[MINH HUỆ 6-5-2017] Hạ viện Pennsylvania gần đây đã thông qua nghị quyết thứ hai trong vòng ba năm nhằm lên án nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm bị giam giữ khác.
Nghị quyết 27 của Hạ viện thông qua ngày 25 tháng 4 năm 2017 khuyến khích cộng đồng y khoa bang Pennsylvania hỗ trợ việc nâng cao nhận thức về thông lệ cấy ghép nội tạng vô đạo đức ở Trung Quốc.
Trước đó, ngày 8 tháng 10 năm 2014, Hạ viện cũng đã thông qua một nghị quyết tương tự, Nghị quyết 1052. Ông Matthew Baker, chủ tịch Ủy ban Y tế của Hạ viện và là nhà bảo trợ chính của cả hai nghị quyết này nói cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa ở cấp quốc gia và quốc tế.
Phiên điều trần Nghị quyết 27 của Ủy ban Y tế của Nghị viện ngày 13 tháng 3 năm 2017
Ông nói: “Tôi tự hào rằng cơ quan lập pháp đã nhất trí thông qua nghị quyết này. Song nếu nước ta và cộng đồng quốc tế không chung tay lên tiếng để lên án thực trạng này và đưa vào hoạt động ngoại giao, cũng như áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc nhằm ngăn chặn nạn thu hoạch nội tạng vì lợi nhuận và giết người, thì tôi cho rằng hành động man rợ này sẽ vẫn tiếp diễn.”
Tin tức cập nhật
Kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, các học viên ở Trung Quốc đã bị bắt, giam giữ, cầm tù, tẩy não và tra tấn.
Năm 2006, có hai nguồn tin công khai chứng minh rằng học viên Pháp Luân Công còn sống ở Trung Quốc bị thu hoạch nội tạng. Vài tháng sau, David Matas, một luật sư nhân quyền quốc tế, và David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh Canada (phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương) đã công bố một báo cáo ghi lại những phát hiện của họ. Từ đó đã có rất nhiều bằng chứng xác nhận sự tồn tại của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.
Tiến sỹ Ann Corson, một bác sỹ ở Philadelphia, cho biết các bằng chứng mới đã được công bố kể từ khi Pennsylvania thông qua Nghị quyết 1052 của Hạ viện vào năm 2014. Chẳng hạn, tháng 3 năm 2016, Hiệp hội các Bác sỹ Chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng (DAFOH) đã cho ra một báo cáo cho thấy con số ước tính các ca phẫu thuật thực tế ở Trung Quốc vượt xa con số mà chính phủ Trung Quốc công bố.
Tháng 6 năm 2016, Ethan Gutmann, nhà báo từng đoạt giải và là nhà điều tra nhân quyền, cùng với Matas và Kilgour, đã công bố bản báo cáo điều tra cập nhật với dữ liệu thu thập trực tiếp từ các nguồn của Trung Quốc. Báo cáo của họ cho thấy hàng năm, Trung Quốc thực hiện tới 60.000 đến 100.000 ca cấy ghép, nhiều hơn con số 10.000 ca mỗi năm mà chính phủ Trung Quốc công bố.
Báo cáo của họ trình bày kết quả cuộc điều tra sâu rộng và độc lập về các báo cáo trên các phương tiện truyền thông, các chiến dịch tuyên truyền chính thức, các tạp chí y khoa, các trang web bệnh viện, cũng như các trang web lưu trữ đã bị xóa. Qua phân tích dữ liệu, họ kết luận rằng tính từ năm 1999, Trung Quốc đã thực hiện tới 1,5 triệu ca cấy ghép và phần lớn nạn nhân là học viên Pháp Luân Công.
“Bằng chứng xác đáng và không thể bác bỏ”, một báo cáo do Tổ chức Điều tra Thế giới về Cuộc Bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) xuất bản vào tháng 8 năm 2016, đã tóm tắt các bằng chứng do tổ chức này thu thập được trong 10 năm qua. Trên cơ sở điều tra 865 bệnh viện Trung Quốc, 9.500 bác sĩ phẫu thuật, và hơn 2.000 cuộc điện đàm ghi âm, báo cáo đã xác nhận quy mô và mức độ nghiêm trọng của hành động tàn ác này là do chính quyền nước này gây ra.
Cũng có thể tìm thấy rất nhiều bài viết về chủ đề này trong các tạp chí khoa học đánh giá đồng đẳng. Tháng 9 năm 2016, Tạp chí Cấy ghép tạng Hoa Kỳ công bố báo cáo “Cấy ghép tạng ở Trung Quốc: Cần có sự minh bạch và kiểm soát quốc tế” (Transplant Medicine in China: Need for Transparency and International Scrutiny Remains). Tháng 2 năm 2017, Tổ chức Đạo đức Y khoa BMC đã đưa ra một báo cáo có tiêu đề “Vi phạm Nhân quyền trong Thông lệ Mua bán Nội tạng ở Trung Quốc”, trong đó nêu bật về nạn cấy ghép nội tạng phi pháp và phi đạo đức ở Trung Quốc.
Mặc dù vào tháng 1 năm 2015, chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ không còn thu hoạch nội tạng từ các tử tù nữa nhưng Tiến sỹ Corson cho hay: “Một báo cáo do tổ chức WOIPFG xuất bản vào tháng 1 năm 2017 điều tra 169 bệnh viện từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 6 năm 2016 cho thấy nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng vẫn tiếp diễn ở Trung Quốc.”
Nạn giết người phải chấm dứt
Các học viên Pháp Luân Công làm chứng tại Ủy ban Y tế của Hạ viện hôm 13 tháng 3 năm 2017
Vì những lý do này, Matthew Baker nói rằng cần phải cập nhật nghị quyết đã thông qua vào năm 2014 với những dữ liệu thống kê mới hiện có để cảnh báo cho công chúng về “vấn đề vô cùng quan trọng này”.
Đối với Baker, việc đề xuất những nghị quyết này không phải là một sớm một chiều, bởi vì ông luôn là người bảo vệ nhân quyền và ý nghĩa thiêng liêng của cuộc sống, đồng thời là người ủng hộ việc giải phóng và tự do tôn giáo. Đặc biệt, ông nói: “Những tội ác man rợ liên quan đến nạn thu hoạch nội tạng người để kiếm lợi nhuận ở Trung Quốc, liên quan đến việc hàng ngàn người chết sau khi cầm tù và bức hại một nhóm đặc biệt yêu chuộng hòa bình phải bị phơi bày. Hy vọng rằng Hoa Kỳ cũng như Liên Hiệp Quốc sẽ có hành động lên án và trừng phạt Trung Quốc vì những hành động phạm tội của họ”.
Mặc dù tội ác này đang diễn ra ở Trung Quốc, Baker nói rằng nó liên quan đến toàn nhân loại: “Tôn trọng sinh mệnh con người, phơi bày tội ác và theo đuổi công lý cần phải trở thành mối quan tâm của tất cả con người văn minh…”
Để đạt được mục đích đó, ông mong muốn Tổng thống, Quốc hội và Liên Hợp Quốc “nhận thức đầy đủ những tội ác này và hãy hành động để lên án và trừng phạt nạn cưỡng bức thu hoạch tạng và giết người ở Trung Quốc.” “Nghị quyết yêu cầu gửi một bản sao cho phái đoàn Nghị viện của chúng tôi cũng như những người khác ở cấp liên bang, vì nước ta đã từng hành động phản đối các quốc gia khác trong quá khứ vì vi phạm nhân quyền, bức hại tôn giáo, diệt chủng, và các hành vi tàn ác khác ”.
Ông Baker cho biết ông và các thành viên khác của Uỷ ban Y tế và Hạ viện hết sức kinh hoàng khi lần đầu nghe nói “một tội ác như vậy đang diễn ra ở Trung Quốc”. Những nghị quyết này là cần thiết vì “Người Trung Quốc cần biết chúng ta quan tâm và muốn thấy sự tàn bạo này chấm dứt.”
Pennsylvania không phải là tiểu bang duy nhất thông qua một nghị quyết như vậy. Ngày 25 tháng 4 năm 2017, Hạ viện Missouri cũng đã thông qua Nghị quyết số 7 của Hạ viện nhằm lên án nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác, đồng thời kêu gọi tiếp tục hành động để chấm dứt tội ác này.
Baker nói, “Cái ác sẽ thực sự hoành hành khi người tốt không có hành động; Cũng có thể nói rằng khi những quốc gia văn minh, tốt đẹp không làm gì cả, thì cũng bằng như để cho cái ác hoành hành.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/3/17/344388.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/5/7/163126.html
Đăng ngày9-5-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản