Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 2-9-2017] Trong 6 tháng đầu năm 2017, thêm 17 trường hợp học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết. Do sự phong toả thông tin của chế độ Trung Cộng, số người bị bức hại đến chết thực tế có thể cao hơn báo cáo.

Trong số những học viên Pháp Luân Công đã qua đời, mười hai người bị tuyên án tù từ 1 đến 10 năm. Trong số đó, sáu người bị chết ở trong tù, một người chết khi đang trong thời gian được tạm tha, và một người nữa bị chết khi đang được tại ngoại vì lý do sức khoẻ. Bốn người khác qua đời sau khi đã sống sót ra khỏi tù được vài năm.

Trong số năm học viên qua đời trong thời gian bị tạm giam, bốn người bị bắt giữ và đang phải đối diện với việc bị xét xử, một phụ nữ bị chết ở trong phòng giam bốn ngày sau khi bị bắt.

Còn có một học viên khác không bị bắt giữ, nhưng thường xuyên bị cảnh sát đến nhà sách nhiễu. Ông đã qua đời vì bị đột quỵ do căng thẳng.

Các học viên Pháp Luân Công không phải là những nạn nhân duy nhất của cuộc bức hại. Các thành viên trong gia đình họ cũng phải chịu đựng rất nhiều đau khổ, một số người đã qua đời do lo lắng và căng thẳng triền miên. Nửa đầu năm 2017 cũng đã chứng kiến sự ra đi của 8 người nhà của các học viên Pháp Luân Công.

Ông Cao Vũ Lâm ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang bị bắt vào ngày 21 tháng 9 năm 2016. Một tháng sau đó, ông bị kết án bốn năm tù giam. Ông Cao Vũ Lâm bị huyết áp cao và bị bệnh tim nghiêm trọng. Vợ của ông, bà Đổng Diễm Linh, đã tìm mọi cách để ông được tại ngoại vì lý do sức khoẻ. Ngày 18 tháng 4 năm 2017, bà Đổng đột ngột bị nhồi máu cơ tim trong lúc đang phô-tô các tài liệu cần thiết để bảo lãnh cho chồng mình được tại ngoại. Bà bị đột quỵ và đã ra đi ở tuổi 61.

Cô Vương Thục Anh ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang bị bắt giữ vào ngày 8 tháng 4 năm 2016, và bị kết án 3 năm tù giam vào ngày 10 tháng 3 năm 2017. Mẹ chồng của cô Vương khi đó đã 88 tuổi; do không có người chăm sóc nên bà đã phải chuyển đến Thượng Hải sống cùng với một người thân thích. Sức khoẻ của bà giảm sút nhanh chóng do quá lo lắng cho con dâu của mình. Ngày 2 tháng 4 năm 2017, bà quay trở về thành phố Giai Mộc Tư, và đã qua đời 18 ngày sau đó.

Dưới đây là danh sách 17 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết.

1. Một phụ nữ ở Bắc Kinh đã qua đời chỉ vài tuần sau khi bị tuyên án một năm tù giam

Bà Giả Ngọc Bình, 52 tuổi, bị bắt giữ vào ngày 12 tháng 12 năm 2016. trại tạm giam địa phương đã từ chối tiếp nhận bà bởi vì số lượng hồng cầu trong máu của bà quá thấp. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn tìm cách để toà án địa phương tuyên án một năm tù giam đối với bà, nhưng cho bà được hưởng án treo. Sau đó, bà được về nhà, tuy nhiên tình trạng sức khoẻ của bà đã không được cải thiện. Bà qua đời vào ngày 3 tháng 1 năm 2017.

Trước khi mất, bà Giả Ngọc Bình đã bị bắt giữ nhiều lần do từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã từng có một gia đình hạnh phúc và một công việc tốt tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến. Tuy nhiên, cuộc bức hại đã phá tan cuộc sống yên bình của bà. Bà Giả đã bị bắt giữ ba lần từ tháng 11 năm 2001 đến tháng 10 năm 2005. Lần bị bắt thứ ba, bà đã phải ở trong trại lao động cưỡng bức hai năm, bị mất việc làm, và bị chồng ly dị dưới áp lực của cuộc bức hại.

Sau khi ra khỏi trại lao động cưỡng bức, bà Giả chuyển tới Bắc Kinh sống cùng với cha của bà. Cuối tháng 2 năm 2014, cảnh sát lại bắt giữ bà một lần nữa mà không hề thông báo cho gia đình bà. Chỉ đến khi gia đình thông báo về sự mất tích của bà thì cảnh sát mới xác nhận rằng bà đang bị tạm giam.

Ngày 29 tháng 12 năm 2014, bà Giả được thả về nhà sau khi được chẩn đoán bị bệnh ung thư kết trực tràng. Mặc dù vậy, cảnh sát vẫn không ngừng theo dõi bà rất chặt và liên tục tới nhà sách nhiễu bà. Bà đã rời khỏi nhà và tới sống cùng với một đồng tu tên là Trình Ngọc Phượng, nhưng không lâu sau đó bà Trình đã bị cảnh sát bắt đi. Một đồng tu khác là Thiên Á Quân đã mời bà Giả đến ở cùng, nhưng sau đó bà Thiên cũng bị cảnh sát bắt giữ.

Bà Giả đã phải chuyển nhà nhiều lần, nhưng cuối cùng vẫn bị bắt vào cuối năm 2016.

2. Một phụ nữ ở Quảng Tây qua đời sau khi thụ án tù ba tháng

Bà Lã Thụy Trân là người huyện Lục Xuyên, tỉnh Quảng Tây. Bà bị bắt vào ngày 13 tháng 5 năm 2016 và bị xét xử vào ngày 4 tháng 11 năm 2016. Bà bị tuyên án 4 năm và 4 tháng tù giam, và bị đưa tới Nhà tù nữ Nam Ninh.

Sức khoẻ của bà Lã suy giảm nhanh chóng do bà bị ngược đãi ở trong tù. Bà đã được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Nam Ninh trong tình trạng nguy kịch. Bà qua đời ở trong bệnh viện vào ngày 18 tháng 2 năm 2017.

3. Một học viên ở tỉnh Tứ Xuyên đã qua đời sau khi bị cầm tù tám tháng vì treo biểu ngữ về đức tin của mình

Tối ngày 29 tháng 5 năm 2017, gia đình ông Trình Hoài Căn bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại gọi tới từ Nhà tù Gia Châu, tỉnh Tứ Xuyên. Gia đình ông Trình được thông báo rằng ông đang ở trong tình trạng hôn mê và đang ở bên bờ vực của cái chết.

Quản lý nhà tù nói rằng mọi người trong gia đình đều được phép tới thăm ông Trình lần cuối, trừ vợ của ông. Họ đe dọa sẽ bắt giữ vợ của ông Trình nếu bà tới nhà tù thăm ông.

Ông Trình Hoài Căn và vợ đều là học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp từ năm 1999.

Ngày hôm sau, con trai của ông Trình, anh trai của ông và năm thành viên khác trong gia đình đã cấp tốc tới nhà tù, nhưng khi họ đến nơi thì ông đã qua đời.

Ông Trình đã qua đời ở tuổi 54, chỉ tám tháng sau khi ông bị đưa đến Nhà tù Gia Châu ở thành phố Nhạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Ông bị tuyên án 4 năm tù giam vì đã treo biểu ngữ với thông điệp: “Thế giới cần Chân – Thiện – Nhẫn.”

Nhà tù đã không giải thích với gia đình ông Trình về sự ra đi của ông. Nhìn thoáng qua thì không thấy có vết thương hay vết bầm tím nào trên thi thể của ông Trình. Sau khi gia đình đồng ý hỏa táng, nhà tù đã để gia đình đưa thi hài của ông về thành phố Thành Đô. Nhà tù đã thanh toán chi phí tang lễ và bồi thường cho gia đình ông Trình 10.000 nhân dân tệ.

Gia đình ông Trình nói rằng họ hoàn toàn không được biết về điều kiện sinh hoạt và tình trạng sức khỏe của ông Trình trong thời gian ông ở trong tù. Họ cũng không loại trừ khả năng ông Trình đã bị tra tấn ở trong tù.

4. Một phụ nữ ở tỉnh Cát Lâm qua đời sau khi thụ án tù chưa đầy mười tháng

Một phụ nữ 61 tuổi đã qua đời chưa đầy mười tháng sau khi bị tuyên án ba năm tù giam vì từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị chế độ Trung Cộng đàn áp từ năm 1999.

Bà Lưu Thục Diễm là một cư dân của thành phố Du Thụ, bà bị bắt vào ngày 26 tháng 11 năm 2015 vì đức tin của mình. Tòa án đã từ chối yêu cầu của luật sư được bào chữa cho bà tại phiên tòa. Bà đã bị kết án vào ngày 29 tháng 3 năm 2016 mà không có luật sư biện hộ.

Bà Lưu bị tuyên án 3 năm tù giam vào ngày 11 tháng 4 năm 2016. Con gái của bà Lưu đã bị bắt giữ khi cô lên tiếng phản đối phiên tòa bất công và lời buộc tội sai trái của tòa.

Ngày 7 tháng 7 năm 2016, bà Lưu bị chuyển tới Nhà tù nữ tỉnh Cát Lâm ở thành phố Trường Xuân. Bà bị ép phải ngồi trên một chiếc “ghế nhỏ” trong thời gian dài. Khi bà Lưu tuyệt thực để phản đối hành vi ngược đãi của nhà tù, các lính canh đã bức thực bà trong 12 ngày liền. Sức khỏe của bà Lưu nhanh chóng bị giảm sút, và trở nên nguy kịch vào đầu tháng 4 năm 2017.

Tuy nhiên, mãi tới ngày 20 tháng 4 năm 2017 thì lãnh đạo nhà tù mới đưa bà Lưu đến bệnh viện. Sau khi bệnh viện làm các xét nghiệm và kết luận rằng bà cần phẫu thuật, họ đã gọi điện thông báo cho con gái bà. Vì con gái bà Lưu đã từng đọc báo cáo về việc mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù, nên cô nhất định yêu cầu các bác sĩ phải đợi cô đến bệnh viện thì mới bắt đầu tiến hành phẫu thuật cho mẹ cô.

Con gái bà Lưu đã cấp tốc đi từ thành phố Du Thụ tới bệnh viện ở thành phố Trường Xuân. Khi cô tới nơi thì đã là buổi chiều, cô nhìn thấy mẹ mình đang trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, và mạch đập của bà rất yếu. Các bác sĩ đã thừa nhận rằng bà Lưu không còn hy vọng gì nữa.

Con gái bà Lưu quyết định không làm phẫu thuật cho bà nữa, và chuyển bà tới một bệnh viện địa phương ở thành phố Du Thụ nơi gia đình cô đang sinh sống. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà tù nhất định buộc cô trước tiên phải làm các thủ tục bảo lãnh cho mẹ mình được tại ngoại với lý do y tế.

Tới 1 giờ chiều ngày hôm sau thì thủ tục bảo lãnh mới được hoàn tất. Bà Lưu đã qua đời chỉ vài giờ sau khi bà được đưa về quê nhà. Bà trút hơi thở cuối cùng vào lúc 8:50 tối ngày 21 tháng 4 năm 2017.

5. Một người đàn ông ở tỉnh An Huy qua đời sau mười tháng bị cầm tù

Một cư dân của thành phố Bạc Châu đã phải nằm trong phòng cấp cứu của bệnh viện suốt hai tuần cuối cùng của cuộc đời với đôi chân bị cùm và cảnh sát đứng gác xung quanh. Gia đình ông chỉ được phép đứng nhìn ông từ bên ngoài qua lớp kính cửa sổ. Sau khi ông trút hơi thở cuối cùng, nhà chức trách nhanh chóng đưa thi thể ông đi hỏa thiêu mà không có sự đồng ý của gia đình ông.

Ông Bạch Kiệt qua đời sau mười tháng kể từ khi ông bị đưa đến nhà tù Tô Châu để thụ án tù mười năm do từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại.

Lần cuối cùng ông Bạch Kiệt bị bắt giữ là vào ngày 22 tháng 9 năm 2013. Ông đã bị đột quỵ hai ngày sau khi bị bắt giữ do bị cảnh sát ngược đãi quá mức. Mặc dù tình trạng sức khỏe của ông vô cùng nghiêm trọng, cảnh sát vẫn giam giữ ông hơn một tháng rồi mới cho phép gia đình bảo lãnh ông về nhà.

Mặc dù ông Bạch không đủ sức khỏe để hầu tòa, chính quyền vẫn hai lần buộc ông phải đến phòng xử án trên chiếc giường đẩy bệnh nhân, lần thứ nhất vào tháng 12 năm 2015, và lần thứ hai vào đầu năm 2016. Không lâu sau khi ông Bạch bị đưa trở lại trại tạm giam, ông đã bị tuyên án tù vào ngày 11 tháng 4 năm 2016.

Ông Bạch bị đưa đến nhà tù vào ngày 18 tháng 6 năm 2016. Ngày 31 tháng 3 năm 2017, ông Bạch bị đột quỵ lần thứ hai và bị rơi vào hôn mê. Tuy nhiên, tới 12 tiếng sau ông mới được đưa vào bệnh viện. Ông qua đời vào ngày 14 tháng 4 năm 2017.

6. Một phụ nữ ở tỉnh Tứ Xuyên qua đời trong lúc đang thụ án mười năm tù

Bà Hà Tiên Trân là một cư dân của thành phố Tây Xương, bà bị bắt vào ngày 23 tháng 9 năm 2009, và bị tuyên án mười năm tù vào ngày 14 tháng 9 năm 2010. Bà Hà bị đưa đến Nhà tù nữ tỉnh Tứ Xuyên để thụ án, ở đó bà đã bị ngược đãi cả thể chất và tinh thần.

Ngày 19 tháng 12 năm 2014, bà Hà bị đột quỵ và được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Nhân dân thành phố Giản Dương. Các bác sĩ ở đó đã tiến hành phẫu thuật não cho bà. Nhà tù đã yêu cầu gia đình bà Hà phải thanh toán hết các khoản viện phí, đổi lại họ sẽ đồng ý cho bà được tại ngoại với lý do y tế. Gia đình bà Hà không có tiền để thanh toán, nên họ đành phải nhìn người ta đưa bà trở lại nhà tù.

Ngày 2 tháng 2 năm 2017, gia đình bà Hà nhận được thông báo của nhà tù rằng bà đã qua đời vào sớm ngày hôm đó. Bà Hà đã ra đi ở tuổi 67.

7. Một người đàn ông ở Hà Bắc đã qua đời ở trong tù

Ông Quách Đạo Hữu là cư dân của thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc. Ông bị bắt vào ngày 18 tháng 8 năm 2008, sau đó ông bị kết án tù giam. Hiện vẫn chưa xác định được thời hạn tù chính xác trong bản án của ông là bao lâu. Ông Quách đã qua đời ở trong tù vào ngày 6 tháng 2 năm 2017.

8. Một phụ nữ ở thành phố Thượng Hải đã qua đời sau chín tháng được tại ngoại vì lý do sức khỏe

Bà Bách Căn Đệ, 65 tuổi và là cư dân của thành phố Thượng Hải, đã qua đời sau chín tháng được tại ngoại vì lý do sức khỏe. Bà Bách đã bị kết án 6 năm rưỡi tù giam vì từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị chế độ Trung Cộng bức hại.

Gia đình bà Bách nghi ngờ rằng bà qua đời do bị tra tấn và bị ép dùng thuốc khi ở trong tù. Sau khi được thả ra, bà nói với người nhà của mình rằng: “Họ muốn tôi chết để tôi không cứu người được nữa.” Bà Bách nói “cứu người”, có nghĩa là việc bà đi nói chuyện với mọi người sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Không có điều luật nào ở Trung Quốc quy định rằng tu luyện Pháp Luân Công là phạm pháp. Do đó, bà Bách chưa bao giờ dao động đối với đức tin của mình, cũng như không ngừng nói với mọi người về cuộc bức hại này. Trước khi bị bò tù lần cuối cùng, bà Bách đã hai lần bị đưa vào trại lao động cưỡng bức với tổng thời gian là 5 năm, và một lần chịu án tù giam trong 4 năm rưỡi.

Bà Bách bị bắt lần cuối cùng vào ngày 10 tháng 9 năm 2012, và bị tuyên án 6 năm rưỡi tù giam vào ngày 3 tháng 5 năm 2013. Ngày 24 tháng 8 năm 2016, bà Bách được đưa đến phòng cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Tùng Giang, sau đó được tại ngoại vì lý do sức khỏe. Bà Bách qua đời vào ngày 15 tháng 6 năm 2017.

9. Một người đàn ông ở tỉnh Hắc Long Giang qua đời sau khi ra khỏi tù chưa đầy một năm

Ông Lưu Phúc Tài, một cư dân của thành phố Tuy Hóa, bị bắt vào tháng 3 năm 2012. Hai tháng sau đó, ông bị tuyên án 4 năm tù giam. Sức khỏe của ông Lưu yếu tới mức ông đã được đưa thẳng tới bệnh viện của nhà tù ngay trong ngày đầu tiên thụ án. Năm ngày sau, các bác sĩ của nhà tù đã thông báo về tình trạng nguy kịch của ông, nhưng các lãnh đạo của nhà tù Hô Lan nói rằng, họ thà để ông chết còn hơn cho phép ông được tại ngoại.

Sau này, ông Lưu còn bị bệnh lao, nhưng nhà tù vẫn không thả ông ra cho tới khi ông mãn hạn tù vào ngày 6 tháng 3 năm 2016. Ông Lưu qua đời vào ngày 15 tháng 2 năm 2017.

10. Một người đàn ông ở tỉnh Hồ Bắc qua đời sau khi ra khỏi tù hai năm

Ông Hoàng Hải Lâm ở thành phố Sa Dương bị bắt tại nhà vào lúc 3 giờ sáng ngày 27 tháng 7 năm 2012. Ngày 20 tháng 12, ông Hoàng bị tuyên án 3 năm tù giam và phải thụ án ở nhà tù Phạm Gia Đài. Sau khi mãn hạn tù vào năm 2015, sức khỏe của ông rất yếu.

Tháng 8 năm 2016, ông bắt đầu bị phù nề và tràn dịch màng phổi. Ông qua đời ngày 25 tháng 1 năm 2017, khi đó ông 70 tuổi.

11. Một phụ nữ ở tỉnh Liêu Ninh qua đời sau khi ra khỏi tù năm năm

Trước khi qua đời vào ngày 24 tháng 2 năm 2017, bà Đỗ Cảnh Cần, 67 tuổi, đã bị bắt giữ nhiều lần vì đức tin của mình.

trại tạm giam địa phương đã ra lệnh cho các tù nhân ngược đãi bà Đỗ sau khi bà bị bắt vào tháng 11 năm 2002. Hai tù nhân nam đã đá liên tục vào ngực bà, khiến bà nôn ra máu. Họ đã không dừng lại cho đến khi bà bị bất tỉnh. Khi bà vừa tỉnh lại, họ lại tiếp tục đánh bà cho đến khi đầu bà sưng vù và khắp cơ thể bị bầm tím. Sau đó, bà bị buộc phải ở trong trại lao động cưỡng bức một năm.

Ngày 10 tháng 5 năm 2008, bà Đỗ lại bị bắt giữ một lần nữa. Tháng 1 năm 2009, bà bị tuyên án 4 năm tù giam. Khi bà vừa bị chuyển đến Nhà tù nữ Liêu Ninh, hơn mười tù nhân đã giữ bà dưới đất và đá vào người bà.

Một lần, bà bị nhốt vào phòng đông lạnh chỉ với một bộ quần áo mỏng trên người. Một lần khác, bà đã bị nhốt vào phòng biệt giam trong 20 ngày liền. Huyết áp của bà tăng vọt lên mức nguy hiểm và bà đã được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện địa phương. Khi bà bị đưa trở lại nhà tù, lính gác lại tiếp tục đánh đập bà.

Bà Đỗ đã từng bị cảnh sát lấy máu, giống như hàng trăm học viên Pháp Luân Công khác bị cầm tù ở đó.

Gần kết thúc hạn tù, bà Đỗ bị một cơn đột quỵ; nhưng nhà tù đã không thả bà ra cho đến khi bà mãn hạn tù vào ngày 12 tháng 5 năm 2012. Ngày 13 tháng 10 năm 2014, bà bị xuất huyết não và phải vào bệnh viện điều trị 10 ngày. Vì bà bị cầm tù, cơ quan cũ đã đình chỉ bảo hiểm y tế của bà, do đó bà đã phải tự thanh toán hết các chi phí y tế của mình. Bà Đỗ đã qua đời vào ngày 24 tháng 2 năm 2017.

12. Một người đàn ông ở tỉnh Liêu Ninh đã qua đời sau khi ra khỏi tù sáu năm

Ông Kỳ Khánh Nguyên ở thành phố Liêu Dương bị bắt vào tháng 5 năm 2006, một tháng sau đó ông bị tuyên án năm năm tù giam. Trong thời gian thụ án ở Nhà tù Đông Lăng, ông đã phải chịu đựng nhiều hình thức ngược đãi, chính vì vậy mà sức khỏe của ông đã suy giảm nhanh chóng.

Ông Kỳ mãn hạn tù vào ngày 13 tháng 6 năm 2011. Sáu ngày trước khi được thả ra, ông bị lên cơn đau tim và phải đưa đi cấp cứu. Khi gia đình tới thăm ông ở bệnh viện, họ thấy ông vẫn bị còng tay và bị cùm chân.

Sau khi ông Kỳ ra khỏi tù, ông không còn nhớ được điều gì đã xảy ra với mình nữa. Bắp chân và bàn chân của ông bị sưng, khiến việc đi lại của ông rất khó khăn. Ngày 20 tháng 3 năm 2017, ông Kỳ bị một cơn đột quỵ và đã ra đi ở tuổi 74.

13. Một phụ nữ ở tỉnh Cát Lâm qua đời sau bốn ngày bị bắt giữ vì đức tin của mình

Một phụ nữ ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã qua đời sau khi bị bắt giữ 4 ngày vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công.

Ngày 16 tháng 6 năm 2017, cảnh sát gọi điện thông báo cho con trai bà Vu Quế Hương về việc bắt giữ bà. Tại thời điểm đó, con trai bà Vu và cha của anh đang ở ngoài thành phố. Người con trai đã yêu cầu cảnh sát không giam giữ bà. Anh nói với họ rằng mẹ của anh bị bệnh tiểu đường và đã từng bị đột quỵ, và anh lo lắng rằng bệnh của bà có thể bị tái phát.

Phòng cảnh sát Cửu Đài đã phớt lờ lời cảnh báo của con trai bà Vu. Họ vẫn đưa bà tới trại tạm giam Cửu Đài mà không thực hiện thủ tục kiểm tra sức khỏe của bà như yêu cầu.

Không lâu sau khi bà Vu bị đưa tới trại tạm giam, một lính gác đã nhận ra các triệu chứng bệnh tình của bà. Anh ta đã gửi báo cáo cho lãnh đạo của mình, nhưng trại tạm giam và cảnh sát đều từ chối chăm sóc y tế cho bà, cũng không cho phép bà được tại ngoại với lý do sức khỏe.

Tối ngày 20 tháng 6, bà Vu bị đột quỵ khi đang ở trong phòng tắm. Bà bị bất tỉnh và đã qua đời sau đó vài giờ đồng hồ. Bà qua đời ở tuổi 65.

14. Một phụ nữ ở tỉnh Cát Lâm qua đời trong trại tạm giam, gia đình bà nghi ngờ bà đã bị bức thực

Một cư dân của thành phố Đại An đã qua đời do bị suy hô hấp trong thời gian bị giam giữ vì đức tin của mình đối với Pháp Luân Công. Gia đình bà nghi ngờ rằng lính canh đã bức thực bà đến mức phổi của bà bị nhiễm trùng, tích nước, và dẫn đến suy hô hấp.

Ngày 18 tháng 10 năm 2016, đội trưởng Phòng An ninh Nội địa thành phố Đại An, Tùy Diễm Long, cùng với một nhóm cảnh sát đã xông vào nhà bà Hàn Hồng Hà bắt giữ bà, và lục soát nhà của bà.

Lính canh ở trại tạm giam thành phố Bạch Thành đã tra tấn bà Hàn bằng nhiều hình thức, trong đó có cả bức thực bà, bởi vì bà từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Hàn bị bức hại đến mức thập tử nhất sinh, và được đưa tới Bệnh viện Trường Xuân vào ngày 8 tháng 3 năm 2017. Hai ngày sau thì bà qua đời.

Gia đình bà Hàn đã vô cùng sốc trước cái chết bất ngờ của bà, bởi vì bà không còn bất cứ bệnh tật gì kể từ khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công năm 2008. Bệnh thấp khớp, bệnh tim mạch, và các vấn đề ở cổ của bà đều đã biến mất; các tính xấu của bà cũng không còn nữa sau khi bà bước vào tu luyện. Bà cảm thấy mình cần phải nói với mọi người rằng Pháp Luân Công hoàn toàn không giống như những gì mà chính quyền tuyên truyền. Bà bị bắt vì đã nói với mọi người về Pháp Luân Công, và đã qua đời trong trại tạm giam.

15. Một phụ nữ ở tỉnh Hà Nam qua đời sau ba tháng được tại ngoại vì lý do sức khỏe

Bà Sài Ngọc Lan, 62 tuổi, đã qua đời sau ba tháng được tại ngoại vì lý do sức khỏe. Trước đó bà bị tạm giam tám tháng vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.

Bà Sài Ngọc Lan là cư dân của thôn Tô Trang, thị trấn Triệu Hòa, thành phố Mạnh Châu. Bà bị cảnh sát địa phương bắt giữ tại nhà vào ngày 19 tháng 4 năm 2016, và bị đưa tới trại tạm giam thành phố Tiêu Tác.

Khi bà Sài nói rằng bà sẽ không bao giờ từ bỏ Pháp Luân Công, cảnh sát Vương Công Quân từ Sở Cảnh sát thành phố Mạnh Châu đã đe dọa mạng sống của bà. Bà Sài đã bị lính canh của trại tạm giam tra tấn đến mức bị gãy xương sườn và bị chấn thương cột sống. Bà chỉ còn có thể bò lết trong đau đớn, chứ không thể đứng lên hay đi lại được. Cơ thể của bà không kiểm soát được việc bài tiết nữa.

Bà Sài không hề được chăm sóc y tế, đến khi bà gần hấp hối thì mới được đưa vào Bệnh viện Tiêu Tác. Tại bệnh viện, bà Sài vẫn bị lính canh còng tay và cùm chân.

Gia đình bà không hề được cảnh sát thông báo về tình trạng sức khỏe của bà. Ở bệnh viện có một người hảo tâm đã báo tin cho gia đình bà. Họ cấp tốc tới bệnh viện, và chỉ lúc này cảnh sát mới đồng ý cho bà được tại ngoại vì lý do sức khỏe.

Ngày 12 tháng 12 năm 2016, bà Sài được gia đình đưa về điều trị ở một bệnh viện địa phương gần nhà. Bà qua đời ngày 23 tháng 3 năm 2017.

16. Một người đàn ông ở tỉnh Tam Cúc qua đời sau khi bị bắt giữ tám tháng

Ngày 17 tháng 5 năm 2016, ông Trương Bỉnh Vũ ở huyện Tĩnh Viễn, tỉnh Tam Cúc bị bắt vì dán biểu ngữ có mang thông điệp về Pháp Luân Công. Ngày 22 tháng 11 năm 2016, gia đình ông Trương được thông báo rằng ông bị u não. Ba ngày sau đó, ông Trương được tại ngoại vì lý do sức khỏe.

Gia đình ông Trương nhận thấy thần trí của ông không còn tỉnh táo, và cơ thể ông không kiểm soát được việc bài tiết nữa. Ông chỉ trả lời một cách lú lẫn khi được hỏi. Nếu ai đó giơ nắm tay lên trước mặt ông, ông trở nên vô cùng sợ hãi và vội vàng né tránh. Ông đã không thể trả lời câu hỏi liệu ông có bị đánh đập trong thời gian ở trong trại tạm giam hay không.

Gia đình ông Trương nghe thấy một cảnh sát nói với những người khác rằng bệnh của ông Trương đã không thể cứu được nữa rồi, và ông không thể sống quá một tháng nữa.

Gia đình đã đưa ông Trương tới bệnh viện vào ngày 31 tháng 11 năm 2016. Bác sĩ đã hỏi gia đình ông rằng có phải ông bị nghiện ma túy không, bởi vì họ thấy vết kim tiêm trên khắp cơ thể ông.

Trong thời gian ông Trương bị tạm giam, cảnh sát đã tạo chứng cứ giả mạo để buộc tội ông, và gửi các chứng cứ đó tới viện kiểm sát. Phiên tòa sơ thẩm dự kiến tổ chức vào ngày 28 tháng 12 năm 2016, nhưng đã lùi lại vào ngày 4 tháng 1 năm 2017.

Trước khi diễn ra phiên tòa, thẩm phán đã tới nhà ông Trương để kiểm tra xem ông có đủ sức khỏe để hầu tòa hay không. Trước khi rời đi, vị thẩm phán đó đã kết luận rằng ông Trương trông khá ổn.

Tuy nhiên, ngày 4 tháng 1 năm 2017, ông Trương đã không tham dự phiên tòa vì sức khỏe của ông không đảm bảo.

Ngày 17 tháng 1 năm 2017, gia đình ông Trương đã đưa ông đến bệnh viện cấp cứu vì ông bị co giật và đau đớn. Sau đó, ông đã được chuyển tới một bệnh viện khác trong tình trạng nguy kịch.

Cơ thể ông xuất hiện các vết đỏ, các nốt mụn, các nốt phát ban và nhiều chỗ bị phồng giộp. Hai ngày tiếp theo, bệnh viện đã tiến hành hàng loạt các xét nghiệm và cuối cùng đưa ra chẩn đoán rằng ông bị u ác tính ở não. Trong não ông có tụ chất dịch, và nguyên nhân có thể là do trước đó ông bị chấn thương não. Sau hôm đó, ông bị rơi vào tình trạng hôn mê.

Ngày 22 tháng 1 năm 2017, gia đình ông Trương quyết định không làm phẫu thuật cho ông, và đã đưa ông về nhà.

Khi về nhà, lúc ông Trương tỉnh lại, gia đình đã cố gắng hỏi ông về những chuyện đã xảy ra trong trại tạm giam, nhưng ông không nói được điều gì rõ ràng. Ông Trương đã qua đời vào ngày 26 tháng 1 năm 2017.

Sau khi ông Trương qua đời, vị thẩm phán vẫn còn gọi điện sách nhiễu gia đình ông vào ngày 6 tháng 2 năm 2017.

17. Một người đàn ông ở tỉnh Cát Lâm qua đời sau khi bị cảnh sát sách nhiễu trong thời gian dài

Ông Tôn Ngọc Phát là cư dân của thành phố Bạch Sơn, tỉnh Cát Lâm. Năm 2015, ông gửi đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân vì đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Sau sự việc này, cảnh sát đã liên tục sách nhiễu ông Tôn. Ông đã buộc phải sống xa nhà 3 tháng để tránh bị sách nhiễu. Tuy nhiên, sau khi ông trở về, cảnh sát lại tiếp tục tới nhà sách nhiễu ông. Tháng 3 năm 2017, bệnh tim mạch của ông trở nên xấu đi sau khi con gái ông bị tuyên án ba năm tù giam vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Sau đó không lâu, ông Tôn đã qua đời ở tuổi 72.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/9/2/353231.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/9/5/165299.html

Đăng ngày 18-9-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share