Bài viết của một đệ tử Đại Pháp ở hải ngoại

[MINH HUỆ 14-4-2017] Một lần khi tôi gọi điện thoại để giảng chân tướng về cuộc bức hại Pháp Luân Công, những lời chỉ trích của một người đàn ông đã khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều.

Anh ấy nói rằng mình không phải là cảnh sát, nhưng từ khi anh ấy đổi số điện thoại vào tháng trước thì thường xuyên nhận được cuộc gọi từ các học viên Pháp Luân Công. Bất luận anh có cố gắng giải thích thế nào, thì những học viên này vẫn không tin rằng anh ấy không phải là cảnh sát. Nhiều người thậm chí còn không thèm nghe anh nói, vì vậy họ cứ cố chấp nói những điều mà họ cho rằng anh ấy cần phải biết. Điều này làm cho người thanh niên kia bực tức và cúp máy, nhưng sau đó các học viên vẫn thường xuyên gọi lại. Anh đã nhấn mạnh rằng ban đầu mình không có ấn tượng xấu về Pháp Luân Công, nhưng bây giờ cũng bắt đầu có ấn tượng tiêu cực. Tôi yên lặng lắng nghe anh ấy nói một hồi lâu, rồi thực sự đứng trong quan điểm của anh ấy và nói: “Tôi hoàn toàn hiểu được cảm giác của anh, nếu như anh cảm thấy tôi đã làm phiền anh thì có thể cúp máy, tôi sẽ không quấy rầy anh nữa, thật vô cùng xin lỗi”. Sau khi tôi nói xong thì anh ấy cũng không cúp điện thoại và cuộc nói chuyện của chúng tôi càng nói càng thân mật. Anh ấy đã được nghe chân tướng và cuối cùng còn cảm ơn tôi sau khi kết thúc cuộc nói chuyện.

Giảng chân tướng là vô cùng nghiêm túc

Qua nhiều năm làm công việc giảng chân tướng, tôi càng ngày càng cảm thấy rằng việc cứu người là vấn đề vô cùng nghiêm túc. Ví dụ này có thể không thích hợp lắm, nhưng có thể nói việc chúng ta đi giảng thanh chân tướng cũng giống như làm một ca phẫu thuật có độ khó cao. Mỗi một động tác đều phải vô cùng thận trọng, nếu không thì không những không cứu được người mà chúng ta còn hại người.

Khi ở điểm giảng chân tướng, tôi đã để ý thấy điều này ở các học viên khác: Bất chấp những du khách đến từ Trung Quốc có nguyện ý hay không, các học viên vẫn sẽ tiếp tục đi theo người ta đến khi nào họ chịu làm tam thoái thì mới thôi. Còn có học viên thậm chí đã nổi giận và tranh cãi với du khách trước mặt đám đông mỗi khi họ có những bất đồng về quan điểm, hoặc khi họ có những lời nói bất kính thì học viên trở nên mất kiểm soát. Xuất phát điểm là từ cái tâm muốn bảo vệ Đại Pháp, nhưng kết quả lại khiến nhiều người có cái nhìn không thiện cảm về Pháp Luân Đại Pháp. Có học viên còn vỗ vai du khách và chèo kéo họ vào nói chuyện, nhìn từ ngoài vào thấy rất bất nhã, có học viên thì ăn mặc vô cùng lôi thôi và cách nói năng cư xử không chuẩn mực.

Hành vi cần phải chuẩn mực khi đi giảng chân tướng

Khi nói chuyện với người thường, tôi thường chọn cách yên lặng, sau đó lắng nghe một cách hợp lý, mỉm cười chờ đối phương nói xong rồi mới lịch sự hỏi họ rằng: “Tôi có thể bày tỏ quan điểm của mình một chút được không?”

Nhiều học viên có thể sẽ cảm thấy rằng chúng ta không nên để người thường dẫn dắt cuộc trò chuyện, nhưng tôi tin rằng việc chúng ta lắng nghe, chúng ta mỉm cười, chúng ta lễ phép và hành động một cách lý tính thực ra cũng là biểu hiện của chân tướng. Nếu bạn muốn ai đó tin mình, thì trước tiên bạn phải cho họ có ấn tượng tốt về mình. Nếu không, bất kể bạn nói hay thế nào, nó cũng khó mà đạt hiệu quả như mong muốn. Trong thực tế, khi giảng chân tướng, cách làm của tôi có hiệu quả vô cùng tốt. Thường thường, có hơn chục người quây quần lại để nghe tôi nói, thỉnh thoảng còn xúc động, và cuối cùng ai nấy đều mỉm cười hạnh phúc.. Trước khi rời đi, họ còn bắt tay, chào hỏi và thậm chí là trao đổi thông tin liên lạc hoặc chụp hình chung, Đấy đều là những điều hết sức bình thường.

Một lần khi tôi phát báo cho một người đàn ông trông có vẻ thuộc giới thượng lưu, ông ta đã tức giận nói với tôi rằng: “Đi lẹ đi, tôi không xem, mau đi chỗ khác đi.” Khi nghe ông ta nói vậy, tôi vẫn mỉm cười: “Thưa ông, ra nước ngoài là một điều rất đỗi vui mừng. Nếu ông cảm thấy rằng tôi đang làm phiền ông, vậy thì tôi sẽ đi ngay đây.” Sau đó tôi cúi chào rồi rời đi. Vẫn tiếp tục công việc phân phát báo cho các du khánh khác, thỉnh thoảng đi qua đi lại cạnh người đàn ông này, nếu ông ta nhìn tôi, tôi đều nở nụ cười. Một lát sau, tôi phát hiện ông ấy cũng đang cầm lấy một tờ báo và đọc rất cẩn thận.

Chân tướng là gì? Bất cứ điều gì chúng ta biểu hiện trước mọi người đều là chân tướng và rất quan trọng. Quần áo chúng ta có phù hợp không? Vệ sinh cá nhân có sạch sẽ không? Hơi thở có mùi không, nụ cười có chân thành hay không? Dù ăn nói tự tin, nhưng giọng điệu của chúng ta có khiêm tốn không? Liệu kiến thức có phong phú và lời nói của chúng ta có sự hợp lý hay không? Tất cả những điều này cũng là biểu hiện của chân tướng. Mặc dù việc trao đổi bằng ngôn ngữ là trọng yếu, nhưng nó cũng vẫn chỉ là một phần chứ không phải toàn bộ.

Đôi khi tôi thường ngồi tĩnh lặng và cẩn thận suy nghĩ: Liệu những nỗ lực của tôi có thực sự khởi tác dụng trong việc cứu độ chúng sinh hay không? Liệu những thiếu sót của mình có gây ảnh hưởng đến ai đó hay không? Bỏ công sức bao nhiêu chỉ là một phần, nhưng hiệu quả thế nào lại là một vấn đề khác.

Vấn đề với các hoạt động truyền thông

Tôi cũng nhìn thấy một vấn đề với những bài báo cáo truyền thông. Sau khi phỏng vấn, để đạt được hiệu ứng mong muốn hoặc có nhiều lời bình luận, các phóng viên thậm chí còn cắt ghép đoạn video của người được phỏng vấn và đưa vào bối cảnh khác một cách xảo diệu. Thoạt nhìn thì thấy phần phỏng vấn rất “hoàn hảo”, nhưng ý nghĩa cốt lõi của những gì mà người được phỏng vấn trả lời thì đã bị biến đổi. Tôi tự hỏi rằng không biết khi xem bản tin tức thì những người được phỏng vấn này sẽ nghĩ thế nào về chúng ta?

Một số bài viết còn có vẻ đi sang cực đoan hoặc phóng đại sự thật, và kết quả là chúng ta bị mất uy tín. Thật ra thì các học viên phải làm việc cực nhọc để đi phỏng vấn, ghi hình, làm clip, viết tin bài rồi phải kiểm tra lại. Nếu như những tin tức này không thể khởi tác dụng cứu người mà còn đi ngược lại thì quả là điều vô cùng đáng tiếc.

Kiên định bất chấp mọi khó khăn

Tôi thấy một vài học viên tại các điểm tham quan du lịch rất kiên định trong việc giảng thanh chân tướng trong suốt nhiều năm trời, bất chấp gió mưa. Công sức chắc chắn cũng bỏ ra rất nhiều, thế nhưng từ quan điểm của bản thân, tôi thấy cách thức của họ là rất đáng lo ngại, đôi khi trao đổi nói chuyện với họ rồi mà cũng không có hiệu quả gì.

Tất nhiên, mỗi người có thể ngộ về Pháp khác nhau, và tôi không thể áp đặt nhận thức của mình lên người khác, cũng không thể nói rằng phương thức của họ là sai. Nhưng khi nhìn thấy người thường có biểu hiện tiêu cực với những điều họ được nghe, thì trong tâm tôi trở nên vô cùng lo âu.

Trong nhiều trường hợp, việc giảng chân tướng mà mang lại hiệu quả tiêu cực thì chúng ta không những không cứu được người mà thậm chí còn đẩy họ xuống. Nếu các đồng tu đọc được bài chia sẻ này, dù là làm ở hạng mục giảng chân tướng nào, thì tôi cũng mong rằng các đồng tu sẽ có thể suy nghĩ cẩn thận về những việc mà mình đã làm có hiệu quả cứu người ra sao.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/4/14/345617.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/7/28/164816.html

Đăng ngày 23-12-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share