Bài viết của Anh Tử, phóng viên báo Minh Huệ ở Ottawa

[MINH HUỆ 2-12-2017] Một số Nghị sỹ Quốc hội và các tổ chức nhân quyền đã tham dự một cuộc họp báo nhằm thúc giục Thủ tướng Justin Trudeau yêu cầu trả tự do cho một học viên Pháp Luân Công Canada trong chuyến thăm Bắc Kinh sắp tới của ông.

2e089ffecaabc6d5270a91c30b63fab8.jpg

(Từ trái sang phải) Bà Grace Wollensak và ông Lý Tấn đại diện Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ông Irwin Cotler, Nghị sỹ Cheryl Hardcastle của Đảng Tân Dân chủ, Nghị sỹ Michael Cooper của Đảng Bảo thủ,Nghị sỹ Elizabeth May của Đảng Xanh; Hoa Hậu Thế giới Canada Anastasia Lin; và Nghị sỹ Peter Kent của Đảng Bảo thủ tham gia cuộc họp báo kêu gọi trả tự do cho bà Tôn Thiến, công dân Canada hiện đang bị giam giữ ở Trung Quốc.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại các học viên Pháp Luân Công vô tội

Ông Irwin Cotler, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Nghị sỹ Quốc hội hiện đang hoạt động với tư cách là luật sư đại diện cho bà Tôn Thiến, một công dân Canada bị giam giữ tại Bắc Kinh chỉ vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Ông Cotler phát biểu: “Bà Tôn Thiến đã bị bắt, bị giam giữ bất hợp pháp, bị tra tấn trong trại giam, đồng thời bà cũng bị tước đoạt quyền tự do cơ bản đối với tôn giáo, ngôn luận và hội họp.”

“Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách Trung Quốc tôn trọng luật pháp của họ, dừng ngay việc bức hại và truy tố, trả tự do một cách vô điều kiện cho bà Tôn Thiến và cho phép bà Tôn trở về đoàn tụ với gia đình ở Canada.”

Ông chỉ ra rằng bà Tôn chỉ là một nạn nhân trong cuộc đàn áp tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào các học viên Pháp Luân Công vô tội.

Trở lại đầu những năm 2000, ông Cotler đưa ra trường hợp của một tù nhân lương tâm Pháp Luân Công khác, ông Trương Côn Lôn, một đồng nghiệp cũ của ông tại Trường Đại học McHill khi đó cả hai ông đều là giáo sư. Ông Trương bị bắt vào năm 2000 trong một chuyến về thăm Trung Quốc, và bị đưa đến trại lao động cưỡng bức.

Nhờ nỗ lực của ông Cotler và sự lên tiếng mạnh mẽ từ các quan chức và các nhóm đắc cử, cuối cùng ông Trương đã được trả tự do vào tháng 1 năm 2001 ngay trước cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc của Thủ tướng đương nhiệm Jean Chrétien.

Các nghị sỹ Quốc hội và các Tổ chức Nhân quyền thúc giục Thủ tướng nêu vấn đề Pháp Luân Công và yêu cầu trả tự do cho bà Tôn Thiến

Nghị sỹ Đảng Bảo thủ và Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Peter Kent, đồng chủ tịch của tổ chức Bạn bè Nghị viện của Pháp Luân Công, nói rằng “trong khi ở Trung Quốc, Thủ tướng Trudeau cần phải mạnh mẽ ủng hộ các công dân Canada và thân nhân của họ hiện đang bị giam cầm và ngược đãi trong các nhà tù Trung Quốc.”

Hiện có 12 người là thân nhân của các công dân Canada đang bị giam giữ ở Trung Quốc chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công – mà điều này hoàn toàn đi ngược với luật pháp Trung Quốc.

0eacae7d173d2b23cacacaaff3f15389.jpg

Nghị sỹ Peter Kent của Đảng Bảo thủ

Nghị sỹ Kent tuyên bố: “Ngài Thủ tướng cần phát biểu công khai về tình trạng liên tục vi phạm nhân quyền và luật pháp của chính quyền Trung Quốc. Và tôi hy vọng rằng cuối cùng thì bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Trung Quốc đều phải gắn liền với vấn đề nhân quyền.”

eb9038a46aa6b58260ddc93c368cef91.jpg

Nghị sỹ Elizabeth May của Đảng Xanh

Nghị sỹ Elizabeth May nói: “Việc yêu cầu Hạ viện xem xét tình cảnh của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, đặc biệt đối với trường hợp bà Tôn Thiến, một công dân Canada hiện đang bị bắt giữ trái phép là vô cùng đúng đắn. Tôi hy vọng Ngài Thủ tướng cuối cùng sẽ lên tiếng về các vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của ông.”

a89e569c5730e379de5eaf1bbe1c8544.jpg

Nghị sỹ David Anderson của Đảng Bảo thủ

Nghị sỹ Đảng Bảo thủ David Anderson phát biểu: “Thực tế là một vài công dân Canada hiện đang bị giam giữ ở Trung Quốc. Thủ tướng Trudeau cần đảm bảo rằng việc ông đại diện cho lợi ích của người Canada là trên hết, trên bất cứ điều gì khác.”

Liên minh người Canada về Nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm 15 tổ chức, trong đó có Tổ chức Ân xá Quốc tế, đã gửi một bức thư ngỏ tới Thủ tướng Trudeau vào hôm thứ Tư, ngày 30 tháng 11 vừa qua, yêu cầu Thủ tướng “ưu tiên các vấn đề nhân quyền trong mọi cuộc họp và thương lượng trong khi ông ở Trung Quốc”.

Liên minh đã cung cấp một danh sách các tù nhân “bị bắt giữ không chính đáng ở Trung Quốc, với yêu cầu Thủ tướng Trudeau cần hối thúc các nhà chức trách Trung Quốc sớm trả tự do cho họ”. Trong số đó, có 13 cá nhân mà “tình cảnh của họ là điển hình trong cuộc đàn áp của ĐCSTQ nhắm vào người dân tộc thiểu số và các nhà hoạt động nhân quyền tại Trung Quốc.” Bà Tôn là một trong số 13 nạn nhân đó.

Ông Lý Tấn, Chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada, đã viết cho Thủ tướng Trudeau: “Cuộc đàn áp Pháp Luân Công là một tội ác chống lại nhân loại, chống lại hàng chục triệu con người chỉ vì đức tin của họ vào Chân – Thiện – Nhẫn.”

Ông Lý nói tiếp: “Tôi hy vọng Ngài Thủ tướng sẽ lên tiếng cho bà Tôn Thiến và các học viên Pháp Luân Công bị bức hại nói chung, bao gồm cả 12 thành viên gia đình người Canada.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/12/2/357409.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/12/4/166624.html

Đăng ngày: 7-12-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share