Bài viết của một học viên ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 4-1-2017] Thời gian còn lại của giai đoạn Chính Pháp rất hữu hạn, tuy vậy tôi vẫn không biết trân quý và sử dụng tốt thời gian vô giá mà Sư phụ đã kéo dài ra cho tôi. Tôi muốn chia sẻ với các đồng tu những trải nghiệm trong tu luyện gần đây của mình.
Không cần biện bạch vì Sư phụ thấy được [cái tâm của] tôi
Một ngày, tôi có một cuộc tranh luận qua điện thoại với cha mình, một người không tu luyện, về việc tìm một vật dụng mà tôi cần gấp. Tôi đã nhờ cha tìm hộ tôi ở nhà. Sau đó, tôi phàn nàn với mẹ, một học viên, rằng tôi bị đối xử bất công. Ngạc nhiên thay, bà nhanh chóng đổi hướng câu chuyện và bắt đầu khiển trách tôi. Trước khi gác máy, bà nói: “Cha của con đã tìm khắp nơi và không tìm thấy. Con còn muốn ông ấy làm gì cho con nữa?“
Tôi đã khóc khi đặt điện thoại xuống. Tôi không ngừng tranh cãi với bà trong tâm rằng: “Mẹ có hai thứ sai. Thứ nhất, cha bảo con rằng cha đã tìm khắp nơi chỉ trừ một chỗ. Và có lẽ là nó nằm ở chỗ đó. Thứ hai, vì con cần thứ đó rất gấp, nên con đã quyết định đi mua một cái mới. Chính cha là người khuyên con phải tiết kiệm tiền và cha đã tự đi tìm. Ngay từ đầu, đó chính là nguồn gốc sinh ra cuộc tranh cãi.”
Tôi không thể hình dung ra tại sao mẹ tôi, cũng là một học viên, lại không nhìn ra đúng sai trong chuyện này. Sự oán hận và nỗi bất bình cứ sôi sục trong đầu tôi. Tuần sau đó, mặc dù tôi vẫn về thăm cha mẹ như bình thường, nhưng tôi kiệm lời và không nói bất cứ điều gì vui vẻ với họ. Tôi nhận ra rằng đây là lúc tôi cần đề cao tâm tính của mình.
Trước đây tôi hiếm khi thừa nhận những sai lầm của mình. Tôi thường đưa ra lý do này kia: “Lần này lỗi thực sự không phải là do mình. Có lẽ lần sau mình sẽ hướng nội.” Như thế tôi hình thành một thói quen tập trung vào những thiếu sót của người khác.
Khi tôi suy ngẫm về điều đó, một tình huống khác lại xuất hiện trong đầu. Tôi thường ăn trưa tại nhà ăn của trường. Một ngày kia khi tôi ra khỏi sảnh nhà ăn sau khi mua đồ ăn trưa xong, nhân viên thu ngân không để tôi đi vì anh không nhớ rằng tôi đã trả tiền cho anh nên cứ khăng khăng đòi tôi phải trả thêm một lần nữa.
Tôi tức giận và nghĩ rằng: “Mình không quan tâm đến việc phải trả thêm vài nhân dân tệ nữa. Nhưng nếu mình trả, thì không phải là mình thừa nhận rằng mình đang bỏ đi mà không trả tiền sao?” Cuối cùng, tôi đã chiến thắng trong cuộc tranh luận nhưng sau đó lại cảm thấy vô cùng hối tiếc. Nhìn lại, tôi cười nhạo bản thân mình: “Tại sao mình luôn phải chứng minh bản thân mình với người khác? Sư phụ thấy được cái tâm của mình. Không phải đó là tất cả những gì mình cần hay sao?“
Tôi nhận ra rằng mình có một chấp trước ngoan cố trong việc chứng tỏ bản thân và chính lại bất kỳ hành vi sai trái nào mà tôi cho là chống lại tôi. Lần này tôi quyết định tự chủ bản thân và không giải thích. Sư phụ đã dạy chúng ta:
“Nan Nhẫn năng Nhẫn, nan hành năng hành”. (Chuyển Pháp Luân)
Mặc dù đã quyết định như vậy, những cảm xúc tiêu cực của sự bất bình và căm phẫn vẫn nổi lên khi tôi ngồi xuống luyện công. Cảm giác như thể chấp trước mạnh mẽ của tôi sắp mang tôi đến trước mặt mẹ và chúng tôi sẽ có một cuộc tranh cãi nảy lửa ngay lúc đó. Tôi nhớ lại lời giảng của Sư phụ:
“Việt tưởng giải thích tâm việt trọng
Thản đãng vô chấp xuất minh kiến”
(Thiểu biện, Hồng Ngâm III)
Tạm dịch:
“Càng giải thích nhiều tâm càng nặng
Cởi chấp mở lòng sáng trong tim”
Khi tôi thật sự nỗ lực chiểu theo lời giảng của Sư phụ, đột nhiên mọi thứ lắng xuống như thể chẳng có gì xảy ra cả. Không khí trong gia đình hòa thuận trở lại. Cả cha mẹ và tôi đều không nhắc lại chuyện tranh luận này nữa.
Từ lâu tôi biết mình nên nghe lời Sư phụ. Không phẫn nộ [quả là] rất khó nhẫn chịu. Đúng hay sai trong mắt người thường chẳng đáng để người tu luyện phải quan tâm. Buông bỏ tâm chấp trước của chúng ta trong tu luyện là điều quan trọng hơn.
Ngoài thời gian, chúng ta còn muốn gì nữa đây
Là người tu luyện, tất cả chúng ta đều phải biết rằng chúng ta không nên tham gia đầu cơ cổ phiếu. Sư phụ đã dạy chúng ta rằng:
“Có người chơi cổ phiếu khuynh gia bại sản, chư vị có biết đó là mùi vị gì không? Người tu luyện tuyệt đối không được làm những chuyện này, tâm đó tu thế nào đây!” (Chuyển Pháp Luân Pháp giải • Trả lời câu hỏi tại buổi giảng Pháp tại Tế Nam)
Tuy nhiên, trong một tình huống bất thường, tôi không hiểu sao mình lại dính vào chuyện này. Đây là những gì đã diễn ra.
Chồng tôi và tôi có một số tiền dư và quyết định để riêng ra cho những việc cần dùng trong tương lai. Giữa việc gửi tiết kiệm với lãi xuất 3% một năm và đầu tư vào những sản phẩm tài chính khác với lãi xuất 4% một năm, tôi đã chọn cái thứ hai vì lợi nhuận cao hơn để bù đắp lạm phát của đồng nhân dân tệ.
Lúc đó, tôi không nhận ra rằng chấp trước vào lợi ích cá nhân của mình sẽ mang đến rắc rối. Sư phụ giảng:
“Miễn là chư vị có, thì cần phải vứt bỏ tại các chủng hoàn cảnh [khác nhau]. [Sẽ] làm cho chư vị trượt ngã, từ đó mà ngộ Đạo; tu luyện là như thế.” (Chuyển Pháp Luân)
Cố vấn tài chính của chúng tôi đã đầu tư tiền của chúng tôi vào một số quỹ liên quan đến cổ phiếu, mặc dù tôi đã nói rõ với anh rằng đừng đụng đến cổ phiếu. Khi tôi phát hiện ra cách anh đã đầu tư tiền của chúng tôi thế nào, tôi rất sửng sốt. Nhưng chúng tôi không thể rút tiền về được và phải chờ cho đến khi quỹ đó đến kỳ hạn thanh toán.
Trong khi những quỹ đầu tư này lên sàn chứng khoán, tôi đã liên tục theo dõi giá cổ phiếu và việc luyện công học Pháp hàng ngày của tôi đã bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Trải nghiệm của tôi đã thật sự chứng thực điều Sư phụ đã dạy chúng ta:
“…đó là “chơi” cổ phiếu, hàng ngày đều xem sự lên xuống của bảng giá, tâm rõ là bị nó đưa lên lôi xuống, (mọi người cười) thì chư vị tu luyện làm sao? Không tu luyện được, tâm chư vị đặt hết cả vào cổ phiếu thì còn tu thế nào?” (Giảng Pháp tại Pháp hội San-Francisco năm 2005)
Tôi biết suy nghĩ của mình không đúng và đã quỳ xuống trước ảnh của Sư phụ: “Sư phụ, con sai rồi. Con đã bị lừa dối vì tâm chấp trước vào lợi ích cá nhân. Nó không phải là việc ngẫu nhiên. Con sẽ hướng nội sâu để tìm ra tâm chấp trước của mình và sẽ gạt mình ra khỏi tất cả mọi quỹ có liên quan đến đầu cơ cổ phiếu ngay khi có thể. Trong khi chờ đợi, con sẽ ngừng theo dõi biến động giá cả. Tất cả mọi thứ con có đều từ Sư phụ. Và con sẽ phó thác mọi thứ theo an bài của Sư phụ.”
Khi hướng nội tôi phát hiện ra tâm chấp trước vào tiền và lợi ích cá nhân mà tôi nghĩ rằng nó đã không còn nữa. Mặc dù tôi không mong muốn được trở thành triệu phú, nhưng tôi thích tận hưởng mức sống cao. Mặc dù không ngần ngại cho người ăn xin trên đường tiền, nhưng tôi lại thích mua đồ giảm giá, trong trường hợp có bất kỳ lỗi nhỏ trên sản phẩm, tôi sẽ yêu cầu giảm giá hoặc đổi cái khác.
Mặc dù thể hiện sự tôn trọng và chu cấp cho bố mẹ hai bên, nhưng khi đó là mẹ chồng của tôi thì tôi không thực sự tự nguyện và sẵn sàng. Mặc dù hiểu rằng nguồn tài chính của các học viên là để sử dụng cho Đại Pháp, nhưng tôi vẫn muốn hiển thị và thậm chí còn cảm thấy đấu tranh hết lần này đến lần khác khi đề cập đến lợi ích cá nhân.
Một việc khác gần đây cũng xuất hiện trong đầu tôi. Chúng tôi mua một căn hộ mới và sau đó phát hiện ra nó có chút vấn đề liên quan đến xây dựng. Tôi đã hào hứng tham gia cùng những người hàng xóm để phản đối và yêu cầu công ty xây dựng bồi thường. Tôi đã hành động bằng tâm chấp trước vào lợi ích cá nhân rất mạnh dưới chiêu bài quyền lợi của người mua.
Trong thời cổ đại, những người tu luyện phải sống trong các hang động xa xôi và từ bỏ cuộc sống người thường của mình. Ngày nay tôi đã có nhiều nhà, tuy nhiên tôi vẫn không hài lòng và trở nên tức giận khi có chút tụt dốc trong chất lượng sản phẩm. Thật là một sự tương phản! Rõ ràng là tôi đã không xem mọi thứ trong cuộc sống của mình như là một phần của môi trường tu luyện quý giá.
Tôi biết rằng mình đã làm Sư phụ thất vọng. Kể từ lúc mà tôi có thể nhớ được, suốt cuộc đời của mình, tôi đã cảm thấy có một lực lượng đặc biệt đang bảo vệ tôi. Sau khi tu luyện Đại Pháp, Sư phụ đã cấp cho tôi rất nhiều, gồm một môi trường học Pháp thoải mái, sức khoẻ hoàn hảo, một gia đình rất ít khi can nhiễu đến việc tu luyện Đại Pháp của tôi và [an bài cho tôi tham gia] các hạng mục Đại Pháp phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình.
Sư phụ đã lo lắng cho tu luyện của tôi và an bài cho tôi chịu trách nhiệm sản xuất tài liệu giảng chân tướng cho các học viên ở địa phương. Trong thời điểm hiện tại của Chính Pháp, tôi còn có thể xin gì hơn nữa ngoài thêm thời gian để cứu người? Tôi biết mình đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng trong việc xử lý việc đầu tư liên quan đến đầu cơ cổ phiếu.
Khi đang viết bài chia sẻ này, chỉ còn một vài tuần nữa trước khi tôi có thể lấy lại tiền từ các quỹ đầu tư. Cả cố vấn tài chính lẫn chồng tôi đã cố gắng hết sức để thuyết phục tôi đừng rút tiền ra và cứ để tiền trong quỹ một thời gian dài sẽ kiếm được một khoản lớn hơn. Tôi hoàn toàn không bị động tâm vì lợi nhuận tiềm năng và kiên định với quyết định từ bỏ của mình, vì tôi biết mình phải chiểu theo lời giảng và an bài của Sư phụ.
Ghi nhớ các ưu điểm và hành động tốt của người khác
Gần đây, tôi có đọc một bài chia sẻ kinh nghiệm của một đồng tu và nó đã khiến tôi xúc động sâu sắc. Tác giả nói về việc anh ấy cảm thấy rằng Chân tương đối dễ thực hiện được hơn là Thiện và Nhẫn như thế nào. Sau đó anh ấy xin Sư phụ điểm hóa thêm cho anh. Vì vậy, Sư phụ đã tiết lộ cho anh ấy thấy một cảnh trong quá khứ.
Vào thời Trung Hoa cổ đại, có hai anh em đã chiến đấu cùng nhau trên chiến trường. Người em trai đã viết xuống những thiếu sót và việc làm sai trái của anh mình trên cát nhưng lại khắc những ưu điểm và hành động tốt của anh trai mình lên đá. Do đó, người em trai đã lưu danh mặt tốt của anh mình, điều đó đã góp phần trực tiếp vào nỗ lực chung của họ trong cuộc chiến chống lại kẻ thù, và cuối cùng họ đã chiến thắng.
Qua ví dụ này, tôi nhận ra rằng khi chúng ta luôn ghi nhớ công đức của người khác, thì tự nhiên chúng ta sẽ từ bi. Đổi lại, chúng ta cũng sẽ tự ước thúc bản thân mình chiểu theo nguyên tắc Nhẫn. Khi tôi cẩn thận nhìn lại những việc làm và đức tính tốt của chồng, mẹ chồng, đồng nghiệp, người thân và bạn bè, tâm tôi trở nên nhẹ nhàng và vui vẻ. Nhiều gánh nặng từ những cảm giác khó chịu trước đây đã rơi rụng đi. Tôi xem trọng nó đến nỗi khi ngủ tôi vẫn còn nghĩ về nó. Một ngày kia khi thức dậy, lời giảng của Sư phụ đã vang lên trong tai tôi:
“Ông [Sư phụ] diễn hoá đức của chư vị trở thành công, tăng trưởng thẳng lên dưới dạng xoáy ốc.” (Chuyển Pháp Luân)
Tôi nên làm tốt hơn để đáp ứng mong đợi của Sư phụ
Tôi muốn được mô tả lại một cảnh mà tôi đã nhìn thấy trong một giấc mơ cách đây vài ngày. Trong mơ tôi thấy mình đang tham gia một cuộc thi. Cuộc thi là về vẽ tranh nước và điêu khắc bằng đất sét.
Ngay khi cuộc thi bắt đầu, giám thị hướng dẫn cho các thí sinh bắt đầu phần phác họa trước và sau đó mới dùng màu tô lên bản phác họa. Trong đầu tôi có chút hồ nghi và tự nhủ: “Có nên gắn giấy vào khung hình trước khi tô màu không?”
Thi sinh khác bảo tôi: “Hãy làm như tôi đã bảo.” Vì tôi do dự, thời gian trôi qua rất nhanh và những thí sinh khác đã hoàn tất nửa bản vẽ của họ trong khi tôi chỉ mới bắt đầu. Cuối cùng, tôi đã phải hộc tốc và hoàn tất bức tranh của mình một cách vội vàng trước khi nộp lại. Người giám thị nhìn thấy tôi vội vàng nên đã động viên tôi: “Vẫn còn môn điêu khắc nữa. Em vẫn còn có cơ hội để làm tốt.” Tôi đã gật đầu.
Trong phần thi kế tiếp, tôi nhìn vào phần đất sét có màu trước mặt mình và không biết phải bắt đầu từ đâu. Vì thế tôi liếc nhìn xung quanh xem người khác đang làm gì. Giám thị đã lo lắng và giục tôi: “Em phải nhanh lên”.
Tôi đáp lại: “Không cần phải vội vàng. Để em xem người khác làm trước.” Vì thế một nửa thời gian đã trôi qua. Dưới sự thúc giục liên tục của giám thị, cuối cùng tôi đã bắt đầu phần điêu khắc của mình. Nhưng đã quá trễ và tôi không thể hoàn tất phần thi của mình đúng giờ. Tôi đã xin giám thị: “Em lại không có đủ thời gian. Có thể cho em xin thêm một ít thời gian nữa được không?” Vị giám thị nói với vẻ nghiêm nghị: “Em có thể có thêm thời gian nhưng không lâu. Em phải nhanh lên.”
Sau cuộc thi, giám thị chọn riêng tác phẩm của tôi để xem lại. Ông ấy chỉ vào tác phẩm của tôi, lắc đầu và nói rằng: “Sao em có thể làm tệ như vậy! Em có thể làm tốt hơn.” Tôi đã rất buồn và đồng thời cảm thấy sự kỳ vọng và thất vọng hoàn toàn của vị giám khảo. Tôi liên tục nói đi nói lại: “Em đã cố gắng hết sức nhưng không có đủ thời gian. Lần sau em sẽ không làm như vậy nữa.” Tuy nhiên không có lần sau và tôi bừng tỉnh khỏi giấc mơ.
Tôi biết Sư phụ đang điểm hoá cho tôi rằng mọi thứ Ngài yêu cầu chúng ta làm là có ý giúp chúng ta thiết lập uy đức và viên mãn thế giới của mình. Tuy nhiên tôi đã xem nó bằng tư duy của con người. Khi điều gì đó phù hợp với quan niệm người thường của mình, tôi sẽ làm; và thậm chí sau đó, tôi sẽ làm nó theo cách của con người, lãng phí thời gian quý báu và gây thiệt hại cho Chính Pháp. Khi Sư phụ liên tục thúc giục tôi và cho tôi thêm thời gian, tôi vẫn tiếp tục trì hoãn và không trân quý sự khích lệ và mong đợi của Sư phụ.
Đây là những trải nghiệm và thể ngộ trong tu luyện gần đây của tôi. Tôi viết ra một phần là để nhắc nhở bản thân và kịp thời chính lại những sai phạm của mình. Mỗi khảo nghiệm là một cơ hội mà Sư phụ đã an bài cho chúng ta và nó là để chúng ta đề cao. Nếu chúng ta bỏ lỡ, khảo nghiệm sẽ không quay lại nữa. Vì thế hãy trân quý những an bài của Sư phụ cũng là trân quý những cơ hội trong tu luyện của chính chúng ta.
Xin các đồng tu vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/1/4/340414.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/1/17/161159.html
Đăng ngày 15-2-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.