờ, bà đang thụ án tám năm tù ở Trại giam Nữ Liêu Ninh. Mọi người đều không khỏi đặt câu hỏi: Lẽ nào làm người tốt lại là sai hay sao?
Cảm nhân cố sự: Bác sĩ và người nữ bệnh nhân mù bại liệt
Từ Phát Lĩnh tốt nghiệp đại học Y khoa Hà Nam và công tác tại chi nhánh số 2 của bệnh viện đại học Y dược. Bác sĩ Từ làm việc cẩn thận tỉ mỉ, đối với người bệnh thì chăm sóc chu đáo, đối xử bình đẳng, không nhận lễ vật. Ai cũng công nhận anh là một lương y. Sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp năm 1996, bệnh viêm khớp của bác sĩ Từ khỏi hẳn. Năm sau, anh gặp một bệnh nhân mù ngồi phải xe lăn và không thể tự chăm sóc được bản thân. Cô bị viêm thần kinh tủy sống thị giác. Gia đình đã đi khắp nơi trị liệu nhưng cũng không khỏi, sau dần bệnh phát triển khiến toàn thân cô bị liệt và mất hẳn thị giác. Cô gái đã từng cố gắng tự sát nhưng không thành. Về sau có người thân giới thiệu Pháp Luân Công nên cô bắt đầu tập luyện. Thời điểm đó, anh Từ luôn bên cạnh cổ vũ cô kiên định chính niệm, chân tu Đại Pháp; trong phương diện cuộc sống thì quan tâm chiếu cố. Nhờ đó, cô gái đề cao tâm tính rất nhanh và bệnh tình cũng chuyển biến tốt đẹp; thậm chí có thể đứng lên và đi lại nếu có người dìu. Anh Từ không bận tâm đến việc người nhà phản đối, vẫn quyết tâm kết hôn với cô. Một năm rưỡi sau, hai vợ chồng sinh được một bé gái khỏe mạnh. Câu chuyện vợ chồng bác sĩ Từ lúc đó làm cảm động cả địa phương và nhiều báo đài tìm đến phỏng vấn, đưa tin.
Năm 2003 và năm 2006 bác sĩ Từ bị đưa vào trại cải tạo lao động, tổng cộng hết thảy ba năm. Đơn vị sa thải anh khỏi vị trí bác sĩ và điều đến phòng giặt ủi làm công việc lao động tay chân. Vợ anh Từ mất đi hoàn cảnh tu luyện và lo sợ bức hại nên đã từ bỏ. Sau đó cô phát bệnh nặng và qua đời, bỏ lại con gái nhỏ hai tuổi.
Người bác sĩ tận tâm
Trước khi về hưu, bà Hoàng Lợi Bình là giáo sư bác sĩ, chủ nhiệm khoa ở bệnh viện Trung Tây y kết hợp thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Bác sĩ Hoàng được báo chí ca ngợi về những thành tựu cống hiến nổi bật trong việc điều trị vô sinh. Công việc áp lực, phải làm liên tục nhiều giờ khiến bà mắc nhiều vấn đề sức khỏe như đau đầu, đục thủy tinh thể, viêm xoang, viêm bàng quang và viêm khớp.
Chứng thoái hóa đốt sống cổ là nặng nhất, khiến vai, tay, cổ bà vô cùng đau nhức. Bác sĩ Hoàng đã thử đủ loại thuốc Đông, Tây y nhưng đều không hiệu quả.
Tháng 12 năm 1995, bà nghe một bệnh nhân nói về huyền năng trị bệnh của Đại Pháp nên bắt đầu tập luyện. Trong vòng ba tháng, bà có thể nhìn thấy rõ ràng mà không cần đến kính, bệnh tật đều khỏi hẳn.
Bác sĩ Hoàng trước đây luôn truy cầu danh lợi. Bà treo đầy cờ thưởng, giấy khen và huân chương lên khắp bốn bức tường phòng khám để thể hiện năng lực của mình; bệnh nhân đưa quà gì bà cũng nhận.
Sau khi bắt đầu tập luyện Pháp Luân Công, bác sĩ Hoàng lấy xuống tất cả bằng khen, huân chương và không còn nhận quà biếu nữa. Có lúc không từ chối được, bác sĩ Hoàng sẽ đưa xuống phòng phúc lợi y tế hay tặng lại cho các bệnh nhân khác. Bà cũng hoàn trả lại cho bệnh nhân những món quà đắt tiền đã nhận trước đây.
Mặc dù đã về hưu, nhưng bệnh nhân vẫn tìm đến nhờ bác sĩ Hoàng chữa bệnh. Bà luôn chào đón họ và thăm khám nhiệt tình.
Cảnh sát bắt giam và tra tấn bác sĩ Hoàng trong trung tâm tẩy não hơn ba tháng vì bà không đồng ý từ bỏ đức tin của mình. Tháng 7 năm 2015, bà nộp đơn kiện Giang Trạch Dân, kẻ đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công lên Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Đội ngũ y bác sĩ không bao giờ nhận quà biếu
1. Trên Minh Huệ có bài viết của một người ở Hồ Bắc kể rằng: Bố của bạn anh bị loét dạ dày và ung thư ruột. Đến bệnh viện, bạn anh nhét vào tay bác sĩ 1.000 tệ và năn nỉ cố gắng cứu cha mình. Vị bác sĩ từ chối nhưng vì anh cứ khăng khăng nên bác sĩ cầm lấy. Khi ca phẫu thuật thành công; và ngày người bố xuất viện, vị bác sĩ hôm nọ đến đưa cho anh một biên nhận đặt cọc tiền nằm viện. “Đây là 1.000 tệ tôi dùng để đặt cọc viện phí cho bố anh. Tôi là học viên Pháp Luân Đại Pháp và tôi không nhận tiền từ bệnh nhân.”
2. Anh Lý Lực Tráng tốt nghiệp Đại học Y dược Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang năm 1995. Năm đó anh cũng bước vào tu luyện Pháp Luân Công. Anh Lý luôn nghiêm ngặt ước thúc bản thân theo Pháp lý “Chân-Thiện-Nhẫn”, nỗ lực làm việc, nâng cao tay nghề với mong muốn cứu giúp được nhiều người hơn.
Anh Lý là bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình ở bệnh viện chi nhánh số 1 Đại học Y dược Cáp Nhĩ Tân. Anh chưa bao giờ nhận tiền từ bệnh nhân và luôn ưu tiên cứu người trước. Có lần bệnh nhân không đủ tiền làm xét nghiệm máu bắt buộc. Để ca mổ tiến hành sớm, bác sĩ Lý đã lấy 1.000 tệ chi trả trước và tiến hành phẫu thuật. Lúc đó, lương hàng tháng của anh Lý chỉ có 300 tệ.
Khi cuộc bức hại diễn ra, bác sĩ Lý bị giam bốn năm vì đứng lên bảo vệ Pháp Luân Đại Pháp. Tại trại cưỡng bức lao động Trường Lâm Tử ở Cáp Nhĩ Tân, anh Lý bị đánh dập, sốc điện, trói vào ghế sắt, trấn nước và thậm chí còn bị tấn công tình dục.
3. Ông Vương Kiến Sinh là giám đốc Phòng y tế thuộc Cục viễn thông thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc. Sau khi ông Vương trở thành học viên Pháp Luân Công, tất cả bệnh tật như thoát vị đĩa đệm, viêm dạ dày, suy gan đều khỏi hẳn. Nhiều người tận mắt chứng kiến kỳ tích này cũng bắt đầu tập luyện.
Ở Trung Quốc, các công ty dược thường xuyên đưa tiền bồi dưỡng cho đội ngũ nhân viên, y bác sĩ trong bệnh viện và các cơ sở chăm sóc y tế để giúp bán thuốc chạy hơn và tăng doanh số. Đồng nghiệp của bác sĩ Vương bảo với một nhân viên tiếp thị: “Đừng đưa tiền hoa hồng cho chúng tôi nữa. Bác sĩ Vương là học viên Pháp Luân Công, anh ấy không nhận bất cứ quà cáp nào đâu.” Sau khi bác sĩ Vương lên làm giám đốc, thì phòng khám không còn xảy ra bất cứ tình trạng ăn chia hoa hồng bán dược phẩm nữa.
4. Y tá Mai ở tỉnh Liêu Ninh cũng từ chối nhận tiền bồi dưỡng của bệnh nhận sau khi đắc Pháp năm 1995. Cô luôn lấy tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn làm tâm Pháp ước thúc bản thân. Có lần bệnh nhân nhét vào tay cô 100 tệ ngay trước lúc diễn ra ca mổ và nhất quyết không chịu nhận lại. Để ca mổ được tiến hành sớm, cô đã cầm lấy tiền và sau đó đưa trả lại cho bệnh nhân khi ca mổ kết thúc. “Tôi cảm ơn tâm ý của chị. Nhưng chị nên cầm số tiền này mà mua thức ăn bồi bổ cơ thể cho nhanh hồi phục sức khỏe.”
Một lần nọ, Mai nhìn thấy một bệnh nhân ngồi ở hành lang lau nước mắt, do không biết phải làm xét nghiệm máu nên chưa chuẩn bị tiền. Cô ấy từ quê lên và không có ai để nhờ vả. Y tá Mai đã đưa cô tiền để đóng lệ phí xét nghiệm. Nữ bệnh nhân vô cùng xúc động, về sau đã mang tiền trả lại Mai lúc đi tái khám.
5. Bác sĩ Chen Guoquing công tác ở bệnh viện Cục quản lý Nông nghiệp, ở thị trấn Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang. Vợ ông, bà Han Yuquin, làm y tá cùng bệnh viện. Cả hai sau khi bắt đầu tập luyện Pháp Luân Công đều tận tâm tận lực phục vụ người bệnh và không nhận tiền bồi dưỡng. Nếu từ chối khó quá thì họ sẽ tạm giữ lấy để bệnh nhân yên tâm trong quá trình phẫu thuật, rồi đem xuống đóng tiền đặt cọc viện phí để khi bệnh nhân xuất viện thì có thể được hoàn trả lại. Người nhà bệnh nhân vô cùng cảm kích trước nghĩa cử tốt đẹp này.
Bà Hàn thỉnh thoảng sơ ý làm bể một số chai lọ dược phẩm khi soạn đơn thuốc. Bà đều dùng tiền cá nhân mua lại để thay thế chứ không đưa vào chi phí bệnh viện.
Khi cuộc bức hại diễn ra, vợ chồng bác sĩ Trần bị giam giữ nhiều lần. Cả hai đều bị sa thải. Bà Hàn đã chết do tra tấn vì không đồng ý từ bỏ đức tin.
“Bồ Tát thì tôi chưa từng thấy qua, nhưng thiết nghĩ vợ anh đúng là một vị Bồ Tát sống.”
Sau khi nữ bác sĩ A (hóa danh) bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công thì bệnh viện nơi cô công tác lại có thêm một lương y mẫu mực. Cô chăm sóc chu đáo từng bệnh nhân, tận lực khám chữa bệnh, kê loại thuốc phù hợp nhất và từ chối bất cứ quà bồi dưỡng của bệnh nhân hay tiền hoa hồng của các công ty dược. Tất cả bệnh nhân đều vô cùng tín nhiệm cô.
Khi cô ấy đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Đại Pháp thì bị bắt giữ. Nữ bác sĩ ấy đã giảng chân tướng cho cảnh sát; nghe xong, mọi người đều hiểu ra. Sau khi cô ấy quay lại công việc, nhiều cảnh sát và quan chức cũng giới thiệu vị bác sĩ hiền tài này cho bạn bè và thân nhân đến khám bệnh.
Người chồng cũng cảm thấy cô đã thay đổi tâm tính ngày càng tốt hơn, bệnh nhân thì đặc biệt yêu mến nên anh hết lòng ủng hộ cô tu luyện mặc cho cuộc bức hại khốc liệt đang diễn ra. Bạn của chồng cô bảo rằng: “Bồ Tát thì tôi chưa từng thấy qua, nhưng thiết nghĩ vợ anh đúng là Bồ Tát sống.” Giám đốc bệnh viện biết rõ nhân viên mình là một bác sĩ tài đức nên nhiều lần ngăn cản những cảnh sát không hiểu chân tướng sách nhiễu cô.
Đồng nghiệp khi giới thiệu cô với bệnh nhân đều bảo rằng: “Cô ấy không chỉ là một bác sĩ giỏi, mà còn là một người vô cùng nhân hậu.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/10/1/393821.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/11/1/180563.html
Đăng ngày 24-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.