Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-2-2018] Trong cuộc bức hại tiếp diễn 19 năm, các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu bức hại nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần – đặc biệt ở trong các nhà tù. Hình thức “Nghiêm quản” được dùng không chỉ nhắm đến việc bức hại các học viên về thể chất, mà còn về tinh thần.

Tháng 12 năm 2017, hai học viên đã qua đời cách nhau chưa đầy mười ngày tại nhà tù nữ Long Tuyền, thành phố Thành Đô. Cô Hồ Hà và cô Nghiêm Hồng Mai qua đời lần lượt vào ngày 19 và 28 tháng 12. Quản lý nhà tù đã hỏa táng thi thể họ mà không có sự đồng ý của gia đình và trước khi gia đình có thể gặp mặt họ [lần cuối].

Quản lý nhà tù thường sử dụng hai phương pháp nghiêm quản chủ yếu: tại phòng biệt giam và trong buồng giam nhà tù. Hầu hết các học viên mới vào đều bị biệt giam để cô lập họ với những người khác. Các học viên không được cung cấp nhu yếu phẩm hàng ngày và thường bị ngược đãi.

Đối với các học viên từ chối từ bỏ đức tin của mình, họ bị chuyển trở lại buồng giam sau khi bị nghiêm quản bằng biệt giam, ở đó họ tiếp tục bị bí mật ngược đãi. Quản lý nhà tù chỉ giam một học viên vào buồng giam cùng với 10 đến 12 tù nhân hình sự.

Ban ngày sau khi tất cả tù nhân ra ngoài lao động chân tay, người học viên sẽ ở lại trong buồng giam. Một số nhân viên nhà tù đến để lăng mạ và đánh đập học viên. Một học viên có thể làm việc vào ban ngày và khi quay lại buồng giam, họ không được nghỉ ngơi mà bị bắt đứng thẳng không được cử động cho đến tận đêm khuya.

Các trường hợp học viên bị nghiêm quản

1. Cô Lưu Tiểu Lâm là một giáo viên tiểu học ở thành phố Lô Châu. Năm 2015, cô bị kết án năm năm tù vì khởi kiện Giang Trạch Dân và chế độ của ông ta vì phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Năm 2016, cô bị đưa vào nhà tù Long Tuyền. Từ ngày đầu tiên, cô đã bị bắt đứng thẳng không được cử động suốt ngày đêm trong nhiều ngày. Sau đó, mỗi ngày cô Lưu đều bị bắt đứng đến nửa đêm. Cô bị đánh đập tàn bạo, không được cấp đủ đồ ăn và bị bắt đứng trong gió mạnh khi quần áo đang ướt đẫm.

Tháng 6 năm 2017, cô Lưu đã bị nghiêm quản trong buồng giam. Cô phải đứng từ 5 giờ sáng đến nửa đêm. Cô được cấp một ít đồ ăn mỗi ngày và thỉnh thoảng còn không có gì. Cả ngày đói khát và kiệt sức, cô Lưu đã bị quản lý nhà tù ép ký tuyên bố từ bỏ đức tin của mình. Sau ba tháng bị nghiêm quản, cô Lưu trở thành hốc hác và tàn tạ; thần sắc thì chán nản, hoảng hốt và không nói một câu nào.

2. Mùa hè năm 2016, Cô Chung Thủy Dung ở Thành Đô bị đưa vào tù. Bị áp dụng hình thức nghiêm quản, cô không được phép tắm gội giặt giũ. Một ngày, hai tù nhân bị các lính canh xúi giục đã đổ một xô nước bẩn vào cô Chung và để mặc cô bị ướt đẫm trong một ngày mùa đông gió rét.

Các lính canh đã ném tất cả quần áo của cô Chung đi, trừ bộ cô đang mặc trên người và tịch thu tất cả những nhu yếu phẩm hàng ngày của cô. Bất cứ người nào cho cô mượn cái gì đều sẽ bị phạt. Cô không có giấy vệ sinh để dùng hoặc băng vệ sinh khi cô đến kỳ. Cô chỉ được rửa ráy bằng nước nhà vệ sinh.

Bị nghiêm quản, cô Chung phải lau dọn cả ngày và không được phép nói chuyện với ai. Lính canh xúi giục các tù nhân hình sự xâm hại tình dục cô. Một vài tù nhân đã đánh và giật tóc cô. Những người khác thì tụt quần cô và cố gắng nhét một chiếc bàn chải đánh răng vào trong âm đạo cô. Trong trường hợp này, cô đã kháng cự mạnh mẽ và tránh bị tấn công.

3. Bà Vương Mãn Quần ở huyện Tự Vĩnh đã ngoài 70 tuổi. Bà bị nghiêm quản trong ba tháng tại buồng giam. Bà phải làm việc cả ngày và ngồi im không cử động cho tới nửa đêm mà không được nghỉ ngơi. Vào những ngày mùa đông, tất cả tù nhân, trừ các học viên Pháp Luân Công, đều được cấp quần áo ấm, áo khoác và chăn đệm. Các lính canh đã quẳng phần lớn quần áo của bà đi và bà không có gì để giữ ấm trong mùa đông.

Các học viên Pháp Luân Công không được phép mua thức ăn, quần áo hay chăn đệm từ cửa hàng ở trong tù, dù là họ có tiền. Bà Vương chỉ được cấp một chai nước mỗi ngày, vốn không đủ dùng. Lúc nào bà cũng lạnh cóng, đói và mất nước.

Ở độ tuổi của bà, việc tra tấn đã gây tổn hại nặng nề cho bà. Chân bà bị sưng phồng, liên tục nôn và có các triệu chứng của bệnh bạch cầu. Cuối cùng bà bị bất tỉnh và phải đưa gấp đến một bệnh viện nhà tù.

4. Bà Lư Quang Tín, 74 tuổi là một học viên ở thành phố Nhã An. Một năm, bà bị nghiêm quản vài lần vì từ chối viết lời phỉ báng Pháp Luân Công. Khi bà đến nhà tù, các tù nhân đã đánh đập tàn bạo và đấm vào ngực bà. Cả người bà đầy vết thâm tím và sẹo, ngực bà bị đau nhiều tháng. Mỗi ngày, bà bị bắt đứng cả ngày và đồ ăn bà mua thì bị đoạt lấy.

Tháng 9 năm 2017, bà Lư lại bị nghiêm quản và phải đứng cả ngày trong buồng giam. Lính canh nói với bà rằng chỉ cần bà viết hai câu phỉ báng Sư phụ và pháp môn của mình thì bà có thể được ngồi xuống. Cuối cùng, do áp lực cả về thể chất và tinh thần, bà đã làm như vậy. Sau đó bà đã không nói chuyện với người khác và phải đối diện với sự hối lỗi cực đại vì phản bội lương tâm của chính mình.

Các hình thức tra tấn được sử dụng trong nghiêm quản

1. Ngược đãi thể chất

Một số tù nhân được yêu cầu ngược đãi các học viên, họ đè một học viên ra, cạy miệng, đâm ngón tay vào và cào mạnh bên trong miệng của học viên này. Việc này đã làm miệng và cổ họng của học viên này bị thương nặng và làm họ không thể nuốt được nước và thức ăn.

2. Đánh đập

Tù nhân hình sự ở cùng buồng giam với học viên Chung Quần Phương đến từ thành phố Lạc Sơn thường đánh bà theo chỉ thị của các lính canh. Từ năm 2015, bà Chung phải chịu đựng đánh đập liên tục và đã bị bất tỉnh vài lần. Bà thường được gấp rút đưa đến một bệnh viện để cấp cứu, quản lý nhà tù tuyên bố rằng bà bị lên cơn đau tim.

Từ tháng 2 năm 2016, bà bị biệt giam, ở đó lính canh cho phép các tù nhân bí mật đánh đập và tra tấn bà. Bà Chung thường xuyên bị bức thực. Bà trở nên rất gầy và bị rụng gần hết tóc.

Cô Trương Dực ở thành phố Tây Xương thường bị một tù nhân đánh đập. Cô bị đánh đập tàn bạo đến mức các tù nhân khác đã báo cho quản lý nhà tù. Quản lý nhà tù chỉ bình luận rằng may là không có gì xảy ra với cô Trương và phạt tù nhân kia. Người lính canh xúi giục việc đánh đập đó thì không bị bắt giải trình gì.

3. Cấm ngủ

Các học viên bị bắt đứng vào ban đêm trong nhiều tháng, hoặc đứng suốt đêm thậm chí là sau một ngày lao động khổ cực. Một số thì bị bắt phải đứng cả ngày đêm.

Cô Dương Thái Trân ở thành phố Lô Châu bị buộc phải đứng đến nửa đêm và sáng hôm sau phải thức dậy lúc 5 giờ. Trong vài giờ nghỉ ngơi đó của cô Dương, cứ 20 phút, người chịu trách nhiệm lại đánh thức cô để ngăn cô ngủ thiếp đi. Chuyện này diễn ra trong một thời gian dài.

4. Làm thêm việc và không được nghỉ ngơi

Một cách khác để dần dần hủy hoại sức khỏe của các học viên là cho họ thêm việc sau một ngày lao động khổ cực. Bà Quan Học Lâm từ núi Nga Mi phải làm việc tại một phân xưởng vào ban ngày và sao chép các quy định của nhà tù cho đến nửa đêm. Bà phải thức dậy lúc 5 giờ sáng và trước khi mọi người đi làm việc, bà phải đi vứt rác và thức ăn thừa và làm công việc nặng nhọc khác. Chuyện này vẫn tiếp diễn vì bà từ chối thừa nhận mình phạm tội vì tu luyện Pháp Luân Công.

5. Bị đưa thuốc hoặc bức thực bằng thuốc không rõ tên

Khi vào nhà tù, đầu tiên các học viên Pháp Luân Công phải trải qua một loạt các đợt kiểm tra sức khỏe và được thông báo rằng họ bị bệnh và phải bắt đầu dùng thuốc. Nhiều người được cho biết họ bị chứng tăng huyết áp và phải dùng thuốc mỗi ngày, nếu không thuận theo sẽ bị nghiêm quản.

Bà Chung Quần Phương bị bức thực bằng những loại thuốc gây tổn thương thần kinh. Kết quả là bà không thể đứng lên và tinh thần trở nên mơ hồ. Bà cũng không làm chủ được và mất kiểm soát việc đại tiểu tiện của bản thân.

Bà Lý Minh Tú là một người phụ nữ khỏe mạnh, tràn đầy sức sống trước khi bị cầm tù. Nhưng không lâu sau thì bà trở thành không tự chủ được và mất kiểm soát đại tiểu tiện của bản thân. Tinh thần bà cũng trở nên ngẩn ngơ.

Sau khi dùng thuốc không rõ tên, tim bà Quan Học Lâm đập nhanh đến nỗi bà cảm thấy mình không thể thở.

Bà Hoàng Triều Trân ở thành phố Lô Châu bị buộc phải dùng thuốc cao huyết áp trong một năm.

Bà Lư Quang Tín cam đoan với quản lý nhà tù rằng bà không bị chứng tăng huyết áp nhưng họ vẫn bắt bà phải dùng thuốc [điều trị nó].


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/2/11/360668.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/3/5/168951.html

Đăng ngày 19-3-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share