Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 10-2-2017] Ông Trần Hiếu Đông, một giáo viên ở tỉnh Cát Lâm, đã phải lao động cưỡng bức, bị giam cầm, và bị tra tấn tàn bạo vì kiên định với đức tin của mình vào Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp). Gần đây ông đã nộp hồ sơ khởi kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vì đã phát động cuộc bức hại chống lại môn tu luyện tinh thần này.

Hiện nay đã có hơn 200.000 học viên Pháp Luân Công nộp hồ sơ khởi kiện Giang Trạch Dân. Ông Trần hy vọng tìm được công lý cho những gì mà ông đã phải trải qua, đồng thời bảo vệ quyền hiến định về tự do tín ngưỡng của mình. Hồ sơ khởi kiện của ông đã được nộp tới Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Ông Trần Hiếu Đông là một giáo viên tiếng Anh tại Trường trung học số 8 ở thành phố Đức Huệ. Ông đã thu được lợi ích về sức khỏe và trở nên hạnh phúc hơn kể từ khi ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1996. Tin vào Đại Pháp và Người sáng lập, ông Trần đã kiên định với đức tin của mình ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất của cuộc bức hại.

Ông Trần bị bắt vào năm 2001 và phải chịu một năm lao động cưỡng bức ở Trại lao động cưỡng bức Triêu Dương Câu ở Trường Xuân. Trong nỗ lực làm cho ông phải từ bỏ đức tin, lính canh đã đánh ông, sốc điện ông bằng ba-ton điện, và quất ông bằng một chiếc thắt lưng da. Ông cũng bị ép phải lao động nặng trong thời gian dài. Giai đoạn cuối khi ở trong trại lao động cưỡng bức, ông bị phù nề toàn thân, thậm chí đi lại cũng phải có người giúp đỡ.

Tháng 3 năm 2008, ông lại bị bắt và bị nhân viên của Cục An ninh Nội địa đưa tới Trường Xuân. Ông Trần bị tra tấn và sau đó bị tuyên án ba năm tù giam.

Sau đây là tự thuật của ông Trần về những gì ông đã phải chịu đựng:

Tôi biết rằng khi một cá nhân đủ may mắn để tìm thấy một chính giáo, người đó sẽ thu được lợi ích cho cuộc sống. Và tôi đã là một trong những người may mắn nhất tìm được Pháp Luân Đại Pháp và sống theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn của vũ trụ.

Tuy nhiên, kể từ khi Giang phát động cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 7 năm 1999, hơn 100 triệu học viên và gia đình họ đã bị đối xử tàn nhẫn, và vô số các bi kịch đau lòng đã xảy ra.

Phần tệ nhất là một chiến dịch toàn quốc kéo dài như vậy đã biến cái đúng thành sai, biến người tốt thành xấu. Nó xói mòn triệt để ý thức về công lý và đạo đức của người dân Trung Quốc.

Bị bắt giữ vì nói với học sinh của tôi rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt

Trong lễ chào cờ tại trường của tôi vào tháng 9 năm 2001, những câu chuyện bịa đặt của Đảng Cộng sản nhằm bôi nhọ Pháp Luân Đại Pháp đã được phát thanh cho tất cả học sinh và giáo viên. Là một nhà giáo dục, tôi không thể ngồi nhìn những đứa trẻ vô tội bị đầu độc bởi những lời dối trá.

Tôi phân phát đĩa DVD giảng chân tướng về vụ tự thiêu giả ở Thiên An Môn cho các học sinh của tôi trong những ngày sau đó. Một ngày, tôi trở về nhà sau giờ làm thì phát hiện nhà của tôi đã bị đột nhập, và các tờ rơi giảng chân tướng Đại Pháp đã bị lấy đi.

Ngày hôm sau, khi tôi trông thấy một xe cảnh sát trong khuôn viên nhà trường, tôi biết là họ tới tìm tôi. Tôi nhanh chóng rời đi và đạp xe 10 dặm tới một trạm xe buýt đường dài. Tôi bắt một chuyến xe buýt tới Trường Xuân, và đêm hôm đó tôi đã gọi điện cho vị hiệu trưởng của tôi.

Vị hiệu trưởng của tôi có vẻ rất bình tĩnh trên điện thoại và nói với tôi rằng ông ấy đã thương thuyết với cảnh sát. Ông ấy bảo đảm với tôi rằng tôi sẽ không bị bắt và khuyên tôi trở về càng sớm càng tốt, bởi vì ông ấy không thể tìm được một giáo viên thay thế. Tôi bắt một chuyến xe buýt trở về nhà đêm hôm đó và bị bắt ngay khi tôi vừa bước vào lớp học vào buổi sáng hôm sau.

Trong xe cảnh sát tới Sở cảnh sát Đức Huệ, tôi nghe được một cuộc trao đổi qua điện thoại giữa Cao Hữu Bưu, giám đốc đồn cảnh sát địa phương, và sếp của ông ta, và tôi cũng chứng kiến sự phấn khích của ông Cao vì ông ta có khả năng được thăng chức khi bắt được tôi.

Tới trại lao động cưỡng bức

Tôi bị đưa tới Trại lao động cưỡng bức Triêu Dương Câu ở Trường Xuân và bị giam ở đó từ tháng 10 năm 2001 tới tháng 10 năm 2002.

Tôi cảm thấy rất đau lòng và buồn bã khi bước qua lối vào của trại lao động cưỡng bức – đường đường chính chính là một nhà giáo đứng trên bục giảng của lớp học, nay tôi lại bị ném vào bên trong bốn bức tường u ám giành cho tội phạm. Khi tôi trông thấy bóng mình trong kính cửa sổ sau khi buộc phải cạo trọc đầu, tôi đã bật khóc. Tôi cảm thấy nhục nhã không chịu nổi.

Một tù nhân đã đổ một xô nước lạnh lên đầu tôi sau khi cắt tóc và gọi đó là “tắm”.

Ngược đãi và tra tấn

Ở trong trại lao động cưỡng bức, các học viên Pháp Luân Đại Pháp không được tuỳ tiện nói chuyện. Chúng tôi đặc biệt bị cấm nói chuyện và giao tiếp với nhau bằng bất kỳ hình thức nào; thậm chí chỉ trao đổi bằng ánh mắt cũng khiến chúng tôi gặp rắc rối lớn.

Mỗi học viên có một hoặc hai phạm nhân giám sát, những người này theo dõi chúng tôi khắp nơi, thậm chí cả trong buồng tắm vào lúc nửa đêm. Để hạn chế làm phiền những người giám sát này, tôi cố gắng không sử dụng buồng tắm vào ban đêm trừ khi tôi buộc phải dùng. Hậu quả là tôi đã xuất hiện vấn đề về tuyến tiền liệt.

Một buổi sáng, khi tôi đang bị buộc phải ngồi thẳng trên giường, trưởng khu đột nhiên quát tôi và bảo tôi xuống khỏi giường. Ông ta nói đôi môi tôi đang mấp máy, nhất định là tôi đang nhẩm đọc Pháp Luân Công.

Ông ta tát tôi mạnh tới mức tôi suýt bất tỉnh. Ông ta trách mắng các tù nhân giám sát tôi, thế là những tù nhân này lại quay ra nhục mạ tôi.

Triển khai kế hoạch quyết chiến

Một nhóm nhỏ các học viên ở Trường Xuân đã can thiệp thành công vào các chương trình của một trạm truyền hình địa phương vào tháng 3 năm 2002, phát đi một đoạn video phơi bày những lời dối trá phía sau vụ tự thiêu giả ở Thiên An Môn. Giang Trạch Dân đã hoảng sợ và nổi điên cực độ. Năm ngàn học viên địa phương đã bị bắt; các trại tạm giam và trại lao động cưỡng bức ở khu vực đột nhiên trở nên đông nghẹt.

Trại lao động cưỡng bức Triêu Dương Câu đã tuyên bố một kế hoạch quyết chiến trong ba tháng, được thiết kế đặc biệt nhằm làm cho các học viên phải từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp. Một biểu ngữ lớn tuyên truyền về kế hoạch này được treo lên ở đại sảnh. Toàn bộ nhân viên của trại lao động cưỡng bức đã có một buổi họp trước khi triển khai kế hoạch quyết chiến này.

Mục tiêu đầu tiên của họ là một học viên từ thành phố Hải Điến. Anh ấy đã bị đánh đập tàn bạo cho đến khi đầu hàng. Toàn thân anh ấy đầy những vết thương và mặt anh ấy đã bị biến dạng. Anh ấy bị dẫn đến từng buồng giam và phải đọc tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp của mình. Tôi biết là bão tố đang tới rất nhanh.

Tra tấn tàn bạo và chuyển hóa

Một đêm cuối tuần của tháng 3, một đợt tra tấn đã diễn ra cùng lúc trong toàn bộ sáu khu giam giữ. Toàn bộ tòa nhà tràn ngập âm thanh của ba-ton điện gây sốc mọi người, tiếng đánh đập, tiếng quát tháo, và những tiếng gào thét.

Học viên Vương Thiên Minh đã bị đánh đập đến mức gãy xương sống trong Trại lao động cưỡng bức Phấn Tiến, sau đó ông ấy bị chuyển đến Trại lao động cưỡng bức Triêu Dương Câu. Mặc dù đang bị chấn thương ở lưng, đêm đó ông ấy vẫn bị sốc điện và bị đánh bằng ba-ton điện tới gần chết.

Học viên Vương Quốc Tường bị buộc đứng giữa một căn phòng trống với một tấm bảng bằng gỗ treo quanh cổ. Trên tấm bảng đó viết những lời nhục mạ Sư phụ của chúng tôi, vị sáng lập Pháp Luân Đại Pháp. Hơn 20 học viên bị buộc phải ngồi xung quanh ông ấy trên những chiếc ghế đẩu nhỏ. Lính cánh giơ nắm đấm và hét những khẩu hiệu thóa mạ Sư phụ của chúng tôi, và tất cả các học viên phải nhắc lại theo. Bất kỳ ai từ chối sẽ bị đánh đập tàn bạo.

Khu của chúng tôi có một dụng cụ tra tấn đặc biệt, một chiếc roi mây. Các tù nhân thường nói về cái roi mây này với nỗi kinh hãi. Theo họ, không ai có thể chịu nổi cơn đau trừ khi họ là mình đồng da sắt.

Đêm đó tôi đã bị quất bằng cái roi mây này, và đã trải qua cơn đau khủng khiếp nhất trong đời mình. Cơn đau giày vò tinh thần tôi và bóp nghẹt lương tâm tôi. Tôi không thể chịu nổi nó nữa. Giàn giụa nước mắt, tôi đã viết “bảo chứng thư” tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp để dừng bị quất roi. Nhưng những ngày sau đó, cảm giác tội lỗi lại xoáy vào tôi mạnh hơn.

Một tuần sau, trại lao động cưỡng bức đưa cho chúng tôi một bảng câu hỏi để khẳng định sự chuyển hóa của mình. Tôi đã tuyên bố một cách trung thực: “Tôi viết bảo chứng thư chỉ vì bị tra tấn và do đó nó không có giá trị.”

Kết quả là tôi bị đưa vào phòng quản giáo, trong khi một lính canh sốc điện nửa thân trên của tôi bằng ba-ton điện, một lính canh khác đã đánh vào mông và hai chân của tôi bằng một cái cán búa. Việc đánh đập kéo dài khoảng nửa giờ, sau đó họ bỏ tôi lại với đầy vết thương bầm tím.

Lao động nặng và tiếp tục bị tra tấn

Tôi bị chuyển tới một phòng giam khác với các học viên kiên định. Chúng tôi bị buộc phải thức dậy lúc 3 giờ sáng mỗi ngày và phải ngồi nghiêm trên những chiếc ghế đẩu nhỏ cho tới nửa đêm. Nếu chúng tôi hơi lơ mơ ngủ, chúng tôi sẽ bị các tù nhân giám sát chúng tôi đá vào lưng.

Chúng tôi là lực lượng lao động chính khi trại lao động có các dự án xây dựng. Chúng tôi phải mang những khối đá to từ bên đường lên trên đồi, nơi xây dựng trại lao động. Trước kia tôi chưa bao giờ phải lao động nặng như vậy, nên sự đau đớn trong thân thể vốn đang bị thương của tôi là rất khủng khiếp.

Chúng tôi phải làm đường và trải nhựa đường trong suốt cả tháng 5. Tôi phải làm việc dưới trời nắng cả ngày và da của tôi bị tróc ra. Tôi bị mất nhiều cân tới mức đến cuối tháng, tôi hầu như không còn trông ra bản thân mình nữa.

Giống như nhiều tù nhân ở đó, tôi bị ghẻ toàn thân, vừa ngứa vừa đau, đôi khi máu rỉ cả ra ngoài. Thậm chí khi tôi có nhọt ở mông, tôi vẫn bị buộc phải ngồi trên những cái ghế nhỏ. Nếu bất kỳ ai bị phát hiện hơi vặn người chút xíu, người đó sẽ bị đánh.

Cơ thể tôi bắt đầu bị phù thũng và càng ngày càng nặng hơn. Giai đoạn cuối ở trong trại lao động cưỡng bức, tình trạng phù thũng tệ tới mức tôi không thể đi lại mà không có sự trợ giúp. Gia đình tôi nhiều lần tới gặp các nhân viên của trại; cuối cùng họ đã đồng ý thả tôi ra.

Lại bị bắt

Năm 2008, lấy cớ duy trì an ninh cho Thế vận hội Bắc Kinh, Giang và tay chân của ông ta đã điên cuồng bắt giữ rất nhiều học viên. Các đồn cảnh sát địa phương nhận chỉ tiêu từ bên trên đối với số học viên mà họ phải bắt giữ.

Cảnh sát từ Sở cảnh sát Đức Huệ và Sở cảnh sát Trường Xuân tới lớp học của tôi và bắt tôi giữa một buổi học vào tháng 3 năm 2008. Tôi bị đưa tới Sở cảnh sát Đức Huệ. Sau đó cảnh sát đã đột nhập vào nhà tôi và tịch thu máy tính, máy in, các sách Đại Pháp, và các tài liệu giảng chân tướng về Đại Pháp.

Chiều hôm đó, tôi bị tống vào một xe cảnh sát với hai tay bị còng và đầu bị trùm bằng một túi ni-lon đen. Tôi có thể cảm thấy xe đang chuyển động, nhưng không biết là chúng tôi đang đi đâu. Điều tôi có thể đoán là chúng tôi đã chạy trên đường nhựa rất lâu, sau đó xe chúng tôi lắc lư trên đường đất một thời gian còn lâu hơn nữa, và cuối cùng thì ô tô dừng hẳn lại.

Khi họ gỡ túi nhựa ra khỏi đầu tôi, trời đã gần tối. Tôi đang đứng giữa một cái sân, xung quanh là bốn bức tường rất cao, gần đó có vài tòa nhà cũ nát.

Một đợt tra tấn

Trong một căn phòng trống và rộng giống như nhà kho, tôi buộc phải ngồi trên một cái ghế cũ dựa vào một cột xi măng. Phần thân trên của tôi và lưng ghế bị trói vào cột, hai tay của tôi bị trói ra sau lưng.

Trong ánh sáng mờ nhạt, tôi thấy một người bước về phía mình, ông ta đổ nước lạnh xuống gáy của tôi. Suốt đêm hôm đó ông ta đã lặp lại nhiều lần như vậy. Tôi nhớ là ông ta đã hỏi: “Mày đã quyết định chưa? Mày có biết cái gì đang diễn ra không?”

Quần áo của tôi đẫm nước và tôi rét run vì lạnh. Tôi có thể nghe thấy tiếng chó sủa từ xa.

Ngày hôm sau tôi bị đưa tới một căn phòng khác, tôi thấy có nhiều người đang chơi bài và làm ồn. Từ cuộc nói chuyện của họ, tôi thu được thông tin họ là cảnh sát làm việc ở đó. Họ nói rằng ông Khương Xuân Hiền từ Thành phố Đức Huệ đã bị tra tấn tới chết ở đó.

Tôi bị cùm chân và bị đưa tới một căn hầm to và trống trơn với nhiều cột lớn. Cảnh sát biết rằng học viên Đại Pháp không uống rượu hay hút thuốc. Để hành hạ tôi, họ đã cài một điếu thuốc lá đã châm lửa vào mũi tôi và đổ một nửa chai rượu mạnh xuống cổ họng tôi.

Sau cùng, họ đánh tôi bằng ba-ton điện. Họ lột hết quần áo tôi, một mặt họ đổ nước lạnh vào người tôi, mặt khác họ dùng những tấm bìa quạt vào người tôi. Tôi đã lạnh run tới mức gần ngã gục.

Ba năm trong tù

Chiều hôm đó, cảnh sát đưa tôi trở lại thành phố Đức Huệ và giữ tôi trong một trại tạm giam vào buổi đêm. Sau đó tôi bị tuyên án ba năm tù giam và phải thi hành án tại nhà tù Thạch Lĩnh ở thành phố Tứ Bình từ năm 2008 tới năm 2010.

Khi tôi mới tới nhà tù Thạch Lĩnh, một lính canh thấp bé đã hỏi tôi liệu tôi có biết điện châm là gì không. Anh ta nói tôi sẽ nếm mùi điện châm nếu tôi không từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp.

Trưởng khu Hàn Cảnh Quân là tàn ác nhất trong số tất cả lính canh. Một lần ông ta đã tát vào mặt tôi mạnh tới mức một tai của tôi bị điếc suốt một tháng. Đêm hôm đó Hàn Cảnh Quân đưa tôi tới phòng vệ sinh, và bảo tôi viết xuống những gì tôi nghĩ về Pháp Luân Đại Pháp. Một vài lính canh khác đứng bên cạnh và sẵn sàng tấn công tôi.

Một đêm không lâu sau khi tôi tới nhà tù, tôi nghe thấy tiếng đánh đập trong phòng tắm ở tầng một và nó kéo dài trong nhiều giờ liền. Sau đó, tôi được biết rằng ông Đổng Phượng Sơn đã bị đánh tới chết vào đêm đó. Một lần trong khi tắm, tôi thấy ông Cao Duy Hỉ, một huấn luyện viên môn khúc côn cầu trên băng đã 70 tuổi, lưng của ông đầy vết thương bầm tím.

Một lần, ông Vương Học Châu bị phát giác đã giấu những mẩu giấy với thông tin Đại Pháp dưới giường của ông ấy. Ông ấy đã bị ông Hàn đánh tới mức mặt và quần áo của ông ấy dính đầy máu. Sau này ông Vương Học Châu đã bị tra tấn tới chết ở trong tù.

Công việc trong khu giam giữ chúng tôi chủ yếu là chạy máy khâu. Để đủ chỉ tiêu, chúng tôi phải làm từ 6 giờ sáng tới 6 giờ tối, và đôi khi còn phải làm thêm giờ.

Vào ngày tôi được thả ra năm 2010, tôi đã nộp một bản tuyên bố cho quản giáo, tuyên bố rằng mọi điều tôi đã nói hoặc làm mà không phù hợp với Pháp đều là vô hiệu. Tôi bị đưa tới một văn phòng ở tầng hai và bị trưởng khu gây sốc bằng ba-ton điện trong khi bị một quản giáo đấm liên tục vào người.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/2/10/342879.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/3/9/162438.html
Đăng ngày 21-4-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share