Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 1-10-2016] Lương Cẩm Phong (hóa danh là Xinxin) vẫn còn nhớ thời khắc lúc mẹ em để em lại nhà của ông bà vào một buổi chiều thứ Sáu lúc cậu bé mới chỉ ba tuổi.
Mẹ em đã bảo sẽ đón em vào ngày hôm sau. Nhưng phải đến tám tháng sau em mới được gặp lại cha mẹ của mình lúc họ bị xét xử vì kiên định đức tin của mình vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện tinh thần đang bị chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại.
Cuộc đời của Xinxin đã thay đổi kể từ buổi chiều thứ Sáu đó. Giờ đây em đã bước sang tuổi thứ chín và đang sinh sống cùng với bà của mình bên ngoài Trung Quốc.
Xinxin đang luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công
“Bố mẹ ơi mở cửa cho con!”
Ngày 20 tháng 8 năm 2010, mẹ của Xinxin đã để em lại nhà bà ngoại của em. Hai ngày trôi qua mà chưa thấy mẹ quay trở lại đón, em đã rất lo lắng. Sáng sớm hôm sau, Xinxin cùng với bà của em đã đi hai giờ đồng hồ đến nhà của bố mẹ em tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.
Họ thấy có một chiếc khóa mới trên cửa trước cùng với một giải băng cảnh báo.
Xinxin nghĩ rằng bố mẹ em đang ở trong nhà và cứ liên tục gọi: “Bố ơi, Mẹ ơi, mở cửa cho con! Con đã về đây này!”
Bà của em biết rằng đã có chuyện không hay xảy ra và đã cố thuyết phục em rời đi, nhưng cậu bé vẫn tiếp tục đập cửa và hét lên: “Con nhớ bố mẹ lắm, mở cửa cho con đi!”
Xinxin và bà đã đi đến đồn cảnh sát địa phương và biết rằng bố mẹ của em đã bị bắt, nhà của họ đã bị lục soát vào đêm trước đó.
Sau đó, Xinxin đã khóc suốt cả ngày và cứ bắt bà đưa em về nhà để tìm bố mẹ. Một đứa trẻ vui vẻ hiếu động đã trở nên trầm lặng, hay cáu kỉnh và khó gần.
Bị giáo viên ở trường hành hung
Bà ngoại của Xinxin tên là La Kim Phượng, không có khoản thu nhập nào cả. Để cứu con gái cùng con rể, người phụ nữ cao niên này đã phải mất nhiều ngày tới tòa án, đồn cảnh sát, và văn phòng viện kiểm sát. Bà cũng đã cố tìm luật sư bào chữa cho trường hợp của con gái mình.
Với mọi việc đang diễn ra, bà đã không có thời gian để chăm sóc cho Xinxin. Vì thế bà đã gửi em đến nhà trẻ.
Tuy nhiên, tại nhà trẻ, Xinxin không được vui. Cậu bé khóc cả ngày.
“Con nhớ bố mẹ lắm,” cậu bé mếu máo nói với thầy giáo. “Con sợ bố mẹ con không muốn có con nữa. Con sợ bà cũng không còn muốn có con nữa.”
Một lần, giáo viên của cậu đã trở lên rất cáu giận vì Xinxin cứ khóc mãi. Ông đã tát vào mặt Xinxin và quát mắng cậu bé.
Một lần khác, Xinxin không làm tốt trong một cuộc thi. Người giáo viên cũng tức giận và lại tát vào mặt cậu bé. Xinxin vẫn còn nhớ sự việc này sau nhiều năm.
“Thầy giáo đánh đau quá!” Cậu bé đã khóc trước các bạn cùng lớp. Nhưng người giáo viên này của cậu vẫn không thông cảm.
“Nó là con của một tên phản cách mạng! Nó đáng bị như thế,” giáo viên của cậu nói trước các học sinh khác.
Sợ lại bị đánh và la mắng, Xinxin đã nghỉ học sau hai tháng đi nhà trẻ.
Bố mẹ đã trở về, nhưng cuộc sống không được bình thường nữa
Tám tháng sau ngày bố mẹ bị bắt, cuối cùng Xinxin cũng đã có thể gặp lại được họ tại một phiên điều trần ngày 29 tháng 4 năm 2011. Lúc cậu bé nhìn thấy đôi tay bị còng của mẹ mình, cậu đã cố để mở nó ra. Cậu bé ôm lấy chân của cha mình và không để cho ông rời đi.
Mẹ của Xinxin bị kết án hai năm tù và ba năm tại ngoại. Bà đã được thả ra vào tháng 4 năm 2012.
Tuy nhiên, mọi chuyện không trở lại như bình thường với gia đình của Xinxin sau khi mẹ cậu bé được thả ra. Mẹ của Xinxin, bà La Tiểu Quyên, đã bị tra tấn nghiêm trọng trong trại giam. Vài lần bà đã bị ngất xỉu vì bị bức thực và được đưa tới bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.
Một thời gian dài sau khi được về nhà, bà không thể nhớ nổi nhà mình ở đâu và mình vừa làm xong những gì.
Để kiếm sống, bà của Xinxin và mẹ của cậu bé đã quyết định mở một cửa hàng gia dụng. Nhưng vừa mới mở thì cửa hàng đã bị trộm vào lấy đồ. Trong một tháng, những tên trộm đã ba lần lấy mất điện thoại, tiền và chứng minh thư của mẹ Xinxin. Dì của Xinxin cũng bị cướp giật mất đồ trên đường đi làm về.
Không thể tiếp tục mở cửa hàng được nữa, gia đình họ đã chuyển về Huyện Phiên Ngung. Nhưng họ đã sớm phát hiện ra rằng họ đang bị cảnh sát theo dõi. [Cảnh sát đã phá cửa xông vào] nhà của họ vài lần.
Để tránh bị cảnh sát địa phương sách nhiễu, gia đình họ đã phải chuyển nhà đến bảy tám lần. Thông thường, cứ vừa quen được một trường học, gia đình em lại phải chuyển đi nơi khác.
Vào tháng 8 năm 2013, bố của Xinxin đã được ra tù sau ba năm chịu án. Ông đã bị chứng cao huyết áp và dị ứng da. Ông đã bị tổn thương nghiêm trọng và lo sợ rằng những người thân của ông sẽ bị giống như ông.
Khi ông thấy bà ngoại của Xinxin luyện Pháp Luân Công, ông bảo bà dừng lại và nói: “Mẹ sẽ bị đi tù đấy!” hoặc “Mẹ sẽ bị sốc dùi cui điện đấy!” và “Mẹ sẽ mất đi gia đình của mình đấy!”
Khi thấy Xinxin đọc sách của Pháp Luân Công, ông đã tát và mắng cậu: “Con không được phép luyện Pháp Luân Công!”
Tới miền đất tự do
Xinxin khóc và nói với bà của mình rằng cậu không muốn ở trong cái nhà này nữa.
Cậu nói: “Không chỉ có họ [bố và mẹ] đang bị bức hại mà cháu cũng bị bức hại nữa! Cháu sợ lắm! Cháu đã mất đi người cha người mẹ mà cháu biết rồi!”
Được con gái và con rể đồng ý, bà của Xinxin đã đưa em ra nước ngoài sinh sống, nơi mà bà cùng cậu cháu trai của mình có thể tự do luyện tập Pháp Luân Công mà không phải lo sợ nữa.
Tranh của Xinxin( Những chữ trên áo phông là “Pháp Luân Đại Pháp hảo”)
Vào tháng 6 năm 2015, bà của Xinxin đã khởi kiện Giang Trạch Dân – cựu lãnh đạo độc tài của ĐCSTQ vì đã gây ra những tổn thất mà gia đình bà đã phải chịu đựng. Xinxin cũng đã ký tên của mình vào đơn khởi kiện.
Bối cảnh
Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là lãnh đạo ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ khác của Bộ Chính trị, đã phát động cuộc đàn áp bạo lực đối với Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì đức tin của mình và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc bức hại tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo của cá nhân Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/10/1/335514.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/10/17/159572.html
Đăng ngày 25-11-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.