Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 7-10-2018] Bà Kim Tuấn Mai, 61 tuổi, sống tại huyện Du Trung, thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc. Bà liên tục bị bắt giữ chỉ bởi bà không từ bỏ Pháp Luân Công, một môn tu luyện đang bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại.

Sau khi bị bắt vào năm 2008, bà bị kết án tám năm tù. Khi chồng bà qua đời sau đó vài tháng, bà được trả tự do. Tuy nhiên, bà bị bắt giam lại vào năm 2012 và cầm tù ba năm, còn nhiều lần bị đánh đập thậm tệ, không cho dùng nhà vệ sinh, ép uống nước tiểu và ăn phân.

Dưới đây là những gì bà Kim kể lại.

Bị tàn phế lúc lên năm và hồi phục vào năm 1997

Cơ thể tôi đang bình thường thì khi lên năm, tôi bị một căn bệnh truyền nhiễm, di chứng để lại là tôi không đi lại được nữa. Đến năm tôi 13 tuổi, chân phải của tôi có chút chuyển biến nhưng chân trái thì không chịu được trọng lượng của tôi nếu không có nạng.

Tôi kết hôn khi 25 tuổi, sau đó thì sinh được một bé trai và một bé gái. Cuộc sống của tôi xuống dốc vào năm 1992 khi một người hàng xóm đã xây lại ngôi nhà của họ và lấy đi một phần diện tích trên mảnh đất của chúng tôi. Khi tôi tranh cãi với họ về việc này, họ đã đá tôi, giẫm lên bụng tôi, khiến tôi bị chảy máu và không còn sức mà chống trả.

Khi đến bệnh viện, bác sỹ chẩn đoán tôi bị chảy máu dạ dày. Các bác sỹ còn phát hiện tôi bị sỏi mật, viêm túi mật và bệnh tim.

Tôi cũng cố gắng tìm công lý trong việc đất đai của tôi bị tước đoạt và nộp đơn khiếu nại lên toà án địa phương nhưng không thành công. Tôi đã kháng án lên tòa trung thẩm nhưng vẫn không được bồi thường khoản tiền nào.

Sự bất công này khiến tôi rất tức giận, sức khỏe thì ngày một sa sút. Tim tôi thường đập bị lỡ nhịp đập, thị lực kém đi. Chồng tôi muốn mượn tiền để chữa trị cho tôi, nhưng tôi không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình. Vì thế nhiều lần tôi muốn tự sát nhưng chồng tôi đã ngăn tôi lại.

Vào đầu năm 1997, một người bạn đã đưa cho tôi cuốn Chuyển Pháp Luân. Nhiều tháng sau, tôi cố gắng đọc sách ngay cả khi thị lực của tôi xấu đi. Tôi đã nói với Sư phụ Lý, Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, từ trong tâm rằng tôi sẽ tu luyện khi khỏe hơn. Sau đó, tôi thấy các chữ trong sách sáng dần rồi trở nên rõ. Lúc đó, tôi bắt đầu đọc sách.

Dạ dày của tôi cũng ngừng chảy máu trước khi tôi học các bài công pháp và thấy khỏe hơn. Sau đó, tôi phát hiện ra một điểm luyện công và đi đến đó. Không bao lâu sau, mọi bệnh tật của tôi đã biến mất.

Nhờ đọc sách Chuyển Pháp Luân, tôi không còn bị ám ảnh về việc người hàng xóm lấy đất của tôi nữa. Tôi đã học cách không tranh đoạt vì tiền bạc, lợi ích của bản thân. Đại Pháp đã cho tôi một cuộc đời thứ hai.

Ba lần bị bắt giữ trong hai năm

Sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công xảy ra, tôi, cũng như hàng triệu học viên Pháp Luân Công khác, đều muốn nói với chính phủ rằng cuộc bức hại này là sai trái.

Tôi và một học viên ở thành phố Lan Châu đã tới chính quyền tỉnh Cam Túc để kháng nghị vào ngày 22 tháng 7 năm 1999. Thế nhưng, tôi lại bị giam lại, các viên chức ở địa khu tôi ở đã đến đưa tôi về và còn xúi tôi đổ lỗi cho Pháp Luân Công đã làm hai chân tôi tàn phế trong lần phỏng vấn với một phóng viên đài truyền hình. Tuy nhiên, tôi đã từ chối.

Vào tháng 10 và tháng 11 năm 2000, tôi tới Bắc Kinh hai lần để kháng nghị cho Pháp Luân Công. Sau lần kháng nghị thứ hai, tôi bị bắt rồi lại được thả.

Cảnh sát địa phương lục soát nhà tôi vào năm 2001. Họ tịch thu sách Đại Pháp và tài liệu rồi đưa tôi tới Phòng Công an Huyện Du Trung. Tại đây tôi bị đánh đập và còng tay ra sau lưng trong tư thế một tay vắt qua vai. Tôi được thả sau khi bảo họ là tôi có thể chết nếu không được tập Pháp Luân Công.

Bị quẳng xuống đất và gãy chân ở trại tạm giam

Tôi cùng chị dâu tên là Nhạc Đinh Hương (cũng là học viên Pháp Luân Công) bị bắt vào ngày 13 tháng 4 năm 2008. Công an đã xông vào nhà bắt luôn cả chồng tôi. Sau đó vài ngày, chồng tôi được thả, còn tôi thì bị chuyển đến trại tạm giam Cửu Châu Số 1.

Tôi bị giam ở đó chín tháng. Cán bộ trại tạm giam đã lấy nạng của tôi khiến tôi không tự đi lại được. Lính canh thường ra lệnh cho tù nhân khiêng tôi ra nhà vệ sinh. Họ luôn đẩy hoặc thả tôi khi đến nơi. Tôi phải bám tường hay cửa sổ để khỏi bị ngã.

Có lần, họ còn đẩy tôi ngã thẳng vào bồn cầu, tôi bị đau đến mức bật khóc. Sau khi đi vệ sinh xong, các tù nhân đưa tôi ra ngoài và đẩy tôi xuống, khiến đùi trái của tôi bị rách và chảy máu. Bác sỹ bảo tôi rằng tôi đã bị gẫy chân. Âm đạo của tôi cũng bị thương và chảy máu mất mấy ngày.

Ngày 15 tháng 8 năm 2008, Tòa án Thành Quan đã mở phiên tòa xét xử tôi. Vì bị gãy một chân nên tôi được dìu vào phòng xử. Tôi bị kết án tám năm tù.

Chồng tôi qua đời vào tháng 12 năm 2008. Con trai tôi đã yêu cầu tòa án trả tự do cho tôi. Lúc đó, tôi bị chảy máu không cầm được, người hốc hác hẳn đi. Với tình trạng này, tòa án đã cho tôi quản thúc tại nhà; tôi được về nhà vào ngày 10 tháng 12 năm 2008.

Bị đưa trở lại nhà tù và tra tấn tàn bạo

Ngày 30 tháng 7 năm 2012, cảnh sát địa phương, cán bộ Phòng 610, và viên chức ở nơi tôi làm việc – hơn chục người đã tới nhà tôi. Họ còng tay và khiêng tôi đi. Họ đưa tôi đến bệnh viện để xét nghiệm rồi lại đưa tới trại tạm giam. Một tháng sau, tôi bị đưa đến Nhà tù Nữ Cam Túc.

Trong ba năm giam cầm ở đây, tôi đã bị tra tấn tàn bạo.

Bị đánh đập tàn bạo

Ngay hôm đầu vào trại này, tôi đã bị đánh đập. Lính canh và tù nhân thích đánh tôi lúc nào thì đánh lúc ấy. Khi câu trả lời của tôi không làm họ hài lòng, họ liền đấm, đá tôi, đôi khi còn sốc điện tôi bằng dùi cui điện.

Tù nhân đánh tôi bằng bất kỳ dụng cụ nào có trong tay – thước nhựa dài, chậu, ghế đẩu hộp đựng đồ ăn trưa. Họ đã làm vỡ mấy cái chậu, ghế, rồi hộp đựng đồ ăn trưa vì đánh tôi. Có lần, tôi còn bị rạn sọ vì bị đánh bằng chậu.

213af6487563b52e8e5aa87f498ae9f2.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Đánh đập bằng ghế

Khi tôi ngã xuống đất, họ giẫm lên tay tôi. Các tù nhân còn làm gãy tay trái của tôi khi họ mang tôi đi.

Bị cấm dùng nhà vệ sinh

Tôi thường không được dùng nhà vệ sinh nên đành phải đi trong quần. Sau đó, các tù nhân lôi tôi vào nhà vệ sinh và dội nước lạnh lên người tôi, hết chậu này đến chậu khác, bất kể thời tiết thế nào. Có lần, họ còn lột hết quần áo của tôi trước khi giội nước lên người tôi. Tôi bị lạnh đến mức khó thở và run rẩy không kìm được. Nếu phản kháng, tôi sẽ bị đánh. Sau đó, tôi còn bị bức thực bằng thuốc không rõ là thuốc gì.

Đến đêm, để không cho tôi làm ướt giường, các tù nhân đã làm quần bằng ni-lông và bắt tôi mặc khi đi ngủ. Vì quần nhựa này không thông khí nên tôi bị mẩn đỏ, ngứa ở mông, eo và đùi. Kiểu tra tấn này kéo dài hơn một năm.

Bị bức thực bằng nước tiểu và phân

Có lần tôi không kịp ăn hết thức ăn khi giờ ăn kết thúc. Tù nhân liền lôi tôi vào nhà vệ sinh cùng với thức ăn thừa của tôi. Họ đã tiểu tiện và đại tiện lên chỗ thức ăn thừa này và đánh tôi cho đến khi tôi ăn nó.

Một lần khác, khi tôi đi tiểu vào một cái thùng nhựa vào ban đêm rồi bí mật đổ vào phòng vệ sinh. Một tù nhân đã phát hiện ra và đổ nước tiểu vào nước uống của tôi. Bà ta còn ra lệnh cho tôi uống nó. Khi tôi từ chối, bà ta đánh tôi đến khi tôi uống mới thôi.

Trong ba năm ở tù, vì tôi không đi lại được nên hầu hết thời gian là bị kéo lê trên sàn. Người tôi đầy những vết xước và thâm tím, tôi còn bị cấm ngủ khi họ ra lệnh cho tôi viết bài nói xấu Pháp Luân Công.

d5f821042006708f8d5d0d20993eff5d.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Kéo lê trên sàn

Có lần họ bảo tôi rằng những học viên bị chết vì đánh đập sẽ được coi là tự sát. Lính canh đã ra lệnh cho tù nhân giám sát và tra tấn các học viên. Có nhiều tù nhân được trả tự do sớm vì họ “canh chừng” học viên thật “xuất sắc”.

Khi tôi đang bên bờ vực cái chết hay rơi vào tình trạng tuyệt vọng, Pháp Luân Công đã cho tôi hy vọng, nhưng tôi lại bị bắt chỉ vì giữ vững đức tin của mình.

Đến giờ, tôi vẫn sống sót và những gì chính tôi đã trải qua là chứng cứ xác thực nhất về cuộc bức hại tàn bạo này đối với Pháp Luân Công.

Báo cáo liên quan:

Bà Kim Tuấn Mai –một người tàn tật – bị đánh đập trong tù


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/10/7/375470.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/10/25/172993.html

Đăng ngày 03-11-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share