Bài của một phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 05-10-2017] Bà Lữ Tam Tú, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Chương Thụ, đã bị bắt lại sau khi chịu hai bản án phi pháp là ba năm tù giam và năm năm ở trại lao động cưỡng bức vì từ chối từ bỏ đức tin của mình.

Bà Lữ, 65 tuổi, cựu nhân viên của một nhà máy luyện kim, đã bị bắt vào ngày 2 tháng 9 năm 2017, và hiện đang bị tạm giam tại Trại giam Nghi Xuân.

e54553eb9d5f0d381ef9f7ec1f2592ae.jpg

Bà Lữ Tam Tú

Chi tiết những lần giam giữ gần đây

Vào ngày 2 tháng 9 năm 2017, bà Lữ tại Chương Thụ đang kể với dân địa phương về Pháp Luân Công thì bị bắt và bị đưa tới đồn cảnh sát. Cảnh sát sau đó lục soát nhà bà và tịch thu vật dụng cá nhân và tiền mặt có trị giá 10 ngàn đô la.

Bà Lữ bị giam ở Trại giam Chương Thụ và được báo là thời hạn giam là 15 ngày. Tuy nhiên, sau khi bị tạm giam 20 ngày, bà bị mang tới Trại giam Nghi Xuân và bị cảnh sát dọa kết án bà ba năm tù giam.

Từng bị giam vào tù và trại lao động cưỡng bức

Ngày 27 tháng 10 năm 1999, bà Lữ bị bắt giam vào Trại giam Số 3 Bắc Kinh khi bà tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Lưu Kiếm Thu từ Sở Cảnh sát thành phố Chương Thụ đưa bà tới trại giam địa phương sáu ngày sau khi bà tuyệt thực.

Vào đầu năm 2000, một lính canh đã chộp một chùm chìa khóa và ném vào đầu bà Lữ, làm trán bà sưng to. Tới giờ, vẫn còn một cục u trên trán bà ở đúng chỗ đó.

Những người chịu trách nhiệm bức hại các học viên Pháp Luân Công cho rằng bà Lữ là phụ đạo viên tại điểm luyện công địa phương, là người đưa các học viên tới Bắc Kinh. Vì việc này, họ đã kết án bà ba năm tù giam. Vào ngày 18 tháng 1 năm 2000, bà bị đưa tới nhà tù nữ cấp tỉnh.

Trong tù, bà Lữ bị còng tay một tháng ròng khi đề nghị được luyện công và từ chối mặc đồng phục nhà tù. Bà đã tuyệt thực và bị còng tay vào giường trong buồng biệt giam, ở đây, bà bị sáu lính canh nạy răng để bức thực.

Khi bà Lữ từ chối lao động cưỡng bức, lính canh đã ra lệnh cho các tù nhân treo bà lên không trung tại lối ra vào của phòng giam, nơi lạnh nhất.

Đến cuối tháng 10 năm 2002 khi bà Lữ mãn hạn tù, cảnh sát và nhân viên Phòng 610 đã lừa đưa bà tới trại lao động nữ của tỉnh. Bà bị giam ở trại lao động ba năm, nguyên do vì bà từ chối từ bỏ đức tin của mình.

Tại trại lao động, khi bà Lữ từ chối xem các video hay đọc sách lăng mạ Pháp Luân Công, tù nhân buộc một cái gối vào đầu bà và ghì bà xuống giường rồi đánh bà.

Tháng 9 năm 2003, chỉ huy trại lao động cưỡng bức đưa bà Lữ vào một căn phòng tối với đủ loại dụng cụ tra tấn và đe dọa bà.

Vì bà vẫn kiên định đức tin của mình, cảnh sát đã cho chất độc vào các bữa ăn, làm bà luôn thấy khát, buồn nôn, và phát khùng chỉ năm phút sau khi ăn. Một tháng sau, bà bị rơi vào trạng thái ngớ ngẩn, đến nỗi bà không tự vệ sinh được khi đến tháng. Bà còn xỏ tay vào giầy rồi bò trên sàn nhà, đá khắp buồng giam và la hét đòi được thả.

Lính canh trong trại lao động cười nhạo bà Lữ. Viên chỉ huy thì còng tay bà lại.

Một hôm, bà Lữ bỏ ra khỏi cửa sổ và ngã nhào, và bị gãy cột sống chỗ thắt lưng và chấn thương chân.

Tháng 5 năm 2005, sau khi trở về nhà và lại tu luyện Pháp Luân Công, bà đã minh mẫn trở lại. Tuy nhiên, nhân viên Phòng 610 thường xuyên tới nhà bà sách nhiễu, thậm chí ba lần đột nhập vào nhà bà mà không có giấy tờ pháp lý và tịch thu các sách Pháp Luân Công của bà Lữ, máy MP3, cùng các vật dụng cá nhân khác. Chồng bà cũng bị bắt phải ký thư bảo đảm.

Tháng 6 năm 2007, bà Lữ đang đi đường thì bị nhân viên Phòng 610 bắt và bị giam bảy ngày ở trại tạm giam, trước khi bị kết án hai năm lao động cưỡng bức.

Bà Lữ bị buộc ép tham gia huấn luyện quân sự và bị phạt trong khi ở trại. Bà cũng bị lao động cực nhọc và bị tống vào một phòng biệt giam. Khi bà tuyệt thực để đòi thả, bà đã bị bức thực.

Bởi vì bà từ chối từ bỏ đức tin nên bà bị hoãn ngày trả tự do tới hơn 20 ngày, và cuối cùng thì bà cũng được trở về nhà vào ngày 12 tháng 7 năm 2009. Bà Lữ khó bắt nhịp lại với cuộc sống sau khi được thả vì bà không có chứng minh thư và lương hưu.

Người nhà cũng bị hành hạ

Vì bà Lữ bị bức hại ở trại lao động và trong tù hơn tám năm nên người nhà bà cũng gặp khó khăn về tài chính, tinh thần và thể chất. Trong thời gian đó, nhà của bà bị lục soát năm lần, và nhiều vật dụng cá nhân của bà như đầu đĩa MP5, MP3, máy ghi âm, và các cuốn sách Pháp Luân Công đã bị tịch thu.

Một đêm vào tháng 4 năm 2007, cảnh sát đã ép chồng bà Lữ dẫn đường tới nhà mẹ bà và sách nhiễu họ, vì bà Lữ đã ở đó để chăm sóc cho mẹ bà. Do bị sách nhiễu nên sức khỏe của mẹ bà sa sút và bà đã qua đời vào tháng 7 năm 2012.

Chồng bà Lữ cũng phải chịu áp lực ghê gớm về thể chất và tinh thần đến nỗi ông ấy bị liệt. Ông qua đời vào tháng 4 năm 2014.

Cuộc sống đầy hứa hẹn sau khi tu luyện Pháp Luân Công

Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, bà Lữ bị bệnh dạ dày hơn 10 năm và chứng loét dạ dày thường xuất hiện bất chợt. Bà cũng mắc bệnh trĩ nặng hồi 30 tuổi và thường có máu trong phân. Bà còn bị nhiều bệnh khác như viêm khớp, viêm vú, bệnh tim, viêm phế quản, v.v.

Bà Lữ bị sa thải vào năm 1990 và mất nguồn thu nhập duy nhất. Bà cũng phải chịu căng thẳng ghê gớm cả về tinh thần lẫn thể chất. Tuy nhiên, từ tháng 10 năm 1996, bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công nên đã hồi phục sức khỏe và cuộc sống của bà lại thay đổi đầy hứa hẹn.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/10/5/355104.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/10/14/166059.html

Đăng ngày 27-10-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share