Bài viết của một phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 5-5-2017] Các nghị sỹ Canada cho rằng chính phủ Trudeau cần phải lên tiếng và can thiệp ở cấp cao cho một công dân Canada bị bắt ở Trung Quốc nhằm ngăn ngừa khả năng cô bị chính quyền Trung Quốc ngược đãi.
Cô Tôn Thiến, 51 tuổi, phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Hóa Sinh Lợi Đức Mạn ở Bắc Kinh, là công dân Canada, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 2014. Ngày 19 tháng 2, hơn hai chục cảnh sát đã đột nhập vào nhà cô Tôn và bắt cô. Gia đình cô phải mất vài tuần mới tìm ra nơi cô bị giam giữ.
Hôm nay, trong một tuyên bố, cô Tôn nói: “Niềm tin của tôi đối với Chân – Thiện – Nhẫn là nhân quyền của tôi và cần phải được bảo vệ bởi hiến pháp Trung Quốc và Canada cũng như hiệp ước của LHQ. Thế nhưng, tôi lại bị bắt giam từ ngày 19 tháng 2 chỉ vì niềm tin của tôi. ”
Ngày 2 tháng 5, ông Peter Kent, nhà bình luận ngoại giao thuộc Đảng Bảo thủ của Canada, đã nêu trường hợp của cô Tôn trong một cuộc điều trần của ủy ban đối ngoại của nghị viện.
Nghị sỹ Peter Kent trong phiên điều trần của nghị viện vào ngày 11 tháng 4
“Mặc dù tôi hiểu rằng trong một số trường hợp, sự im lặng có thể là đúng, song tôi cho rằng trong trường hợp của các học viên Pháp Luân Công, với cách ứng xử của chính quyền Trung Cộng với các học viên Pháp Luân Công, thì Canada cần phải lên tiếng trước khi cô Tôn Thiến bị hại”, ông Kent phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Tân Đường Nhân (NTD).
“Chúng tôi biết rằng khi bị giam cầm trong những tình huống như thế này, chính quyền Trung Quốc đôi khi còn sử dụng cả tra tấn và ngược đãi tù nhân”, ông nói thêm.
Theo báo cáo của Ngôi nhà Tự do (Freedom House) năm 2017, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị bắt giữ, cầm tù, và tra tấn một cách tùy tiện, và có nhiều nguy cơ bị giết hại mà không qua xét xử.
Canada cần phải ‘mạnh mẽhơn nữa‘
Ông Kent cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng chính phủ Canada cần phải mạnh mẽ hơn nữa trong việc đại diện cho công dân Canada này.
Bà Hélène Laverdière, nhà bình luận ngoại giao thuộc Đảng Dân chủ Mới tán thành. Bà phát biểu với Đài truyền hình Tân Đường Nhân: “Việc chính phủ Canada tích cực hơn trong vụ việc này thực sự có ý nghĩa quan trọng.”
“Tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền cơ bản gồm có tự do tôn giáo và tự do ngôn luận, và Canada phải đứng lên để bảo vệ những nguyên tắc và quyền đó”, bà Laverdière nói.
“Thường thì họ phải làm việc với và gây nhiều áp lực cho chính phủ nước chủ nhà, đôi khi là thông qua cuộc điện đàm của quan chức cấp cao nhằm đảm bảo rằng họ biết những quyền cơ bản của người Canada phải được tôn trọng tuyệt đối.”
Ông Tom Kmiec, thành viên Ban Đối ngoại của Nghị viện và là nhà bình luận ngoại giao của Đảng Bảo thủ, phát biểu với NTD rằng ông lấy làm thất vọng vì Ban Đối ngoại không nhận được câu trả lời nào về bất cứ sự trợ giúp ngoại giao nào cho bà Tôn.
“Khi đại sứ nhận được câu hỏi gì thì ông ta cần phải giải thích về các loại dịch vụ lãnh sự mà họ cung cấp cho người dân Canada, là liệu họ có thể phỏng vấn chính thức, dù có được thực hiện cùng luật sư hay không, hay là họ có thể có ai đó như bác sỹ hay y tá đến thăm họ”, ông Kmiec nói.
Văn bản bắt giữ do cảnh sát Bắc Kinh ban hành không đề cập đến Pháp Luân Công. Thay vào đó, bà Tôn bị buộc tội “vi phạm pháp luật vì tham gia vào các hoạt động ‘tà giáo’”, mặc dù ở Trung Quốc không có bất cứ luật nào quy kết Pháp Luân Công là ‘tà giáo’.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/5/5/346803.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/5/6/163114.html
Đăng ngày 8-5-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản