Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại New Zealand

[MINH HUỆ 24-09-2019] Tôi may mắn được trực tiếp nghe Sư phụ giảng Pháp tại Sydney vào năm 1998, nhưng khi ấy tôi đã không biết trân quý cơ duyên và đã không bước vào tu luyện. Bị ô nhiễm bởi văn hóa đảng độc hại, tôi chỉ biết theo đuổi danh lợi và tiền bạc. Tôi đã chi tiêu hoang phí số tiền mà chồng tôi vất vả kiếm được vào quần áo hàng hiệu và ô tô sang trọng để khoe khoang sự giàu có của mình trước mặt họ hàng và bạn bè. Tôi thường so sánh con gái của mình với những đứa trẻ thông minh ở trường học và không ngừng nói về thành tích học tập của chúng. Vì vậy, con gái tôi trở nên rất tự ti và cháu đã bắt đầu trốn học. Khi ở nhà, cháu chỉ quanh quẩn trong phòng của mình. Mối quan hệ trong gia đình tôi trở nên rất căng thẳng.

Tôi tiếp tục sống luẩn quẩn như vậy trong suốt mấy chục năm. Một ngày mùa đông năm 2013, tôi đột nhiên bị đột quỵ và rơi vào tình trạng hôn mê. Sau đó, tôi được đưa đến bệnh viện. May mắn là, sau khi tôi tỉnh lại, bác sỹ nói rằng trí nhớ của tôi không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, tất cả tế bào thần kinh ở chân phải của tôi đều đã bị tổn thương. Chân tôi bị liệt và cơ hội để hồi phục hoàn toàn là rất mong manh, do vậy, tôi không thể lái xe ô tô được nữa. Sau khi ra viện, tôi được cung cấp một lộ trình trị liệu trong vòng tám tuần nhưng không đem lại kết quả gì. Mỗi khi tôi xuống cầu thang hay đi vào nhà, chồng tôi đều phải đỡ tôi. Ngày nào tôi cũng phải chịu đựng rất nhiều đau đớn và cảm thấy mình đã trở thành một người tàn phế vô dụng.

May thay, Sư phụ đã sớm chăm sóc và an bài cho tôi. Một học viên đã tìm thấy tôi và giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp cho tôi. Cô ấy còn đến nhà và hướng dẫn tôi luyện công nữa. Tôi đã kiên trì luyện công hàng ngày và chiểu theo Pháp của Sư phụ để đề cao tâm tính. Tôi cũng coi nhẹ những chấp trước trong sinh hoạt hàng ngày, và nhờ đó, hoàn cảnh trong gia đình tôi đã được cải biến. Tôi cảm giác thân thể mình cũng đang hồi phục. Một tháng sau, cái chân phải “tàn phế” của tôi đã có thể đi lại được. Khi tôi quay lại bệnh viện để tái khám, bác sỹ cao hứng nói: “Bây giờ chị đã có thể lái xe được rồi!” Tôi vô cùng xúc động và biết ơn Đại Pháp và Sư phụ. Không lời nào có thể diễn tả được cảm xúc của tôi lúc ấy.

Khảo nghiệm ngộ tính của tôi

Không lâu sau, tôi được thông báo rằng Shen Yun sẽ đến Auckland. Một đồng tu nói rằng chúng tôi đang thiếu nhân lực, trong khi đó có hàng nghìn tờ quảng cáo cần lập tức được phân phát. Vì vậy, cô hỏi tôi có thể giúp một tay được không. Mặc dù tôi đã có thể đi bộ và lái xe, nhưng tôi vẫn sợ phải đi xa, cho nên tôi đã từ chối cô ấy.

Sư phụ giảng:

“Người tu luyện giảng là chính niệm. [Khi] chính niệm rất mạnh mẽ, chư vị sẽ là không gì cản trở được, và điều gì cũng làm được. Vì chư vị là người tu luyện, chư vị là người đang trên đường trở thành Thần, chư vị là người không bị các nhân tố của người thường và Pháp Lý ở tầng thấp khống chế.” (Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles [2006])

Đoạn Pháp này đã giúp tôi thêm minh bạch về thế nào là tu luyện. Vì vậy, tôi đã gọi điện cho đồng tu và nói rằng tôi muốn giúp phân phát các tờ quảng cáo Shen Yun. Trong quá trình làm việc này, một lần nữa tôi lại được trải nghiệm sự thần kỳ của Đại Pháp. Chúng tôi khởi hành lúc 7 giờ sáng, mang theo 4-5 kg tài liệu để phân phát đến từng hộ gia đình. Ở một số vùng nông thôn, có khi phải đi một đoạn xa mới thấy một ngôi nhà. Đôi khi, chúng tôi còn phải đi qua những chặng đường núi. Để tiết kiệm thời gian, chúng tôi đã tự mang theo đồ ăn trưa. Khoảng 7 hoặc 8 giờ tối, chúng tôi mới kết thúc và trở về nhà.

Sau một ngày dài làm việc vất vả, đồng tu lo tôi bị mệt, nên trước khi rời đi, cô đã nhắc tôi một đoạn Pháp của Sư phụ: “…tu luyện chính là sự nghỉ ngơi tốt nhất.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998]) Vì vậy, sau khi ăn tối xong tôi đã ngồi luyện bài công pháp số năm.

Khi đả tọa, tôi chỉ có thể ngồi đơn bàn. Thậm chí có sự trợ giúp của chồng, tôi cũng hiếm khi ngồi được song bàn. Chân tôi đau đến nỗi tôi chỉ ngồi song bàn được một đến hai phút là một chân bị tuột xuống ngay. Tuy nhiên, tối hôm đó, tôi có thể dễ dàng đặt hai chân lên đùi. Mười lăm phút đã trôi qua nhưng tôi vẫn không cảm thấy đau. Những dòng nước mắt cứ chảy dài trên hai má tôi vì cảm ân Sư phụ và Đại Pháp. Tôi biết rằng cuộc đời của tôi đã được Sư phụ tái sinh và đã thuộc về Đại Pháp. Tôi cũng đã trừ bỏ đi rất nhiều tâm chấp trước và không dám bê trễ trong tu luyện nữa.

Tu luyện là nghiêm túc

Tu luyện là vô cùng nghiêm túc. Khi gặp bất cứ sự việc gì, chúng ta đều cần chú ý, cần xóa bỏ những chấp trước, quan niệm của người thường, và dựa trên các nguyên lý của Đại Pháp để giải quyết vấn đề. Tôi ngộ rằng rất nhiều việc tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng chúng rất có thể gây ra các vấn đề lớn nếu chúng ta không đối đãi một cách nghiêm túc.

Một đêm, tôi loáng thoáng nghe thấy một âm thanh yếu ớt phát ra: “Hãy giúp tôi phát chính niệm”. Tôi nghĩ, có lẽ tôi đang ngủ mơ, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng giọng nói ấy là của chồng mình. Khi tôi chạy vào phòng của anh thì thấy toàn thân anh đang run rẩy, sắc mặt tái nhợt. Tôi lập tức ngồi xuống phát chính niệm. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là việc này chắc chắn có quan hệ với tu luyện của mình, vì vậy mình cần phải hướng nội.

Nhất định là do tôi không tu luyện nghiêm túc nên mới tạo ra sơ hở để tà ác dùi vào. Tôi cảm thấy thật hổ thẹn vì ngay cả người bên cạnh, tôi cũng không thể giúp được, huống chi là cứu độ chúng sinh. Tôi không ngừng phát chính niệm, đồng thời hướng nội tìm: Đối với chồng, liệu mình đã thực sự làm được “tiên tha hậu ngã” hay chưa? (Phật tính vô lậu, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Gần đây, chồng tôi phụ trách một hạng mục truyền thông, trách nhiệm càng ngày càng lớn. Liệu tôi có quan tâm, chăm sóc, bao dung, và ủng hộ anh với tư cách là một người vợ hay không? Đôi khi chúng tôi xảy ra tranh luận vì tầng thứ tu luyện bất đồng. Tôi thường muốn anh đồng tình với tôi hoặc làm theo quan niệm của tôi. Nếu anh không đồng ý, tôi sẽ coi thường hoặc gây áp lực cho anh và tự đưa ra quyết định – đây đích xác là biểu hiện của tư duy văn hóa đảng. Đôi khi tôi nghĩ rằng tôi quan tâm đến anh và chỉ muốn tốt cho anh nhưng anh lại không đánh giá cao nỗ lực của tôi, vì vậy tôi cảm thấy rất bất bình. Ngay khi nhận ra điều này, tôi đã thành tâm xin lỗi Sư phụ và hứa với Ngài rằng tôi sẽ thay đổi. Sau đó, tôi phát ra một chính niệm mạnh mẽ: “Chúng ta là đệ tử của Sư phụ Lý Hồng Chí, không một nhân tố tà ác nào được phép bức hại chúng ta.”

Một thời gian sau, chồng tôi chia sẻ rằng đêm hôm đó tà ác đeo bám anh vô cùng hung mãnh, khiến anh cảm thấy đau đớn không chịu nổi. Anh đã không ngừng phát chính niệm, hướng nội, và cầu xin Sư phụ giúp đỡ. Sau vài tiếng đồng hồ, cơ thể anh vẫn run rẩy vì đau đớn, thậm chí anh còn cảm thấy rất khó thở, vì vậy anh đã gọi tôi dậy giúp anh phát chính niệm. Lúc tôi ngồi xuống phát chính niệm, anh cảm thấy thân thể rất nhẹ nhàng. Cả tôi và anh đều biết rằng chỉ có tín Sư tín Pháp, chính niệm chính hành, từng giây từng phút hướng nội tìm, chúng tôi mới có thể đột phá mọi khó khăn và hoàn thành sứ mệnh thần thánh của đệ tử Đại Pháp.

Trân quý đồng tu và tu xuất tâm từ bi

Sau khi tu luyện được một vài năm, tôi nhận ra rằng chấp trước vào chứng thực bản thân chính là được sinh ra từ tâm tật đố. Nó là một tâm chấp trước rất đáng sợ và có thể gây ra vấn đề “Tự tâm sinh ma” (Chuyển Pháp Luân).

Mục đích chúng ta làm hạng mục truyền thông không phải là kiếm tiền, mà là để cứu độ chúng sinh. Công việc này được thực hiện dựa trên sự đóng góp tự nguyện. Tuy nhiên, một số đồng tu đến từ Trung Quốc Đại lục gần đây đã hiểu sai điểm này, vì vậy họ đã yêu cầu được trả lương hoặc nhận trợ cấp. Điều này dẫn đến việc công ty phải chi một số tiền lớn và dẫn đến thua lỗ về tài chính.

Trong khi đó, lượng công việc của tôi ngày càng gia tăng, khiến tôi có cảm giác thời gian càng eo hẹp. Tôi phải xử lý nhiều việc và chịu rất nhiều áp lực, do vậy dễ sinh ra trạng thái lo lắng, sốt ruột, và thậm chí coi thường đồng tu. Tôi có biểu hiện như một người thường và không giữ vững được tâm tính. Khi nói chuyện với đồng tu, tôi đã áp đặt ý kiến của mình lên họ, và còn thường xuyên biểu hiện ra tâm tranh đấu và oán hận. Đây chẳng phải tư tưởng thù hận xuất phát từ văn hóa đảng hay sao?

Sư phụ giảng: “Tất cả đệ tử Đại Pháp Sư phụ đều không thể bỏ rơi, mỗi một vị đều là người thân của Sư phụ…” (Giảng Pháp trong buổi họp mặt học viên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương [2004], Giảng Pháp tại các nơi VI) Thân nhân của Sư phụ cũng chính là thân nhân của tôi, do vậy mỗi một đệ tử Đại Pháp đều là người thân của tôi. Tôi muốn tu xuất thiện tâm chân chính, cùng đồng tu phối hợp để hình thành chỉnh thể.

Buông bỏ tâm vị tư

Tôi làm việc trong hạng mục truyền thông được hơn ba năm. Mỗi một bước tôi đi qua, mỗi một lần đột phá quan nạn, mỗi lần thăng hoa tâm tính, mỗi tâm chấp trước buông bỏ được, và mỗi một hợp đồng mà chúng tôi ký được, tất cả đều nhờ vào sự trợ giúp của Sư phụ. Sư phụ đã nhiều lần giảng cho chúng ta rằng: “…‘tìm bên trong’ là một Pháp bảo.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC năm 2009, Giảng Pháp tại các nơi IX)

Tuy nhiên, là đệ tử Đại Pháp, chúng ta đều biết rõ rằng khảo nghiệm thực sự đến khi chúng ta đang ở trong mâu thuẫn. Khi có chấp trước mạnh mẽ thì liệu chúng ta có làm được hướng nội vô điều kiện và đề cao hay không. Tôi biết một đồng tu tu luyện khá tốt, nhưng cô ấy không thể vượt qua được một tâm chấp trước. Vì vậy, tôi cảm thấy thất vọng về cô và không muốn giao lưu chia sẻ với cô. Đây chẳng phải là tâm tật đố hay sao?

Sư phụ giảng:

“Vấn đề tâm tật đố rất nghiêm trọng, bởi vi nó liên quan trực tiếp đến vấn đề chúng ta có thể tu viên mãn được hay không. Nếu tâm tật đố không dứt bỏ, thì hết thảy các tâm người ta tu luyện được đều biến thành yếu nhược. Có một quy định, rằng trong tu luyện nếu người ta không vứt bỏ được tâm tật đố thì không đắc chính quả, tuyệt đối không đắc chính quả.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Trong một Liên hoan phim Đài Loan được tổ chức tại Auckland, người tổ chức liên hoan phim là một khách hàng của một đồng tu. Đồng tu này đã đề nghị tôi: “Bạn có thể cùng tôi đến dự buổi chiếu phim ra mắt được không? Tìm được người đi vào tối thứ Sáu thật khó.” Tôi đã từ chối cô ấy vì nghĩ rằng người tổ chức liên hoan phim không phải khách hàng của tôi, hơn nữa tối thứ Sáu tôi còn có một buổi học Pháp chung. Tuy nhiên, sau khi từ chối cô, tôi đã tự hỏi bản thân: “Mình đã đồng hóa với đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn chưa nhỉ?” Tôi thường nói với mọi người rằng tôi là một đệ tử Đại Pháp, nhưng đó chỉ là lời nói ngoài miệng, còn trên hành vi tôi vẫn chưa thực sự làm được như một người tu luyện thực thụ. Tôi đã nhận ra tâm vị tư của mình, vì vậy tôi đã thay đổi quyết định và đi cùng cô ấy.

Bộ phim mà chúng tôi xem có tiêu đề là “Tiến lên phía trước”, kể về một đội đua xe đạp. Tôi biết không phải ngẫu nhiên mà tôi và cô ấy đã được xem bộ phim này. Một đội đua xe đạp bao gồm một vị trí “chạy nước rút” – người sẽ băng qua vạch đích cuối cùng, và hai vị trí “vượt gió” – người có thể chịu được sức cản của gió trên suốt đường đua. Sự phối hợp trong đua xe đồng đội là rất quan trọng, từng thành viên cần phải biết hy sinh mới có thể chiến thắng. Nhân vật chính của bộ phim là thành viên ưu tú nhất của đội, nhưng huấn luyện viên đã chỉ định anh vào vị trí “vượt gió” thay vì giữ vị trí “chạy nước rút” trong một cuộc đua quốc tế lớn. Cuối cùng, anh đã buông tâm bất bình và lòng tự trọng của bản thân để làm tốt vị trí “vượt gió” của mình. Anh đã ngăn cản đối thủ tiến lên phía trước, đột phá và tạo nhiều cơ hội cho vị trí “chạy nước rút”. Cuối cùng, đội đua của anh đã chiến thắng một đối thủ mạnh.

Từ trong Pháp lý, tôi ngộ rằng “vị tư” là chướng ngại lớn nhất trên con đường trợ Sư chính Pháp và phản bức hại của đệ tử Đại Pháp. Tuy nhiên, nếu có thể cùng nhau phối hợp thì việc gì chúng ta cũng có thể làm được. Chỉ có hình thành chỉnh thể và dựa vào lực lượng cường đại của chỉnh thể, chúng ta mới có thể ngăn chặn bức hại và thanh trừ tà ác. Khi gặp vấn đề hay mâu thuẫn với đồng tu, gặp khảo nghiệm tâm tính, hay các vấn đề cần chỉnh thể phối hợp giải quyết, tôi không còn suy nghĩ về năng lực của mình, cũng không chấp trước vào kết quả cuối cùng nữa, mà chỉ tận tâm tận lực đi làm.

Trên đây là những chia sẻ tại tầng thứ tu luyện của bản thân tôi. Nếu có gì không phù hợp với Pháp, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.

(Trình bày tại Pháp hội New Zealand 2019)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/9/24/393752.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/26/180055.html

Đăng ngày 21-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share