Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Ninh Hạ, Trung Quốc

[MINH HUỆ 29-10-2018] Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, một cụ bà 75 tuổi đã liên tục bị bắt giữ và từng một lần bị cầm tù ba năm.

Ngày 10 tháng 5 năm 2018, bà Mục Chí Hoành, một giáo viên hưu trí ở thành phố Thạch Chủy Sơn, Ninh Hạ, gần đây đã bị chính quyền nhắm đến bởi đức tin của bà. Năm công an cùng với bảy người của ủy ban dân cư đã kéo đến nhà bà. Họ đã gọi một thợ khoá đến phá khóa cửa nhà bà, lục soát và lấy đi các tài sản cá nhân của bà Mục. Tiếp đó, họ bắt giữ bà rồi đưa đến Đồn Công an Đường Thanh Sơn, sau đó thả bà ra vào tối hôm đó.

Sức khoẻ của bà Mục nhanh chóng suy giảm sau lần bắt giữ thứ 11 này. Hiện bà đang được điều trị tại Bệnh viện Tim Ninh Hạ.

Bà Mục đã thuật lại những khổ nạn của mình vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.

Bà viết: “Từ năm 1999, Diêm Thừa Vĩ, Hà Hồng Lâm, và công an của Đồn Công an Đại Vũ Khẩu đã lục soát nhà và lấy đi tài sản cá nhân của tôi không biết bao nhiêu lần.”

Những khổ nạn của bà Mục

Tôi là Mục Chí Hoành, một giáo viên về hưu của Tập đoàn Công nghiệp Than Ninh Hạ Thần Hoa. Trước kia, vì bị viêm khớp, bệnh tim, bệnh về dạ dày và các bệnh khác, tôi rất yếu và chỉ nặng khoảng 45 kg. Tôi dùng mọi loại thuốc và tiêu khoảng 10.000 Nhân dân tệ cho chi phí thuốc men mỗi năm. Không gì có thể giúp tôi, nên tôi phải về hưu sớm.

Sáu tháng sau khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã khỏi bệnh và tăng cân. Chứng kiến sự thay đổi của tôi, một số bạn bè và người thân cũng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công.

Những lần bắt bớ và giam giữ

Khi tôi luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công tại một nhóm luyện công vào ngày 21 tháng 7 năm 1999, hai công an đã khống chế tôi về nhà. Nhiều ngày sau, Diêm Thừa Vĩ và Hà Hồng Lâm từ Đồn Công an Đại Vũ Khẩu đã bắt tôi và giam 15 ngày. Đó là lần đầu tiên tôi bị bắt và giam giữ phi pháp.

Không lâu sau, hai công an này lại bắt giữ tôi và đưa tôi đến một Trại tạm giam, nơi tôi bị giam trong một tuần. Tôi bị giam là bởi khi đó Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc, người đã cấm Pháp Luân Công, đang đến Ninh Hạ. Tôi đã bị giam ba hay bốn lần vào năm 1999, hầu hết là vào những ngày lễ quan trọng hoặc khi một quan chức cao cấp đến thành phố của tôi.

Để tránh bị bắt giữ, tôi phải sống xa nhà hơn sáu tháng. Sau khi trở về nhà vào tháng 8 năm 2000, Diêm và hai công an đã bắt giữ tôi và đưa đến trại tạm giam Số 2 Thạch Chủy Sơn. Đây là lần thứ sáu tôi bị bắt giam. Sau đó họ đưa tôi đến Trại lao động Nữ Ninh Hạ và giam giữ tôi một năm tại đó.

Bị ngược đãi trong trại lao động

Ngày 30 tháng 8 năm 2000 tôi bị bắt vào trại lao động, lính canh đã phái những tù nhân nghiện ngập và xấu xa nhất “chuyển hoá” các học viên, nhằm ép chúng tôi từ bỏ niềm tin của mình. Chúng tôi không được giao tiếp với các học viên khác hay luyện Pháp Luân Công. Ngoài ra, họ còn ra lệnh cho chúng tôi phải đọc những tài liệu lăng mạ Pháp Luân Công và viết báo cáo tư tưởng mỗi ngày. Hai tù nhân được giao giám sát tôi cả ngày lẫn đêm. Một người ngủ cùng giường với tôi, trong khi người kia ngủ ở giường tầng trên.

Các học viên bị ép phải làm việc từ 5 giờ sáng đến tận 10 giờ đêm mỗi ngày. Khi học viên bà Phùng Kiến Anh chào tôi, một tù nhân đã báo cáo việc này với các lính canh, bà Phùng đã bị chuyển đến một xà lim biệt giam và bị cấm ngủ và bỏ đói. Tôi và các học viên khác đã tuyệt thực để phản đối sự bất công này cho đến khi bà Phùng được thả ra một tuần sau đó.

Lính canh Mã Lệ đã ngược đãi chúng tôi. Chúng tôi bị bắt phải đứng bất động ngoài trời trong nhiều giờ với quần áo mỏng tang trong mùa đông lạnh giá hay dưới cái nắng như thiêu đốt của mùa hè. Chúng tôi phải chạy nhiều giờ trong những ngày mưa. Chúng tôi không được thay quần áo khô sau đó và phải ngay lập tức làm việc.

Sau vụ tự thiêu giả mạo vào đầu năm 2001, các lính canh còn đối xử tệ với chúng tôi hơn. Họ cố tẩy não chúng tôi hàng ngày. Vì tôi từ chối từ bỏ đức tin của mình, thời hạn bị giam giữ trong trại lao động của tôi bị kéo dài thêm 105 ngày, và mãi đến đến tận ngày 20 tháng 11 năm 2001 tôi mới được trả tự do, lúc đó tôi hốc hác và yếu ớt.

Những lần giam giữ sau đó

Lần bắt giữ thứ bảy xảy ra vào tháng 4 năm 2002. Khi tôi đưa tiền cho cháu gái để thanh toán chi phí y tế, Diêm và Hà đã theo dõi tôi. Họ bắt giữ tôi vào ngày hôm sau và đưa tôi đến trại tạm giam Số 2 Thạch Chủy Sơn.

Ngay khi đến đó, tôi mới biết cháu tôi Lý Ái Linh, cũng là một học viên, cũng đang bị giam giữ ở đó. Công an Đại Vũ Khẩu đã báo cáo với Phòng 610 tỉnh và cục công an rằng một vụ án nghiêm trọng phá hoại an ninh quốc gia đã được giải quyết. Những công an tham gia vào vụ án này đã nhận được phần thưởng. Một lính canh trong trại tạm giam thấy những phần thưởng này và nghĩ nó thật nực cười – làm sao mà một phụ nữ lớn tuổi, một cháu gái trung niên, và hai công dân bình thường, có thể phá hoại an ninh quốc gia?

30 ngày sau tôi và cháu gái được bảo lãnh tại ngoại.

Lần bắt giữ thứ tám diễn ra không lâu sau Tết Nguyên đán 2005. Công an giam tôi tại một đồn công an và sau đó là trong một trại tạm giam. Vì không ăn gì trong sáu ngày, sức khoẻ của tôi suy giảm và tôi được đưa đến một bệnh viện. Khi không thấy bóng dáng của lính canh, tôi đã trốn thoát và đi đến một thành phố khác.

trại tạm giam Ngân Xuyên

Tôi bị bắt giữ lần thứ chín vào tháng 12 năm 2006. Công an đã dùng thang leo lên tầng hai của toà nhà. Họ xông vào nhà tôi, dùng quần của tôi chụp vào đầu tôi và và lục soát nhà trước khi nói rằng họ là công an của thành phố Ngân Xuyên. Họ yêu cầu tôi ký vào một biên bản. Khi tôi từ chối, một công an đã ký vào biên bản đó.

Tại trại tạm giam Ngân Xuyên, tôi bị đưa đến một xà lim nhỏ được thiết kế dành cho bảy tù nhân, nhưng lại giam đến 14 người. Không có chăn ấm, tôi run rẩy cả đêm. Chúng tôi cũng không được cấp đầy đủ thức ăn.

Ngoài ra, mỗi ngày chúng tôi phải làm việc từ 5 giờ sáng đến tận nửa đêm. Mùa hè, khi tất cả cánh cửa đều đóng lại, thì căn phòng giống như một cái lò nướng. Khối lượng công việc thì nặng nhọc, và nếu một người không hoàn thành chỉ tiêu, tất cả tù nhân đều bị phạt.

Để phản đối việc giam giữ phi pháp, tôi và hai học viên là bà Tương Hồng An và bà Trương Tiểu Bình đã tuyệt thực. Chúng tôi bị đưa đến một phòng quản lý nghiêm ngặt, và nghe nói rằng bà Trương đã bị bức thực bằng phân.

Lao động nặng nhọc thời gian dài, suy dinh dưỡng và thiếu ngủ khiến tôi chóng mặt, yếu ớt và nhịp tim bất thường. Các lính canh không quan tâm điều này.

Bất chấp sức khoẻ yếu, tôi bị đưa ra xét xử tại Toà án Khu Tây Hạ vào cuối tháng 5 năm 2007. Công an lại thẩm vấn tôi một tháng sau đó và nói rằng tôi đã bị kết án ba năm tù. Gia đình tôi đã thuê một luật sư và tôi đã kháng án lên Toà án Trung cấp Ngân Xuyên nhưng bản án ban đầu vẫn bị giữ nguyên.

Tôi ở trong trại tạm giam 260 ngày và sau đó bị chuyển đến một nhà tù vào tháng 8 năm 2007.

Nhà tù: Tra tấn tàn bạo

Nhà tù Nữ Ngân Xuyên chuyên giam giữ tội phạm giết người, nghiện ma tuý, gái mại dâm và trộm cướp. Nhiều người trong số họ đã nhận án tử hình hoặc chung thân.

Khối lượng công việc thì nặng. Tôi bị giao làm quần áo sau một ngày đến đó. Một số vải chứa chất độc như formaldehyde và tôi bị dị ứng. Phát ban dần dần lan ra khắp cơ thể tôi, rất ngứa và đau đớn. Vì tôi là một học viên, các lính canh đã làm ngơ trước khi tôi yêu cầu sắp xếp lại việc khác cho tôi.

Tôi bị phân vào Đội 2, nơi áp dụng cách thức quản lý bán quân sự. Bữa ăn kéo dài chưa đầy 20 phút, và tôi không đủ thời gian để ăn vì tôi nhận thức ăn trễ. Vì vậy sức khoẻ của tôi còn suy giảm hơn nữa.

Nhiều lính canh từ hệ thống nhà tù Bắc Kinh đã đến vào tháng 2 năm 2009 và huấn luyện công an địa phương về cách “chuyển hoá” các học viên. Sáu tù nhân đáng tin cậy đã được giao giám sát tôi cả ngày.

Tôi đã bị tra tấn trong suốt thời gian ở trong nhà tù này. Tôi bị ép phải ngồi thẳng và bất động trên một cái ghế nhỏ hơn 20 tiếng mỗi ngày, và các tù nhân đánh đập tôi liên tục. Có lúc tôi bị cả sáu người lột quần áo và khám người.

Tôi bị ép phải đọc những bài viết, xem những đoạn phim lăng mạ Pháp Luân Công và Nhà sáng lập và viết báo cáo tư tưởng mỗi ngày.

Tôi bị cấm ngủ suốt ba tháng và chỉ được ngủ một hay hai giờ. Một tù nhân [được giao canh trừng tôi] để bảo đảm rằng tôi không đọc thầm các bài viết của Pháp Luân Công.

Một đội chuyên biệt nhằm “chuyển hoá” tôi thỉnh thoảng lại được cải tổ lại. Công an thường công kích tôi trước mặt những đám đông lớn. Họ tuyên bố rằng các học viên ở Ngân Xuyên và Bắc Kinh đã từ bỏ Pháp Luân Công.

Cuối cùng, bởi áp lực to lớn tôi đã không chịu nổi và từ bỏ đức tin của mình. Tuy nhiên, tôi đã hối hận rất nhiều và thường xuyên khóc. Tôi đã quay trở lại tu luyện Pháp Luân Công sau khi được trả tự do.

Tôi bị bắt giữ lần thứ 10 vào ngày 17 tháng 6 năm 2016 khi đến thăm người anh họ. Công an đã đưa tôi về lại nơi cư trú, lệnh cho một thợ khoá mở cửa và tịch thu các sách Pháp Luân Công cùng những tài sản cá nhân khác.

Gia đình thống khổ

Anh tôi bị giữ gần một ngày khi tôi bị bắt giữ lần thứ 10. Công an đã lục soát nhà anh, quay phim hiện trường, và hăm doạ người nhà. Vợ anh bị khủng bố, con trai ba tuổi sợ hãi và khóc, và một người họ hàng lớn tuổi khác sống cùng khu đã phát bệnh tim sau lần đổ bộ này.

Người nhà tôi, thậm chí là trẻ nhỏ cũng bị ảnh hưởng. Một lần, con trai 14 tuổi ở nhà cùng tôi. Diêm và những công an khác đã đẩy hai cha con tôi vào một xe công an. Tôi đã kháng cự mạnh mẽ và sau đó họ đã thả con tôi ra.

Khi tôi đến thăm cha mình ở tỉnh An Huy sau Tết Nguyên đán Trung Quốc năm 2000, bốn công an Ninh Hạ đã đi 1.000 dặm đến để đến bắt giữ tôi tại nhà cha, khiến ông và những người khác trong gia đình bị tổn thương nghiêm trọng. Vài tháng sau khi tôi bị kết án ba năm tù vào năm 2006, cha tôi đã qua đời .

Công an đã lục soát nhà tôi để tìm kiếm các tài liệu Pháp Luân Công khi tôi ở trong trại lao động. Họ thậm chí còn đào những luống hoa và tháo dỡ các đường ống sưởi ấm của nhà tôi.

Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi Pháp Luân Công bị cấm [ở Trung Quốc], và khổ nạn của tôi và gia đình tôi là vượt quá mức có thể tưởng tượng của một công dân bình thường. Nhưng không gì có thể và sẽ khiến đức tin của tôi vào Pháp Luân Công bị thay đổi.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/10/29/376368.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/7/173168.html

Đăng ngày 13-11-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share