Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Úc

[MINH HUỆ 21-10-2019]Con xin kính chào Sư phụ! Xin chào các bạn đồng tu!

Sư phụ giảng:

“Mọi người hãy làm thật tốt phần việc còn lại, hãy dùng quá trình tu luyện vô hối của chư vị mà đi tới tương lai.” (Gửi Pháp hội Canada [2019])

Tôi cảm thấy có đôi chút lo lắng mỗi khi nhìn thấy hai từ “vô hối” khi đọc đoạn Pháp đó hoặc trong các bài chia sẻ của các học viên, vì tôi không nghĩ rằng trước kia mình đã làm tốt. Điều duy nhất khiến tôi được an ủi là tôi đã kiên định làm hạng mục truyền thông.

Từ làm tình nguyện, cho đến bán thời gian và rồi làm toàn thời gian, từ việc làm nhân viên bán hàng đến trợ lý bán hàng, rồi sang làm biên dịch tin tức toàn thời gian, tôi đã làm hạng mục truyền thông được gần tám năm rồi.

Nhìn lại chặng đường này, tôi thực sự biết ơn Sư phụ đã an bài cho tôi một môi trường như vậy, giúp tôi không bị ly khai khỏi Đại Pháp. Tôi thường nghĩ về điều Sư phụ đã giảng.

Làm bất kể chuyện gì, là có thuỷ có chung, hãy làm nó cho tốt, cứu người thì phải cứu họ cho xong. (Thế nào là đệ tử Đại Pháp)

Vì thế, khi trải qua những khảo nghiệm tâm tính, tôi chưa bao giờ lựa chọn rời bỏ hạng mục truyền thông để giải quyết vấn đề của mình.

Thay đổi nhân sự

Không lâu sau khi tôi trở thành nhân viên toàn thời gian thì hạng mục của tôi trải qua đợt thay đổi nhân sự lớn. Là một người mới vào làm, tôi gần như không biết gì về những mâu thuẫn giữa những người làm trong hạng mục này. Bỗng dưng, tôi nghe thấy rất nhiều tin đồn. Tôi không thể nhớ chi tiết, nhưng tôi nhớ rằng vào thời điểm đó việc này can nhiễu tôi rất lớn. Sau khi tan làm về nhà tôi đã khóc hai lần, và tự hỏi làm sao mà người điều phối lại có thể làm những điều như tin đồn đó được.

Nhưng tôi nghĩ: “Mình không làm hạng mục này vì anh ta.” Kết quả là tôi đã bình tâm xuống. Ngày hôm sau, khi người điều phối nói chuyện với tôi, tôi chủ động chia sẻ với anh ấy. Anh ấy chia sẻ với tôi những suy nghĩ của anh liên quan đến những vấn đề mà anh ấy đã trải nghiệm.

Khi nghe hết những điều này tôi thấy nhẹ nhõm hẳn,và nhận ra rằng mỗi câu chuyện đều có hai mặt. Chúng ta không thể chỉ nghe từ một phía. Khi chứng kiến mâu thuẫn giữa người với người, chúng ta nên nhìn mọi việc từ lăng kính của một người tu luyện và không nên bị mê bởi các biểu hiện hỗn loạn của các khảo nghiệm tâm tính và quan hệ nhân duyên của mọi người, hoặc dùng nhân tình mà xét vấn đề.

Vị điều phối này cũng là một người tu luyện. Anh ấy cũng trong mâu thuẫn mà tu luyện bản thân, học cách quản lý những người khác, và dẫn dắt hạng mục. Về bề mặt thì dường như anh ấy có thể thiếu sự suy xét trước khi làm việc, và có thái độ cứng rắn, nhưng chúng ta cần nhìn vào toàn cảnh của bức tranh. Tôi cũng từng trải nghiệm khảo nghiệm như vậy rồi, nhưng mỗi lần gặp mâu thuẫn tôi đều lùi một bước, cố gắng tìm tâm tự tư và các chấp trước của bản thân, và từ trong đó mà đề cao bản thân. Tôi cũng nhận thấy vị điều phối này cũng đề cao tâm tính, và đã thay đổi cách thức quản lý của mình.

Tôi từng có một giấc mơ với những sự việc dường như đã xảy ra trong thời cổ đại. Vị điều phối và tôi, cùng vài người khác, mặc chiến bào đang đứng cùng nhau. Tôi nhớ trong giấc mơ, vị điều phối đó là một vị tướng quân.

Sau đó tôi lại có một giấc mơ khác. Vị điều phối và tôi cùng một vài người khác đang bắt một chuyến bay đến nước Mỹ.

Tôi nhận ra rằng không kể là hạng mục gì, các thành viên tham gia hạng mục đó có thể đã kết thánh duyên trong lịch sử và cùng nhau vượt qua các khảo nghiệm sinh tử. Ở trong đời này, mọi người đang hoàn thành thệ ước của mình như một chỉnh thể. Chúng ta cần phải trân quý mối nhân duyên này của chúng ta và làm theo lệnh của “vị tướng quân.”

Sẵn sàng là một “người nhu nhược”

Tôi coi mọi việc rất nghiêm túc và nói chuyện với tôi thì khá dễ. Vì thế, khi một người quản lý bảo tôi làm gì đó tôi đều không từ chối.

Nhưng khi tôi bắt đầu xem việc thực hiện các nhiệm vụ như là tu luyện, và khi trạng thái của tôi không ổn định và thuần tịnh, thì tôi bắt đầu cảm thấy bất bình. Có lần tôi nghe thấy ai đó phàn nàn về nhân viên quản lý rằng: “Chị ấy không thể cứ nhắm vào người nhu nhược mãi thế được.” Lần này tôi thấy phép ẩn dụ như vậy rất hay, nhưng vì tôi không liên quan đến mâu thuẫn nên tôi không nghĩ nhiều về điều đó.

Sau đó một thời gian, vị quản lý thường giao thêm việc cho tôi, và việc này dần trở thành một việc tự nhiên. Có lần khi bảo tôi dịch một bài báo, chị ấy nói: “Cô phải làm ngoài giờ vào thứ Bảy này đấy.”

Tôi cảm thấy hơi khó chịu và nghĩ thầm: “Trước kia ít nhất thì chị ấy sẽ hỏi liệu tôi có thể làm thêm giờ không, nhưng giờ đây lời đề nghị lại biến thành mệnh lệnh. Chị ấy thậm chí còn không hỏi xem liệu tôi có sẵn lòng làm không nữa.”

Dĩ nhiên, tôi vẫn làm ngoài giờ, nhưng tôi có phần miễn cưỡng và oán trách trong tâm. Trước kia, khi đồng nghiệp của tôi không có việc gì làm, tôi thấy họ lướt mạng và đọc truyện, và tôi nghĩ: “Chúng ta được trả lương như nhau, nhưng khối lượng công việc thì không như nhau. Vì tính chất công việc nên tôi luôn có việc để làm, nhưng khối lượng công việc của những người khác thì dao động, và họ có thời gian rảnh rỗi.”

Tôi cũng nhận thấy rằng vài người đồng nghiệp làm việc một cách chiếu lệ, và khi người quản lý chỉ ra vấn đề, họ đã có thái độ như thế này: “Năng lực của tôi chỉ có vậy. Tôi chỉ có thể làm được đến thế thôi.” Khi người quản lý thấy họ không vui, thì chị ấy cố gắng làm họ vui, và không dám giao thêm việc cho họ. Sau đó chị ấy sẽ nói với tôi: “Nên hiểu cho nhau. Điều này không dễ với mọi người đâu.”

Mặc dù không phản đối, nhưng tôi có phần không vui và nghĩ: “Tại sao vị quản lý lại quá dễ dãi với những người này–ở công ty người thường là họ đã bị sa thải rồi.”

Thực ra thì điều này chỉ ra rằng tôi đang tật đố, thay vì bài trừ những niệm đầu bất hảo đó thì tôi lại không hướng nội sâu hơn và tu bỏ chấp trước này.

Đã có lần tôi nói chuyện với một đồng nghiệp về tình huống này. Ban đầu là chia sẻ, nhưng sau lại chuyển sang phàn nàn. Chúng tôi cùng cho rằng chúng tôi rất dễ tính và nhu nhược nên luôn bị chèn ép. Khi nói chuyện, vị học viên đó đã nhắc đến một cảnh trong phim mà cô ấy đã từng nghe kể.

Trong bộ phim đó, một người đàn ông có đức tin mãnh liệt vào Chúa của mình luôn bị một người đồng nghiệp cùng công ty bắt nạt. Anh ấy đã làm hết mọi việc nhưng lại bị các đồng nghiệp cướp công. Cuối cùng một vị đồng nghiệp đã cướp bạn gái của anh. Khi anh ấy đang trải qua nỗi đau tột cùng thì vị Chúa mà anh tin đã khai sáng cho anh–vị Chúa đó đã biến thành chính người đồng nghiệp, người mà trên thực tế đang thử thách anh ta.

Sau khi nghe thấy điều đó, tôi ngộ ra mọi chuyện và bừng tỉnh khỏi cơn mê. Tôi tự hỏi: “Chẳng phải đây là an bài của Sư phụ để giúp mình tu luyện sao? Mình làm việc chăm chỉ với nỗ lực hết mình. Chẳng phải là điều nên làm sao? Tại sao mình lại cảm thấy như bị lợi dụng vậy? Vị quản lý đó đang chiếu cố và lý giải tâm tình của mọi người trong nhóm, là nghĩ cho người khác, vậy tại sao mình lại bất bình?”

Khi tôi đề cao trong tu luyện, tôi trở nên ngày càng nhận thức được việc tại sao Sư phụ nhấn mạnh vào việc các học viên Đại Pháp cần phải tu bỏ tâm tật đố vì rất nhiều chấp trước và niệm đầu bất hảo đều là kết quả của tâm tật đố.

Sau khi tôi chính lại tư tưởng thì vị quản lý quay trở lại trạng thái bình thường. Mỗi lần tôi phải nhận thêm việc thì chị ấy lịch sự hỏi liệu tôi có thể giúp không. Thái độ của các đồng nghiệp cũng đã thay đổi và họ nhận làm nhiều việc hơn. Tôi thực sự ngộ được đoạn Pháp mà Sư phụ giảng:

“Tu nội mà an ngoại” (Tu nội mà an ngoại–Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Danh, Lợi, Tình

Năm ngoái, vị quản lý đã hỏi liệu chồng tôi có thể tham gia hạng mục được không. Tình huống này đã phơi bày rất nhiều chấp trước của tôi.

Tôi thường nghĩ các chấp trước vào danh và lợi không mạnh lắm so với các học viên khác, những người không sẵn lòng từ bỏ các công việc được trả lương cao trong xã hội người thường. Tôi nghĩ tôi khá là tốt.

Nhưng điều mà vị quản lý yêu cầu tôi đã phơi bày rất nhiều điều mà tôi chưa thể tu bỏ. Trước khi kết hôn, chồng tôi và tôi đã thống nhất rằng tôi sẽ tập trung vào hạng mục truyền thông, và anh ấy sẽ lo vấn đề tài chính cho gia đình. Nhờ thu nhập của anh mà chúng tôi không cần lo lắng về vấn đề tiền bạc.

Hồi đó, chồng tôi hay nhảy việc, và sẽ có thu nhập cao. Chúng tôi thường nói về chuyện mua nhà và có con.

Nếu anh cũng làm ở hạng mục thì thu nhập sẽ bị giảm đi, nguồn tài chính của chúng tôi sẽ rất hạn hẹp, và nếu chồng tôi đến New York thì liệu tôi có đi theo anh ấy không? Cuộc sống của các học viên ở New York không hề dễ dàng chút nào. Liệu chúng tôi có thể trụ được không? Liệu chúng tôi có phải từ bỏ ý định mua nhà và có con không? Có rất nhiều câu hỏi đã xuất hiện trong đầu tôi.

Khi chồng tôi nghe về công việc đó thì anh ấy muốn nhận rồi. Trong tình huống này tôi phải tu khứ chấp trước của mình và ủng hộ anh.

Anh nói rằng anh sẽ giải thích hoàn cảnh này cho vị điều phối hạng mục, hy vọng rằng họ có thể cho chúng tôi lương gộp để đủ sống. Thêm vào đó, anh ấy sẽ không bỏ dự án IT của mình. Nếu nó thành công, thì chúng tôi sẽ có thêm thu nhập.

Nhu cầu về thoải mái cá nhân vì thế đã được đáp ứng và tôi cảm thấy an tâm hơn. Trong khoảng thời gian mà chồng tôi thay đổi công việc thì anh ấy đã không đi làm hai tháng. Sau khi anh ấy bắt đầu làm việc cho hạng mục thì thu nhập đã giảm xuống đáng kể. Khi nhìn thấy tiền tiết kiệm của chúng tôi dần giảm xuống, các chấp trước của tôi liên tục nổi lên.

Sau khi anh tham gia hạng mục được hai tháng thì phòng nhân sự đột nhiên kết thúc hợp đồng làm việc với chồng tôi do không đủ việc và trao đổi thông tin không hiểu nhau.

Là một học viên mới, chồng tôi rất buồn trong vài ngày. Ban đầu tôi cố gắng an ủi anh rằng mọi việc sẽ ổn thôi, nhưng tâm tôi thì không hề tĩnh.

Tôi tự nhủ: “Tại sao lúc đó các vị rất nhiệt tình mời anh ấy tham gia vào, và giờ đây lại đột nhiên để anh ấy đi?” Chúng tôi phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh tâm lý quanh sự việc này. Chúng tôi phải thay đổi các kế hoạch cuộc sống. Sao kết quả lại như vậy chứ?

Khi những niệm đầu này xuất hiện và quay trở lại trong trí óc tôi thì đoạn Pháp của Sư phụ đã xuất hiện trong đầu tôi:

“Tu luyện là tu nhân tâm, tu chính mình; khi có vấn đề, khi có mâu thuẫn, khi có khó khăn và bị đối xử bất công bằng, thì vẫn có thể hướng nội tìm trong bản thân mình, thế mới là tu luyện thật sự, mới có thể đề cao không ngừng, mới có thể đi cho chính con đường tu luyện, mới có thể tiến về viên mãn!” (Lời chúc gửi Pháp hội Đài Loan [2016])

Lúc đó, mắt tôi đẫm lệ.

Đúng như vậy, biểu hiện là chồng tôi bị đối xử bất công, nhưng tại sao tôi lại cảm thấy khó chịu đến vậy? Thậm chí trước kia tôi rất quan tâm về việc những người khác nhìn và đối xử với chồng tôi như thế nào. Chẳng phải đây là lợi và tình sao? Hơn nữa, cũng có tâm chấp vào danh trộn lẫn trong đó. Khi chồng tôi tham gia vào hạng mục, anh ấy được đánh giá cao vì những bằng cấp của mình. Là một người vợ, tôi cảm thấy rất tự hào. Giờ đây đột nhiên công việc của anh bị kết thúc, nó dường như là đột nhiên anh đã bị “thất sủng”, và tôi cảm giác như mình bị mất thể diện.

Hơn thế nữa, toàn bộ tình huống này đã phơi bày tâm chấp trước mạnh mẽ của tôi vào vật chấp. Khi chồng tôi không có thu nhập trong vài tháng, tôi đã không thể chịu được, và liên tục thể hiện sự lo lắng của mình về tình trạng tài chính của chúng tôi.

Tại sao tôi lại bị ám ảnh bởi thu nhập của chồng tôi đến vậy? Đó là bởi vì tôi không muốn nhảy ra khỏi “vùng thoải mái” và sống một cuộc sống vất vả hơn–rõ ràng tôi sợ chịu khổ.

Tôi chưa hề tu khứ sự mưu cầu hạnh phúc và một cuộc sống thoải mái của mình. Tôi luôn muốn có một ngôi nhà nhỏ mà tôi có thể bày biện theo ý của mình và sống một cuộc sống ổn định. Tôi liên tục bị tâm chấp trước này can nhiễu. Gần đây tôi tự hỏi: “Mi muốn ở lại trong xã hội người thường và sống một cuộc sống thoải mái hay mi muốn trở về nhà trên thiên thượng vậy?”

Mặc dù câu trả lời rất rõ ràng, nhưng tôi rất minh bạch cảm thấy rằng sự quyết tâm rời khỏi xã hội người thường này không đủ mạnh. Tôi đã cố gắng khích lệ bản thân bằng việc nghe “Câu chuyện tu luyện của Milarepa” và đọc các câu chuyện tu luyện và việc kinh qua tra tấn của các học viên khác. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ để tôi tu luyện tinh tấn.

Tôi nhận ra rằng mình luôn hướng ngoại. Giờ đây, khi những chấp trước này nổi lên, tôi sẽ nhẩm Pháp của Sư phụ:

Người ta nói: ‘Ta đến xã hội người thường, giống như đến khách sạn, tá túc vài ngày, rồi vội rời đi’. Một số người cứ lưu luyến nơi này mãi, quên cả nhà của bản thân mình. (Bài giảng thứ chín-Chuyển Pháp Luân)

Tôi cảm thấy rất rõ là chấp trước ngoan cố này bị yếu dần dưới huyền năng của Pháp. Tôi thực sự cảm kích môi trường tu luyện mà hạng mục truyền thông đem lại cho mình, và cảm ân với những an bài của Sư phụ.

Con tạ ơn Sư phụ.

Cảm ơn các bạn đồng tu.

Bài viết được đọc ở Pháp hội Úc 2019


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/10/21/394826.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/10/29/180521.html

Đăng ngày 08-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share