Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 12-11-2018] Gần đây, tôi ngộ ra rằng lý do tôi vẫn chưa làm tốt việc tu khẩu là vì tôi quá hấp tấp và bốc đồng. Mặc dù tôi rất chăm chỉ học Pháp, nhưng vì đang tu luyện trong xã hội người thường vô cùng phức tạp, nên tôi rất ít khi thực sự làm được theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Đại Pháp. Những gì tôi chia sẻ với các đồng tu chỉ là lý luận suông. Nếu không để ý đến từng suy nghĩ từng niệm đầu của bản thân, thì làm sao chúng ta có thể làm tốt việc tu khẩu?
Một hôm, khi tôi đang học Pháp, một đoạn Pháp của Sư phụ bỗng hiện lên trước mắt tôi:
Tu khẩu được giảng trong Phật gia, ấy là, con người ta [lúc] nói đều do ý thức tư tưởng của mình chi phối; như vậy ý thức tư tưởng kia chính là ‘hữu vi’. Nếu bản thân ý thức tư tưởng người ta vừa động niệm, nói một [lời] nào đó, làm một [điều] nào đó, chi phối giác quan hay tứ chi của con người, thì có thể là chấp trước nơi người thường.“ (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)
Tu khẩu rất khó làm được nếu chúng ta không thực tu bản thân
Trong một lần học Pháp nhóm, một đồng tu đã chia sẻ trải nghiệm của anh ấy sau khi ra khỏi trại lao động cưỡng bức. Anh nói rằng khi hướng nội, anh đã phát hiện ra vấn đề của mình về phương diện thực tu cá nhân. Anh xúc động nói: “Chính Pháp đã gần kết thúc, nhưng tôi chỉ vừa mới bắt đầu thực tu bản thân. Bây giờ, mỗi khi gặp phải sự việc gì, dù lớn hay nhỏ, tôi đều chú ý đến từng tư từng niệm và thực tu chính mình. Dù chỉ là thay đổi một chút quan niệm, tôi cũng phải không ngừng cố gắng.”
Sau khi nghe học viên đó chia sẻ, tôi cảm thấy rất xúc động. Tôi nghĩ, nếu chúng ta chỉ “ngộ” được Pháp lý mà không hành theo được, thì đó không phải là thực tu! Đối với từng chấp trước của bản thân, từ lúc ngộ được cho đến lúc hoàn toàn tu bỏ được là cả một quá trình tu luyện oan tâm thấu cốt.
Quá trình ấy bắt đầu từ việc xác định chấp trước cần tu bỏ, sau đó chúng ta phải chịu khổ để hoàn trả nợ nghiệp, đồng thời tăng cường ý chí và kiên định chính niệm của bản thân cho đến khi đạt được tiêu chuẩn. Chỉ khi đó, nó mới được gọi là chân tu, thực tu. Một khi tâm tính của chúng ta đề cao trong thực tu, các chấp trước ngày càng ít đi, và tư tưởng trở nên thanh tĩnh, thì việc tu khẩu cũng không khó khăn như vậy.
Dụng Pháp tu chính bản thân mình chứ không phải tu người khác
Những năm đầu tu luyện, tôi rất chăm chỉ học Pháp, nhưng tôi không biết làm thế nào để chân chính thực tu, và cũng không biết hướng nội tìm. Vì vậy, bất tri bất giác, tôi đã dùng Pháp để đo lường người khác thay vì đo lường chính mình, và mang theo nhân tâm mạnh mẽ để phân tích, cho rằng đồng tu này là không ở trong Pháp, chấp trước kia là đang nổi lên bề mặt, v.v. Thậm chí, tôi còn mang theo quan niệm mạnh mẽ của bản thân mà chủ động tìm đồng tu giao lưu.
Tôi có hai bà cô cũng là đồng tu. Cô lớn của tôi rất bận rộn với cháu ngoại, vì vậy trạng thái tu luyện của cô không được tốt. Người cô thứ hai cảm thấy lo lắng về điều đó nên đã trao đổi với tôi rằng chúng tôi cần giúp đỡ người cô kia. Tôi thấy làm như vậy rất có đạo lý nên đã đồng ý. Tuy nhiên, khi cô lớn đến chơi nhà tôi, cô chỉ gặp mặt hàn huyên được năm phút rồi vội vã đi ngay. Tôi và cô hai cảm thấy rất tiếc vì chúng tôi vẫn chưa chia sẻ được với cô lớn.
Ngày hôm sau, cô hai bỗng bị viêm thanh quản, giọng khàn khàn không thể nói được. Tôi cảm thấy rất bối rối. Tôi cho rằng ý định chia sẻ của chúng tôi với cô lớn vào hôm trước là không hề sai. Sau đó, cô hai ngộ ra rằng cô có chấp trước vào việc dùng Pháp để đo lường người khác. Thực ra, cô lớn chính là chiếc gương phản chiếu tình trạng tu luyện của tôi và cô hai. Cô hai còn chấp trước vào cháu ngoại, còn tôi thì còn chấp trước vào con gái. Sau khi ngộ ra điều này, giọng nói của cô hai đã trở lại bình thường, viêm thanh quản đã biến mất. Vài ngày sau, cô lớn đến chơi nhà tôi. Lần này, thay vì dùng Pháp để giúp cô phân tích tình huống và khuyên cô nên làm thế này làm thế kia, tôi chỉ lặng yên lắng nghe. Tôi đã tận dụng cơ hội này để xem xét chính bản thân mình. Khi lắng nghe cô nói, tôi đã phát hiện nhiều thiếu sót của bản thân mà bình thường tôi vẫn không ý thức được. Không lâu sau, khi gặp lại cô lớn, cô chia sẻ với tôi rằng trạng thái tu luyện của cô đã có bước đột phá lớn, và cô đã có thể tiếp tục ra ngoài giảng chân tướng. Tôi rất mừng cho cô.
Thực vậy, Đại Pháp vô cùng huyền diệu. Sư phụ đã sử dụng tình huống của cô lớn để giúp tôi và cô hai nhìn ra thiếu sót của chính mình. Bây giờ, tôi hiểu được rằng mỗi khi gặp mâu thuẫn với người khác, hay mỗi khi gặp sự tình gì, nghe thấy gì, nhìn thấy gì, thì tất cả đều là cơ hội để tôi hướng nội và đề cao. Tôi cũng hiểu rằng chúng ta không nên dùng Pháp để đo lường người khác, hay dùng quan niệm của bản thân để đánh giá họ, và đặc biệt là không nên áp đặt thể ngộ của mình cho đồng tu.
Nói nhiều về thể ngộ của bản thân chính là tâm hiển thị
Thuận theo đề cao trong tu luyện, dần dần tôi không còn để ý đến lỗi sai của người khác hoặc tùy ý bình luận về họ nữa. Tôi tận dụng từng cơ hội để hướng nội tìm và xét xem mình có thể đề cao như thế nào. Tôi cảm thấy hàng ngày Sư phụ đều điểm hóa cho tôi, trong mỗi sự việc xảy ra đều có những thứ tôi cần tu bỏ, và những nhân tố mà tôi cần chú ý. Sau một thời gian, tôi đã có nhiều cải biến lớn. Trong các buổi gặp gỡ với các đồng tu, tôi đã chia sẻ thể ngộ của mình về quá trình hướng nội tìm. Tôi đã tu luyện nhiều năm như vậy, nhưng dường như tôi vừa mới học được cách hướng nội. Tuy nhiên, một thời gian sau, tôi lại ngộ được rằng chỉ nói về bản thân và tránh không nói về người khác cũng có thể là một chấp trước; đó là tâm hiển thị.
Một lần, khi tôi chuyển đồ đến nhà một đồng tu, bà đã mời tôi ở lại thêm một chút để chia sẻ. Thông qua cuộc trò chuyện, tôi thấy bà cũng là người rất có tài ăn nói. Khi nhắc đến khổ nạn của mình với chồng, giọng nói của bà đầy cảm xúc. Tôi đã hết sức cố gắng để không bình luận câu nào. Sau đó, tôi đã chia sẻ với bà về trải nghiệm và thể ngộ của tôi, và không bình luận gì về người khác.
Khi tôi chuẩn bị rời đi, đột nhiên chốt cửa không thể mở được. Bà đã dùng chìa khóa để mở nhưng vẫn không được. Tôi nghĩ: “Đây không phải là chuyện vô duyên vô cớ. Lẽ ra mình không nên ở lại lâu như vậy. Hôm nay, mình đã không làm tốt.” Khi ý niệm ấy vừa mới phát ra, tôi liền nắm lấy tay nắm cửa và cánh cửa mở ngay lập tức! Tôi biết đây chính là điểm hóa của Sư phụ: tôi nên để ý đến tu khẩu, hôm nay tôi đã nói quá nhiều. Sau khi trở về nhà, tôi cảm thấy hơi choáng váng. Phải vài ngày sau, tôi mới chính lại được trạng thái của bản thân. Thực ra, tôi chỉ biết rằng mình cần tu khẩu, nhưng trên thực tế tôi không biết phải làm như thế nào.
Sau khi chia sẻ với một đồng tu về tình huống mà tôi vừa trải qua, cô đã nói với tôi rằng: “Gặp chuyện gì chị cũng đều biết hướng nội tìm, điều ấy có nghĩa là Sư phụ cũng đang quản chị. Nhưng tôi thì không. Tôi không cảm thấy gì cả. Có lẽ tôi chưa làm tốt nên Sư phụ không quản tôi.” Tôi rất sốc khi nghe cô ấy nói điều đó. Tôi đã nói gì mà lại khiến cho cô ấy nghĩ như vậy? Sau đó, khi đọc sách Chuyển Pháp Luân, tôi đã đọc được đoạn Pháp về tâm lý hiển thị.
Sư phụ giảng:
“Có nhiều học viên trong chúng ta, vì tu luyện ở nơi người thường, nên có nhiều tâm chưa vứt bỏ; có nhiều tâm đã trở thành ‘tự nhiên’ rồi, bản thân họ không nhận ra được nữa. Tâm lý hiển thị này ở đâu cũng thể hiện ra; khi làm điều tốt cũng có thể thể hiện ra tâm lý hiển thị.” (Chuyển Pháp Luân)
“Chúng ta cũng có tình huống này: luyện có phần hơn, thiên mục xem có phần rõ hơn, động tác trông đẹp mắt hơn; cũng có hiển thị trong đó.” (Chuyển Pháp Luân)
Tôi hiểu rằng khi chia sẻ tâm đắc thể hội, chúng ta có thể nói về những gì mình đã ngộ được, nhưng đồng thời chúng ta cũng cần tiết chế bản thân và chú ý tu khẩu. Mỗi người chúng ta đều có trạng thái và tầng thứ tu luyện khác nhau, do đó, khi đối mặt với những vấn đề giống nhau, chúng ta đều có những cách lý giải và giải quyết vấn đề khác nhau. Nói quá nhiều về thể ngộ của bản thân có thể sinh ra tâm hiển thị, hơn nữa, điều ấy có thể can nhiễu đến lý giải Pháp của đồng tu, và thậm chí còn dẫn khởi tâm tật đố.
Không mang tâm “hữu vi” đi làm các việc
Trước đây, tôi thường trợ giúp đồng tu chỉnh lý các bài chia sẻ gửi Minh Huệ nhân dịp kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp. Tôi cảm thấy việc viết bài chia sẻ cũng là đang theo sát tiến trình Chính Pháp, vì vậy tôi cũng tự thúc bản thân viết một bài. Ngày hôm sau, tôi phát hiện thấy bàn phím máy tính của mình bị hỏng. Tôi nghĩ: “Có phải điều này xảy ra là để ngăn không cho mình đánh máy? Chẳng lẽ những gì mình định chia sẻ là không đúng sao?” Tôi cảm thấy rất bối rối.
Vài ngày sau, khi tôi gặp một đồng tu, cô đã vui vẻ đưa cho tôi khá nhiều bài viết để nhờ tôi chỉnh lý. Cô nói rằng sau khi được tôi chia sẻ về việc viết bài tâm đắc thể hội, cô đã chia sẻ lại với một số đồng tu, và mọi người đều muốn tham gia để có thể theo kịp tiến trình Chính Pháp. Khi đến ngày hết hạn nộp bài, chúng tôi đã nhận và sửa hàng chục bài viết, trong đó có một số bài viết rất tốt, nhưng hơn một nửa số bài là không có nội dung thực tế. Những bài viết ấy chỉ biểu đạt cảm ân đối với Sư tôn, và hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu viết bài của Minh Huệ. Tuy chúng tôi không gửi những bài viết này, nhưng tôi không thể không suy xét, tại sao tình huống này lại xuất hiện? Tôi đã sai ở chỗ nào? Đột nhiên lúc ấy, một đoạn thơ của Sư phụ bỗng hiện lên trong đầu tôi:
“Chuyên hành thiện sự hài thị vi
Chấp trước tâm khứ chân vô vi” (Vô vi, Hồng Ngâm)
Tạm dịch:
“Chuyên làm việc thiện vẫn là vi
Bỏ tâm chấp trước: chân vô vi”
Tôi nhận ra rằng ý định viết bài chia sẻ của tôi là hữu vi. Tôi muốn viết bài là vì tôi sợ không theo kịp tiến trình Chính Pháp. Đây là một chấp trước và là quan niệm của bản thân tôi. Khi chia sẻ việc này với các đồng tu, tôi cũng không biết nó sẽ gây ảnh hưởng đến họ, đặc biệt là đối với những người không trực tiếp xem thông tri của Minh Huệ. Họ chỉ biết được việc này thông qua chia sẻ của chúng tôi. Và tất cả đã tham gia viết bài chỉ vì không ai muốn bị loại khỏi tiến trình Chính Pháp. Suýt nữa thì chuyện này đã trở thành can nhiễu. Đây thực sự là một bài học giáo huấn lớn đối với tôi. Sư phụ giảng:
“Toàn bộ quá trình tu luyện của người ta chính là quá trình liên tục tống khứ tâm chấp trước của con người.” (Chuyển Pháp Luân)
“Tâm tính cao bao nhiêu công cao bấy nhiêu, đó là chân lý tuyệt đối.” (Chuyển Pháp Luân)
Nếu chúng ta không tu luyện tâm tính, những việc mà chúng ta hữu ý làm đều sẽ không giúp chúng ta đề cao. Ví dụ như, trước đây, rất nhiều đồng tu cảm thấy rằng họ cần tham gia khởi kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc; họ tin rằng nếu không làm như vậy, thì họ sẽ không thể viên mãn. Cũng có rất nhiều người tin rằng cứu độ thêm nhiều chúng sinh sẽ giúp họ tích được nhiều uy đức hơn.
Điều này khiến tôi nhớ đến bài thơ “Hữu Vi” trong Hồng Ngâm của Sư phụ:
“Kiến miếu bái Thần sự chân mang
Khởi tri hữu vi không nhất trường
Ngu mê vọng tưởng Tây thiên lộ
Hạt mô dạ tẩu lao nguyệt lượng”
Tạm dịch:
“Dựng miếu cúng Thần nhọc việc công
Hữu vi nào biết sẽ thành không
Ngu mê vọng tưởng đường Thiên Trúc
Đáy nước mò trăng chỉ uổng công”
Những gì tôi ngộ được
Bây giờ, tôi hiểu rằng tất cả đệ tử Đại Pháp đều có Pháp thân của Sư phụ quản. Chúng ta là các đệ tử Đại Pháp của thời kỳ Chính Pháp, vì vậy, mỗi ngày chúng ta đều cần làm ba việc mà Sư phụ yêu cầu, đồng thời cần thường xuyên hướng nội, và làm mọi việc một cách tùy kỳ tự nhiên chứ không nên hữu ý mà làm. Khi chia sẻ với các đồng tu, nếu chúng ta còn xen lẫn tư tâm và quan niệm của bản thân, hoặc khi chúng ta để cho dục vọng khống chế và làm mọi thứ theo ý muốn, thì đó chính là hữu vi.
Đệ tử Đại Pháp cần dĩ Pháp vi Sư. Chúng ta có học Pháp tập thể, do đó, việc chia sẻ thể ngộ là cần thiết. Nhưng đồng thời, chúng ta cần đối đãi với việc chia sẻ một cách nghiêm túc, và nhất định phải chú ý tu khẩu. Nếu không, chúng ta sẽ can nhiễu đến những đồng tu khác và trạng thái tu luyện của họ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/12/376983.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/1/18/174674.html
Đăng ngày 15-02-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.